Đại úy Công an vừa hết F0, xung phong tuyến đầu chống dịch

Thứ Năm, 16/09/2021, 06:40

Đó là Đại úy Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Công an phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Nhiễm COVID-19 trong khi làm nhiệm vụ nhưng sau khi điều trị khỏi, với mong muốn mang chút kinh nghiệm và dành thêm nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân “vùng đỏ” về các biện pháp phòng, chống dịch hữu hiệu nhất, anh đã xung phong ra tuyến đầu chống dịch.

Vào “vùng đỏ” tiếp sức cho dân

Ngày 9-7-2021, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm ấy, quận Bình Tân là một trong số những địa bàn mà dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất nên các cấp chính quyền mà mũi nhọn là công an quận và các phường tập trung hỗ trợ ngành Y tế gấp rút lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên diện rộng, đặc biệt là phường An Lạc.

Với trách nhiệm là Phó trưởng Công an phường, ngoài việc kiểm tra, đôn đốc cấp dưới trực chốt tại các điểm cách ly, phong tỏa, khu vực có F0, bảo vệ an toàn các điểm lấy mẫu xét nghiệm, Đại úy Kiên còn trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động F0 đi điều trị tập trung ở bệnh viện, truy vết và hướng dẫn F1, F2 tự cách ly tại nhà...

Đại úy Công an vừa hết F0, xung phong tuyến đầu chống dịch -0
Đại úy Hoàng Trung Kiên Tham gia trực chốt kiểm soát, phòng, chống dịch cùng đồng đội.

Trong suốt thời gian này, Kiên không dám về nhà vì sợ lỡ mình bị nhiễm COVID-19 lúc nào không biết mà lây sang vợ con cùng người thân thì hết sức nguy hiểm, hơn nữa không có mình liệu anh em trực ở tâm dịch có vững tâm lý để đảm bảo công việc hay không. Suy đi, nghĩ lại, Kiên quyết định ở lại cùng ăn, cùng ngủ, cùng trực chiến với anh em ngay tại chốt. Hôm có kết quả xét nghiệm PCR (âm tính), Kiên tranh thủ về thăm nhà. Vợ anh vui mừng, liên tục hỏi chồng ăn gì, uống gì song vẫn biết giữ khoảng cách an toàn. Hai đứa con còn chưa hiểu chuyện, thấy ba về định ùa đến ôm cổ nhưng để đảm bảo an toàn, anh đành phải né sang một bên. Hai con òa khóc, Kiên cố gắng giải thích và khi chúng vừa nín cũng là lúc anh phải tạm xa để trở lại với công việc...

Sớm 19-7, sau một đêm trực thay cho cấp dưới ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch trở về đơn vị, vừa hớp ngụm cà phê cho đỡ buồn ngủ, Kiên phát hiện vị giác của mình rất kém. Làm test nhanh thấy 2 vạch, anh lập tức đến bệnh viện xét nghiệm PCR và kết quả dương tính với COVID-19. Do đã chuẩn bị tinh thần từ trước là đã đi vào “vùng đỏ” vận động F0 đi điều trị, làm công tác tư tưởng để từng hộ gia đình trong tâm dịch yên tâm cách ly thì khó tránh khỏi lây nhiễm nên khi nhận kết quả dương tính, Kiên rất lo cho sự an toàn của anh em trong đơn vị, lo cho bà con bị phong tỏa nhiều ngày có thiếu nhu yếu phẩm hay không. Cái lo nữa là khi anh trở thành F0, cả gia đình phải cách ly tại chỗ để theo dõi nhưng vợ anh lại kêu đau đầu, rát họng và lúc ấy anh chỉ mong chị không bị dương tính như anh để còn có người chăm sóc hai con nhỏ.

Đại úy Công an vừa hết F0, xung phong tuyến đầu chống dịch -0
Bảo vệ an toàn cho các điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Khi những lo lắng còn chưa vơi, Kiên tiếp tục nhận tin sốc khi có đến 7 cán bộ công an phường và 3 sinh viên tăng cường từ Trường Đại học Cảnh sát cũng bị nhiễm COVID-19, trong đó cảnh sát khu vực Võ Thành Tâm có dấu hiệu trở nặng. Con gái nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 gọi điện nhõng nhẽo đòi ba về chỉ viết chữ, đơn vị thì thiếu nhân lực ra tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ người dân khu phong tỏa, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền cho bà con “vùng xanh” tuân thủ các quy định phòng, chống dịch để tránh bị lây nhiễm... khiến lòng Kiên nóng như lửa đốt.

Vừa khỏi F0, lập tức trở lại tuyến đầu

Sau 14 ngày điều trị, sức khỏe Kiên hồi phục, thêm 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, anh được xuất viện về nhà nhưng phải tự cách ly thêm 14 ngày. Những ngày buộc phải giam mình trong phòng riêng, Kiên cảm thấy chỉ có một cánh cửa nhưng sao khoảng cách với những người thân cứ xa vời vợi. Vợ chỉ dám hé cửa đưa cơm nước ngày 2 lần rồi lại đóng chặt, khử khuẩn; muốn nhìn mặt và trò chuyện với các con cũng chỉ qua điện thoại video call...

