Chuyện về những người có uy tín ở Sơn La

Chủ Nhật, 17/07/2022, 13:25

Tích cực vận động đồng bào các dân tộc nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn và cung cấp cho Công an nhiều thông tin giá trị trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm... đó là vài nét khắc họa về người có uy tín trên địa bàn tỉnh Sơn La. Họ đã và đang là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Nói dân tin, làm dân theo

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến nhà ông Mùa A Chia (gần 70 tuổi, dân tộc Mông), nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, nơi từng được ví là “chảo lửa” ma túy của huyện Vân Hồ. Nhắc lại thực trạng ma túy ở Lóng Luông hơn 10 năm về trước, ông Chia nói: Xã Lóng Luông có 11 bản, hơn 1.000 hộ dân, gần 90% là đồng bào dân tộc Mông; có quốc lộ 6 chạy qua xã, địa hình núi đồi hiểm trở, giáp ranh với xã Hang Kia, Pà Cò (tỉnh Hòa Bình) là điều kiện thuận lợi để mua bán, vận chuyển ma túy. So với trồng ngô, sắn, đi vận chuyển ma túy có lợi nhuận cao, nên nhiều người trong xã độ tuổi từ 18-40 tuổi tham gia buôn bán ma túy. Nhất là hai bản Lũng Xá, Tà Dê có 140 hộ thì 50 hộ có người tham gia vận chuyển ma túy. Có thời điểm, cả xã trên 30 đối tượng truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy, cả những đối tượng cộm cán cũng về trú ngụ tại xã, như: Tráng A Tàng, Tráng A Chư, Giàng A Nhà, Giàng A Chờ, Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận...

Chuyện về những người có uy tín ở Sơn La -0
Ông Giàng Sộng Câu thường xuyên cùng các lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Chỉ tay lên tấm Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao tặng trong tham gia thực hiện Phương án 279 về “Tăng cường lực lượng xuống cơ sở giải quyết địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ”, ông Chia nói tiếp: “Tôi đã cùng các tổ công tác 279 và lực lượng công an xã, chính quyền địa phương kiên trì đến từng gia đình, gặp gỡ trưởng các dòng họ, các tổ chức đoàn thể lồng ghép các hội nghị tuyên truyền tác hại của ma túy. Nói với dân là phải có chứng cứ rõ ràng, chỉ ra bằng chứng là những người dân tham gia vận chuyển ma túy đã bị bắt, đi tù, gia đình tan nát, nếu bà con không dừng lại cũng sẽ bị như vậy. “Mưa dầm thấm lâu”, sau khi có những trùm sỏ ma túy bị bắt, nhiều người dân đã hiểu, dừng lại. Mừng nhất là tôi đã góp phần vận động được nhiều người dân từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Giờ đây, tội phạm ma túy ở Lóng Luông đã giảm, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, thanh niên trong độ tuổi lao động chú tâm phát triển kinh tế và đi lao động ngoài tỉnh”.

Còn ông Sồng A Tủa, Trưởng bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại có cách làm rất khác để thay đổi cuộc sống của đồng bào trong bản. Ông là một trong số ít người có uy tín của tỉnh Sơn La vinh dự được tham gia lễ gặp mặt người có uy tín toàn quốc 2 lần.

Bản Pha Luông thời điểm trước có 42 hộ thì 32 hộ nghèo. Pha Luông lúc ấy do hoàn toàn tách biệt với xung quanh nên ngoài nghèo đói ra còn hội tụ đủ “4 không” (không điện, không đường, không trường học, không trạm xá). Dù phá rừng làm nương rẫy, trồng cây lương thực nhưng cái ăn cũng không đủ mà đất mỗi ngày một bạc. Đời sống của bà con khó khăn, cơ cực hơn bao giờ hết. Và, thế là cây thuốc phiện trở thành loại cây cho thu nhập tốt nhất lúc đó. Pha Luông trở thành một trong những bản trồng nhiều thuốc phiện nhất huyện Mộc Châu, bình quân mỗi hộ trồng 1ha cây thuốc phiện, có hộ trồng nhiều hơn. Cũng vì trồng nhiều cây thuốc phiện nên rất nhiều gia đình ở Pha Luông có người nghiện ma túy. Cả bản có 42 hộ thì 30 hộ có người nghiện ma túy, thậm chí có gia đình cả hai vợ chồng cùng nghiện. Pha Luông được xác định là điểm nóng về ma túy lúc bấy giờ.

Trưởng bản Tủa bảo: Lúc đấy tôi còn trẻ lắm, lại không biết chữ, không có kinh nghiệm gì nên nhìn bà con nghiện ngập, đói khổ, bản thân tôi cũng trăn trở lắm nhưng chưa nghĩ được phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu.

Năm 2004, khi cả bản chuyển xuống định cư ở chân núi Pha Luông, Nhà nước đã hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu nhưng vẫn chồng chất khó khăn vì không có đất canh tác và số người nghiện vẫn nhiều. Trưởng bản Sồng A Tủa bắt đầu hành trình tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ ma túy, không tái trồng cây thuốc phiện, vận động bà con khai hoang ruộng bậc thang, mở đường, phát triển chăn nuôi và học cách trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, ông cũng đích thân đến cấp ủy, chính quyền địa phương xin hỗ trợ vốn vay ngân hàng cho bà con trong bản để phát triển kinh tế. Ông tiên phong đi trước khi đưa cây chanh leo về trồng. Pha Luông sau 15 năm “xuống núi” đã khởi sắc từng ngày, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm, có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều người dân trong bản Pha Luông với sự giúp đỡ của ông Sồng A Tủa đã thay đổi nhận thức, không tham gia các hoạt động phạm tội về ma túy, nhiều người đã cai nghiện thành công, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, xây dựng bản làng bình yên, kinh tế phát triển. Nhiều hộ gia đình từ đời sống kinh tế khó khăn nay đã có thu nhập ổn định... Pha Luông bây giờ không có người tham gia buôn ma túy, không có vũ khí tự chế trong nhân dân, không trộm cắp, cờ bạc hay xuất cảnh trái phép... Cả bản chỉ còn 4 người đang cai nghiện tại nhà.

