Cô giáo đặc biệt ở trường làng

Thứ Hai, 17/04/2023, 09:39

Mang trong mình di chứng của chất độc da cam và căn bệnh xương thủy tinh quái ác, nhưng Huỳnh Thanh Thảo chưa bao giờ cảm thấy tự ti, mặc cảm hay oán trách số phận. Với Thảo, khuyết tật chỉ bất tiện chứ không phải là bất hạnh. Thảo luôn yêu đời, yêu người, lạc quan và sống tận hiến…

Lớp học và thư viện “Bé Ba”

Huỳnh Thanh Thảo, ngụ ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh chào đời với chân tay mềm nhũn, không thể đi đứng, chỉ cần một tác động nhẹ là có thể để lại vết thương sưng tấy, đau đớn. 36 tuổi Thảo vẫn như một đứa trẻ, chỉ cao 65 cm. Chiếc xe lăn thay cho từng bước chân, chiếc phản cũ trở thành người bạn thân thiết nhưng Thảo không làm phiền đến ai khác trong sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, ăn uống. Giữa dòng đời nghiệt ngã và kém may mắn ấy, Thảo dường như ý thức được từ rất sớm những khác biệt của bản thân với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng, thay vì bi lụy, u uất, chị lựa chọn chấp nhận hình hài ấy một cách rất tự nhiên như bất cứ ai đều cũng đang phải mặc vừa “chiếc áo” số phận của chính mình. Lần ghé thăm bất chợt vào một buổi chiều cuối tháng 3 đã lưu lại trong chúng tôi nhiều xúc cảm.

Cô giáo đặc biệt ở trường làng -0
Chị Huỳnh Thanh Thảo được mọi người trân quý, đặt cho cái tên “Én nhỏ Phương Nam”.

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Thảo, đó là một cô gái có đôi mắt to, sáng đầy tự tin, lạc quan, nhí nhảnh, với nhiều hoài bão và ý tưởng rất khác biệt. “Mình chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi hay buồn tủi, bởi buồn cũng phải sống, vui cũng phải sống, vậy tại sao không lạc quan lên mà sống, quan trọng mình sống sao và ý nghĩa thế nào. Với mình, mỗi ngày được sống, được làm những việc yêu thích, tham gia thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật... đó đều là những ngày hạnh phúc” - Thảo mở đầu cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi như thế.

Cũng như bao bạn nhỏ khác, Thảo luôn khắc khoải mơ ước được đến lớp học, điều tưởng chừng đơn giản ấy lại trở nên quá xa xỉ với Thảo. Do mắc chứng bệnh xương dễ gãy nên dù rất thương con, bố mẹ Thảo đành nén nỗi buồn để con ở nhà. Thương con “khát” chữ”, mẹ mua sách về rồi tự làm “cô giáo” dạy Thảo đánh vần, tập viết những nét chữ đầu đời. Thảo học rất nhanh, chẳng mấy chốc đã có thể biết đọc, biết viết và làm các bài toán cộng, trừ, nhân, chia khá thành thạo.

“Tình thương của bố mẹ giúp tôi hiểu sâu sắc, mình chỉ không trọn vẹn về thể xác còn tâm hồn vẫn nguyên vẹn, phải vượt lên chính số phận không may mắn ấy để không phụ lòng bố mẹ”, Thảo bồi hồi nhớ lại. Từ khát khao của Thảo, tình thương của bố mẹ, hai thứ ấy hòa quyện vào nhau tạo nên một lớp học đặc biệt dành cho Thảo. Năm 2000, lớp học mang tên “Cô bé Ba” ra đời từ một cơ duyên rất đỗi tình cờ khi Thảo được giao nhiệm vụ trông trẻ giúp. Kì lạ là dù chưa một ngày được đến trường, chưa từng được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nhưng “bé Ba” dạy học rất hay, học trò đến học ngày một đông. Không giống như những lớp học khác, cả cô và trò đều không có bảng đen, phấn trắng. Các em tự kê sách lên bàn ăn để tập viết, đánh vần, còn cô giáo lúc thì ngồi trên xe lăn, lúc thì trên tấm phản cũ lăn qua lăn lại miệt mài hướng dẫn các em sửa từng nét viết vụng về và làm các bài toán cộng, trừ. Vừa dạy học, Thảo cũng tích cực tự học, đọc sách, rèn luyện kỹ năng sư phạm.

Cô giáo đặc biệt ở trường làng -0
Căn nhà nhỏ của chị Thảo giờ đây mỗi ngày đều rộn ràng tiếng trẻ em đến mượn sách vui đùa, tiếng ê a tập đánh vần vào mỗi cuối tuần...