Hoàn thành quá trình điều trị, cách ly, Kiên lập tức báo cáo đơn vị rồi trở lại ngay với công việc. Sợ sức khỏe của anh chưa ổn định, Trung tá Trần Minh Lâm - Trưởng Công an phường An Lạc sắp xếp cho ngồi tại trụ sở, vừa điều hành, vừa giải quyết các thủ tục hành chính nhưng Kiên nhất quyết muốn sát cánh cùng đồng đội ngoài hiện trường. Ngày Kiên trở lại với công việc cũng là lúc dịch bệnh đang ở mức báo động và TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao. Việc đầu tiên anh làm là dành trọn một ngày cùng anh em cảnh sát khu vực lội bộ vào từng con hẻm trong “vùng xanh, vùng đỏ” để nắm tình hình thực tế xem người dân có tuân thủ quy định giãn cách không, họ thiếu thốn gì, những F0 điều trị tại chỗ cần được hỗ trợ gì...

Đại úy Công an vừa hết F0, xung phong tuyến đầu chống dịch -0
Công an phường An Lạc chuẩn bị gạo, rau, củ mang tặng người dân.

Từng là F0 đã khỏi bệnh, lại được sự thống nhất của ban chỉ huy công an phường nên sau một ngày khảo sát, Kiên lập tức mang kinh nghiệm của mình cùng một số đồng đội khác cũng là F0 đã khỏi trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để chia sẻ, hướng dẫn người dân “vùng xanh” về ý thức giữ gìn và những phương pháp phòng tránh dịch bệnh xâm nhập theo quy định của ngành y tế. Đối với người dân “vùng đỏ” thì động viên tinh thần, hướng dẫn F0 dạng nhẹ phương pháp tự cách ly điều trị tại nhà và nếu thiếu thuốc men thì anh cùng đồng đội sẽ liên hệ xin bên y tế hoặc tự bỏ tiền túi mua tặng những trường hợp khó khăn theo toa của bác sĩ...

Cũng trong thời gian này, nhận thấy do không được phép ra đường nên nhiều hộ gia đình không thể mua nhu yếu phẩm, một số hộ gia đình khác mà đặc biệt là công nhân và người lao động tự do ở một số khu nhà trọ không có tiền để mua, anh Kiên cùng ban chỉ huy công an phường lập tức thực hiện phương án vận động nhà hảo tâm. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, các anh đã quyên góp được hàng ngàn phần nhu yếu phẩm gồm gạo, thịt, dầu ăn, nước mắm, rau củ và thuốc men... gửi tặng những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời kết nối cho những người làm từ thiện tặng hàng ngàn phần nhu yếu phẩm khác đến đúng địa chỉ với phương châm “hộ nào đang thiếu thì nhận trước, hộ nào tạm kéo được vài ngày thì nhận sau”.

Đại úy Công an vừa hết F0, xung phong tuyến đầu chống dịch -0
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch.

Khi những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã tạm ổn, đồng thời các cấp chính quyền địa phương cũng tích cực chăm lo, anh em lại xây dựng kế hoạch mới đó là “đi chợ hộ”. Ngoài bảo đảm quân số trực 24/24 tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn các điểm lấy mẫu xét nghiệm, vận động người dân ở yên trong nhà, mỗi sáng sớm, anh cùng đồng đội thống kê đơn hàng qua tin nhắn rồi đến siêu thị gần nhất mua nhu yếu phẩm mang về phân thành từng túi, chuyển đến tận tay bà con ngay trong ngày.

Nói về người cán bộ cấp phó của mình, Trung tá Trần Minh Lâm - Trưởng Công an phường An Lạc chia sẻ: “Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, lại xông xáo, hoạt bát nên Kiên tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Bình thường thì luôn kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho dân. Dịch bùng phát thì xông ngay vào tâm điểm cùng anh em dập tắt những hoang mang, lo lắng của bà con rồi tìm mọi cách có thể để giúp họ từ trấn an tư tưởng, hỗ trợ đưa F0 đi điều trị cho đến tìm nguồn nhu yếu phẩm giúp đỡ người dân “vùng xanh, vùng đỏ” và đảm bảo an toàn cho những đợt lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng...

Đại úy Công an vừa hết F0, xung phong tuyến đầu chống dịch -0
Đại úy Hoàng Trung Kiên kiểm tra, nhắc nhở người dân không ra đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Hằng ngày, sau khi hoàn tất công tác kiểm tra, đôn đốc tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, Kiên dành toàn bộ thời gian xuống từng con hẻm, từng khu nhà trọ nắm tình hình của người dân để kịp thời xử lý những phát sinh trong công tác hoặc hỗ trợ những người khó khăn. Nhiều lúc tâm sự, chú ấy thường bảo, dịch có nguy hiểm đến đâu, anh em mình có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào nhưng trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này, mình phải kề cận với dân vì không như vậy thì bà con sẽ không đủ động lực, sự kiên nhẫn để vượt qua...”.

Đức Cương
.
.