Đa cấp trá hình xâm nhập vùng biên

Thứ Hai, 25/10/2021, 21:45

Cũng như nhiều địa phương khác, câu chuyện về đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã diễn ra âm thầm từ nhiều năm nay nhưng cho đến thời điểm này lại có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Một số trang web lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh đa cấp trên không gian mạng để biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều người đã mất hết tiền của vì hám lợi và thiếu hiểu biết khi tham gia vào hoạt động này. Điều đặc biệt là, vấn nạn đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp biến tướng đã len lỏi đến tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh của vùng biên giới, gây nhiều hệ lụy.

Đầu tư ảo, mất tiền thật

Mất hơn 2 giờ đồng hồ, vượt gần 20 km đường rừng, chúng tôi tìm đến nhà ông  Vừ Chụ Pó, ở bản Pá Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Ngồi bên hiên nhà tuyềnh toàng, vẻ mặt thất thần, ông Pó buồn rầu kể: “Tháng 4-2021, một người ở xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp khoe tham gia đầu tư ứng dụng tại trang web "Pchome-global" và nhận được rất nhiều tiền lãi, có thể mua được ô tô. Tôi đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp của gia đình và tiền bán ngô vụ vừa rồi tham gia đầu tư 30 triệu đồng. Tôi còn bàn với 3 con trai cùng góp vốn đầu tư với tổng số tiền 60 triệu đồng. Hai bố con người em ruột ở ngay kế bên cũng bán 3 con bò để đầu tư 80 triệu đồng tại ứng dụng này. Trong những ngày đầu, theo dõi trên ứng dụng, thấy lãi lên hàng ngày, cả nhà rất phấn khởi. Cứ 20 triệu đồng, mỗi ngày trên ứng dụng báo lãi gần 900 ngàn đồng. Tôi nghĩ chả mấy chốc số lãi của cả nhà sẽ tăng lên nhanh chóng… Nhưng chỉ khoảng 2 tuần sau thì ứng dụng đã bị khóa. Giờ lãi không thấy đâu, số tiền gốc đã đầu tư cũng không thể rút về, người đại diện nhận tiền đầu tư không liên lạc được, trang mạng cũng sập, không thể truy cập…”. Trong phút chốc, toàn bộ số tiền tích cóp bao năm của gia đình ông đã hoàn toàn mất trắng…

Đa cấp trá hình xâm nhập vùng biên -0
T14_1-1635086742477.jpg
Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền để người dân cảnh giác trước lời kêu gọi đầu tư tại các trang web ảo.

Vừa kể chuyện, ông Pó vẫn lăm lăm chiếc điện thoại trên tay, cố lần mở lại lịch sử ứng dụng, mong muốn tìm lại số tiền 30 triệu đồng đã biến mất khi ông mở tài khoản và nạp vào ứng dụng Pchome Global, nhưng vô ích. Ông kể thêm: “Tôi thấy một số người có ô tô đi, bảo tiền lãi nhiều lắm nên mới tham gia, chứ có biết đâu đó là công ty lừa đảo. Giờ trong nhà chả còn đồng nào, trâu bò cũng chẳng còn. Không biết thời gian tới cả gia đình tôi sẽ sống thế nào”.

Cũng một hình thức đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp khác trên mạng nhưng hậu quả là đều mất tiền như nhau. Anh Sồng A Pó làm nghề sửa chữa xe máy ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp một lần được nghe người trong bản nói chị Máy cùng bản tham gia đầu tư vào công ty Vitae 6 triệu đồng và khi rủ được 3 người khác tham gia thì công ty trả hoa hồng cho 9 triệu đồng. Do vậy, anh đã tìm cách vào trang của công ty Vitae quảng cáo trên Facebook.

Không ngại ngần, anh chủ động liên hệ với người đại diện Vitae qua Facebook, cung cấp một số thông tin cá nhân, chuyển tiền đến tài khoản của công ty và được cấp một tài khoản gồm tên đăng nhập và mật khẩu. Anh Pó có thể truy cập vào trang web để theo dõi số tiền đầu tư và biến động lãi suất khi rủ được thêm người tham gia.

Người dại diện công ty Vitae cũng hướng dẫn anh cách lôi kéo người khác tham gia và thêm mỗi người tham gia, anh sẽ được trả hoa hồng 2,8 triệu đồng. Anh chưa kịp rủ thêm ai thì khoảng 2 tháng sau, anh cũng như nhiều người cùng bản đều không truy cập được vào trang web của công ty Vitae, người đại diện mà anh liên hệ qua Facebook cũng mất hút cùng số tiền anh đã đầu tư, Facebook bị khóa, số điện thoại thường liên hệ với anh cũng không liên lạc được.

Anh Pó ngậm ngùi nói: “Thấy họ tư vấn nhiệt tình lắm, tôi cũng tin, nhưng hóa ra họ muốn lừa mình để lấy tiền. Cũng may tôi chưa lôi kéo ai tham gia cùng, nếu không thì vừa mất tiền, vừa mang tiếng đi lừa người khác”.

Đa cấp trá hình xâm nhập vùng biên -0
Ông Vừ Chụ Pó kể lại quá trình tham gia đầu tư và mất hết tiền tại trang web "Pchome-global".

Với nhiều thủ đoạn, chiêu trò khác nhau, thông qua nhiều tầng lớp trung gian, một số công ty đa cấp trá hình trên mạng đã lôi kéo nhiều người trên địa bàn huyện Sốp Cộp tham gia đầu tư. Đối tượng chúng nhắm đến là người dân ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, lạc hậu và hiểu biết hạn chế. Chúng đưa ra mức lãi suất “khủng”, lên đến 150% so với số tiền đầu tư ban đầu nếu làm theo hướng dẫn để dụ dỗ người dân tham gia.

