Chuyện tình LangBiang và lời giải thích khác

Thứ Hai, 28/07/2025, 11:48

Chắc chắn rồi, truyền thuyết LangBiang còn là địa danh nức tiếng gắn liền với ngọn núi cao bậc nhất cực Nam của Tây Nguyên và một khu du lịch nổi tiếng, ắt hẳn ai cũng biết. LangBiang chính là ghép từ tên của đôi nam nữ dòng dõi của hai bộ tộc gắn liền với chuyện tình cảm động nhưng bi thương của cô gái nết na và chàng trai mạnh mẽ. Vì tình yêu, cả hai đi ngược lại lời nguyền... Vậy, Lang là tên của chàng trai hay cô gái?

Những dị bản

Câu hỏi trên có vẻ thừa. Truyền thuyết về LangBiang và những dị bản, hầu hết đều có một điểm chung, mặc định gọi Lang là (chàng) trai, Biang là (nàng) cô gái. Nội dung bản phổ biến nhất đang được lưu truyền như sau: Chàng K’Lang, người dân tộc Lạch (một nhánh của dân tộc K’Ho) và người con gái tên H’Biang, người Cill (cũng là một nhánh khác của dân tộc K’Ho). Nhà K’Lang và H’Biang đều ở chân núi, họ tình cờ gặp nhau trong một lần lên rừng hái quả. H’Biang gặp nạn và chàng K’Lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói dữ.

Một lần gặp gỡ, cả hai đã “say nắng” cảm mến và họ đem lòng yêu nhau từ đó. Dù vậy, do lời nguyền giữa 2 tộc người mà H’Biang không thể lấy K’Lang làm chồng. Vượt qua tục lệ khắt khe và lễ giáo, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ trở thành chồng vợ rồi bỏ đến một nơi trên đỉnh núi để sinh sống. Khi H’Biang lâm bệnh nặng, K’Lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng.

Chuyện tình LangBiang và lời giải thích khác -0
Tượng nàng K’Lang và chàng H’Biang tại Khu du lịch LangBiang, thuộc phường LangBiang, tỉnh Lâm Đồng.

Kết thúc câu chuyện, H’Biang bị chết do nàng lấy thân mình đỡ mũi tên tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm bắn K’Lang. Đau buồn khôn xiết, K’Lang khóc ngày đêm cho tới chết. Nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là sông Đa Nhim (dòng sông nước mắt). Sau cái chết của hai người, cha H’Biang rất hối hận, đứng ra thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó, các đôi nam nữ trong buôn dễ dàng đến với nhau. Ngọn núi cao ở buôn La Ngư Thượng, nơi chàng K’Lang và nàng H’Biang chết được đặt lên là LangBiang (tên ghép của đôi trai gái), để tưởng nhớ hai người và tình yêu thủy chung của họ. Những dị bản tương tự cũng gọi Lang là chàng trai, Biang là cô gái.

Thế nhưng, già làng Krajan Plin, người có dòng tộc đã sinh sống nhiều đời dưới chân núi LangBiang, ông cũng đã dành hàng chục năm qua cho việc nghiên cứu văn hóa, sưu tầm, biên soạn luật tục của người K’Ho ở Lâm Đồng, khẳng định, nội dung truyền thuyết về LangBiang và những dị bản tương tự đang phổ biến không đúng.

Với dữ liệu thu thập được cùng sự am hiểu sâu rộng về luật tục, văn hóa dân gian và tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình, già làng Krajan Plin quả quyết, riêng về tên gọi, truyền thuyết về LangBiang và các dị bản hiện nay đã gọi ngược. Thực tế, Lang là tên của cô gái và Biang là chàng trai. Người con của buôn làng Tây Nguyên này cũng cung cấp một truyền thuyết về LangBiang nhưng nội dung lại khác hẳn với những truyền thuyết đã tồn tại và phổ biến rộng rãi lâu nay.

