Chuyện không nhỏ ở xã nhỏ

Thứ Ba, 01/03/2022, 09:02

Sau một thời gian triển khai chủ trương đưa Công an chính quy về xã tại Hà Nội, tình hình an ninh trật tự tại các thôn xóm, thị trấn, đặc biệt là những địa bàn phức tạp đã có những chuyển biến tích cực. Bóng dáng của những người chiến sĩ mặc sắc phục xanh mang đến cho người dân niềm tin yêu và sự an tâm.

Chuyển hóa ở xã trọng điểm phức tạp

Xã Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội vốn được coi là một trong những điểm nóng phức tạp nhất về tình hình an ninh trật tự. Trước khi lực lượng Công an chính quy về xã, một năm trung bình có từ 80-90 vụ việc phức tạp như trộm cắp, mâu thuẫn đánh nhau, tệ nạn ma túy. Khi địa phương triển khai dự án nghĩa trang Thanh Tước, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của một số người dân, khiến tình hình an ninh trật tự ở Thanh Lâm càng phức tạp hơn suốt một thời gian dài.

3.jpg -0
Công an xã Thái hòa xuống địa bàn làm việc

Thanh Lâm dù là xã thuần nông nhưng năm 2021 có gần 400 người từng có tiền án tiền sự, 21 phạm nhân đang thụ án, khoảng 100 người nghiện ma túy... Phụ trách cả một địa bàn rộng lớn với hơn 20 nghìn dân, dài 10km nhưng ban đầu khi triển khai chủ trương đưa Công an chính quy về xã, chỉ có 6 công an chính quy, 22 công an viên, và nay được tăng cường thêm 1 công an chính quy.

Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã cho biết, Thanh Lâm là một địa bàn phức tạp, vì thế rất cần cả những công an viên bám sát địa bàn, gần dân, nắm bắt được mọi tình hình an ninh trật tự cũng như có khả năng tuyên truyền, thuyết phục nhân dân. Do nhận thức của người dân chưa cao, nên trước đây việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn, thêm vào đó việc các công an viên làm việc chưa hiệu quả, chỉ khi sự việc xảy ra rồi mới vào giải quyết khiến người dân không tâm phục khẩu phục. Mâu thuẫn nổi cộm nhất ở Thanh Lâm vẫn là đất đai và tệ nạn ma túy. Trước đây, mỗi lần bắt đối tượng nghiện là cả làng cả họ kéo nhau ra phản đối. Thêm vào đó, ở Thanh Lâm vì chính quyền không giải quyết được mâu thuẫn đất đai triệt để nên rất dễ xảy ra mất an ninh trật tự.

Sau gần 3 năm lực lượng Công an chính quy về xã, ý  thức về chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, đối tượng cộm cán cũng đã giảm. Năm 2020, Công an xã Thanh Lâm dưới sự chỉ đạo của Công an huyện Mê Linh đã triệt phá nhiều tụ điểm ma túy phức tạp, trong đó tiêu biểu là vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hà (44 tuổi, ở thôn Đường 23, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh), thu giữ 179 viên ma túy tổng hợp. Để triệt phá được ổ nhóm này, lực lượng Công an xã đã phải tốn nhiều công sức, từ việc lập kế hoạch theo dõi cho đến bắt các đối tượng chân rết trước rồi mới tóm được đối tượng chủ mưu.

Cũng giống như ở Thanh Lâm, xã Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội có khu vực đầu cầu Trung Hà là điểm “nóng” tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về tệ nạn ma tuý. Trên địa bàn, trong số 147 đối tượng có tiền án, tiền sự thì có tới 42 đối tượng nghiện ma túy. Đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh biên giới phía Bắc. Chưa kể xã thuộc khu vực quy hoạch Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng nên thường xuyên có vụ việc liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, tệ nạn cờ bạc.

Chuyện không nhỏ ở xã nhỏ -0
Công an xã Ngọc Mỹ tiếp dân tại trụ sở

Ngay từ những ngày đầu triển khai xuống cơ sở, trong điều kiện cơ sở vật chật còn thiếu thốn, lực lượng mỏng, Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Công an xã và đồng đội đã bám địa bàn sâu sát. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mô hình “Thanh niên tự quản về an ninh trật tự” tại 2 cụm dân cư được xây dựng và phát huy hiệu quả.