Miệt mài cống hiến sức mình suốt 23 năm, giờ đây tâm sức của Thảo đã phần nào được đáp đền khi hơn 100 học sinh nghèo ở ấp Ràng đã tự tin bước vào giảng đường đại học. Biết các em rất mê đọc sách báo nhưng không có tiền mua, trong một lần tham gia chương trình “Điểm hẹn tuổi hồng” trên đài, được mọi người ủng hộ sách vở, Thảo quyết định mở một tủ sách nhỏ dành cho trẻ em ngay tại nhà mình. Khi được hỏi về điều khiến chị trăn trở muốn thành lập trạm đọc tại gia, Thảo tâm sự: “Ngày nhỏ niềm ao ước của tôi là có một tủ sách nhỏ, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên những cuốn truyện tôi có chủ yếu là của các anh chị trên thành phố mang về cho. Với tôi, đó là báu vật của tuổi thơ nên cũng muốn đem đến niềm vui ấy cho các em nhỏ nơi xóm nghèo của mình”.

Nói rồi, Thảo chỉ tay về thư viện sách trước mặt, lật giở từng trang ký ức của 14 năm về trước. Ngày 7/3/2009 Thảo cho rắt mắt tủ sách. Hôm đó trời mưa tầm tã nhưng các em nhỏ vẫn háo hức đến đọc sách rất đông dù chỉ có vỏn vẹn hơn 50 đầu sách báo cũ do bạn bè từ các diễn đàn mạng gửi tặng. Nhìn các em chăm chú đọc sách, Thảo biết mình đã đi đúng đường. Gần một năm sau, thư viện được sửa soạn khang trang hơn nhờ cuộc hạnh ngộ bất ngờ của Thảo với một đạo diễn phim người Mỹ nhân dịp sang Việt Nam làm phim về nạn nhân chất độc da cam như Thảo. Bộ phim “Thao’s Library” (thư viện Thảo) được công chiếu cũng là lúc ngày càng nhiều bạn bè quốc tế biết đến Thảo, biết đến những nỗ lực không mệt mỏi của cô gái xương thủy tinh với tủ sách miễn phí nơi miền đất thép thành đồng. Nhờ đó, một thư viện mini dành cho học sinh, công nhân nghèo ở ấp Ràng với hơn 4.000 đầu sách báo, tạp chí đã ra đời thu hút hơn 300 lượt độc giả ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau.

“Mình nhớ có một cô bán ve chai đã tập hợp những cuốn sách, cuốn truyện còn mới mà cô thu gom được, lặn lội bắt xe buýt từ TP Hồ Chí Minh về Củ Chi để trao cho thư viện khiến mình rất xúc động”, Thảo kể lại. Nể phục trước những nghĩa cử của Thảo, chị Nguyễn Thị Nhung, Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ ấp Ràng chia sẻ: “Bé Ba đã làm được những việc mà nhiều người bình thường không thể, từ lúc còn nhỏ đã dạy học cho các em học sinh cấp 1 và mở thư viện sách tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ, góp phần xây dựng một thế hệ sau này trưởng thành tốt đẹp hơn”.

Từ khi thành lập “Thư viện sách mini”, Thảo đã tâm niệm sống là một hành trình tận hiến, ít nhất trong khả năng mình với chính những mảnh đời còn khó khăn hoặc khiếm khuyết.

Cô giáo đặc biệt ở trường làng -0
Ông Huỳnh Văn Ru - bố chị Huỳnh thanh Thảo cũng là người bạn đồng hành đặc biệt của chị trong mỗi chuyến thiện nguyện.

Cánh én nhỏ kiến tạo nên mùa xuân

Chân không đi lại được, di chuyển bằng xe lăn khó khăn, năm 2013, Thảo vẫn quyết định rời quê lên phố với niềm ấp ủ sẽ định vị một cái nhìn khác hơn về người khuyết tật với dự án “Cà phê sách cho người khuyết tật” ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Rồi khi gần như sắp chạm ngưỡng thành công thì vụ tai nạn giao thông bất ngờ ập xuống trước đêm Giáng sinh khiến Thảo từ niềm hân hoan phút chốc rơi xuống thẳm sâu của sự tuyệt vọng.

