Chuyển đổi số và chuyện từ chiếc thẻ căn cước công dân gắn chip
Ngày 9/10, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC VỀ TTXH), Bộ Công an đã thay mặt đơn vị đến nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam- Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ.
Giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cho hoạt động ngân hàng của đơn vị đã đạt giải tại hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Đây là sự ghi nhận của cơ quan chuyên môn với lực lượng Công an trong việc giúp người dân được hưởng nhiều tiện ích hơn khi sử dụng CCCD gắn chíp, góp phần xây dựng công dân số…
1. Ngân hàng vốn được là lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Trong khi đó thẻ CCCD gắn chip được áp dụng những công nghệ tiên tiến của Việt Nam và thế giới, mang lại lợi thế về tính chống làm giả, xác thực quan hệ sở hữu giữa thẻ và người sử dụng thẻ, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin nhân thân cần thiết cho các nghiệp vụ ngân hàng. Trong đó người dân sử dụng các loại thẻ ATM của ngân hàng để rút tiền đang ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù các ngân hàng đầu tư tăng cường các công nghệ bảo mật song vẫn tồn tại một số nhược điểm. Rất nhiều khách hàng sử dụng thẻ ATM tại các ngân hàng trong nước để dễ nhớ thường để mật mã thẻ là như ngày tháng năm sinh, hay dãy số đơn giản...
Tuy nhiên, chính điều này cũng tạo ra lổ hổng lớn cho kẻ gian lợi dụng khi có được thẻ ATM của khách hàng tận dụng. Kẻ gian có thể dễ dàng dò được mật mã, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân. Không chỉ vậy, khi mất thẻ ATM, khách hàng sẽ phải tới trực tiếp chi nhánh ngân hàng thực hiện thủ tục cấp lại thẻ.
Điều này vừa gây ra tốn kém thời gian và tiền bạc vừa gây khó chịu với người dân. Từ thực tế trên, các cán bộ Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã nảy ra ý tưởng về việc tích hợp một chức năng như thẻ ATM ngân hàng cho CCCD gắn chip.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã triển khai các giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chip cho nhiều ngân hàng trong cả nước.
Giải pháp này có các dịch vụ chính gồm: Ứng dụng MOC (xác thực trên chip) của thẻ CCCD cho việc xác thực chủ sở hữu thẻ giúp xác thực thông tin giúp khách hàng nâng cao an toàn trong giao dịch cũng như bảo mật thông tin khách hàng; Công cụ lập trình ứng dụng cho phép tích hợp chứng thực ký số trên thẻ với ứng dụng mobile banking của các ngân hàng hỗ trợ các đơn vị xác thực mở tài khoản mà không cần khách hàng phải tới trực tiếp; Tích hợp thiết bị xác minh phục vụ rút tiền tại các quầy ATM qua đó người sử dụng có thể rút tiền tại cây ATM bằng CCCD gắn chip. Cụ thể với việc ứng dụng giải pháp này, các ngân hàng sẽ rút ngắn được thủ tục cấp mới hay cấp đổi thẻ ATM cho khách hàng vì dữ liệu khách hàng đã sẵn có thông qua thẻ CCCD gắn chip.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh chia sẻ trong một số trường hợp, khách hàng cần cấp thẻ ATM không phải trực tiếp tới ngân hàng để làm thủ tục, qua đó tăng cường sự tiện lợi với người dân khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip. Một trong những tiện ích lớn nhất mà giải pháp này mang lại chính là sự tiện lợi khi người sử dụng chỉ cần mang thẻ CCCD gắn chip thay vì nhiều thẻ ATM như trước đây.
2. Là giải pháp được một đơn vị thuộc Bộ Công an đưa ra nên ứng dụng thẻ CCCD gắn chip cho hoạt động ngân hàng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe về an toàn và bảo mật thông tin của Bộ Công an. Khi bắt tay vào thực hiện, cán bộ chiến sĩ của Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cũng như Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cũng gặp những khó khăn nhất định bởi đây là một giải pháp mới tại Việt Nam, quá trình nghiên cứu và thử nghiệm cũng gặp nhiều vướng mắc về kĩ thuật, hệ thống phần hạ tầng và phần mềm của các ngân hàng được triển khai đôi khi chưa đáp ứng và phải điều chỉnh để phù hợp.