 

Hàng ngày người đầu tư có nhiệm vụ đặt các đơn hàng ảo trên các ứng dụng mua sắm như Shoppee, Tiki, Lazada,… mà trang web yêu cầu để nhận hoa hồng. Mỗi ngày người đầu tư phải đặt tối thiểu 40-60 đơn hàng để nhận mức hoa hồng là 5%, nếu thực hiện đều đặn trong vòng một tháng thì số tiền hoa hồng có thể nhận được là 150% so với số tiền đầu tư ban đầu. Số tiền đầu tư càng lớn thì mức hoa hồng nhận được càng cao. Số tiền lãi sẽ tăng lên nếu rủ được nhiều người tham gia.

Thấy mức sinh lời cao nên rất nhiều người dân đã lập tài khoản ngân hàng để tham gia đầu tư vào các trang mạng này và rủ nhiều người thân, bạn bè cùng tham gia. Ban đầu số tiền lãi tăng nhanh và có thể thực hiện các giao dịch nộp tiền và rút tiền từ các tài khoản trên mạng nên nhiều người dân bán hết tài sản đầu tư thêm. Nhưng sau đó một thời gian, người dân không thể truy cập vào các trang mạng nói trên, cũng không liên lạc được với những người đại diện, số tiền đã đầu tư cũng không thể rút được.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La có khoảng trên 100 người đầu tư tiền thật mua tiền ảo trên các trang web như "shopping.cc", "Pchome-global", “http://vitae.co” với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Trung bình mỗi người đầu tư từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, có người đầu tư hàng trăm triệu đồng và rất nhiều người trong số đó đã bị mất tiền.

Khi chúng tôi tìm đến nhà những người đầu tiên tham gia đầu tư tiền ảo qua hệ thống thì rất nhiều người tránh mặt. Họ không chia sẻ về việc đã tham gia đầu tư, không gặp gỡ, không cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, cũng không muốn ai đề cập đến vấn đề này… Đây là biểu hiện của đa số những người đã từng tham gia đầu tư tiền vào các trang web do tâm lý lo sợ bị xử lý về pháp luật hoặc xấu hổ, không muốn mọi người biết về hành vi dại dột của mình.

Khó khăn trong ngăn chặn kinh doanh đa cấp trá hình

Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh được Nhà nước cho phép. Nhưng lập các trang web ảo, mượn hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân thì lại là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tất cả các giao dịch, trao đổi đều được thực hiện bằng điện thoại thông minh, qua mạng, qua tài khoản và cho đến nay chưa có người dân nào trên địa bàn huyện Sốp Cộp làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn hoạt động kêu gọi đầu tư dưới hình thức đa cấp trên không gian mạng tại địa bàn huyện biên giới Sốp Cộp, thời gian qua công an huyện đã tổ chức điều tra, xác minh về tổ chức, phương thức, thủ đoạn hoạt động, quy mô, số lượng người tham gia, phối hợp với bộ đội Biên phòng tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho nhân dân, nhất là bà con người dân tộc ở khu vực biên giới về bản chất thật sự của hoạt động này để hạn chế việc người dân tham gia và bị lừa chiếm đoạt tiền của. Nhưng, do tâm lý e ngại hoặc nhiều người dân vẫn tin là sẽ lấy lại được số tiền đã đầu tư nên việc ngăn chặn hoạt động này trên địa bàn huyện Sốp Cộp vẫn chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động là chính.

Đa cấp trá hình xâm nhập vùng biên -0
Đa cấp trá hình xâm nhập vùng biên -1
Công an huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La trao đổi nghiệp vụ trong điều tra, xác minh hoạt động kêu gọi đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp

Thượng tá Nguyễn Xuân Vinh, Trưởng Công an huyện Sốp Cộp cho hay đa số người dân tham gia đều là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, lại bị hấp dẫn bởi những “mồi nhử” sinh lời, nên tin tưởng vào các công ty kêu gọi đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp. Mặt khác do tâm lý e ngại nên khi bộ đội Biên phòng và Công an đến tuyên truyền, vận động, xác minh họ không nghe, không tin, thậm chí thì thiếu hợp tác. Quan điểm của lãnh đạo Công an huyện Sốp Cộp và lực lượng chức năng là sẽ chỉ đạo điều tra xác minh các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp này, nếu có đủ căn cứ chúng tôi sẽ xử lý đúng quy định của pháp luật. Có điều đây cũng là 1 vấn đề rất khó khăn.

Không phủ nhận đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại và đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng hình thức này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, lại xuất hiện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức đa cấp để lập trang web ảo, kêu gọi người dân đầu tư tiền sinh lời cao, tạo nên những cơn sốt làm giàu, đánh vào lòng tham của những người dân nghèo khó ở vùng sâu vùng xa, làm xáo trộn cuộc sống của họ khi reo rắc những ảo tưởng làm giàu vô lý, tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn về an ninh trật tự tại địa bàn. Đến tháng 9-2021, vẫn tiếp tục có thêm 15 trường hợp nữa ở huyện biên giới Sốp Cộp bị dụ dỗ dùng tiền thật để mua tiền ảo. Lãi suất khủng ở đâu chưa thấy, chỉ thấy một thực tế hiện hữu là nhiều người có nguy cơ mất trắng.

Thượng tá Nguyễn Xuân Vinh cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp tục nắm tình hình trong bà con  khu vực biên giới và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu được bản chất thật sự của việc kêu gọi đầu tư tiền ảo chỉ là hành vi lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Từ đó giúp người dân nâng cao cảnh giác, không nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của những người môi giới”.

Minh Phong
.
.