Chuyện một Đảng viên “trẻ” ở Hương Liên

Thứ Ba, 07/09/2021, 08:54

Ngày 19-3-2021, Chi bộ thôn 5, xã biên giới Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có một sự kiện đặc biệt. Ấy là việc kết nạp cho một quần chúng ưu tú cao tuổi nhất của Hà Tĩnh trong hơn 20 năm qua vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đứng trước cờ Đảng, ngưởi cựu chiến binh 62 tuổi, từng vào sinh ra tử trên chiến trường Campuchia trong những năm tháng ác liệt nhất không khỏi xúc động. “Tôi quan niệm, mỗi ngày trong Đảng là một niềm vinh dự lớn lao! Đó không chỉ là vinh dự cho bản thân mà còn cho gia đình, con cái. Với tôi, không quan trọng mình tham gia vào tổ chức đảng ở độ tuổi nào mà quan trọng mình làm được gì cho Đảng, cho Nhân dân” - cựu chiến binh Lê Đình Phiên bộc bạch với chúng tôi như vậy.

Chuyện một Đảng viên “trẻ” ở Hương Liên -0
Quyết định kết nạp Đảng của ông Lê Đình Phiên.

40 năm bảo vệ biên giới

Đầu năm 1978, biên cương cất tiếng gọi, chàng trai Hương Khê Lê Đình Phiên nhập ngũ và huấn luyện tại Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Tĩnh. Sau 3 tháng huấn luyện, Lê Đình Phiên cùng đồng đội lên đường xuôi vạn lý, bảo vệ biên giới Tây Nam. Tháng 12-1978, chàng quân nhân trẻ trong đoàn quân làm nhiệm vụ quốc tế của Trung đoàn 4 Công an nhân dân vũ trang thuộc mặt trận tiền phương, rồi tiếp tục biên chế vào Trung đoàn 690, Sư đoàn 302, tham gia bảo vệ biên giới khu vực núi Con Cóc, tỉnh Xiêm Riệp, sát biên giới Thái Lan.

Đóng quân nơi giáp mặt với đối phương, thường xuyên bị kẻ thù ẩn núp trong các xóm nhỏ ven rừng tập kích bất ngờ, đơn vị đối mặt với rất nhiều vất vả, hiểm nguy. Những người lính của Trung đoàn 4 đã vô cùng dũng cảm chiến đấu với nhiều trận tấn công của tiểu đoàn tinh nhuệ, trang bị vũ khí hiện đại của Khmer Đỏ.

Khi tình hình tạm yên, chính quyền và nhân dân Campuchia bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước thì cũng là lúc anh lính tình nguyện Lê Đình Phiên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, phục viên trở về quê hương. Chính quyền xã tín nhiệm, cử ông giữ chức Trung đội trưởng dân quân tự vệ của xã trong nhiều năm, rồi sau đó chuyển sang Chi hội trưởng Hội Nông dân kiêm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh và trưởng thôn...

Chuyện một Đảng viên “trẻ” ở Hương Liên -0
Ông Lê Đình Phiên nhận quyết định kết nạp Đảng khi đã 61 tuổi.

Một đôi vai gánh vài trọng trách, dẫu chức vụ không đòi hỏi trình độ cao siêu hay đề ra mô hình, cách làm xuất sắc nhưng ở vùng biên giới khó khăn này, để có thể bền bỉ gần 40 năm “vác tù và hàng tổng”, tận tụy bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vừa bươn chải xóm trên đồng dưới tìm cách thoát nghèo, đưa được xóm thôn ấm no, phát triển như ngày hôm nay là điều hoàn toàn không đơn giản, nếu như không muốn nói rằng chỉ ý chí, nghị lực của người lính từng băng qua lửa đạn mới có thể làm được.