Để đưa giải pháp trên vào thực tiễn, các cán bộ Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư phải tiến hành từng bước, từ việc khảo sát hạ tầng cở sở của từng ngân hàng chấp thuận sử dụng giải pháp trên, sau đó xây dựng lộ trình cho từng đơn vị. Nguyên nhân của việc này bởi hệ thống dữ liệu khách hàng của mỗi ngân hàng có sự khác biệt nhất định, phần cứng, đặc biệt là các thiết bị ATM của mỗi ngân hàng cũng không giống nhau dẫn tới việc tích hợp dữ liệu dân cư và dữ liệu của ngân hàng cũng nảy sinh những khó khăn. Công nghệ sinh trắc học đòi hỏi không chỉ có camera trên các cây ATM mà còn cần cả phần mềm nhận diện đi theo kèm nên việc tích hợp cần có những phương pháp riêng cho từng hệ thống. Ngoài ra, việc một khách hàng sử dụng nhiều thẻ ATM của nhiều ngân hàng khác nhau cũng là tình huống được đội ngũ xây dựng giải pháp của Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư phải tính đến khi bắt tay vào thực hiện dự án này.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hiện giải pháp do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư xây dựng đang được triển khai tại nhiều ngân hàng lớn trong cả nước như: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank... cũng như nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng và các đơn vị sử dụng.
"Bất kỳ một người dân nào có tài khoản ngân hàng và CCCD gắn chip đều có thể sử dụng các thiết bị ATM tích hợp ứng dụng này", Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh cho biết.
Ngoài sự tiện lợi, giải pháp này cũng góp phần hạn chế tình trạng “mất thẻ dẫn tới mất tiền” bởi các biện pháp bảo mật hiện đại được áp dụng.
Theo đó, công nghệ nhận diện sinh trắc học sẽ phát hiện người thực hiện hoạt động rút tiền tại thiết bị ATM có thực sự là chủ nhân của thẻ CCCD gắn chip hay không. Nếu không có sự trùng khớp giữa dữ liệu sinh trắc trên thẻ CCCD gắn chip và người sử dụng thẻ thì thiết bị ATM sẽ không cho rút tiền.
"Kẻ gian dù có CCCD gắn chip của người khác cũng không thể rút được tiền trong tài khoản bởi ứng dụng sẽ chỉ cho phép giao dịch khi có sự trùng khớp sinh trắc học giữa khách hàng đang thực hiện giao dịch và thông tin ghi trên thẻ", Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh giải thích về cơ chế an toàn trong giải pháp do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư xây dựng. Giải pháp này khi được đưa vào sử dụng đại trà trên quy mô lớn sẽ đem lại lợi ích cho các đơn vị ngân hàng, doanh nghiệp cũng người dân khi cần đăng ký mở mới hay sử dụng thẻ ATM.
Được biết, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đang tích cực phối hợp với UBND, Công an TP Hà Nội và các đơn vị liên quan để triển khai đồng loạt việc rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip thay thế cho các ATM truyền thống theo chủ trương của thành phố.
Ngoài ứng dụng trên, trong quá trình nghiên cứu sản xuất cấp thẻ CCCD gắn chip, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cũng đã tích cực nghiên cứu công nghệ song hành. Như tiếp tục phát triển và hoàn thiện phần mềm định danh điện tử quốc gia (VneID), hướng tới tích hợp thêm nhiều tiện ích thiết thực phục vụ nhu cầu trong đời sống, nâng cao chất lượng sống cho người dân, góp phần tạo dựng xã hội số, công dân số; Quản trị, vận hành, cập nhật Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, nghiên cứu và cung cấp cho các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp các sản phẩm, thiết bị, giải pháp, tiện ích xoay quanh Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip.
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Hùng - Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, một trong những thành tựu lớn nhất đóng góp cho mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia của lực lượng Cảnh sát QLHC các cấp nói chung và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH nói riêng là thực hiện thành công dự án “Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư” và dự án “Sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip”. Đây là 2 dự án công nghệ thông tin lớn, chưa từng có tiền lệ, quá trình triển khai, thực hiện cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, chiến sĩ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và lực lượng công an các cấp đã hoàn thành dự án trong thời gian thần tốc, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao, được Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Có thể nói, đây là nền tảng quan trọng cho mục tiêu kiến tạo chính phủ số, công dân số.
Bên cạnh đó, với vai trò thường trực của Đề án 06 (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát QLHC về TTXH rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như: triển khai dịch vụ công trong giải quyết thủ tục hành chính; phát triển ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VneID);hỗ trợ các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, địa phương trong cả nước số hóa, làm sạch dữ liệu chuyên ngành, liên thông, khai thác dữ liệu dân cư...