Chuyến xe đặc biệt trong tâm dịch

Thứ Sáu, 20/08/2021, 18:07

Có quá nhiều nước mắt và nỗi đau trong những ngày gian khó này. Nhưng, bù lại, tình người chưa bao giờ trỗi dậy mạnh mẽ đến thế. Những “thiên thần” bóng đêm, có thể chẳng ai biết họ là ai, từ đâu đến, đã xuất hiện trước mỗi phận người không may “nằm xuống” trong cơn cuồng phong của đại dịch.

Những “thiên thần” không tên

Tôi gọi điện thoại cho Giang Kim Cúc, đầu dây bên kia là tiếng còi xe cứu thương, thay cho lời cáo lỗi không thể tiếp chuyện. Vài tiếng sau, Cúc nhắn cho tôi: “Em vừa xong việc, chị gọi nhé”.

Cúc tranh thủ nghe điện thoại của tôi trên chiếc xe mai táng, khi vừa hoàn thành xong một ca tẩm liệm người mất vì COVID-19.  Cuộc nói chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi tiếng trao đổi thông tin về người mất, ở đâu, bao nhiêu tuổi, hoàn cảnh ra sao, rồi thi thoảng xen lẫn tiếng ho húng hắng của Kim Cúc. Tôi lo lắng hỏi về sức khỏe, Cúc trả lời tỉnh bơ: “Em không sao, là do bị ngạt mồ hôi từ đồ bảo hộ quá chật”.

Cúc lấy mảnh giấy ra, ghi vội thông tin người mất cho hành trình tiếp theo của mình. Đó là bệnh nhân 48 tuổi, sống tại căn nhà trọ cũ kỹ trong con hẻm nhỏ trên đường Hồ Tấn Phát (Q.8, TP Hồ Chí Minh). Bệnh nhân nhiễm COVID-19 qua đời khi bên cạnh chỉ có cậu con trai. Đứa con quỳ lạy cha từ rất xa, rồi ngồi bệt xuống đường nhìn theo chiếc xe đưa cha mình về nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Chứng kiến những cuộc chia ly đẫm nước mắt, nhiều người trong nhóm đã không nén được cảm xúc, nước mắt thấm ướt chiếc khẩu trang. Riêng Kim Cúc, cô bảo, mình mạnh mẽ hơn các bạn. Phải bình tĩnh để xử lý tình huống và chỉ khóc khi mọi thứ đã xong.

Chuyến xe đặc biệt trong tâm dịch -0
 Tiễn đưa người mất về nơi an nghỉ được thực hiện trọn vẹn.

Việc đầu tiên sau khi tiếp cận nạn nhân, các thành viên trong nhóm thực hiện nghi thức cúi chào, tiễn biệt. Mỗi người trong nhóm đều xác định, họ chính là người cuối cùng gần gũi nạn nhân, thay mặt con cháu trong gia đình thực hiện đầy đủ nghi thức theo tôn giáo của người mất. Sau khi xong các thủ tục khâm liệm, các thao tác tiếp theo phải được xịt khuẩn kỹ lưỡng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh.

Đại đức Thích Tâm Nhơn, trụ trì chùa Pháp Minh, là thành viên của nhóm, trực tiếp khâm liệm cho người mất đã không khỏi ngậm ngùi, đau xót: “Dịch bệnh khiến sự ra đi của một kiếp người thêm đau buồn, thậm chí cô độc trong chính căn nhà của mình. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đối diện với rủi ro nhiễm bệnh, đảm nhận công việc của một nhà đòn thực thụ. Trong khả năng có thể, chúng tôi sẽ đồng hành với những hoàn cảnh không may để cùng vượt qua khó khăn lúc này”.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Giang Kim Cúc (33 tuổi, ngụ Q.9, TP Hồ Chí Minh) vốn là một người có tình yêu cháy bỏng với thiên thiên. Cô đã khởi xướng nhiều dự án về môi trường, trong đó chú trọng đến rác. Từ một người chuyên đi “nhặt rác”, Cúc không ngờ có một ngày mình trở thành người đi cấp cứu, mai táng trên những chuyến xe cứu thương hối hả đêm ngày giữa tâm dịch.

