Công an ở các “siêu” phường

Thứ Tư, 09/11/2022, 22:39

Ở Hà Nội có không ít phường dân số đông gần bằng một huyện ở tỉnh. Dân đông đồng nghĩa với công việc hằng ngày của lực lượng công an ở cơ sở cũng nhiều hơn, áp lực hơn. Công an phường ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý địa bàn thì còn phải là nòng cốt trong việc vận động người dân tham gia các phong trào, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT) cơ sở...

1. Nhắc tới những phường đông dân nhất Hà Nội không thể không nhắc đến “siêu phường” Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai khi có tới 80.000 người. Dân số đông, mật độ dân số lớn, tập trung rất nhiều dân cư tứ xứ về lập nghiệp, Hoàng Liệt luôn được coi là “điểm nóng” về mọi mặt của Hà Nội.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Đinh Văn Cường, Trưởng Công an phường Hoàng Liệt cho biết, với khu vực đông dân như Hoàng Liệt, khó khăn nhất là việc quản lý nhân khẩu. Công an phường Hoàng Liệt có 48 cán bộ, chiến sĩ thì có tới 25 cảnh sát khu vực. Trong khi nhiều phường một cảnh sát khu vực chỉ phụ trách 3.000 nhân khẩu thì ở đây, mỗi cảnh sát khu vực phụ trách hơn 4.000 nhân khẩu vì không có người. Bởi vậy, anh em cảnh sát khu vực luôn phải làm việc với áp lực rất lớn.

Công an ở các “siêu” phường -0
Công an phường Hoàng Liệt ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.

Phụ trách 2 tòa nhà HH trong khu đô thị Linh Đàm với 1.400 hộ, công việc của Thượng úy Nguyễn Thế Anh lúc nào cũng quay như chong chóng. “Cảnh sát khu vực như người “làm dâu trăm họ” bởi thường xuyên tiếp xúc, gắn bó với đời sống nhân dân, từ chuyện vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”, xích mích hàng xóm láng giềng, chuyện thanh, thiếu niên hư hay những thông tin về tội phạm... chuyện gì cũng có thể bị gọi bất cứ lúc nào”, Thượng úy Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Để đảm bảo tốt tình hình ANTT trên địa bàn, anh phải dành 2/3 thời gian để xuống địa bàn nắm tình hình ANTT, thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến nghị của người dân để từ đó kịp thời đề xuất với ban chỉ huy công an phường các giải pháp tháo gỡ.

Công an phường cũng đã tham mưu cho UBND phường thành lập các ban quản lý, ban quản trị nắm bắt nhân khẩu từng khu đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đến công an phường đăng ký tạm trú, xử phạt nghiêm nếu phát hiện trường hợp nào trốn tránh. Nhờ đó đã kịp thời khám phá nhiều vụ án xảy ra tại các tòa chung cư. Trong đó có vụ phá sới bạc tại căn hộ ở tầng 12 khu chung cư HH. Cầm đầu sới bạc này là Mai Xuân Đấu (SN 1974, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai), từng có 5 tiền án về các tội cướp tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc và chống người thi hành công vụ... Giúp sức đắc lực cho Đấu là Phùng Anh Thái (SN 1985, quê quán Ba Vì, Hà Nội), có 4 tiền án về các tội giết người, cướp tài sản, lạm dụng tín nhiệm và trộm cắp tài sản..

Công an ở các “siêu” phường -0
Công an phường Hoàng Liệt trao trả tài sản cho người bị mất.

Cận Tết Nguyên đán Canh Tý, trinh sát nhận được tin báo sới bạc hoạt động từ 14h đến 17h và trong khoảng thời gian ấy, luôn có những kẻ vật vờ quanh khu nhà cao tầng. Cứ có người lạ đi thang máy lên, chúng sẽ cắt cử... lên theo và lăm lăm điện thoại di động gọi đi đâu đó. Ngoài đội quân “chim lợn” này, căn hộ trên tầng 12 còn có kết nối với camera của các tầng. Vì vậy, mỗi biểu hiện bất thường, người trong nhà đều có thể nhận biết. Sau một thời gian ngắn xác minh, công an phường phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận đã triệt phá, bắt giữ các đối tượng...

