Chuyện những “ca sĩ” ở trại giam
Tiếng đàn, tiếng hát trầm bổng vọng ra từ hội trường phân trại số 1, trại giam Vĩnh Quang (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) níu chân khiến chúng tôi rẽ vào để lắng nghe. Giọng hát êm, sâu lắng “Cảm ơn bàn tay ân cần dìu dắt chúng tôi, cảm ơn tình thương đong đầy ấm áp sẻ chia, cảm ơn trái tim dịu dàng độ lượng. Xin cảm ơn thầy- người thầy dạy lương tri…” vang xa giữa trưa mùa đông như một lời tri ân của phạm nhân với các cán bộ đã giúp họ vượt qua lỗi lầm…
Tiếng hát cải tạo con người
Ở Trại giam Vĩnh Quang, mỗi phân trại đều có một đội văn nghệ phục vụ các hoạt động của phạm nhân trong quá trình cải tạo. Đại tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, một trong những biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân là tổ chức cho họ tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo. Từ đó, các phạm nhân có sự gắn kết, chia sẻ với nhau, tạo động lực để cải tạo tốt hơn.
Chính vì vậy, đơn vị đã tạo điều kiện, mua sắm các loại nhạc cụ, trang thiết bị phục vụ văn nghệ để cho các phạm nhân tập luyện, biểu diễn, tạo không khí vui vẻ, khích lệ tinh thần thi đua cải tạo tiến bộ sớm trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Lúc chúng tôi đến, phạm nhân Nguyễn Đức Tuấn Anh, quê ở phường Y Na, TP Bắc Ninh đang say sưa ôn bài hát “Người lái đò trên dòng sông hoàn lương”, mãi sau mới biết có khách, ngẩng lên nhìn chúng tôi cười, chào cán bộ. Phạm nhân này đang thụ án chung thân. Đến Tết Quý Mão này, Tuấn Anh đã ăn 20 cái Tết trong trại giam. Ở nhà không có năng khiếu gì đặc biệt nhưng khi đi thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang, thấy một số phạm nhân khác tham gia tập văn nghệ, Tuấn Anh thấy rằng, những bài hát đã làm cho tâm hồn của anh ta sống lại, vui vẻ và tràn đầy quyết tâm hoàn lương. Vì vậy, Tuấn Anh đã xin phép cán bộ được tham gia vào đội văn nghệ. Được cán bộ dạy cho kiến thức cơ bản về đàn guitar, sau đó, anh ta tự mày mò học, tham khảo sách trên thư viện. Dần dà, không chỉ biết chơi guitar, Tuấn Anh còn biết sử dụng một số loại nhạc cụ khác, biết tự sáng tác bài hát. Tuấn Anh cho biết đã sáng tác được 10 bài hát trong đó bài “Người lái đò trên dòng sông hoàn lương” là anh ta tâm đắc nhất, bởi đó là tình cảm, là sự yêu mến của anh ta đối với các cán bộ Trại giam Vĩnh Quang trong suốt thời gian thi hành án ở đây.
Thượng úy Phạm Tiến Quỳnh được giao nhiệm vụ quản lý tổ văn nghệ phân trại cho biết, khi được Ban Giám thị đồng ý thành lập tổ văn nghệ, lúc đầu chỉ có 4 phạm nhân. Sau đó, nhiều phạm nhân khác xin tham gia, chọn được từ 10 đến 15 phạm nhân cải tạo tốt, có năng khiếu âm nhạc, chơi được các nhạc cụ guitar, trống, sáo...
Một phạm nhân chơi nhạc khá ấn tượng đó là Lê Thanh Tú, nhân tố nổi trội với giọng hát trầm ấm cũng như khả năng chơi đàn guitar khá điêu luyện. Trước đây, Lê Thanh Tú mở công ty chuyên về xây dựng và đảm nhiệm vai trò giám đốc. Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tú phải chấp hành bản án tù, cải tạo tại trại Vĩnh Quang. Sau khi vào trại giam, Tú sống lặng lẽ, không tham gia vào các hoạt động của trại. Sau đó, được Ban Giám thị, cán bộ quản giáo động viên, Tú dần cải tạo tích cực. Do có khả năng về văn nghệ nên Tú được thi hành án ở đội văn hóa. Không những tham gia văn nghệ, ở đội này Tú còn có năng khiếu làm báo tường, phổ nhạc cho nhiều bài hát. Qua thời gian cải tạo, Lê Thanh Tú có thành tích cải tạo tốt nên được ban cán bộ tin tưởng giao công tác trưởng ban văn hóa, tổng hợp tình hình chung trong phân trại, tổng hợp thi đua. Tâm sự với chúng tôi, Lê Thanh Tú bảo rằng, không những làm công tác chuyên môn, Tú đang cùng những phạm nhân trong đội chuẩn bị cho các tiết mục để tham gia cuộc thi “Tiếng hát tình đời” trong trại giam.
Lê Thanh Tú cho biết, dù ở trong trại giam, được ban cán bộ ưu ái, tạo điều kiện cho làm những công việc đúng sở trường của mình, nhưng trong sâu thẳm, anh ta vẫn thấy buồn. Bởi xưa kia, Tú từng có một gia đình khiến nhiều người ước mơ, vậy mà anh ta không biết giữ lấy. Giờ đây, gia đình ấy tan đàn xẻ nghé hết cả. Bố thì mất, mẹ cô quạnh ở quê, vợ của Tú đã bỏ xứ vào miền Nam lập nghiệp. Vì vậy, những lúc buồn, Tú lại gửi gắm tâm hồn mình vào những bài hát để quên đi những sầu bi của cuộc đời. Và giờ, Tú mong mỏi sẽ cố gắng hết sức mình để mong được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm được trở về với mẹ và bù đắp cho con, cho gia đình...