So với nhiều địa bàn khác, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội yên bình hơn nhưng cũng có sự chuyển biến rõ rệt từ khi Công an chính quy về xã. Trung tá Nguyễn Thế Anh, Trưởng Công an xã Ngọc Mỹ vui vẻ chia sẻ, xã Ngọc Mỹ có hơn 13.000 hộ dân nhưng chỉ có 5 chiến sĩ công an phụ trách mọi lĩnh vực, từ văn thư, tổng hợp đến hình sự, ma túy… Dù Ngọc Mỹ là một xã phát triển, đời sống vật chất người dân được nâng cao nhưng nhận thức, trình độ dân trí vẫn còn thấp. Người dân sống chủ yếu bằng nghề đan nón và làm ruộng. Trước đây khi lực lượng Công an chính quy chưa về xã, bất bình vấn đề gì là người dân lại kéo cả anh em, họ hàng lên biểu tình phản đối. Việc “vác đơn” đi kiện cáo, rải truyền đơn dường như là chuyện cơm bữa.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới chuyển về xã, những câu chuyện dở khóc dở cười về người dân nơi đây khiến Trung tá Nguyễn Thế Anh không thể nào quên. Có lần công an đuổi theo tội phạm bị ngã xe máy, nhưng lại bị người dân dựng đứng lên câu chuyện đi cặp bồ, bị chồng của bồ đuổi đánh... Việc làng việc xã, từ việc cỏn con như mâu thuẫn nội bộ gia đình, hàng xóm tranh chấp, va chạm… cho đến những việc lớn đều gọi đến Công an. Cũng chỉ khi thấy bóng dáng các anh xuất hiện thì mọi việc mới lại đâu vào đấy nên các anh em chiến sĩ lúc nào cũng phải để điện thoại 24/24h phòng khi nửa đêm bà con gọi điện báo tin.

Có thể nói, sau khi triển khai bố trí Công an chính quy về xã, tình hình an ninh trật tự tại các xã đã có chuyển biến tích cực, các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trên địa bàn được nắm, phát hiện, giải quyết kịp thời, ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng. Việc đưa Công an chính quy về xã đã cụ thể hóa phương châm của Bộ “xã bám cơ sở”, đưa lực lượng Công an gần dân, sát dân hơn.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Trụ sở của Công an xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh khá đơn sơ, phòng làm việc nhỏ. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường cho biết, lúc mới chuyển về xã, phòng làm việc của anh em dột nát hơn bây giờ khá nhiều. Lúc đầu các anh được cho mượn 3 phòng vừa để làm việc vừa để sinh hoạt vì 6 anh em chính quy đều là người địa phương khác chuyển đến nên đều ăn nghỉ luôn tại nơi làm việc. 6 người trong một phòng nghỉ. “Nằm ngủ mà sáng ra phân chuột rơi đầy sàn, đầy người. Về xã nửa năm, UBND huyện mới bố trí sửa sang làm lại hệ thống trần cho sạch sẽ. Sau đó, chúng tôi mới xin được thêm hai phòng nữa, một làm phòng tiếp dân, một làm phòng nấu ăn cho anh em chiến sĩ. Trước đây, anh em tự chia nhau ra nấu nướng nhưng về sau công việc bận rộn, nên mấy anh em tự đóng góp tiền thuê người về nấu ăn giúp. Có những hôm làm việc xuyên trưa, định ngẩng mặt đứng dậy đi ăn trưa thì lại thấy người dân ngồi đó nên lại phải giải quyết xong công việc”, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.

