Đa dạng về giới tính: Thấu hiểu và tôn trọng

Thứ Ba, 14/02/2023, 11:49

Gần 8 năm trước, khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi, 2015) cho phép người chuyển giới được quyền chuyển giới theo quy định, cộng đồng người chuyển giới phấp phỏng vui. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, họ vẫn chưa thực hiện được quyền của mình, bởi Luật chuyển đổi giới tính vẫn đang... “treo”!

Vấn đề này được hâm nóng trở lại khi mới đây, Cổng thông tin điện tử Quốc hội vừa đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới, do Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đề nghị xây dựng. Hiện hồ sơ đang được lấy ý kiến nhân dân đến ngày 15/2 trên cổng thông tin Quốc hội.

1.jpg -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) mới đây đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới

Khao khát được sống thật là mình

Với mái tóc dài thướt tha, lại ăn mặc điệu đà, nên trong mắt mọi người, N.T.D. sinh năm 1984, quê ở Hà Giang đích thị là một cô gái. Nhưng chính D. thì lại cảm nhận rõ mình là một người lạ biệt, vì D. không có âm đạo và vòng một chỉ là… tivi màn hình phẳng. "Rốt cuộc thì mình có phải là nữ không?", D. luôn dằn vặt mình như vậy. Những rối lẫn ngày một lớn dần và D. quyết định đi tìm câu trả lời.

GS.TS Trần Thiết Sơn - giảng viên cao cấp bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Trường Đại học Y Hà Nội), hiện công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai chính là người giải tỏa cho D những dằn vặt, đau khổ trước tình trạng khó nói của bản thân. Tiến hành các bước khám chuyên sâu, GS. Sơn phát hiện ra D. là nam giới do mang nhiễm sắc thể XY. Nhưng oái oăm thay, những chỉ dấu quan trọng của một đấng mày râu ở D. lại mờ nhạt khi dương vật có được một chút, còn tinh hoàn thì… lạc trôi lên tận ống bẹn.

Với trường hợp của D., bác sĩ Sơn đã theo dõi, đánh giá kĩ về mặt tâm lý và tư vấn cho bệnh nhân, chú trọng đến nguyện vọng của D. muốn là nam giới. D. đã trải qua ca phẫu thuật kéo tinh hoàn về đúng vị trí để bộ phận quan trọng này hoạt động bình thường. Khi hormon nam dần được tiết ra, D. dần trở lại với những suy nghĩ, cảm giác giống như nam giới. Sau đó, D. được phẫu thuật tạo hình dương vật. Hai tuần sau phẫu thuật, D. hồ hởi khoe với bác sĩ rằng anh đã tự tin bước vào nhà vệ sinh nam và lớn tiếng xưng "anh". D. hài lòng về con người mình và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Đa dạng về giới tính: Thấu hiểu và tôn trọng -0
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thiết Sơn

Không phải ai cũng có được sự thay đổi thuận lợi giống D. Không ít người trẻ vào đời bằng một loạt những nghi ngại rất khó trả lời về giới tính của mình. Khó trả lời là bởi quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam chưa được xác thực, nhận thức của cộng đồng về bản dạng giới còn mơ hồ.

Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới giải thích “bản dạng giới” là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ. Nhận thức giới tính của một người không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học, hoặc giới tính được người khác cảm nhận và cũng không phải là thiên hướng tình dục. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra. Nhiều người chuyển giới có nhu cầu được công nhận bản dạng giới khác với giới tính khi sinh bằng các thủ tục pháp lý hoặc hành chính, một số người còn có thêm nhu cầu chuyển đổi giới tính bằng cách thay đổi cơ thể thông qua can thiệp y tế...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng Luật Bản dạng giới phù hợp với quy định trong Bộ luật Dân sự - cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 mới xác định nguyên tắc "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật", mà chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền cũng khó xác định quy trình, thủ tục công nhận chuyển đổi giới tính.

