Cuộc trở mình của làng cổ

Thứ Ba, 16/01/2024, 07:17

Ngôi làng ấy khá kỳ lạ khi không phải hứng chịu bất kỳ viên đạn nào của chiến tranh, vẫn giữ nguyên vẹn nét đẹp của làng cổ mấy trăm năm qua. Ở đó, giữa miền trung nhưng lại là làng rặt cây trái nam bộ. Trong cuộc trở mình, làng cổ ấy có những quãng thăng trầm đầy xót xa.

Những nhịp thở của bến sông

Nép mình bên dòng Thu Bồn êm ả, tựa lưng và chân dãy Trường Sơn, làng cổ Đại Bường (Nông Sơn, Quảng Nam) như một ốc đảo bình yên hiền hòa ẩn mình sau những rặng cây. Điều độc lạ mà nhiều người bất ngờ khi cả ngôi làng cổ này rặt những cây trái Nam bộ và nhiều người vẫn còn tiếc nuối khi làng từng một dạo đổi đời nhờ làm trầm gió, kỳ nam.

Cuộc trở mình của làng cổ -0
Cổng vào làng Đại Bình.

Những kỳ lão ở chốn này vẫn tự hào kể rằng, cái tên Đại Bường vốn đọc chệch từ Đại Bình từ thời nhà nguyễn, sau đó, những năm chiến tranh, tên cũ là Đại Bình  được gọi lại. Cách đây vài trăm năm, chỉ với 14 dân đinh từ các làng quê ngoài Bắc vào đây khai đất lập làng Đại Bường, thuộc “Thanh Bình ấp, Thăng Hoa phủ, Duy Xuyên huyện”. Trên miền trung du nằm tựa núi Cà Tang, mượn sông Thu Bồn ngày ấy, khi 14 dân đinh bổ những nhát cuốc đầu tiên khai khẩn doi đất màu mỡ này. 14 dân đinh đã lập nên 13 dòng họ, tương thân tương ái cùng nhau tạo dựng nên một làng quê trù phú hết đời này đến đời khác.

Khi mới mở đất, các bậc tiền nhân đặt tên cho doi đất uốn lượn theo thế núi, quay mặt ra dòng Thu Bồn hiền hòa này là Đại Bình. Vật đổi sao dời, chiến tranh loạn lạc là thế nhưng hy hữu làm sao, ngôi làng nằm bên sông ấy vẫn bình yên. Cây cối đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái mà chẳng hề phải hứng chịu một lần bom rơi đạn nổ. Đã hơn ba thế kỷ trôi qua, làng Đại Bình vẫn cứ lặng lẽ, yên ả với cuộc sống tách biệt bên những gánh rau, mớ thịt heo gói trong lá chuối hay những mẹt cá sông ngày ngày theo các bà, các cô từ chợ quê cho đến cổng nhà.

Nhưng, những cơn nghiệt ngã của thời cuộc cũng không chừa cho mảnh đất này. Bởi một dạo Đại Bình cũng nổi lên cơn sốt trầm, kỳ. Giống như làng Trung Phước gần đó, Đại Bình cũng bị cuốn theo cơn sốt tìm trầm ở khắp các cánh rừng già lan rộng từ Khánh Hòa đến Quảng Trị, Quảng Bình... những thanh niên trai tráng ở làng quê nghèo miền trung du Quảng Nam này cũng kéo nhau lên rừng, lao theo giấc mơ đổi đời với trầm, kỳ nam. Rừng thiêng nước độc khiến nhiều người từ rừng sâu trở về mang theo những căn bệnh, cũng có khi chân bước đi nhưng người chẳng trở về. Khi cơn sốt ngậm ngải tìm trầm lắng xuống thì vùng này lại rộ lên “nền kinh tế xoi trầm”. Nhiều người mày mò, chế tác các sản phẩm từ cây dó trầm mua ở các vùng trung du Tiên Phước (Quảng Nam) hay Bình Định, Khánh Hòa...