Chuyện không nhỏ ở xã nhỏ -0
Đối tượng buôn bán ma túy cùng tang vật do Công an xã Thanh Lâm bắt giữ

Thanh Lâm vốn là xã trọng điểm về an ninh trật tự, lại thêm dịch bệnh liên tiếp nên anh em cán bộ chiến sĩ quay như chong chóng. Việc gì cũng đến tay trong khi cơ sở vật chất, lượng lượng lại quá mỏng. Trong chiến dịch cấp căn cước công dân, thu thập dữ liệu dân cư, hầu như CBCS làm việc xuyên đêm. Ban ngày đi thu thập dữ liệu, xử lý vụ việc xảy ra, tối về lại nhập liệu, làm sạch dữ liệu… 

Cũng ở trong tình trạng gặp nhiều khó khăn, Công an xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội phụ trách cả một địa bàn rộng lớn nhưng chỉ có 5 cán bộ Công an chính quy, đều là những người trẻ tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm nên lúc đầu còn khá bỡ ngỡ. Một số công an viên và Công an chính quy có hoàn cảnh khó khăn. Đối với các công an viên có hoàn cảnh khó khăn mà trợ cấp chỉ hơn 1 triệu đồng một tháng, Trung tá Nguyễn Thế Anh, Trưởng Công an xã Ngọc Mỹ luôn tạo điều kiện cho các anh có thời gian kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình, khi có việc đột xuất thì gọi đến làm việc.

Chia sẻ về những khó khăn của lực lượng Công an xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Trung tá Hồ Mạnh Tiến, Trưởng Công an xã cũng nhấn mạnh khó khăn nhất vẫn là thiếu người. Thời gian đầu khi mới về xã, anh em cán bộ chuyển từ nhiều nơi khác về nên mọi việc còn bỡ ngỡ. Trong khi lực lượng bán chuyên trách lương thấp, lại nảy sinh tâm lý chán nản, tự ti, nhiều người xin nghỉ việc. Trung tá Hồ Mạnh Tiến lại cùng cán bộ chiến sĩ động viên họ tiếp tục cống hiến, bởi lực lượng bán chuyên trách mới chính là những người gần dân nhất, nắm rõ tình hình nhất và có kinh nghiệm nhiều năm. Vì thế, không phân biệt chính quy hay bán chuyên trách, tất cả đều đồng lòng, đoàn kết vì nhiệm vụ chung.

Thời điểm làm căn cước công dân và thu thập dữ liệu dân cư là khoảng thời gian  vất vả nhất với các cán bộ chiến sĩ. Vừa lo trực chốt phong tỏa COVID-19, vừa truy vết, vừa lo thu thập dữ liệu dân cư, lại phải đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, 7 anh em cán bộ chiến sĩ lúc nào cũng căng như dây đàn. Nhiều chiến sĩ nhà ở xa, có khi cả tháng mới được về thăm nhà.

Mới đây, Công an TP Hà Nội triển khai Kế hoạch “sắp xếp, bố trí lại đảm bảo hợp lý về khoảng cách từ nhà ở đến trụ sở cơ quan đối với cán bộ Công an chính quy thuộc Công an xã”. Nguyên tắc bảo đảm sau khi điều động, sắp xếp, bố trí lại, cán bộ Công an xã có khoảng cách từ nhà tới trụ sở cơ quan dưới 25km, gắn với việc bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác và đặc điểm tình hình của từng xã, thị trấn. Đây là một chủ trương nhân văn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhiều cán bộ chiến sĩ, giải quyết được phần nào khó khăn, vất vả cho anh em cán bộ chiến sĩ khi về xã. Thế nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc tăng cường lực lượng, quan tâm chú trọng cơ sở vật chất và lương thưởng phù hợp để khích lệ, động viên tinh thần làm việc của cán bộ cơ sở.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các CBCS đã vượt qua những vất vả ở cơ sở, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đánh giá của Công an TP Hà Nội thì từ khi triển khai, Công an chính quy về xã đã thực hiện tốt công tác nắm tình hình, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa đấu tranh tội phạm. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã được hóa giải ngay tại địa bàn dân cư, tình trạng trộm cắp tài sản tệ nạn cờ bạc từng bước được kiểm giữ và đẩy lùi. Công tác quản lý hành chính quản lý nhân hộ khẩu được thực hiện chặt chẽ, chính xác...

Trâm Anh
.
.