Chưa nói đâu xa, mới 20 năm trước, Hương Liên vẫn là xã miền núi nghèo xơ xác, giao thông cách trở mấy lần đò, lương thực tự cung tự cấp là chính. Bà con người Kinh, người Lào sống quần tụ cùng nhau bên những con suối đổ về Ngàn Sâu, còn bà con người Chứt thì lang thang trong rừng. Vừa lo cáng đáng việc công, ông Phiên vừa theo nghề mộc, nghề xây rồi chuyển sang làm nông, lâm nghiệp để thoát nghèo. Học được gì hay, ông áp dụng trước rồi bày cho bà con cùng làm. Khi bà con người Chứt ở Rào Tre đói rách, dù chẳng mấy dư dả, ông Phiên cùng bàn với vợ xát thóc mang vào giúp đỡ. Cứ tận tụy việc công, tần tảo việc riêng như thế, hai vợ chồng ông Phiên đã nuôi 6 đứa con ăn học thành người, giờ có tuổi thì vui với vườn cây đặc sản cam, bưởi, chăm sóc đàn trâu và không quên giúp đỡ người khó khăn hơn.

Cách sống, cách cống hiến của ông trong sáng, vô tư như suy nghĩ của ông vậy: “Khi lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đối mặt với kẻ thù tôi tâm niệm sẽ không chùn bước, về với quê hương, đối mặt với đói nghèo, tôi cũng không sờn lòng. Khi được bà con và các đảng viên trong thôn động viên, tôi từng nghĩ mình tuổi đã cao, làm quần chúng tốt là đủ rồi. Nhưng, tôi cũng nhớ lời Bác Hồ dạy: “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng, hay là để nói chính trị suông. Tất cả đảng viên và đoàn viên phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành các chính sách của Đảng và Chính phủ”. Vậy là tôi thấy trong lòng thôi thúc, bởi chưa khi nào tôi hết tin yêu Đảng, tôi thấy mình cần trở thành Đảng viên để bản thân thấm nhuần hơn nữa tư tưởng của Đảng, để phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu và góp sức xây dựng tổ chức đảng ở xã vùng biên xa xôi này”.

Chuyện một Đảng viên “trẻ” ở Hương Liên -0
Ông Phiên luôn hết lòng với công việc giữ bình yên cho thôn xóm.

Người Công an viên 61 tuổi làm đơn xin vào Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các tổ chức đảng phải đặc biệt quan tâm đến sự giác ngộ, lòng trung thành, thái độ, trách nhiệm với Đảng, với nhân dân của người xin vào Đảng. Bằng hiểu biết và cảm nhận của mình, tôi cho rằng những tiêu chí đó thực sự đúng đối với trường hợp của cựu chiến binh Lê Đình Phiên. Năm 2020, khi bước sang tuổi 61, cựu chiến binh Lê Đình Phiên có thêm một “danh hiệu” mới, trở thành người công an viên nhiều tuổi nhất cả nước. Tuổi cao, gương sáng, người công an viên có tuổi nghề rất trẻ ấy vẫn từng đêm cùng đội hình an ninh tự quản của thôn tuần tra bảo vệ tài sản và giấc ngủ bình yên cho bà con chòm xóm.

Cũng trong năm 2020, qua giới thiệu từ chi bộ thôn và được đảng ủy xã đồng ý, ông bắt đầu hành trình vượt gần 20km đồi núi quanh co, bám theo dòng nước Ngàn Sâu để về tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hương Khê. Buổi học nào ông cũng lắng nghe chăm chú, ghi chép cẩn thận. Giữa ngày học thì ăn đơn giản tại quán cơm ven đường rồi lại vào phòng học giương kính lão đọc Điều lệ Đảng. Sau khi kết thúc khóa học, cầm tờ chứng nhận hoàn thành khóa học xếp loại giỏi, ông Phiên nâng niu rồi cất cẩn thận vào chiếc cặp da lúc nào cũng mang bên cạnh.