Nhóm cứu trợ tình nguyện của Giang Kim Cúc không có tên gọi mỹ miều như bao nhóm thiện nguyện khác. Họ là tập hợp những con người có chung một tấm lòng đau đáu, thương xót cho những mảnh đời không may qua đời trong cơn đại dịch. Họ hoạt động trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Chuyến xe đặc biệt trong tâm dịch -0
 Xe mai táng miễn phí của nhóm nhận cuộc gọi và hoạt động liên tục không kể ngày đêm.

Thành viên tham gia trong nhóm đều tự nguyện, bằng nhiều cách khác nhau, trước đó chưa từng biết nhau. Chàng trai trẻ Nguyễn Đức Lợi vô tình biết đến nhóm Giang Kim Cúc và cộng sự qua mạng, vì cảm kích quá mà lao vào “trận tuyến” xung phong làm tài xế lái xe. Vợ Lợi mới sinh con đầu lòng được 7 tháng, cha anh cũng lớn tuổi, cả gia đình đang ở trọ tại Bình Chánh nhưng không ai phản đối quyết định của Lợi.

Một trong những thành viên trẻ nhất trong nhóm là tài xế Võ Thành Long (22 tuổi, ngụ Q.1). Mấy ngày đầu gia nhập đội quân tình nguyện, Long cũng hơi run khi hỗ trợ xử lý các thi hài nhiễm COVID-19. Sau vài lần, tinh thần của Long đã vững hơn. Nhiệm vụ của tài xế là chở thi thể tới nhà hỏa táng, trong lúc chờ, tranh thủ ngủ lấy sức. Long tâm sự: “Tôi chưa bao giờ ngủ ở nghĩa trang thế này đâu nhưng mệt quá cũng thiếp đi và ngủ ngon lành. Tôi luôn nguyện với lòng mình, sẽ cố gắng đem sức trẻ hỗ trợ cho những hoàn cảnh nghèo khó, giúp họ vơi bớt nỗi đau”.

Hiện nhóm có 35 thành viên, riêng đội hỏa táng miễn phí có 20 thành viên. Ngay từ đầu mùa dịch, nhóm thực hiện các chuyến xe cấp cứu và trạm oxy “0 đồng” trải rộng khắp các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh. Từ 3 tuần nay, nhóm kiêm thêm nhiệm vụ mai táng người qua đời vì COVID-19. Trước khi hỗ trợ một trường hợp nào đó, nhóm sẽ liên lạc với chính quyền địa phương để trao đổi, xin phép và phối hợp giúp đỡ.

Chuyến xe đặc biệt trong tâm dịch -0
 Tài xế thiện nguyện Nguyễn Đức Lợi mong đại dịch qua mau để trở về với gia đình.

TP Hồ Chí Minh có rất nhiều con hẻm ngoằn ngoèo, chằng chéo, nhiều khu vực không có số nhà, nhóm đã được lực lượng cảnh sát giao thông tận tình dẫn đường tới tận nơi, nhiều ca phải xứ lý khó khăn, các đồng chí công an cũng sẵn sàng xắn tay vào giúp. “Đêm về, khi những con đường chỉ còn ánh đèn vàng vọt, chiếc xe của chúng tôi qua mỗi chốt trực, lại được anh em ở đây giơ tay vẫy chào. Họ chào chúng tôi và chào cả những phận người đang an giấc trên chuyến xe đưa họ về bên kia thế giới”, Kim Cúc chia sẻ.

Từ ngày làm việc “ma chay” như thế này, nhóm của Kim Cúc nhận được rất nhiều sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo địa phương cùng các tầng lớp nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những ngày đầu hoạt động, nhóm chỉ có 1 xe cấp cứu, hiện đã có 6 xe. Việc đổ xăng, rửa xe, sửa chữa xe cấp cứu chở thi hài đi hỏa táng đều được một số cá nhân ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ. Mọi chi phí hỏa táng đều miễn phí cho bà con nghèo. Kim Cúc cho biết, nhóm của cô đã phối hợp rất tốt với Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh trong việc mai táng và bảo quản, lưu giữ thi hài nạn nhân.

Hơn 2 tháng qua, tất cả các thành viên trong nhóm đều không trở về gia đình mà sinh hoạt và ăn ở tại chùa Pháp Minh (xã Tân Quý Tây, H. Bình Chánh). Công việc ít người dám làm cuốn họ đi không kể ngày đêm, cảm xúc thực tế đã chiếm trọn cuộc sống, nên đành lỗi hẹn với niềm thương nỗi nhớ. 

Ngọc Hoa
.
.