Chuyện về nữ Trưởng Công an xã, 25 tuổi được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Trong thời hoa lửa của chiến tranh vẫn đẹp mãi câu chuyện của một người phụ nữ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân để góp phần cho đất nước độc lập, thống nhất. Đó là bà Nguyễn Thị Minh Châu (sinh năm 1945) - nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới tròn 25 tuổi.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dưới hàng ngàn tấn bom đạn của kẻ địch, được giao nhiệm vụ Trưởng Công an xã, bà đã cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách…
Bảo vệ an toàn hàng ngàn tấn hàng chi viện cho chiến trường miền Nam
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Châu vào một ngày đầu tháng 4, khi tiết trời xứ Nghệ bắt đầu đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên. Nhà bà nằm khuất sâu trong một con ngõ trên đường Nguyễn Gia Thiều (phường Hưng Dũng, TP Vinh). Đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, dù đã gần 80 tuổi song trông bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Ký ức về câu chuyện thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứ thế hiện lên qua lời kể chầm chậm, với chất giọng Nghệ đặc sệt của bà…
Bà sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mẹ mất sớm, bố thì sức khỏe yếu, bà là chị cả nên gánh nặng cơm áo đè trên đôi vai gầy gò, nhỏ thó của cô gái mới lớn Nguyễn Thị Minh Châu. Bà vừa làm ruộng, vừa mò cua bắt ốc đưa ra chợ bán để nuôi các em, lại tranh thủ thời gian tham gia các công tác đoàn thể của xã. Năm 1964, bà tham gia Ban Công an với vai trò công an viên. 2 năm sau, bà đảm nhận chức danh Phó Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng và vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tinh thần tận tụy, trách nhiệm và hăng hái, tích cực, nhiệt tình trong công việc, bà được cấp trên tin tưởng, bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quỳnh Hồng và giữ chức vụ Trưởng Công an xã năm 1967 khi mới 22 tuổi.
Quỳnh Hồng là một xã chạy dài dọc đường Quốc lộ 1A, phía Bắc giáp với xã Quỳnh Hậu, phía Nam giáp với cầu Giát, xã Quỳnh Mỹ; phía Đông giáp với xã Quỳnh Bá, xã Quỳnh Hương, có đường tỉnh lộ 37 chạy từ biển cắt ngang xã lên đến xã Quỳnh Châu. Toàn xã có 15 xóm, chia làm 4 cụm (Hùng Tiến, Hồng Phú, Hồng Long và Hồng Yên), trong đó có 3 xóm giáo, 3 nhà thờ họ thuộc Giáo xứ Thuận Nghĩa. Từ năm 1965-1970, nhằm phá hủy Ga cầu Giát và chia cắt tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A, không cho ta chi viện người và của vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã dùng pháo kích từ hạm đội 7 liên tục bắn vào. Quỳnh Hồng phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn bất kể ngày đêm, cướp đi hàng trăm mạng người, nhà cửa bị phá hủy; đường làng, hào giao thông, ruộng vườn bị cày xới… Chúng điên cuồng rải bom liên tục xuống ga tàu, Quốc lộ 1A làm tắc nghẽn giao thông, khiến xe chở hàng, xe chở pháo bị ùn lại.
Trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt, Ban Công an xã cùng lực lượng dân quân, thanh niên xung phong đã khẩn trương tham gia sửa chữa, nâng cấp mặt đường để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt. Giữa đêm tối mịt mù, sặc mùi bom đạn, bà Châu đã cùng các đồng chí Công an xã phối hợp với lực lượng dân quân, phân công từng mũi dẫn xe vào nơi ngụy trang và lập tức cho hàng gửi vào nhà dân. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm, súng đạn, hàng ngàn tấn hàng trong hang đá, nhà dân được kiểm soát thường xuyên, giao nhận đúng nguyên tắc. Nên từ năm 1967-1970 không để hư hỏng, mất cắp; nhà cửa, của cải của nhân dân đi sơ tán được bảo vệ an toàn.