Một phạm nhân cũng khá xuất sắc trong đội văn nghệ của phân trại số 1 là Đỗ Sỹ Long, phạm tội “Lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Long chính là Giám đốc Công ty CP Đầu tư đấu giá Thăng Long. Vì ham làm ăn, kinh doanh, làm giàu nên Long đã mua bán ô tô, đất đai... nhưng do thua lỗ, đã lấy tiền đặt cọc của khách hàng để bù vào khoản thua lỗ nên bị kết án 30 năm tù. Vốn có năng khiếu văn nghệ, có thể hát và chơi nhiều loại nhạc cụ, khi trại có chương trình biểu diễn, Long đã xung phong tham gia. Theo đó, các hội thi, hội diễn, biểu diễn phục vụ các ngày lễ, tết... đều có sự góp mặt của Long. Anh ta cho biết, tiếng hát, tiếng nhạc làm cho bản thân và các phạm nhân khác vui vẻ hơn, điềm tĩnh hơn, nỗ lực phấn đấu hơn để làm lại cuộc đời.
Đội văn nghệ đặc biệt tây – ta hợp diễn
Tôi thực sự bất ngờ khi nghe những tiết mục văn nghệ do các phạm nhân người nước ngoài đang cải tạo ở Trại giam Vĩnh Quang trình bày. Nghe tôi thắc mắc tại sao họ lại có thể... hát tròn vành rõ chữ bằng tiếng Việt những bài hát ca ngợi quê hương đất nước như vậy, Thượng tá Tạ Văn Lương, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, nhiều người biết nói tiếng Việt. Không chỉ giao tiếp, họ còn hát, đọc thơ, trình diễn tiểu phẩm...
Trung tá Lê Thị Huyền, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ Trại giam Vĩnh Quang cho biết, các phạm nhân người nước ngoài đã giải nhất trong hội diễn “Tiếng hát tình đời” do Trại giam Vĩnh Quang tổ chức với tiểu phẩm “Khát vọng hoàn lương” do chính Thượng tá Tạ Văn Lương trực tiếp viết kịch bản, sau đó, đưa ra đơn vị bàn bạc, chỉnh sửa, các cán bộ và phạm nhân phân trại số 4 thực hiện. Tiểu phẩm nói về một người có học hành tử tế, công việc thành đạt, là kỳ vọng của gia đình nhưng sau đó vì vi phạm nên phải trả giá.
Tại trại giam, phạm nhân này và các phạm nhân trong cùng vụ án quay ra oán trách, mâu thuẫn với nhau. Được sự động viên, phân tích của các cán bộ và gia đình nên phạm nhân đã có chuyển biến tích cực, phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời...
Được giao nhiệm vụ tổ chức luyện tập văn nghệ, hằng ngày, ngoài giờ lao động, Thiếu tá Đặng Văn Toàn phụ trách đội văn nghệ ở phân trại số 3 cùng một số cán bộ, chiến sĩ và các phạm nhân tổ chức luyện tập tiểu phẩm và các bài hát để tham gia hội diễn. Phạm nhân được lựa chọn tham gia hội diễn là những người cải tạo tiến bộ, có khả năng văn hóa, nghệ thuật. Sau hơn 2 tháng luyện tập, tiểu phẩm “Táo vườn đi thi” của phân trại số 3 đoạt giải nhất hội thi văn hóa ứng xử trong phạm nhân. Tiểu phẩm có sự tham gia biểu diễn của cả phạm nhân người nước ngoài và phạm nhân người Việt Nam, trong đó, các phạm nhân trực tiếp viết kịch bản, phân vai để dựng tiểu phẩm. Đối với nhiều phạm nhân người nước ngoài, nhiều người trước khi bị bắt chưa biết gì về phong tục, tập quán của người Việt Nam nhưng ở trong trại, được sự động viên của cán bộ, họ đã tự học tiếng Việt, tự tìm hiểu và tham gia các phong trào. Từ đó, họ tìm được chính mình, vượt qua khó khăn để cải tạo tốt.
Được vào đội văn nghệ, phạm nhân Khăm Phi (SN 1989, quê ở Hủa Phăn, Lào) hân hoan lắm. Khăm Phi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị Công an tỉnh Sơn La bắt giữ ngày 24/8/2011 với tang vật 3 bánh heroin, sau đó bị kết án 20 năm tù giam. “Vụ án của tôi có 3 người, một người bị kết án chung thân, tôi và một người nữa bị 20 năm tù giam. Lúc đầu, tôi được thi hành án ở Trại giam Phú Sơn 4, sau đó được chuyển về đây. Do gia đình ở xa, rất ít khi thăm, gửi lưu ký nên mọi sinh hoạt đều do Nhà nước Việt Nam cung cấp”, Khăm Phi cho biết.
Theo đề nghị của tôi, Khăm phi hát bài “Hà Nội - Viêng Chăn” bằng cả tiếng Việt và tiếng Lào tròn vành, rõ chữ, nếu không nhìn mặt anh ta, có lẽ người nghe không thể biết được anh ta là người nước ngoài. Anh ta hát Quốc ca Việt Nam, hát những bài hát ca ngợi Đảng một cách nhuần nhuyễn, sâu lắng như hát những bài hát của đất nước mình.
Sau cuộc thi văn hóa ứng xử trong phạm nhân, Trại giam Vĩnh Quang vừa tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân, trong đó các tiết mục biểu diễn đều do chính các phạm nhân tự biên, tự tham gia biểu diễn đã gây được ấn tượng cao, là động lực để các phạm nhân làm lại cuộc đời.