Kỷ niệm 55 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2024)

Chuyện ít biết về Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chủ Nhật, 01/09/2024, 10:13

Di tích quốc gia đặc biệt - Khu di tích Chủ tịch hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954-1969). Sau 55 năm kể từ ngày Bác đi xa, tất cả di tích, tài liệu hiện vật của Người tại đây vẫn được giữ gìn, phát huy hiệu quả. Khu di tích đã đón gần 90 triệu lượt khách, trở thành “điểm đến”, “điểm nhấn” trong quan hệ ngoại giao cấp cao của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc bảo vệ, bảo quản di tích và các hiện vật tại Khu di tích đòi hỏi nhiều kỳ công và không hẳn nhiều người biết đến.

Nỗ lực bảo tồn nguyên trạng di tích

“Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những cán bộ từng phục vụ Bác đã tình nguyện ở lại, dốc lòng, dốc sức trông nom, gìn giữ tốt nhất những di tích của Bác, từ ngôi nhà, vườn cây, ao cá đến đồ dùng hằng ngày. Vì thế, Khu di tích về Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ, bảo quản cẩn trọng, chu đáo. Nhà sàn đúng giờ vẫn có tiếng đài và đèn bật sáng. Cửa vẫn mở hằng ngày, đồ đạc trong nhà vẫn được sắp đặt ngay ngắn, sạch sẽ đợi Người” - Những chia sẻ của bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, khiến bất kỳ ai yêu kính Bác đều xúc động khi đến thăm nơi này, nhất là dịp kỷ niệm 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

di tich 5.jpg -0
Nhiều tư liệu, hình ảnh, đặc biệt là trong 15 năm cuối đời của Bác được trưng bày cho khách tham quan
 

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu di tích cho biết, ngay sau khi Bác qua đời, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định bảo tồn nguyên vẹn, lâu dài nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Đây là một trong 10 di tích đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1, năm 2009). Khu di tích có diện tích 14,7 ha, gồm 3 khu vực. Trong đó, 13 di tích bất động sản là các công trình xây dựng, ngôi nhà, căn hầm... đang được bảo quản và phát huy. Tại Khu di tích đang bảo quản khoảng 4.000 hiện vật, hàng ngàn tài liệu, tư liệu, các trang bản thảo, hệ thống ảnh tư liệu về Bác trong những năm tháng Người sống và làm việc tại đây (1954-1969).

Cùng với nhà sàn, hiện nay, vườn cây và ao cá Bác Hồ là địa điểm cuốn hút người dân và du khách khi đến Khu di tích. Hiện nay, vườn cây có 46 thảm cây xanh với 1.922 cây các loại, trong đó có 50 cây được Bác Hồ trồng hoặc từng trực tiếp chăm sóc. Mỗi cây trong vườn là một hiện vật sống đã gắn với những kỷ niệm về Bác. Ao cá có diện tích hơn 3.000 mét vuông, với trữ lượng gần 5.000 kg cá các loại, thuộc 14 loài, có nhiều loài đã được Bác Hồ nuôi dưỡng và theo dõi quá trình sinh trưởng. Năm 1959, Hợp tác xã Tiền Phong - nay là Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội - là đơn vị đầu tiên được Bác Hồ gửi cho giống cá rô phi để nuôi.

di tich 1.jpg -0
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được bảo tồn nguyên trạng

Sau 55 năm kể từ ngày Bác đi xa, Khu di tích vẫn lưu giữ dấu ấn lịch sử văn hóa sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong các di tích lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các di tích lịch sử - cách mạng của Việt Nam nói chung và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cả nước nói riêng. Khu di tích được bảo tồn tương đối nguyên trạng các công trình kiến trúc, cảnh quan môi trường...

Việc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích như hiện nay là thành quả từ sự tận tụy của nhiều thế hệ viên chức, người lao động tại đây. Giám đốc Khu di tích - bà Lê Thị Phượng cũng cho biết, hiện nay, Khu di tích đang thực hiện hiệu quả song song hai nhiệm vụ chính trị. Đó là bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch như sinh thời Người sống và làm việc; phát huy hiệu quả di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch. Trong đó, nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng di tích là nhiệm vụ chính trị cốt lõi; phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bảo tồn là tiền đề của phát huy, phát huy là cơ sở thúc đẩy bảo tồn. Việc bảo tồn, phát huy các di tích, tài liệu, hiện vật và cảnh quan môi trường tại Khu di tích vừa đòi hỏi những yêu cầu chuyên môn về công tác bảo quản di tích, vừa phải đáp ứng yêu cầu về sử dụng hiện trạng gốc vốn có để tuyên truyền một cách chân thực về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giữ gìn di sản cho mai sau