Thời điểm phòng, chống dịch COVID-19 và làm CCCD có lẽ là thời điểm vất vả nhất của lực lượng công an phường. Khi thành phố có quyết định sử dụng tòa nhà A1 dành cho sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp làm nơi cách ly của thành phố thì cường độ và áp lực công việc của cán bộ, chiến sĩ đơn vị càng thêm nặng nề.

“Gần 1.000 người bị cách ly. Chỉ riêng việc cơm nước, sinh hoạt cho người trong khu phong tỏa cũng đã chóng cả mặt. Anh em gần như thức trắng đêm để trực chốt, lo công việc phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo tốt tình hình ANTT trên địa bàn. Chưa kể chiến dịch làm CCCD, thu thập dữ liệu dân cư, phải mất 6 tháng mới hoàn thành xong bởi số lượng dân đông. Nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc làm CCCD nên anh em bên cạnh việc phát loa gọi lên phường, các tổ lưu động xuống tận nhà để làm việc bất kể ngày mưa hay nắng, với phương châm hết việc chứ không hết giờ. Có những ngày cao điểm lên tới hơn 1.000 trường hợp”, Đại úy Đinh Văn Cường cho biết.

2. Cũng ở nội thành, nhưng phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng lại là địa bàn giáp ranh với các địa bàn phức tạp. Với số lượng dân cư đông thuộc “top” đầu ở Hà Nội, hơn 55.000 người, đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhiều “siêu” dự án xây dựng tổ hợp nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại lớn như: Khu đô thị Times City, Hòa Bình Green... được triển khai và đi vào sử dụng, càng khiến mật độ dân cư tăng cao, cùng một lượng lớn học sinh, sinh viên, công nhân lao động thời vụ đến học tập, làm ăn, thuê trọ tạo nên không ít khó khăn trong việc đảm bảo ANTT địa bàn.

Công an ở các “siêu” phường -0
Công an phường Vĩnh Tuy tập huấn phòng cháy chữa cháy.

Để đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở, Công an phường Vĩnh Tuy đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trong phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi; xây dựng và duy trì các mô hình, chuyên đề vận động nhân dân tham gia giữ gìn ANTT ngay từ cơ sở. Nhờ đó, tỉ lệ tội phạm giảm, ANTT được đảm bảo trên một địa bàn giáp ranh từng được coi là khá phức tạp.

Chìa chiếc điện thoại cho chúng tôi xem mặt đằng sau có dán dòng chữ: “Cảnh báo! Thông qua điện thoại tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án, bưu điện... và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để điều tra, kiểm tra. Đây là hành vi lừa đảo”, ông Nguyễn Văn Ninh (ngụ phường Vĩnh Tuy) hồ hởi khoe: “Cái này là do các anh công an phường đề nghị chúng tôi dán và chúng tôi cũng thấy rất hiệu quả. Tuổi già không phải lúc nào cũng đọc báo, xem ti vi được suốt. Dán thế này vừa tiện, vừa dễ nhớ. Cứ mỗi lần cầm máy nghe điện thoại là dòng chữ đập vào mắt, nên có cuộc điện thoại lừa đảo nào nghe cái là tôi biết ngay. Kệ cho họ nói gì thì nói, không thì tắt máy”.

Tự hào chia sẻ về ý tưởng này, Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng, Trưởng Công an phường Vĩnh Tuy cho biết: “Phường Vĩnh Tuy nhiều năm nay không có tội phạm lừa đảo công nghệ cao, bởi chúng tôi đã đề nghị tất cả những người cao tuổi trên địa bàn dán miếng đề can cảnh báo lừa đảo sau điện thoại. Các cụ đều ủng hộ rất nhiệt tình. Đây là cách tuyên truyền rất hiệu quả bởi điện thoại giờ gắn với các cụ nhiều hơn tivi, báo đài. Chỉ cần nhấc điện thoại lên là dòng chữ đã hiển hiện trước mắt, nhắc nhở các cụ kịp thời khi có số điện thoại lạ gọi đến”.

