Có một tinh thần Cách mạng tháng Tám giữa những ngày chống dịch COVID-19
Những ngày này, đất nước đang kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2-9 trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Đại dịch COVID-19 bùng phát ở hàng chục tỉnh thành trong cả nước khiến cho cuộc sống bị đảo lộn, nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn. Nhưng giữa gian khó, tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết và ý chí quật cường, lòng nhân ái, bao dung đã trở thành “vũ khí” đặc biệt giúp dân tộc đứng vững trước thách thức và những nguy cơ an ninh phi truyền thống như đại dịch hiện nay.
Sáng mãi tinh thần Cách mạng tháng Tám
“Tôi chưa bao giờ cảm nhận được tinh thần dân tộc lại tỏa sáng rạng rỡ như hiện nay. Dường như không khí ấy, tinh thần ấy rất tương đồng với thế hệ của chúng tôi cách đây 76 năm, khi dấn thân vào ngọn lửa cách mạng để đất nước được “tái sinh”, làm nên một Cách mạng tháng Tám đầy tự hào. Từ những đồng chí lãnh đạo tối cao cho đến những người dân thường đều nỗ lực cố gắng trong cuộc chiến không tiếng súng mà vô cùng ác liệt. Dù đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn, song tôi tin tinh thần dân tộc sẽ là yếu tố cốt lõi, nguyên nhân sâu xa cho sự thành công của đất nước Việt Nam trong nỗ lực khống chế dịch bệnh”, ông Đặng Nam, nguyên Trưởng ban Thanh tra Thành ủy Hải Phòng, nguyên Đội trưởng đội tự vệ Kim Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng năm 1945, đã chia sẻ như thế.
Cảm nhận của ông Đặng Nam là ý kiến chung của rất nhiều đồng chí cán bộ lão thành cách mạng mà tôi đã gặp. Trong dòng suy tưởng của các bác, những tháng ngày quật khởi mùa Thu năm 1945, dù vũ khí thô sơ, đội ngũ phân tán, đường sá cách trở, thông tin liên lạc còn hạn chế nhưng khi muôn lòng như một, thì ngọn lửa yêu nước tỏa lan không gì ngăn nổi. Tất cả hướng về lá cờ đỏ sao vàng mang hồn thiêng sông núi và lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, tạo ra làn sóng cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước còn đang dưới ách đô hộ, thuộc địa của thực dân.
Nhà báo Đặng Minh Phương, nguyên Trưởng ban đại diện miền Trung của Báo Nhân dân, nguyên Phó bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên năm 1945, xúc động nói: "Ngày ấy, chúng tôi còn rất trẻ, và chính xác là chúng tôi đã hăng hái đi theo cách mạng như “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9 đã trở thành động lực thôi thúc chúng tôi vượt qua khó khăn. Theo dõi cuộc chiến căng thẳng chống dịch trong miền Nam những ngày qua, tôi như thấy được hình ảnh của chính mình qua những người trẻ đang xông pha chống dịch nơi tuyến đầu, không quản hiểm nguy để lo cho an nguy của nhân dân. Rất khâm phục các cháu”.
Câu nói của bậc lão thành đã đi qua 76 mùa xuân độc lập, tự chủ của dân tộc gợi mở cho tôi nhiều điều. Tôi cảm nhận được tinh thần dân tộc trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm ấy đang sôi sục trong huyết quản bao người hôm nay. Mới đầu tháng 5 vừa qua, khảo sát của tổ chức Dalia Research (có trụ sở tại Berlin, Đức) tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khắp các châu lục mới đây đã công bố, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh của Chính phủ nằm ở mức cao trên thế giới.
Thổi bùng ngọn lửa nhân văn trong gian khó hôm nay
Trong gian khó hôm nay, cuộc chiến chống kẻ thù vô hình COVID-19 phải chăng là một phép thử mới về sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết cộng đồng được truyền qua bao thế hệ người Việt. Mỗi người đều thấm thía nỗi đau và sự hoảng sợ khi đại dịch bùng phát. Nhưng rồi tất cả đã đứng lên, xốc lại tinh thần để bước vào cuộc chiến mới như một điều tất yếu phải thế để giành lại sự bình an và sinh mạng con người.
Những ngày qua, người dân cả nước đã được chứng kiến rất nhiều hình ảnh xúc động của các lực lượng Công an, quân đội, các y bác sĩ và thanh niên tình nguyện khi tham gia chống dịch.
“Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”- ai ai cũng nỗ lực khắc phục khó khăn để tuân thủ quy định, hăng hái sẻ chia, giúp đỡ nhau trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh, gửi cho nhau phần gạo, mớ rau, con cá. Có những bạn trẻ xuyên đêm phát bánh mỳ cho người vô gia cư, có những phụ nữ hàng đêm ôm bình oxy đi hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, có những cụ bà hái rau, đào củ gửi về vùng dịch, có những cháu nhỏ dành tiền tiết kiệm ủng hộ đồng bào.
Dù đã có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ nhiễm COVID-19 khi tham gia chống dịch; đã có những chiến sĩ Công an hy sinh vì nhiễm COVID-19 khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng trong cuộc chiến đầy khó khăn, nguy hiểm này, không một ai chùn bước, vẫn có những đoàn quân sẵn sàng lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch với quyết tâm hết dịch mới về.
Trong gian khó mới thấu tận lòng nhau, dịch bệnh bùng phát để khiến người ta tạm quên đi những mưu tính riêng tư, những bận mọn cá nhân, những khúc mắc thường nhật hay chia rẽ vùng miền… những biện pháp chống dịch của Chính phủ và lòng dân đồng thuận đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa nhân văn trong mỗi con người. Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, tạo áp lực về kinh tế và gây ra thiếu thốn cục bộ đối với những người yếm thế. Song, trong chính gian nan, tinh thần nhường cơm sẻ áo, lá rách ít đùm lá rách nhiều đã trở thành câu chuyện thường ngày.
Giờ đây, không chỉ là những lời nói suông về việc kế thừa tinh thần dân tộc, ý chí quật cường và sự đoàn kết cộng đồng của cha ông. Đã có sự chuyển hóa từ sự “ứng phó” thành trách nhiệm công dân với cộng đồng, với xã hội thông qua những hành động, việc làm cụ thể. Những ngày này, người ta đã thôi không còn suy bì lương cao, lương thấp với bộ đội, công an. Nhân dân nhắc nhiều hơn đến lời Huấn thị của Bác Hồ: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là Quân đội để đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì Quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc…”.
Giờ đây, những người con của nhân dân ấy đang căng mình trong đại dịch. Bất cứ nơi đâu nhân dân cần, họ có mặt, là tuyến đầu của mọi tuyến đầu.