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng Phòng Bảo quản, Môi trường di tích Khu di tích, việc bảo quản, giữ gìn Khu di tích phải được thực hiện đồng bộ trên các mặt: Chuyên môn bảo quản, nghiên cứu khoa học và ứng dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại vào thực tế phù hợp đối với mỗi bộ phận cấu thành di tích và cảnh quan môi trường. Các điểm di tích bất động sản nằm rải rác trên lộ trình của khách tham quan, mặt bằng ở nơi thấp, trũng hơn so với khu vực chung của Phủ Chủ tịch, xung quanh có rất nhiều cây cối. Mỗi di tích lại có kiến trúc đặc biệt riêng, được xây dựng bằng những vật liệu khác nhau, có thời gian tồn tại từ 50-100 năm. Phục vụ công tác bảo tồn, hằng năm, Khu di tích đều có kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích với các biện pháp xử lý về vật liệu, kỹ thuật, tính năng lý hóa phù hợp, nhằm đảm bảo giữ gìn được tối đa các yếu tố gốc của di tích; giải phóng, tước bỏ khỏi di tích các lớp bổ sung gây ảnh hưởng xấu tới mặt giá trị của di tích, làm cho di tích có độ bền vững, tồn tại lâu dài trước tác động của thời gian và thời tiết...

di tich 3.jpg -0
Ao cá Bác Hồ có đàn cá sinh trưởng tốt, làm đẹp môi trường, cảnh quan

Vì các tài liệu, hiện vật được trưng bày tại các nhà di tích là những kho mở hoàn toàn nên phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu, tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của con người. Để ngăn chặn kịp thời những tác động tiêu cực lên di tích và các tài liệu, hiện vật, Khu di tích đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật bảo quản hiện đại như máy hút ẩm, máy điều hòa nhiệt độ, máy phun ẩm, máy đo nhiệt độ - độ ẩm, công nghệ khí khô Munters. Nhiều biện pháp kết hợp khác cũng đồng thời được thực hiện như tạo ra môi trường ổn định, sạch sẽ cho hiện vật bằng cách lắp thêm cửa kính ở từng di tích, chụp mica lên các sưu tập hiện vật; chăng dây, đề biển bảo vệ, giữ khoảng cách giữa khách với hiện vật. Hiện nay, Khu di tích cũng đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sạch, hạn chế ánh sáng tự nhiên và tăng ánh sáng nhân tạo trong các nhà di tích. Tại các nhà di tích hệ thống đã được tích hợp vào một hệ thống giám sát điều khiển tự động trung tâm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, nhanh chóng phát hiện ra sự cố và xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho hiện vật.

Việc chăm sóc khu vườn cây và ao cá Bác Hồ cũng đòi hỏi nhiều kỳ công, tỉ mỉ và kỹ càng. Ví dụ, nếu cây trồng tại đây bị sâu bệnh hại hoặc chết, khi thay thế, Khu di tích phải chọn cây đúng chủng loại, thay đúng vị trí... theo đúng nguyên tắc bảo tồn di tích. Các loài cá được nuôi dưỡng tại ao cá Bác Hồ phải có nguồn gốc từ đàn cá mà Người đã nuôi lúc sinh thời. Việc duy trì các giống loài trong ao cá cũng phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I. Hằng năm, Khu di tích tiến hành tuyển chọn cá bố mẹ từ đàn cá gốc để cho sinh sản nhân tạo, nuôi thành cá giống, đánh tỉa những cá thể già thoái hóa, đồng thời thả bổ sung từ đàn cá gốc. Cá được chọn phải có chất lượng sinh trưởng tốt. Việc tu bổ, cải tạo ao cá Bác Hồ cũng phải được tiến hành cẩn trọng, dựa trên kết quả phân tích, đánh giá thực trạng cụ thể về môi trường ao nuôi...

di tich 7.jpg -0
Chiếc ô tô phục vụ Bác lúc sinh thời được bảo quản tại Khu di tích

Nhiều cán bộ, người lao động đang làm việc trong Khu di tích cho biết, một ngày làm việc ở đây bắt đầu từ lúc mờ sáng. Bởi lẽ, các hoạt động bảo quản thông thường phải được thực hiện trước lúc khách đến và sau khi vị khách cuối cùng rời khỏi Khu di tích. Cụ thể, các công việc như vệ sinh, lau chùi tài liệu, hiện vật, ngôi nhà di tích cho đến vườn cây, mặt nước ao cá phải hoàn thành trước giờ mở cửa đón khách. Hằng ngày, cán bộ bảo quản di tích đều theo dõi, ghi chép vào sổ nhật ký của các nhà di tích về nhiệt độ, độ ẩm và sự thay đổi bất thường của thời tiết, ghi chép đối tượng khách tham quan, số lượng đoàn... Thế nhưng, chia sẻ về những năm tháng gắn bó với Khu di tích, các cán bộ, nhân viên đều khẳng định, đây là niềm tự hào của mỗi người. Với các thế hệ viên chức, người lao động tại Khu di tích, việc giữ gìn, phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là công việc, là trách nhiệm, nghĩa vụ mà trước hết là tình cảm kính yêu dâng lên Bác, là mong mỏi tha thiết được bảo tồn, giữ gìn tốt nhất và lan tỏa ngày càng sâu rộng di sản của Người với đồng bào và bạn bè quốc tế. Trong những ngày này, khi người lao động cả nước náo nức với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, họ vẫn miệt mài với công việc trong Khu di tích; nỗ lực tìm hiểu, góp nhặt, ghi chép để nối dài ký ức trong từng trang sách, giữ gìn từng trang hồ sơ, tài liệu, hiện vật để lưu giữ lại những điều vô giá đến mai sau.

Minh Hà
.
.