Những ngôi làng nhỏ yên bình bên bến sông như Đại Bình, Trung Phước, cảnh nhà nhà làm trầm hương, người người làm trầm hương cảnh để xuất đi Trung Quốc. Hàng trăm người bán trầm hương hoặc đưa đi bán dạo. Mỗi chuyến đi, người kiếm ít cũng vài trăm triệu, người nhiều kiếm được cả tỉ đồng. Nghề xoi trầm, chế tác trầm hương cũng đã giúp một số người có của ăn của để. Có những thời điểm Đại Bình vài chục nhà làm nghề xoi trầm, có những cơ sở lớn như ông Hải, ông Vỹ và ông Nhẫn... đã chế tác ra những sản phẩm như chuỗi hạt, tháp cây, hàng trưng bày... Giá sản phẩm từ 100 ngàn đến 300 triệu đồng Nhưng rồi, cơn sốt xoi trầm cùng dần dần tàn lụi vì nhu cầu trầm xuất ngoại không còn nữa.

Cuộc trở mình của làng cổ -0
Một góc làng sinh thái Đại Bình.

Người làng cứ bơ vơ quay quắt bên dòng sông như thế, dù cây trái vẫn đủ đầy, dù chính quyền địa phương cũng đã định hướng chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp. Nhưng, người làng vốn quen với cảnh đục đẽo, chạm khắc cây dó trầm để tạo tác những phẩm rất độc đáo. Nghề làm trầm cảnh đã cho họ một cơ hội đổi đời khác, tuy không mau phất lên nhưng chắc chắn, an nhàn và được đánh giá là nghề tài hoa. Giờ mất nghề, họ đâu dám thiết tha thêm. Nhiều hộ kinh doanh trầm hương đã phải bỏ nghề, nhiều gia đình phải rao bán nhà để trả nợ, lao động ở địa phương đành quay lại thói quen “Nam tiến” để mưu sinh.

Làng cổ trở mình

Khi cơn lốc gió trầm thổi qua để lại làng xơ xác những hệ lụy, bây giờ làng cổ Đại Bường lại chuyển mình thành làng du lịch cộng đồng Đại Bình thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi. Mấy trăm năm đã dựng người, dựng làng và ăn nhờ phù sa dòng sông mẹ, người làng cổ đau đáu với cuộc trở mình nhiều gian nan. Dải đất trung du này đã giúp người làng sinh ra vườn cây trái rặt Nam bộ, với bưởi, sầu riêng, chôm chôm... cùng những hàng chè tàu xanh thẳng tắp kéo dài từ đầu làng đến cuối làng. Đất ấy đã nuôi người mấy trăm năm, nuôi cây mấy trăm năm. Nếu không nhờ cây nhờ đất thì người làng sẽ còn khốn khó. Suy nghĩ ấy của ông trưởng làng Nguyễn Quốc Tín (đã mất) cũng là nỗi niềm của nhiều bậc cao niên trong làng.

Đại Bình từ lâu cũng đã nổi tiếng khắp vùng với nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề mộc, trầm hương, nghề làm giá, nấu rượu, làm bánh... là một làng quê hiếm hoi vẫn còn giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng cây đa, giếng nước, sân đình của làng quê truyền thống Việt Nam. Và, cơn sốt du lịch làng quê bắt đầu nổi lên, Đại Bình có sẵn chừng ấy thứ mà chẳng dễ gì những nơi khác có được. Những bậc cao niên trong làng mang cái ưu tư của mình giãi bày với chính quyền địa phương, chỉ để chờ cái gật đầu. Chính quyền huyện Nông Sơn cũng nhìn ra được “làng trái cây Nam bộ thu nhỏ” của miền Trung và được xác định là điểm du lịch sinh thái tiềm năng thế mạnh của làng cổ này, rồi từ đó, một cuộc vận động để làng cổ trở mình bắt đầu.