Nhà xã hội học Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE thì cho rằng chuyển giới là một quá trình, có những thay đổi về mặt xã hội, y tế, và pháp lý, mà không phải người chuyển giới nào cũng đi theo những bước đầy đủ, tuần tự như vậy. Họ có thể không muốn phẫu thuật, vì lý do kinh tế, sức khỏe, gia đình, nhưng vẫn có nhu cầu được thừa nhận về mặt pháp luật theo giới tính mà họ mong muốn.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, từ những bất cập nói trên, cần phải xây dựng Luật Bản dạng giới, khẳng định chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân và thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính.

Chuyển giới không đơn thuần chỉ là phẫu thuật

Khi một người có bản dạng giới không trùng với giới tính khi sinh ra, không nên nhìn nhận đó là một “bệnh” cần phải chữa trị. Thực tế, nhiều ông bố bà mẹ khi phát hiện ra con mình là LGBT thì nghĩ rằng con mình bị bệnh và mang con đi chữa trị theo kiểu thầy thuốc kết hợp thầy cúng, có bệnh thì vái tứ phương. Những sai lầm liên tiếp vô tình đã đẩy nhiều người LGBT vào cuộc sống bi kịch. Chính vì thế ngày 3/8/2022, Bộ Y tế đã ban hành ý kiến chỉ đạo các tổ chức khám chữa bệnh cho người đồng tính, song tính và chuyển giới cần phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử và kì thị, cũng như không can thiệp, ép buộc điều trị đối các đối tượng này.

Đa dạng về giới tính: Thấu hiểu và tôn trọng -0
Đôi khi, cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình không trùng với giới tính bên ngoài khi mới sinh ra

Khi lựa chọn việc thay đổi cơ thể đúng với giới tính cảm nhận của bản thân, nhiều người phải mất một số tiền không nhỏ và bất chấp những nguy cơ về sức khỏe. H. sống tại TP Hồ Chí Minh, có vẻ bề ngoài là một cô gái, nhưng luôn đau đáu muốn trở thành một chàng trai và quyết định sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. Trước khi phẫu thuật, H. phải tiêm hormone nam kéo dài, gây ra sự bực bội, khó chịu. Khi quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, cộng thêm với sự lo lắng sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ, H. đành ngừng tiêm hormone, không dám phẫu thuật tạo hình chuyển đổi cơ quan sinh dục từ nữ sang nam, mà chỉ cắt bỏ ngực.

Không chỉ mình H., mà nhiều người phải chịu đau đớn khi tiến hành chuyển giới. Có người bị kiệt sức khi tự tiêm hormone do những phản ứng của cơ thể, có người bị sốc thuốc. Họ cũng không dám đến bệnh viện vì sợ gặp phải sự kỳ thị cũng như các khó khăn khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.

Một người có thể tự xác định giới tính của mình. Nhưng việc có nên chuyển họ về đúng với giới tính không lại là vấn đề đau đầu, cần sự cân đo đong đếm đầy trách nhiệm của các y bác sĩ. Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới về vấn đề này, GS.TS Trần Thiết Sơn cho rằng: “Để quyết định một cá nhân "theo đuổi" giới tính nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kinh nghiệm của bác sĩ, tuổi của bệnh nhân và đặc điểm cơ thể của người đó.

Như trường hợp “chị” B quê Hà Nam là một ví dụ. Nhìn "chị" B. ai chẳng bảo đó một người phụ nữ với vòng 1 đầy đặn, khung chậu nở nang, chân tay tròn lẳn. Thế nhưng, khi đã 32 tuổi, hàng tháng chị vẫn không có dấu hiệu của người phụ nữ. Đi khám và được GS. Sơn làm các xét nghiệm chuyên sâu, chị B. mới biết mình không hề có âm đạo và choáng váng khi biết mình là nam giới vì mang nhiễm sắc thể XY. Nhưng có điều trái khoáy là ở cơ thể B., cơ quan sinh dục nam bị "chết yểu", hormone nữ ở tuyến thượng thận lại trỗi dậy, làm cơ thể phát triển theo xu hướng nữ giới. Tiến hành siêu âm, các bác sĩ phát hiện tinh hoàn của B. không đúng vị trí mà "chu du" trong ổ bụng bao năm trời nay.