Chuyện về những người có uy tín ở Sơn La -0
Ông Mùa A Chia thường xuyên cùng cán bộ Công an đến từng hộ tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.

Ông Giàng Sộng Câu, người có uy tín bản Pu Hao, xã Mường Lạn được người dân yêu quý một cách đặc biệt, coi ông là một già làng đáng kính. Còn với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, ông như “cột mốc sống” đang ngày đêm góp công, góp sức bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh biên giới. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng đôi mắt và trí lực của ông Câu còn tinh tường. Ông kể: Bản Pu Hao là bản biên giới có 136 hộ, trên 700 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông sinh sống. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, cách đây 18 năm các đối tượng xấu đã trà trộn dụ dỗ, lôi kéo bà con vượt biên sang Lào, tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền cơ sở, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn. Thanh niên trong bản lúc ấy truyền tai nhau về một cuộc sống sung sướng nơi đất khách, rồi rủ nhau vượt biên sang Lào tìm miền đất hứa.

Thấy vậy, ông Giàng Sộng Câu vận động một số trưởng dòng họ cùng đến từng nhà động viên, khuyên bảo người dân yên tâm ở lại sinh sống; phối hợp với các lực lượng chức năng kêu gọi, vận động những người vượt biên sang CHDCND Lào trở về, đích thân ông hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế.

Nhớ lại những tháng ngày trốn sang “miền đất hứa”, anh Giàng A Thái hối hận bởi sau khi cùng các thanh niên bản vượt biên sang Lào, anh mới biết mình đã bước sai. Sang Lào anh phải ở trong rừng, ăn uống kham khổ và không hề có tờ đô la nào như lời hứa ban đầu. Anh đã bỏ chạy, lần tìm đường về bản Pu Hao và trốn ở trong hang trên ngọn núi gần bản. Sau đó, được ông Giàng Sộng Câu cứu giúp, vận động anh trở về địa phương sinh sống. Trong ngôi nhà bằng gỗ to nhất nhì bản, anh Thái vui mừng: Khi trở về bản, tôi vừa mặc cảm với tội lỗi của mình, vừa không biết làm gì để sống. Lúc ấy, ông Câu đã tận tình hướng dẫn vợ chồng tôi cách làm kinh tế. Hiện, gia đình có 2ha ngô, trên 1ha sắn, chăn nuôi bò, gà... thu nhập trung bình mỗi năm trên 60 triệu đồng. Có cuộc sống hôm nay, tôi thật sự biết ơn ông Câu nhiều lắm.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2015 đến nay, ông Câu còn phối hợp với lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tổ chức trên 30 hội nghị tuyên truyền phản bác lại các luận điệu sai trái về “nhà nước Mông”, người Mông không nghe theo lời kẻ xấu; giúp 6 hộ trong bản bỏ đạo trái pháp luật để tập trung làm ăn kinh tế, vận động người dân đẩy lùi hủ tục lạc hậu trong tổ chức ma chay, cưới hỏi; cuộc sống người dân bản Pu Hao thực sự đã đổi thay.

Chuyện về những người có uy tín ở Sơn La -0
Người có uy tín ở xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức Hội nghị tuyên truyền ở bản.

“Cánh tay nối dài” giữ bình yên bản làng

Ngoài những “chiếc cầu nối” như ông Chia, ông Câu, ông Tủa, tỉnh Sơn La còn hơn 500 người có uy tín khác đang ngày đêm là những hạt nhân gương mẫu, chung tay cùng lực lượng Công an trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các già làng, người có uy tín tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới rất am hiểu về văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán và có mối liên hệ chặt chẽ trong dòng họ, cộng đồng dân cư. Họ có khả năng quy tụ, tập hợp nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, tin và nghe theo. Người có uy tín đã giúp đỡ, cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin có giá trị, cùng các lực lượng chức năng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; tích cực tham gia và vận động quần chúng nhân dân thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu dân cư, quần chúng tự bảo quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh, trật tự khu vực biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc...

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La khẳng định: “Nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín trên khắp các bản làng trong tỉnh luôn là nhân tố tích cực, cánh tay nối dài, nhịp cầu nối gắn kết với lực lượng Công an trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại bình yên cho bản mường.

Hơn 10 năm qua, người có uy tín ở tỉnh Sơn La đã tham gia giải quyết ổn định hơn 100 vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy, hình sự; 90 vụ tranh chấp đất đai, 43 vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài trên địa bàn; cung cấp hơn 400 tin liên qua đến hoạt động tuyên truyền lập “nhà nước Mông”; tham gia củng cố, chuyển hóa làm sạch 8 bản của 4 xã, thuộc 2 huyện bị tác động ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền lập “nhà nước Mông”, vận động 4 đối tượng liên quan đến hoạt động tuyên truyền lập “nhà nước Mông” ra đầu thú trở về đoàn tụ với gia đình; tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục hơn 20 đối tượng ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất... góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Minh Phong
.
.