Điều lệ Đảng quy định rõ, việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định nên với trường hợp này, Ban Tổ chức Huyện ủy Hương Khê, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã về địa phương thẩm tra xác minh rất kỹ càng. Bà con thôn 5 cũng không tiếc lời khen ngợi phẩm chất và năng lực của “Trưởng thôn 4 biết” của mình. Sở dĩ có biệt danh ấy là bởi bà con bảo ông biết làm ăn giỏi, biết hoàn cảnh, điều kiện từng hộ trong thôn, chịu trách nhiệm, biết gương mẫu, huy động sức dân và trên hết là biết vì dân, lo lắng cho dân. Vì thế, khi hay tin Tỉnh ủy Hà Tĩnh chuẩn y kết nạp ông Lê Đình Phiên, đảng viên và nhân dân thôn 5 phấn khởi hết sức.

Nhắc đến người đảng viên đặc biệt của đảng bộ mình, đồng chí Trần Phúc Anh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên tỏ ra hết sức trân trọng: “Bác Phiên là một người rất đáng quý, gần như trọn đời đã cống hiến cho các hoạt động cộng đồng, vì sự ấm no, bình yên của thôn bản và bà con chòm xóm. Đảng ủy xã Hương Liên luôn khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để quần chúng được kết nạp Đảng với phương châm chú trọng chất lượng đảng viên. Dù muộn hơn so với người khác nhưng đảng viên Lê Đình Phiên chính là hạt nhân tích cực mà đảng bộ xã đang cần”.

Chuyện một Đảng viên “trẻ” ở Hương Liên -0
Ông “Trưởng thôn 4 biết” luôn nhiệt tình với công việc, được bà con quý mến.

Khí thế của đảng viên mới hiển hiện tươi rói trên gương mặt cựu chiến binh Lê Đình Phiên khi chúng tôi theo ông trong buổi hỗ trợ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an xã Hương Liên về bản Rào Tre làm thẻ căn cước công dân cho đồng bào Chứt. Ông tỏ ra rất tự hào về những tháng ngày được làm người chiến sĩ công an vũ trang và nể phục những gì mà cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Giàng, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho xã Hương Liên và bà con người Chứt. Trung tá Dương Thanh Tịnh, cán bộ Đồn biên phòng Bản Giàng có thâm niên 18 năm cắm bản cũng rất thân thuộc với “tiền bối” quân hàm xanh Lê Đình Phiên. Nhờ những cán bộ cơ sở năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm như ông Phiên nên công tác dân vận của các anh hết sức thuận lợi. Những chủ trương, quy định về bảo vệ an ninh biên giới, chính sách dân tộc - tôn giáo được đưa tới người dân nhanh chóng và vận dụng hiệu quả qua những “cầu nối” tận tụy này.

Quay về thôn 5, chưa kịp nghỉ mệt, bước chân phăng phăng của người trưởng thôn nhỏ bé nhưng tiếng nói sang sảng ấy có sức cuốn hút mọi người cùng làm theo ông. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những gì hiển hiện trước mắt chúng tôi cho thấy con đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn 5 không còn xa. Những con đường liên thôn, liên xóm đang rộng dần ra nhờ bà con tình nguyện hiến đất, trước mỗi ngôi nhà rực rỡ màu hoa vì người dân nơi đây đã biết làm đẹp cho quê hương mình, lối xóm sạch tinh bởi có bàn tay chăm chỉ của phụ nữ, thiếu niên nhận tự quản và an ninh nông thôn được đảm bảo khi đêm về, công an viên, dân quân, thanh niên đều đặn đi tuần... Trong bức tranh yên bình, đầy sức sống và ý thức cộng đồng ấy, có phần đóng góp không nhỏ của cựu chiến binh Lê Đình Phiên khi ông luôn xung phong làm gương, đi trước.

Vai trò đảng viên là một khởi đầu mới với những trách nhiệm mới nhưng với ông, đâu có gì khó khăn. Bởi suốt 40 năm qua, người cựu chiến binh vùng biên ấy đã dấn thân, cống hiến theo tinh thần của một người lính kiên trung, một người cộng sản mẫu mực và một công dân ưu tú rồi.

Phạm Vân Anh
.
.