Có một cuộc chiến với sốt xuất huyết

Thứ Tư, 20/07/2022, 11:33

Những tháng ngày nóng bỏng chiến đấu với COVID-19 vừa qua, đội ngũ y, bác sĩ TP Hồ Chí Minh chưa kịp nghỉ ngơi, sốc lại tinh thần, cảm xúc và vô vàn nỗi âu lo khác thì một nhiệm vụ cấp bách khác lại bắt đầu - cuộc chiến với dịch sốt xuất huyết đang lan rộng. Tại khu vực phía Nam, sốt xuất huyết leo top với số lượng trẻ mắc bệnh gia tăng, nhiều bệnh nhi nhập viện chuyển biến nặng, phải thở máy, can thiệp điều trị, thậm chí không qua khỏi.

Không đùa với muỗi

Những ngày này, tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, phần lớn số y, bác sĩ làm chuyên môn sâu đều vất vả với những tua trực tăng cường để hồi sinh, điều chỉnh và canh từng sinh hiệu cho các bạn nhỏ nguy kịch vì sốt xuất huyết. Tại các khoa trại khác, mọi người cũng rã rời vì các ca bệnh nặng đông và nhập viện thâu đêm...

Nhưng, không vì thế mà tinh thần của các “blouse trắng” giảm đi trách nhiệm và bổn phận của mình. Một phút cao hứng, giữa bộn bề máy móc ECMO, dây nhợ bóng bóp trợ thở, bác sĩ Thịnh thả lỏng người giữa chiếc áo chì nặng trịch chống tia X độc hại tại phòng chụp CT, nghêu ngao vài câu hát vui tươi trước phản ứng ngỡ ngàng của các em bé, phá tan bầu không khí căng thẳng và cứ thế hoàn thành trọn vẹn chụp cắt lớp vi tính kiểm tra lại phổi, não cho bệnh nhi sốt xuất huyết thể Dengue nguy kịch.

Có một cuộc chiến với sốt xuất huyết -0
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Ngành y là vậy đó, căng thẳng áp lực, mệt mỏi, có oằn mình tí rồi cũng cố gắng tự trấn an, tự an ủi và tự chữa lành. Ngành y vẫn còn đó nhiều khó khăn nhưng chắc chắn với bệnh nhân, họ vẫn sẽ làm trọn lòng, tận sức.

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, các triệu chứng và sự tàn phá vào cơ thể người bệnh chẳng khác nào COVID-19. Đó là cảm nhận của chị Nguyễn Thị Nhung, 38 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Chị Minh khởi phát triệu chứng sau một buổi chiều ra đường bị dính nước mưa. Buổi tối sau khi ăn cơm, chị Nhung lên cơn sốt cao 39 độ, chị nghĩ do cảm lạnh vì gặp trời mưa. Chị uống thuốc cảm, uống hạ sốt nhưng chỉ cần hết thuốc, cơn sốt lại lên cao như bình thường. Nghĩ bị dính COVID-19 lần thứ ba, chị Nhung mua kit về test thì không phải. Khu nhà chị Nhung đang có ổ dịch sốt siêu vi nên mọi người cho rằng, nếu không bị COVID-19 thì bị sốt virus siêu vi, bệnh này chỉ khoảng 3 ngày thì khỏi.

Sốt cao liên tục, đầu đau như búa bổ, chân và tay đau mỏi rã rời, so với hai lần bị nhiễm COVID-19 thì lần này chị Nhung cảm thấy khó chịu hơn, tuy không nghẹt mũi, không viêm họng nhưng cơ thể cùng kiệt, không thể hoạt động dù là giơ cánh tay lên hay cầm chiếc điện thoại xem tin nhắn.

3 ngày trôi qua, cơn sốt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gia đình đưa chị Nhung đi khám tại một phòng khám gần nhà. Sau khi kiểm tra các thông số xét nghiệm, bác sĩ phát hiện tiểu cầu của bệnh nhân giảm mạnh, chẩn đoán ban đầu sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tưởng đây là căn bệnh sốt bình thường nên chị Nhung không chịu nhập viện mà xin về nhà tự điều trị.

Có một cuộc chiến với sốt xuất huyết -0
Đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm tận lực cứu chữa bệnh nhân chuyển nặng do mắc sốt xuất huyết.