Cuộc trở mình của làng cổ -0
Bưởi trụ Đại Bình là sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Toàn thôn Đại Bình có 367 hộ, trong đó có khoảng 50% số hộ có vườn đạt chuẩn diện tích từ 1.000 m2 trở lên. Từ “nguồn vốn” ấy địa phương đã tích cực vận động người dân phát triển theo hướng du lịch xanh từ vườn nhà, tỉa tót các hàng rào xanh, làm các bảng tên đường, tạo điểm check-in ấn tượng để du khách lưu lại những hình ảnh về làng. Từ khi có cầu Nông Sơn, không ai xuống bến gọi đò ơi nữa. Cổng làng Đại Bình  cũng dời lên phía thượng nguồn. Phía cổng làng mới có dòng chữ “Làng du lịch Đại Bình”.

Với định hướng xây dựng du lịch xanh về làng cổ, chính quyền huyện Nông Sơn đã tạo điều kiện để một số hộ dân tham gia những chuyến tham quan học tập mô hình du lịch cộng đồng rất thành công ở nhiều địa phương, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật để 5 hộ dân triển khai mô hình homestay. Bảo tồn, phát triển nhiều vườn cây trái như của Nguyễn Quang Soạn với tên “Khu vườn ông Bảy”, hay vườn cây trái của ông Hứa Đình Hà... đã được cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng các loại trái cây bản địa đặc trưng như bưởi trụ Đại Bình, hường, cam, quýt, sầu riêng... nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước khoa học để ổn định sản lượng, chất lượng trái cây.

Làng Đại Bình chứa đựng trầm tích văn hóa được thể hiện qua những công trình kiến trúc nhà cổ từ trăm năm để lại với khoảng 3-4 ngôi nhà cổ được xây dựng với vật liệu chính là gỗ và được xây theo lối kiến trúc nhà vườn bình dị nằm giữa những vườn cây trái sum sê, bên những con đường làng được cắt tỉa đẹp mắt, xanh tươi suốt bốn mùa. Cùng với đó, những nếp sống sinh hoạt thân thuộc, đậm tính truyền thống của người Việt ở làng Đại Bình như nét văn hóa lịch sự, văn minh, trẻ con luôn lễ phép, chào hỏi người lớn, nhiều người già trong làng đã thọ trên 90 tuổi... Đặc biệt, giữa làng có một khu rừng nguyên sinh thâm nghiêm mang tên rừng Cầm tồn tại hàng trăm năm nay bất chấp những đổi thay của thời cuộc. Khu rừng này được người dân Đại Bình đặc biệt gìn giữ và xem như báu vật của làng.

Cuộc trở mình của làng cổ -0
Các loại trái cây bản địa đặc trưng như bưởi trụ, sầu riêng, hường, cam, quýt... của nhiều hộ dân ở Đại Bình.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết làng Đại Bình đã được tỉnh Quảng Nam chọn là một trong hai làng tham gia thí điểm phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Để khai thác điểm đến này, thời gian qua, huyện đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình dự án phục vụ phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Để tiếp sức cho làng du lịch sinh thái Đại Bình, ngoài nguồn vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, huyện Nông Sơn chú trọng nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao. Huyện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ quản lý, người lao động và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Người dân trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động du lịch, tiến tới xây dựng làng du lịch sinh thái Đại Bình trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách.

Cuộc trở mình của làng cổ -0
Làng Đại Bình chứa đựng trầm tích văn hóa được thể hiện qua những công trình kiến trúc nhà cổ từ trăm năm để lại.

Nay Đại Bường thuở xưa đã thành làng du lịch Đại Bình, có nhà nghỉ, có homestay, lối đi với hàng chè tàu xanh mát chạy dọc ngôi làng và các nhánh đường xương cá được trang trí bắt mắt chào đón du khách. Được tưới tắm bởi phù sa sông mẹ, Đại Bình sau cuộc trở mình đã trở nên trù phú, phong cảnh vẫn hữu tình dẫu qua bao thăng trầm lịch sử.

Tiêu Dao
.
.