Cô giáo M’nông đưa ngoại ngữ đến với đại ngàn

Thứ Hai, 09/05/2022, 21:33

Lớp học ngoại ngữ ra đời trên bon làng Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông của cô giáo H’Brông như một đốm lửa sáng bừng lên giữa núi rừng Tây Nguyên về con chữ và sự học. Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm, có những lúc tưởng như ước mơ vụt tắt thì cô giáo người M’nông lại vực dậy bằng trái tim và tấm lòng vì những đứa trẻ nghèo khó của quê hương mình.

Tiếng Anh về bon, làng

H’Brông lớn lên tại bon Kon Hao, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa thấm đẫm đặc tính của đồng báo M’nông. Cha mẹ cô sinh được 15 người con nhưng nhiều người đã sớm về với Giàng. H’Brông là con thứ 3 trong 9 chị em còn lại và cũng là người học cao hiểu rộng nhất trong nhà. Brông có 2 bằng đại học, một bằng ngoại ngữ của Đại học Huế và một chuyên ngành chính trị của Đại học Tây Nguyên.  

Ấp ủ ước mơ đưa tiếng Anh trải rộng về khắp với bon làng, ngay từ năm 2016, khi ấy H’Brông vẫn chưa xin được việc dạy học nhưng cô đã mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho những đứa trẻ nghèo ở xóm núi của mình. Để thu hút và tạo động lực cho các bé, H’Brông đã bỏ tiền ra mua đồ ăn thức uống nấu cơm cho các bé. Niềm vui đón nhận con chữ của trẻ em bon làng ngày càng được nhân rộng, các bậc cha mẹ quanh năm bạc mặt với nương rẫy, chữ nghĩa không nhiều, hiểu biết xã hội cũng hạn chế nhưng vì cô giáo H’Brông quá nhiệt tình và tận tâm đã cảm hóa được suy nghĩ của họ. Cha mẹ đồng ý cho con đi học thêm ngoại ngữ ngoài giờ tới trường học văn hóa.

Cô giáo M’nông đưa ngoại ngữ đến với đại ngàn -0
Giáo viên người nước ngoài được H’Brông mời về từ TP. Hồ Chí Minh.

Với những đứa trẻ không thể đến trường học chữ do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không đưa đón được, cô giáo H’Brông nhận dạy luôn cả văn hóa. Các em học tại nhà cô Brông, trưa ăn cơm xong đi ngủ, chiều học tiếp cho đến tối mới trở về nhà. Lớp học hoàn toàn tự nguyện và miễn phí nên em nào có nguyện vọng học thì cứ đến đăng ký là được vào lớp. Em Siu H’Hi, dân tộc M’Nông cho biết: “Những năm trước, cuối tuần thì chúng em thường theo bố mẹ lên nương lên rẫy. Năm nay có lớp học của cô H’Brông, chúng em vừa được học, vừa được chơi nên rất vui. Hằng ngày, bố mẹ đi làm rẫy xa, trưa không đón được, chúng em còn được cô nấu cơm để ăn ngay tại nhà”.

Những ngày đầu tiên lớp khai giảng, chỉ có vài em ở bon Kon Hao đến học. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, nhiều phụ huynh trên địa bàn biết đã cho con đến nhà cô H’Brông học thêm. Điều này không chỉ khiến nữ giáo viên cảm thấy hạnh phúc mà còn tạo động lực cho cô tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Gắn bó với lớp học trò bon làng, H’Brông cho biết, bản thân cô là người dân tộc M’nông nên rất cảm thông với các em. Việc tiếp thu tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh lại còn khó hơn, vì vậy khi học, cô giảng rất chậm, hướng dẫn từng em một với mong muốn các em nắm vững kiến thức, tự tin trong giao tiếp.

Cô giáo M’nông đưa ngoại ngữ đến với đại ngàn -0
H’Brông thường xuyên tổ chức vui chơi dã ngoại cho các em nhỏ người nước ngoài.