Về nhà, chị Nhung áp dụng chế độ nằm màn 24/24h, uống nhiều nước và vẫn sốt cao. Nằm lì không ăn được gì tới ngày thứ 5 sốt không giảm, trên da bắt đầu xuất hiện nốt xuất huyết dưới da, không chịu nổi nữa, người nhà mang chị Nhung đi bệnh viện. Lúc này, tiểu cầu của chị Nhung còn rất thấp, biến chứng trở nặng nếu bị xuất huyết trong như não, dạ dày, ổ bụng,... nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, do được cứu chữa kịp thời, tình hình của chị Nhung khả quan, tiểu cầu đáp ứng phác đồ điều trị. Sau khi trở về nhà, chị Nhung vẫn chưa thể bình phục nhưng đã qua cơn nguy kịch. Chị khuyến cáo, đừng ai chủ quan với sốt xuất huyết, bệnh này nguy hiểm khó lường, nếu sốt cao trên 3 ngày liên tục thì phải đến bệnh viện cấp cứu. Cấp cứu muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Giành lại sự sống trong phòng đặc biệt

Mùa bệnh của loài muỗi mang virus nguy hiểm này năm nay thật sự khủng khiếp, nó đang tàn phá cả sức người, tài lực, tinh thần và hàng vạn nỗi lo của biết bao gia đình. Đã có nhiều trẻ phải lọc máu, can thiệp hồi sức chuyên sâu, thậm chí chạy ECMO và các y, bác sĩ vẫn đang từng phút căng mình để bảo toàn mạng sống cho các em. Trận chiến cam go không thua kém mùa đại dịch cùng kì năm ngoái.

Phan Nguyễn Việt Hùng, cậu bé 15 tuổi đến từ Đồng Tháp vừa trải qua nửa tháng trị bệnh kịch tính nhất cuộc đời mình, trong đó có bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm. Em được áp dụng lọc máu hấp phụ và lọc máu liên tục để giảm phản ứng viêm, hỗ trợ chức năng các cơ quan, song song với điều trị nhiễm trùng tích cực, dinh dưỡng đường tĩnh mạch, Globulin huyết thanh miễn dịch phù hợp... để giải quyết tình trạng đồng nhiễm nhiều tác nhân (siêu vi Dengue, vi trùng) và phản ứng viêm liên quan hậu COVID-19. Tất cả tạo nên phản ứng viêm rất mạnh, gây ra cơn bão cytokin, tấn công mạnh và gây tổn thương nhiều cơ quan, suy gan, thận, não, rối loạn đông máu nặng nề...

Có một cuộc chiến với sốt xuất huyết -0
Bệnh nhi từng nguy kịch do bị sốt xuất huyết hồi phục kỳ diệu.

Tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bé Việt Hùng sốt cao liên tục, được truyền dịch điện giải theo phác đồ sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, em nhanh chóng lơ mơ, ngủ gà, sốt cao khó hạ, mạch luôn nhanh nguy kịch, được chuyển Khoa Hồi sức tích cực (ICU) sau 4 ngày điều trị.

Tại ICU, em nhanh chóng được ổn định hô hấp, huyết động và tiến hành lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ để loại bỏ cơn bão cytokin kinh khủng.

Đây là một trong những ca nhiễm trùng huyết nặng - sốc nhiễm trùng đầu tiên được áp dụng lọc máu hấp phụ cytokin tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc và cho thấy hiệu quả của phương pháp này trong việc ngăn chặn cơn bão cytokin, hạn chế tổn thương các cơ quan.