Dù B. mang nhiễm sắc thể XY nhưng bác sĩ không trả B. về trạng thái giới tính thật là nam, mà hướng B. thành nữ bằng cách phẫu thuật tái tạo âm đạo. Vì B. không có thiên hướng về nam giới, mà ngược lại đã quá quen với cuộc sống của một người nữ trong một thời gian dài. Nếu thay đổi B. sẽ bị sốc và sẽ rất khó khăn, khổ sở để hòa nhập đời sống.

GS.TS Trần Thiết Sơn khẳng định can thiệp chuyển đổi giới tính là một can thiệp tinh tế, khó và nhạy cảm trong quan niệm tâm lý xã hội nên đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải có chuyên môn, được đào tạo bài bản. Hơn nữa, để chuyển được giới tính thành công cho một người, không đơn thuần chỉ là phẫu thuật mà cần phải có đa phương pháp trị liệu đồng bộ như tâm lý, hormone, sinh lý, hành vi. Xây dựng đồng bộ các yếu tố này là điều không hề đơn giản.

Cũng theo GS. Sơn, đối với từng trường hợp chuyển giới cụ thể, phải có hội đồng y khoa hội chẩn xem người đó có đủ điều kiện về mặt xã hội, sức khỏe, tâm thần, nội tiết, cấu tạo cơ thể để chuyển giới hay không. Việc này phải được tiến hành thận trọng, bởi khi quyết định biến đổi một con người thì không thể “sửa” lại được. Do đó, khi tính đến việc hình thành các cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải cân nhắc kĩ, đưa ra quy định, điều kiện chặt chẽ, có chế tài thanh tra, kiểm soát các cơ sở này. Bởi giải quyết vấn đề phẫu thuật chuyển giới theo hướng thương mại sẽ dễ gây ra những hệ luỵ cho xã hội, khi mà chuyển giới rất có thể sẽ trở thành trào lưu.

Thừa nhận và đồng hành

Những định kiến và kỳ thị về người chuyển giới vẫn còn hiện hữu. Theo thống kê, có hơn 30% người Việt tin rằng người LGBT là bị bệnh. Bởi thế, khi một người phát hiện mình là LGBT, điều làm họ áp lực, dằn vặt không phải vì bản dạng giới của chính họ, mà vì áp lực trước thể diện gia đình, thuần phong mĩ tục, lo sợ sẽ bị tước đi các cơ hội đến từ chính sự kỳ thị đó.

Bởi vậy, khi biết con mình là người đồng tính, thay vì giấu diếm, các bậc phụ huynh nên tham gia vào các hội nhóm phụ huynh có con đồng tính để chia sẻ, tìm hiểu. Khi đã hiểu đúng thì sẽ có suy nghĩ và hành động đúng, giúp cho con mình sống tốt và cống hiến cho xã hội như bao người khác. Đừng để con mình đơn độc đối diện với những trở ngại và khó khăn trong quá trình nhận thức về bản thân và công khai giới tính của chính mình.

GS.TS Trần Thiết Sơn khuyến cáo các bố mẹ hãy quan sát, để ý cơ thể con mình từ lúc nhỏ để đi khám kịp thời. Nếu bố mẹ và cả bác sĩ không để ý, xử lý không đúng cách sẽ dẫn đến đứa trẻ phải nhiều năm sống với kiểu hình bề ngoài hoàn toàn giả tạo và chịu nhiều đau đớn về tinh thần.

Phải nhìn nhận rằng, đời sống của những người có bản dạng giới khác với giới tính khi họ sinh ra là biểu hiện của đa dạng giới. Xã hội cần thừa nhận, người thân cần đồng hành với những người LGBT, về chuyển giới để cởi mở, tôn trọng sự đa dạng về giới và tính dục.

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, cộng đồng LGBT (Lesbian - đồng tính nữ, Gay - đồng tính nam, Bisexual – lưỡng tính và Transgender – chuyển giới) chiếm 3-7% dân số thế giới. Trong đó tỷ lệ người chuyển giới (đã phẫu thuật hay sử dụng hormon) chiếm từ 0,3-0,5%. Đến tháng 11/2021, dân số Việt Nam là 98,5 triệu, ước tính có 300.000 - 500.000 người chuyển giới.

Huyền Châm
.
.