Năm 2018, H’Brông xin vào dạy tại trường cấp 3 của huyện Đăk Song nhưng vẫn duy trì lớp học tại bon Kon Hao vào những ngày cuối tuần hoặc ngày cô không có tiết dạy trên trường. Để có tiền duy trì lớp học, cô giáo H’Brông đã làm thêm đủ mọi nghề. Cô kinh doanh online, bán giày dép, quần áo, làm tất cả những công việc chân chính có thể kiếm thêm tiền ngoài đồng lương giáo viên ít ỏi. Những khoản tiền kiếm được cô bỏ ra mở 2 ngôi trường mầm non, thuê 8 giáo viên đứng lớp. Trong suy nghĩ của cô, việc mở trường không phải là kinh doanh kiếm lời và thực tế đi vào hoạt động thì chưa được lời một đồng nào, chỉ có lỗ ít hay lỗ nhiều mà thôi. Lý do duy nhất chỉ vì cô quá thương lũ nhỏ ở nơi này và muốn tạo thêm công ăn việc làm cho những cô giáo bản địa có thêm thu nhập.

Trải qua thời gian, những lớp học sinh ở Kon Hao đều có vốn ngoại ngữ cứng, nhiều em có khả năng nói chuyện với người nước ngoài. “Tôi muốn bà con quê mình thoát được cái nghèo, muốn vậy chỉ có con đường duy nhất là cho con em mình học tập. Giỏi văn hóa và giỏi cả ngoại ngữ nữa sẽ giúp các em ra đời tự tin, có thể lập nghiệp ở bất cứ nơi nào trên trái đất này rồi quay về xây dựng bản làng cho dân mình”, cô giáo 33 tuổi chia sẻ. 

Ước mơ vươn xa

Mỗi ngày, cô giáo H’Brông đều ấp ủ và không ngừng nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng cho những đứa trẻ trên bon làng của mình. Thế rồi, trên con đường thực hiện điều ước ấy, H’Brông đã gặp phải cú sốc lớn. Việc buôn bán của H’Brông gặp sự cố, hàng hóa không tiêu thụ được, đồng vốn cạn kiệt kéo theo những khoản nợ chưa thể thanh toán. H’Brông lâm cảnh vỡ nợ, bạn bè rời xa, người thân hoài nghi, trách móc. Cuối cùng, H’Brông đã đưa ra một quyết định mà không phải ai cũng đủ dũng khí, đó là từ bỏ công việc giảng dạy tại trường cấp 3, nơi cô đã có một chân biên chế.

Cô giáo M’nông đưa ngoại ngữ đến với đại ngàn -0
B’Brông những ngày làm tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến.

Trước khi làm điều mà bạn bè cho là điên rồ này, H’Brông đã suy nghĩ rất kỹ lưỡng, đã trằn trọc, trăn trở nhiều đêm. Cô nghĩ, khoản nợ hơn 1 tỷ đồng với một cô giáo miền núi thì có khi cả đời không trả nổi. Nếu không ra đi tìm lối thoát thì cuộc đời, ước mơ của cô sẽ mãi bị chôn vùi trong đống nợ. Gia đình cũng chỉ biết bất lực nhìn người mẹ đơn thân của 2 đứa con bé nhỏ lặng lẽ rời xóm núi vào TP. Hồ Chí Minh với hai bàn tay trắng và một khoản nợ kếch xù trên đầu.

Với sự nhạy cảm và có chút may mắn trong kinh doanh, chỉ trong thời gian ngắn, H’Brông đã kiếm được công việc ổn định, mang lại thu nhập khá từ nghề bán quần áo, giày dép. Cô đã trả dần những món nợ, áp lực tiền bạc vơi đi, cô bắt đầu duy trì lại lớp học mầm non, thuê 2 cô giáo nuôi dạy trẻ. Do tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh căng thẳng nên không thể trở về quê nhà, cô gom các em lại để dạy một lớp học online. 

Lớp học vừa bắt đầu thì H’Brông bị nhiễm COVID-19 vào những ngày đầu tiên của tháng 7 và phải đi bệnh viện điều trị. Vào thời điểm này, nhiều bệnh nhân chưa được tiêm đầy đủ vaccine nên bệnh trở nặng. Trong bệnh viện, H’Brông dù đang là F0 nhưng đã lao vào giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân phải thở oxy, bệnh nhân nguy kịch. Hễ gặp ai cần là cô giúp, đôi khi quên mất mình cũng đang là bệnh nhân. Có những bệnh nhân người nước ngoài vào điều trị, với lợi thế thông thạo tiếng Anh, H’Brông đã tận tình chăm sóc họ. Cô không ngờ, một trong những bệnh nhân mình chăm sóc là ông Benedict - chủ khu nghỉ dưỡng Chi Pu nổi tiếng tại Đồng Nai. Ông Benedict đã mời cô về tổ chức các buổi dã ngoại cho trẻ em người nước ngoài ở khu nghỉ dưỡng.