Chuyện kể rằng, K’Lang là con gái duy nhất của bà K’Yah và ông Brah Yang. Bà được thần linh giao phó cai quản vùng đất thuộc cực Nam của cao nguyên. Còn bà K’Bồng lấy ông K’Krong, sinh ra chàng trai tên là K’Biang, cai quản vùng đất thuộc cực Bắc và là gia đình giàu có nhất vùng. Cặp nam nữ tình cờ gặp gỡ trong lễ hội Tác năng rồi yêu thương, đeo vòng đồng cho nhau thay cho lời ước hẹn trăm năm. Khi tan hội, họ bịn rịn chia tay, hẹn sớm gặp lại.

Chàng K’Biang phi ngựa trắng ngược lên vùng núi Bà, nàng K’Lang leo lên lưng ngựa xuôi về núi Brah Yang (huyện Di Linh cũ). K’Lang nhớ người yêu đến mức mỗi lần ngước lên nhìn lá, lá cây héo theo; nhìn cây thông, cây thông cũng buồn theo. Nàng bỏ ăn nhiều ngày rồi ngã bệnh. Mẹ nàng mời những thầy cúng giỏi nhất tới chữa trị nhưng bệnh ngày càng nặng thêm.

Một hôm, K’Biang khi thấy chiếc vòng đồng trên tay có vết nứt khác lạ như điềm báo xấu, chàng vội phi ngựa đến thăm nàng. Thấy K’Lang nằm bất động bên bếp lửa, K’Biang liền ôm nàng vào lòng. Nàng từ từ mở mắt, người run lên vì vui sướng, thúc giục cha mẹ xin hỏi cưới chàng, nhưng nhà trai đã từ chối vì không môn đăng hộ đối. Không chỉ đòi bồi thường thiệt hại danh dự (theo tục lệ), gia đình nàng K’Lang còn sai quân đi lùa đàn thú hoang, chim muông từ thượng nguồn về. Dòng họ của chàng K’Biang sai quân ra chặn. Cuộc chiến khốc liệt giữa hai dòng tộc khiến đôi trẻ đau buồn rồi tìm đến cái chết. Muôn loài đã đắp ngôi mộ “Pơthi” thành ngọn núi LangBiang. Nước mắt khóc thương hai người biến thành dòng Đa Nhim (dòng sông nước mắt).

Khoan hãy bàn chuyện đúng - sai về nội dung, truyền thuyết về LangBiang và các dị bản đều xứng đáng được ghi nhận và tôn trọng. Dù nội dung có khác nhau nhưng điểm chung của các truyền thuyết về LangBiang đều lên án hủ tục, tầng lớp, vốn đã tồn tại dai dẳng và gây ra nhiều hệ lụy trong các tộc người ở Tây Nguyên, đồng thời vinh danh tình yêu tự do và bình đẳng nam nữ, đoàn kết các bộ tộc, đó chính là sự tiến bộ rõ ràng về mặt chuyển hóa nhận thức cần phải ghi nhận. Nếu cách lý giải của già làng Krajan Plin là chính xác, nguyên nhân do đâu dẫn tới sai sót sơ đẳng trên?

Một khả năng cao là khi các nhà sưu tầm, nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian (folklore) đã xảy ra nhầm lẫn, cẩu thả xuất phát từ ý thức hệ. Họ đem tư duy của dân tộc Kinh (theo chế độ phụ hệ) để áp đặt lên dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (chế độ mẫu hệ). Trong một số truyện cổ tích của người Việt, Lang là danh từ, thường dùng để chỉ về người con trai. Vì thế dẫn tới gọi K’Lang là tên của chàng trai và H’Biang là tên của cô gái. Sự chuyển hóa từ dạng truyền miệng (dân gian) sang thể loại văn bản hóa và từ đó phổ biến rộng rãi dẫn tới sự nhầm lẫn, sai sót ngô nghê có hệ thống về sau.

Chuyện tình LangBiang và lời giải thích khác -0
Khu du lịch LangBiang.