Không chỉ tuyên truyền phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tháng 6/2022, hàng nghìn đề can mang nội dung ngắn gọn “Khóa xe - đề phòng mất trộm”, đã được các chiến sĩ Công an phường Vĩnh Tuy phối hợp cùng đội viên bảo vệ dân phố, cán bộ cơ sở dán ở các bảng tin, lối ngõ công cộng, cổng các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và trên chính các phương tiện xe máy của người dân.

Công an ở các “siêu” phường -0
Công an phường Vĩnh Tuy làm căn cước cho người dân.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền đến các khu dân cư bằng các bài viết về phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản, phát trên loa truyền thanh, qua Zalo, Facebook; lực lượng công an phường phối hợp với đội cảnh sát hình sự công an quận đẩy mạnh điều tra cơ bản, xác định đối tượng, ổ nhóm hiềm nghi và tăng cường tuần tra, mật phục... những giờ cao điểm, tổ chức mô hình PCCC hiệu quả ngay từ khu dân cư, đặc biệt là tuyên truyền vận động người dân cắt dỡ“chuồng cọp”, “mở lối thoát nạn thứ hai vì mạng sống của bản thân và gia đình”.

“Không chỉ tuyên tuyền, vận động, mà quan trọng nhất là tập huấn kĩ năng PCCC thường xuyên cho chính người dân và lực lượng công an phường, để có thể xử lý tốt mọi tình huống cấp bách nếu xảy ra. Nếu không tập huấn, sử dụng thường xuyên thì chắc chắn sẽ không thể nhớ những thao tác, kỹ năng PCCC đơn giản nhất, không thể sử dụng phương tiện chữa cháy hiệu quả. Bản thân lực lượng công an phương luôn phải đi đầu trong học tập và luyện rèn, thậm chí còn là người hướng dẫn, tập huấn cho chính người dân địa phương mọi kỹ năng thoát hiểm và PCCC. Nhờ đó mà nhiều năm nay, trên địa bàn phường Vĩnh Tuy chỉ xảy ra một vụ cháy nhỏ, không gây thiệt hại cho nhân dân”, Trung tá Khánh Tùng chia sẻ.

Dựa vào dân, phát huy “sức dân” luôn được Công an phường Vĩnh Tuy quán triệt trong mọi hoạt động. Điển hình là việc phát hiện, vận động ra đầu thú thành công Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1982, trú phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đối tượng bị truy nã do liên quan đến vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Trung tuần tháng 1/2021, trong những biện pháp tăng cường thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Nguyên đán Tân Sửu, qua rà soát, nắm tình hình, phát động phong trào người dân tố giác tội phạm, Công an phường Vĩnh Tuy phát hiện một người phụ nữ có biểu hiện lạ, liên tục di chuyển, sống tạm bợ ở nhiều địa bàn, trong đó có phường Vĩnh Tuy. Đi sâu xác minh, Công an phường Vĩnh Tuy xác định đó là Nguyễn Thị Tuyết Mai, đối tượng đang bị truy nã.

Một mặt tổ chức trinh sát để bám chặt di biến động của Mai, Công an phường Vĩnh Tuy thông qua nhiều “kênh”, tác động, khuyên nhủ đối tượng ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Chiều 25/1/2021, Nguyễn Thị Tuyết Mai đã đến Công an phường Vĩnh Tuy đầu thú.

Cũng trong ngày 25/1, Công an phường Vĩnh Tuy phối hợp cùng nhân dân bắt “nóng” đối tượng Nguyễn Quang Anh (SN 1981, có 3 tiền án, 1 tiền sự, trú ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) có hành vi trộm cắp tài sản. Sau khi sử dụng ma túy, Quang Anh cùng một đối tượng tên Cường đèo nhau bằng xe máy đến khu vực phố Lạc Trung nhằm rình sơ hở, trộm tài sản. Tới trước số nhà 128, cặp đôi phát hiện, dắt chiếc xe đạp điện dựng bên đường thì bị người dân bắt giữ.

Ngọc Trâm
.
.