Cô giáo M’nông đưa ngoại ngữ đến với đại ngàn -0
Mỗi lần về bon làng, H’Brông lại dẫn theo những bạn người ngoại quốc để họ cùng cô chia sẻ kiến thức ngoại ngữ cho các em vùng cao.

Ngày được xuất viện, H’Brông xin bác sĩ cho mình ở lại giúp đỡ bệnh nhân già yếu một cách hoàn toàn miễn phí nhưng bị từ chối. Về nhà được ít hôm thì hành phố có chính sách khuyến khích những người từng là F0 vào bệnh viện chăm F0. Không một phút giây suy nghĩ, H’Brông và em gái của mình đã đăng ký làm tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 8, TP. Thủ Đức. Ngày trở lại bệnh viện, tình hình dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh vẫn vô cùng phức tạp và nguy hiểm, H’Brông không dám thông báo cho gia đình và người thân ở Đắk Nông biết. Cô giấu cả các cô giáo đang đứng lớp tại trường mầm non, vì sợ họ lo lắng, nghĩ cô đi như thế lỡ “không trở về” thì lấy ai trả tiền lương.

Cứ hết ca trực tại bệnh viện dã chiến, trở về phòng nghỉ, H’Brông lại mở máy lên dạy online cho lớp tiếng Anh ở bon Kon Hao. Dù đang trong hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng H’Brông chưa bao giờ quên trách nhiệm gieo chữ mà mình đang gánh vác trên vai.

TP. Hồ Chí Minh mở cửa vào đầu tháng 10-2021, cũng là ngày H’Brông hoàn thành nhiệm vụ thiện nguyện tại bệnh viện. Việc làm đầu tiên là cô bắt xe trở về nhà. Lớp học đón cô bằng những nụ cười trong veo trẻ thơ bon làng, bằng ánh mắt đằm thắm nhớ thương. H’Brông dạy xuyên suốt thời gian, hễ có bé nào tới đăng kí học là cô dạy, dù lớp học chỉ một đứa cũng dạy. Công việc ở TP. Hồ Chí Minh cần, cô lại đi và chuyển lớp sang chế độ học online với khoảng 50 em tham gia học.

Cô giáo M’nông đưa ngoại ngữ đến với đại ngàn -0
Lớp học ngoại ngữ và văn hóa tại Đăk Ha.

Ngoài 2 cô giáo trực tiếp tại trường mầm non, H’Brông thuê giáo viên nước ngoài từ TP. Hồ Chí Minh về dạy học. Mỗi tiếng cô phải trả cho giáo viên 400.000 ngàn đồng. Còn với học sinh, sẽ được học không giới hạn thời gian. Cô giáo sẽ thu mỗi em 450.000 ngàn/tháng nhưng lại có chính sách miễn phí hoàn toàn cho con em người đồng bào dân tộc bản địa trên địa bàn và trẻ em mồ côi. Đối với những đứa trẻ này, H’Brông không chỉ dạy học mà còn nuôi dưỡng, chăm sóc các em đến đủ tuổi vào lớp 1. Thành ra, lớp học của cô Brông gần như là miễn phí vì đa số học sinh là người dân tộc thiểu số.

Sau này, H’Brông quen biết thêm những người bạn nước ngoài, cô thường dẫn họ về bon chơi, thăm lớp học. Họ yêu thích, tự nguyện dạy đám nhỏ học tiếng Anh mà không lấy tiền phí nên cô đỡ phải xoay xở tiền thuê giáo viên.  

Với tài năng và kinh nghiệm sống của mình, H’Brông tự tin sẽ lập nghiệp thành công ở bất cứ vùng đất nào nhưng trong lòng cô, lại luôn muốn hướng về bản làng. H’Brông bảo rằng, mình là người nặng nợ với quê hương, mỗi tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ ở nơi ấy đều thấm mồ hôi nước mắt của cha mẹ, ông bà và biết bao thế hệ tổ tiên của mình. Chính vì thế, dù ở TP. Hồ Chí Minh có bận rộn đến đâu, công việc nhiều như thế nào thì H’brông vẫn sắp xếp để 2 ngày cuối tuần xách ba lô ra bến xe về lại Kon Hao. Những đứa trẻ núi rừng đang chờ ngóng cô cùng rất nhiều việc cần bàn tay, khối óc và trái tim của người con buôn làng.

Ngọc Hoa
.
.