Nhắc đến đây, Thảo không kìm được nước mắt, rưng rưng hồi ức lại hành trình vượt qua lằn ranh sinh tử của mình. Đó là một buổi sáng ngày 23/12/2016, khi đang trên đường từ chỗ trọ để đeo đuổi giấc mơ mở quán cà phê cho người khuyết tật ở TP Hồ Chí Minh, khi ngang qua con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Thọ, bất ngờ một chiếc xe ba gác tông trực diện vào chiếc xe Cub tự chế của Thảo. Do ngồi ở phía sau nên khi ngã xuống, đầu Thảo đập mạnh vào xe, cánh tay trái vướng vào thành xe, gần như gãy lìa... Thảo được đưa vào Bệnh viện 175 cấp cứu, “Tai nạn ấy bác sĩ chẩn đoán tôi bị máu bầm tụ trong não, gãy lìa cánh tay phải mà bản thân bị xương thủy tinh nên không bó bột, không mổ như bình thường được, các bác sĩ đều lắc đầu vì không thể cứu được cánh tay của tôi”.

Từ Bệnh viện 175 sang Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi bệnh viện thời gian lưu trú dài bao nhiêu là hy vọng của Thảo càng ngắn lại bấy nhiêu, đến khi bác sĩ thông báo trả Thảo về với cánh tay nát vụn hoàn toàn không có cách nào can thiệp cứu chữa thì tưởng như ước mơ, hoài bão của Thảo cũng vỡ vụn từ giây phút đó.

Dù khóe mắt cay cay, nhưng giọng Thảo vẫn lạc quan: “Khoảng thời gian đó đến bây giờ mình vẫn ám ảnh. Mình được đưa về nhà trong tình trạng không thể mặc được quần áo một cách bình thường. Những cơn mệt thường xuyên kéo đến, không chỉ vậy, còn nhiều căn bệnh khác ập đến như: Viêm tai giữa, lưng lở loét”. Thứ duy nhất mà Thảo nắm níu lúc đó là luôn tự động viên mình không được buông xuôi, bỏ cuộc, còn sống là còn hy vọng. Để rồi, Thảo bắt đầu quyết tâm giành giật sự sống nhỏ nhoi dù chỉ bằng một tia hy vọng ngắn, mỏng manh, yếu ớt. Thảo tự thiết kế các bài tập cho cánh tay, không để mình gục ngã.

Và rồi, kỳ tích đã đến và đã ở lại cùng với cô gái đầy nghị lực, sau hơn 2 năm, cánh tay của Thảo dần hồi phục. Khi chúng ta đau, chúng ta thường chỉ quan tâm đến nỗi đau của mình, Thảo chẳng như vậy. Trái tim Thảo thực sự có một tình yêu rất lớn và được mọi người trân quý đặt cho cái tên “Én nhỏ phương Nam”.

Cô giáo đặc biệt ở trường làng -0
Nguyễn Đặng Thanh Vân được truyền cảm hứng từ cách sống tích cực của chị Thảo.

“Chị Thảo đã làm rất nhiều việc, rất đáng trân trọng, là người truyền cảm hứng sống đẹp, sống tích cực, tử tế cho những người trẻ”, em Nguyễn Đặng Thanh Vân, sinh viên Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh chia sẻ. Nhờ Thảo, một thư viện mini dành riêng cho học sinh của ấp Ràng đã ra đời. Nhờ Thảo, hàng trăm phần quà và học bổng đã được trao cho các em học sinh nghèo hiếu học từ quỹ học bổng “Cô Ba ấp Ràng”. Nhờ Thảo, nhiều nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật được hỗ trợ từ các “Mạnh Thường Quân” qua Quỹ hỗ trợ vốn cho người khuyết tật do Thảo vận hành. Sau tất cả, Thảo biết ơn cuộc đời và những người mình từng hạnh ngộ, vì mỗi người đi qua đều là một nhân duyên, có họ, mới có một Huỳnh Thanh Thảo như hôm nay.

Trải lòng về con gái mình, ông Huỳnh Văn Ru (70 tuổi) nghẹn nghào: “Thảo sinh ra không có được hình hài nguyên vẹn, phận làm bố mẹ thực sự khổ tâm vô vùng. Bấy giờ cũng có nhiều đàm tiếu, có người khuyên gửi Thảo vào các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật nhưng vợ chồng tôi cắn răng chịu đựng, quyết nuôi dưỡng cháu. Cho đến giờ chúng tôi luôn ủng hộ những việc làm vì cộng đồng của cháu”.

36 tuổi với không ít những lần phải giành giật sự sống từ tay tử thần nhưng giấc mơ hạnh phúc của Thảo lại rất dung dị: “Gia đình hạnh phúc của tôi là bọn trẻ, việc dạy học, thư viện sách sẽ luôn theo dấu mỗi bước chân tôi. Nhưng, tôi vẫn còn một ước mơ nữa là ngày càng tổ chức được nhiều hơn những chương trình thiện nguyện, mang yêu thương đến với những người khuyết tật, những cụ già neo đơn”.

Ngọc Hoa - Nguyễn Nga
.
.