“Nếu là xe chở đạn pháo thì chúng tôi dẫn đường, ngụy trang cho các xe vào hang đá trú ẩn an toàn. Còn xe chở hàng, chúng tôi đưa đến nhà dân an toàn. Để tránh mất mát, hư hỏng, tôi lên kế hoạch cụ thể, phân công các đồng chí Công an viên luân phiên, phối hợp với chủ hàng (thủ kho) và người dân (chủ nhà) cùng đồng thời giám sát. Xây dựng Tổ trị an ở các xóm, tuyên truyền về công tác an ninh, phòng chống máy bay địch ném bom, kịp thời sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn. Lực lượng Công an, dân quân, thanh niên ở lại vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Nhờ vậy, mặc dù Quỳnh Hồng bị không quân địch đánh phá ác liệt, tôi và Ban Công an xã đã bảo đảm an toàn khoảng hơn 3.500 tấn hàng Nhà nước sơ tán trong nhà dân”, bà Châu kể.
Lợi dụng chiến tranh đang giai đoạn ác liệt, tội phạm hình sự trong xã thường xuyên móc nối với các đối tượng lưu manh đường dài để trộm cắp và tiêu thụ tài sản của công dân. Từ ngã tư cầu Giát đi xuống dọc đường tỉnh lộ 37 là nơi có nhiều cơ quan sơ tán đóng, cũng là nơi mà bọn tội phạm lợi dụng để hoạt động, thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp xe đạp. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, Ban Công an xã Quỳnh Hồng đã thường xuyên tổ chức họp quán triệt tinh thần, phân công 04 đồng chí Phó Trưởng Công an xã phụ trách theo cụm. Các đối tượng chính trị, hình sự được rà soát, kiểm tra và phân loại theo định kỳ, có bản tự kiểm điểm hàng tháng; việc giám sát, theo dõi các đối tượng được tiến hành một cách chặt chẽ và thường xuyên.
“Vào khoảng 21 giờ một ngày cuối tháng 8/1967, khi đang đi tuần tra dọc đường tỉnh lộ 37 thì tôi phát hiện có một bóng đối tượng có nhiều nghi vấn nên đã bám theo. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ chạy. Đối tượng lẩn trốn vào ruộng mía song tôi vẫn kiên trì đuổi theo, kịp bắt đối tượng và giải về trụ sở ngay trong đêm. Ban đầu, đối tượng cố tình quanh co chối cãi, song quá trình xét hỏi và qua những chứng cứ, tài liệu, người này đã thú nhận là Nguyễn Văn Quý (28 tuổi), quê ở Thanh Hóa, là đối tượng hình sự đi tù nhiều lần. Nguyễn Văn Quý đã móc nối với các đối tượng cộm cán và thực hiện hành vi trộm cắp xe đạp ở xã Quỳnh Hồng và các xã lân cận. Ngay sau đó, Ban Công an xã Quỳnh Hồng đã thu được 5 chiếc xe đạp và tiến hành thủ tục trao trả cho các bị hại”.
Công tác trong địa bàn vùng giáo, là một Đảng ủy viên, Trưởng Công an xã, bà đã đi sâu, gần gũi giáo dân, phân tích chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước và vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động đội lốt tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Với vai trò nòng cốt, Ban Công an xã đã động viên được 100% thanh niên đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, trong đó có nhiều đồng bào giáo dân.
Mặc dù phải chịu nhiều trận bom tàn sát, cướp đi nhiều người và tài sản, song Ban Công an xã Quỳnh Hồng cùng nhân dân luôn làm tròn nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; luôn bám trụ giữ làng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, là ngọn cờ đầu trong thâm canh lúa của tỉnh. Ban Công an xã là đơn vị quyết thắng về phong trào bảo vệ ANTQ trong 4 năm liền. Ngày 25/8/1970, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới tròn 25 tuổi.