Một ca bệnh sốt xuất huyết mới nhất mà Bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp nhận và cứu sống kịp thời là em P.N.T.K., 4 tuổi. Cô bé cân nặng 22kg, dư cân (bình thường ở lứa tuổi này khoảng 16-18kg), ngụ ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Bệnh sử ghi nhận 5 ngày sốt cao liên tục, khi hết sốt thì bé ói ra dịch lợn cơn nâu, tay chân lạnh nên nhập viện địa phương trong tình trạng mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, bác sĩ truyền dịch chống sốc ban đầu, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Tại đây, bé còn biểu hiện sốc sâu, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tiêu phân đen, được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở CPAP, thở máy không xâm nhập, xâm nhập, chọc dẫn lưu dịch ổ bụng giải áp, truyền máu, chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, tình trạng diễn tiến nặng, sốc kéo dài tổn thương gan, thận nặng, suy đa cơ quan, được tiến hành lọc máu liên tục 3 chu kỳ. Kết quả sau hơn 2 tuần điều trị tình trạng bệnh nhi cải thiện dần tiểu cầu khá, chức năng gan thận trở về bình thường, cai được máy thở, tỉnh táo...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng thành phố trăn trở: “COVID-19 đi qua, nhưng cái hậu và cái bóng của nó vẫn quá lớn, rồi khi sốt xuất huyết và các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm khác vẫn luôn rình rập. Chúng tôi hiểu rằng, ngành y vẫn chưa hết khó khăn, nhưng vẫn luôn quyết tâm không lùi bước”.

Những em bé đang kiên cường chống chọi với căn bệnh sốt xuất huyết và đâu đó, không thiếu những kỳ tích của sự sống. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, bác sĩ và nhân viên y tế hẳn chưa quên ca hồi phục kỳ diệu của cậu bé 10 tuổi, nặng 47kg, ngụ Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh béo phì. Do vậy, diễn tiến bệnh của em diễn ra rất đột ngột, khiến gan, thận đồng loạt bị tổn thương.

Có một cuộc chiến với sốt xuất huyết -0
Bé P.N.T.K. được chăm sóc đặc biệt trong phòng hồi sức tích cực.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết đi theo từng giai đoạn. Riêng em bé này là ca hy hữu vì thuộc nhóm dư cân béo phì, bệnh trạng diễn tiến nhanh và tiên lượng khó qua. Sau khi can thiệp cùng lúc các phương pháp chống sốc, lọc máu, thay huyết tương, hỗ trợ máy thở, em dần tỉnh táo, rối loạn đông máu và chức năng gan, thận đã ổn định”.

Sau khi xuất viện, hai mẹ con đã cùng nhau trở lại khoa điều trị để gửi lời cảm ơn đến y, bác sĩ. Mẹ của em rưng rưng: “Nhớ lại giây phút con không thở nổi, chỉ còn biết hy vọng vào bác sĩ, tim tôi như nghẹt thở. Khi hay con tỉnh, đôi chân tôi run lên, vui sướng như con được sinh ra lần hai. Căn bệnh quá nguy hiểm và tiến triển nhanh chóng, mong các gia đình có con nhỏ hay để ý đến các triệu chứng của bé để phản ứng kịp thời, tránh điều đáng tiếc xảy ra”.

Như các chuyên gia y tế cảnh báo, đây là căn bệnh nguy hiểm và không phải phép màu lúc nào cũng đến, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết, vừa qua, có bệnh nhi được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào ngày thứ tư của bệnh trong tình trạng sốc nặng. Cháu có bệnh nền Thalassemia (bệnh máu tán huyết) cộng với nhập viện trễ nên sau đó đã tử vong. Trước đó, cũng có các ca tử vong do chuyển viện muộn...

Số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng vọt trong những tuần gần đây. Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Dũng dẫn số liệu, từ tháng 4 đến cuối tháng 6 số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội, ngoại trú tại bệnh viện tăng gấp 4 lần. Hiện nay, số bệnh nhân nhập viện có tới một nửa là bị sốt xuất huyết. Hiện, TP Hồ Chí Minh đã có trên 22.000 ca sốt xuất huyết và hàng chục ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa là đỉnh dịch, dịch có thể kéo dài đến quý 3 năm nay.

Chỉ đạo trong các cuộc họp về phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu toàn hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh phải ý thức về mức độ nguy cơ sốt xuất huyết năm nay diễn biến nhanh, xấu, phức tạp như thế nào để có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Và chỉ đạo, phải hết sức chú ý tránh trường hợp người dân hốt hoảng khi bị sốt nhưng cũng tránh trường hợp để nặng quá mới chuyển đi; cố gắng tối đa phát hiện sớm, chuyển viện kịp thời, điều trị hiệu quả, tránh tử vong do thiếu hiểu biết hoặc xử lý không đúng cách.

Ngọc Thiện
.
.