Hiểu sao cho đúng?

Trong kho truyện cổ tích có xuất xứ từ Trung Quốc được phổ biến rất rộng rãi ở Việt Nam đó là Ngưu Lang và Chức Nữ. Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ mà bỏ bê công việc chăn trâu. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau. Người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên gia ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào Thất Tịch (ngày 7/7 Âm lịch). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. Lấy cảm hứng từ chuyện tình cảm động này, không ít văn nghệ sĩ đã chuyển hóa thành thi ca và được phổ biến rộng rãi.

Truyền rằng, thời Hùng Vương, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Hùng Vương thứ VII cũng có tên gọi là Lang Liêu. Như vậy, trong quá khứ gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Lang thường gắn liền với con trai. Phải chăng chính điều này đã góp phần dẫn tới sự nhầm lẫn đáng tiếc của các nhà nghiên cứu, sưu tầm khi gọi Lang là chàng trai và Biang là cô gái trong truyền thuyết về LangBiang mà bỏ qua bối cảnh, phong tục, văn hóa bản địa và sử thi của dân tộc K’Ho?

Theo già làng Krajan Plin, đề cập đến sử thi thì phải nhớ rằng, cách xưng hô của tộc người bản địa Tây Nguyên, nếu là vợ chồng thì bao giờ tên người đàn bà đều luôn đứng trước tên người đàn ông. LangBiang trong truyền thuyết đang được truyền tụng đã bị tùy tiện, biến nhân vật nữ thành nam và ngược lại. Trong khi đó, sử thi K’Ho, nhân vật K’Lang vốn là nữ và K’Biang là nam. Ngoài ra, nhiều trường hợp khác trong sử thi, người ta chỉ cần nhớ tên mẹ đẻ ra nhân vật, vì cha là thần linh như trong “Sử thi cây đa thần”, Tồng - Tàng kon K'Rơng nghĩa là anh em Tồng - Tàng con bà Rơng; Du Bot kon K'Glang (anh em Du và Bot con bà K’Glang)...

Chuyện tình LangBiang và lời giải thích khác -0
Già làng Krajan Plin (bên phải) có cách giải thích mới về truyền thuyết LangBiang.

Cũng như các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ. Hình thái tổ chức xã hội mà trong đó người mẹ hoặc người phụ nữ lớn tuổi nhất đứng đầu một gia đình hoặc gia tộc. Các mối liên hệ và hậu duệ được xác định qua dòng nữ, cũng như việc quản trị hay cai trị do phụ nữ nắm giữ. Điều này cho thấy, vai trò của nữ giới trong các cộng đồng, dân tộc thiểu số K’Ho vô cùng quan trọng. Nó tương ứng với vai trò của nam giới trong chế độ phụ hệ của người Kinh. Do theo chế độ mẫu hệ nên vai trò của phụ nữ K’Ho và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên luôn được đề cao. Bởi vậy, khi ghép tên của cô gái và chàng trai (LangBiang) để đặt tên cho truyền thuyết của dân tộc mình, ắt hẳn tên người phụ nữ phải được gọi trước tên của người đàn ông.

Vì thế, thực tế ngày nay, cụm núi LangBiang có 2 ngọn núi cao nhất. Ngọn núi cao 2.167m, dân địa phương đặt và gọi là núi Bà. Ngọn núi thấp hơn, cao 2.124m, người ta gọi là núi Ông. Đó cũng chính là một cách để tôn trọng, đề cao vai trò của người phụ nữ dưới chế độ mẫu hệ của người K’Ho. Do đó, theo chúng tôi, cách lý giải của già làng Krajan Plin, vốn là người K’Ho - Lạch, nhiều đời cư ngụ dưới chân núi LangBiang là có căn cứ vững chắc. K’Lang thực chất là tên của cô gái (phụ nữ) và H’Biang là tên của chàng trai (đàn ông), thay vì cách gọi ngược nhưng đang rất phổ biến ngày nay.

Khắc Lịch
.
.