Giữ vững truyền thống - Tiếp lửa cho thế hệ trẻ
Đưa bàn tay chậm chạp miết lên bức ảnh đen trắng đã mờ theo năm tháng, đôi mắt già nua bà Châu sáng lên khi hồi tưởng về câu chuyện tình yêu của mình. Đó là tấm ảnh hai vợ chồng bà chụp với nhau lúc mới cưới. Trong tấm ảnh cũ, bà Châu và chồng - ông Trần Thế Phiệt (sinh năm 1940) ngồi chụm đầu vào nhau, cả hai cười tươi hạnh phúc. Bà kể, hai ông bà sinh ra và lớn lên cùng làng nên đã biết và mến mộ nhau từ lâu. Khi đang làm y tá ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đầu năm 1966, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bước vào giai đoạn khốc liệt nên ông Phiệt được lệnh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 17/4/1966, trong thời gian ông tranh thủ về thăm gia đình trước lúc vào chiến trường, nhờ gia đình đôi bên vun vén, đám cưới của ông Phiệt và bà Châu được tổ chức đơn sơ, ấm cúng trong niềm vui của làng xóm, đồng đội. Hai vợ chồng quấn quýt bên nhau 3 ngày, 2 đêm thì ông khoác ba lô, chia tay người vợ mới cưới và gia đình để vào chiến trường B. Bà Châu lặng lẽ nén nỗi nhớ trong lòng, vượt lên tất cả để lo công việc, chờ đến ngày ông Phiệt về đoàn tụ.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc Mỹ ngày càng điên cuồng đánh phá đất nước ta trên cả hai miền Nam, Bắc. Chồng tham gia chiến trường miền Nam biền biệt, ở quê nhà, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trên cương vị Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng, bà Châu đã tích cực, tận tụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông bà gửi yêu thương, báo cho nhau tình hình qua những lá thư viết vội. Những lá thư ông gửi về cũng là niềm động viên, điểm tựa để người vợ trẻ vượt lên mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống trong những ngày bom đạn khốc liệt, có thêm sức mạnh chờ chồng.
“Năm 1972, khi tôi đang theo học lớp nghiệp vụ Công an cơ sở tại tỉnh Hà Tây (cũ) thì nghe tin chồng mình bị thương và được đồng đội đưa ra chữa trị ở bệnh viện tỉnh Hưng Yên. Tôi xin phép nhà trường qua thăm chồng, cuộc trùng phùng sau gần 7 năm xa cách biền biệt khiến hai vợ chồng cứ thế ôm nhau khóc…”.
Tiếp nối truyền thống của gia đình, người con trai cả và con gái thứ ba của ông Phiệt, bà Châu hiện đang là những cán bộ công tác tại các đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An. Là một trong hai người con của gia đình vinh dự được theo nghiệp của người mẹ anh hùng, Trung tá Trần Hải Hà không giấu được niềm tự hào sâu sắc về mẹ mình. Anh cho biết, từ nhỏ, anh đã được nghe mẹ kể về những năm bom đạn, chiến đấu với giặc Mỹ. Chính những chiến công, thành tích của mẹ là động lực, thôi thúc anh tự nguyện làm đơn vào phục vụ trong ngành Công an từ chiến sỹ nghĩa vụ. Chặng đường công tác đã qua, có những thời điểm khi đối diện với khó khăn, anh đã chùn lòng; nhưng nghĩ về người mẹ của mình, anh lại có động lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống gia đình tiếp tục cống hiến, góp sức mình vào sự bình yên, phát triển của quê hương.
“Về với đời thường, cùng với bố, mẹ tôi thực sự là trung tâm đoàn kết của cả gia đình. Mẹ luôn dõi theo, quan tâm và định hướng từng bước đi của con, của cháu. Mẹ tôi còn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Nhiều năm liền mẹ đảm nhận vai trò Chi hội phó Chi hội phụ nữ khối, thành viên tích cực trong Chi hội người cao tuổi khối, được các cấp khen thưởng”.
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Châu càng ý nghĩa hơn, khi cả nước đang hân hoan trong những ngày tháng 4 lịch sử - kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi càng biết ơn và kính trọng hơn sự hi sinh, cống hiến thầm lặng của những người như bà Châu, góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Bà không chỉ làm tròn vai trò của người vợ, người con trong gia đình, mà vượt lên tất cả, còn làm nên những chiến công sáng ngời góp phần vào chiến thắng giặc Mỹ. Đó là động lực thúc giục, hiệu triệu thế hệ trẻ Công an Nghệ An cố gắng, phấn đấu, tiếp nối và tô thắm thêm truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.