Đằng sau cuộc bốc thăm cho trẻ mầm non ở Hoàng Liệt: Nỗi buồn đầu năm học mới!

Thứ Tư, 31/08/2022, 14:18

Trong hai ngày 27 và 28-8-2022, tại UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã diễn ra sự kiện chưa từng thấy, hàng trăm phụ huynh tham gia cuộc bốc thăm may rủi để có suất cho con gửi vào trường mầm non Hoàng Liệt.

Biết rằng đây là sự việc cực chẳng đã, khi tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh hơn tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng dư luận vẫn không khỏi bức xúc đặt câu hỏi, vai trò, trách nhiệm của chính quyền, nhà quản lý ở đâu, khi để tình trạng này xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội?

Phụ huynh căng thẳng

Năm học 2022-2023, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàng Mai đã phê duyệt cho Trường Mầm non Hoàng Liệt tổng số 459 chỉ tiêu tuyển sinh cho cả 3 lứa tuổi. Tuy nhiên, số hồ sơ đăng ký tuyển sinh đã vượt xa khả năng tiếp nhận của nhà trường. Cụ thể, trường nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 so với dự kiến; trẻ 4 tuổi có 290 hồ sơ đăng ký trong khi dự kiến tuyển sinh là 88 trẻ, trẻ 3 tuổi có 423 hồ sơ đăng ký trong khi dự kiến tuyển sinh là 245 trẻ.

Đằng sau cuộc bốc thăm cho trẻ mầm non ở Hoàng Liệt: Nỗi buồn đầu năm học mới! -0
Quang cảnh buổi bốc thăm tại UBND phường Hoàng Liệt.

Với các điều kiện phòng lớp, cơ sở vật chất, thiết bị và giáo viên hiện có, Trường Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể tuyển sinh 559 trẻ độ tuổi từ 3 tuổi đến 5 tuổi vào trường; trong đó sẽ sử dụng phòng chức năng mở thêm 3 lớp mẫu giáo lớn để tuyển hết 226 trẻ đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi. Đối với trẻ 3 tuổi và 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm được 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký tuyển sinh cho năm học mới, như vậy vẫn còn dư 380 hồ sơ.

Sau rất nhiều cuộc họp cùng phụ huynh học sinh để đi đến thống nhất phương án tuyển sinh năm học 2022-2023, thì cuối cùng UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi và 4 tuổi để vào trường ngay tại trụ sở ủy ban.

Đằng sau cuộc bốc thăm cho trẻ mầm non ở Hoàng Liệt: Nỗi buồn đầu năm học mới! -0
Một phụ huynh làm thủ tục bốc thăm cho con.

Trước khi đi bốc thăm cho con, chị Nguyễn Thị Tươi (tổ 11A, phường Hoàng Liệt) đã… thắp hương rất cẩn thận để mong được các cụ phù hộ độ trì, bốc trúng cho con một suất học vào Trường Mầm non Hoàng Liệt(!) Chị Tươi tham dự phiên bốc thăm buổi sáng ngày 27-8, cho lứa 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ. Có 176 phụ huynh đăng ký đến tham gia và chỉ tiêu của nhà trường là 80 nên chị cũng không hy vọng mình sẽ bốc trúng.

Ngay từ đầu chị không đồng tình phương án bốc thăm cho con, bởi theo chị, trước đây khi bạn lớn nhà chị còn đi học mầm non ở cơ sở cũ thì chỉ cần nộp hồ sơ là được vào học. Cơ sở cũ này cũng chỉ nhận các bé của vài tổ. Khi cơ sở mới xây dựng, nhiều tổ mới được chuyển về Tứ Kỳ học nên số lượng học sinh càng đông hơn. Đến bé thứ 2 nhà chị thì mọi sự khác hoàn toàn, số lượng quá tải, buộc phải bốc thăm. “Lẽ ra chúng tôi là con em Tứ Kỳ, gia đình tôi mấy chục năm sinh sống ở đây thì phải được ưu tiên cho con em vào học, cuối cùng lại phải bốc thăm. Không bốc thăm chả nhẽ lại phải đi gửi con ở trường tư tốn kém?”, chị Tươi cho biết.

Gia đình chị Tươi có hoàn cảnh khó khăn. Bé thứ 2 nhà chị năm nay 3 tuổi nhưng vì dịch COVID-19 kéo dài hai năm liền, bé không được đi học sớm nên chậm nói. 1 tuần chị phải cho con đi học nói 3 buổi, mỗi buổi hết 350 nghìn đồng. Chưa kể con đang gửi trường tư chi phí 3,2 triệu đồng 1 tháng. Lương hai vợ chồng không mấy dư dả khiến gánh nặng gửi trẻ đè nặng lên vai. Nếu tiếp tục trong thời gian dài hai vợ chồng chị cũng không thể gánh nổi. “Rất may tôi đã bốc được suất vào trường công cho con chứ nếu không vợ chồng tôi không biết xoay sở thế nào”, chị Tươi vui vẻ chia sẻ sau cuộc bốc thăm.

Đằng sau cuộc bốc thăm cho trẻ mầm non ở Hoàng Liệt: Nỗi buồn đầu năm học mới! -1
Một phụ huynh đưa con đi bốc thăm và may mắn trúng tuyển.

Chị Trần Thu Quỳnh ở tòa HH2B, Linh Đàm cũng bức xúc cho biết, chị là người liên tục phản đối phương án bốc thăm đi học ngay từ đầu. Bởi theo chị, không thể đặt số phận các con vào việc bốc thăm may rủi này. Có gia đình khá giả, nhưng cũng có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, không phải nhà nào cũng có thể cho con đi gửi trường tư nếu không bốc thăm được. Đợi chờ cả buổi chiều ngày 27-8, khi đăng kí cho bé 3 tuổi vào cơ sở mầm non Linh Đàm, cuối cùng chị cũng gặp được may mắn.

“Theo quy định bốc thăm hai vòng. Vòng 1 bốc thăm số thứ tự, vòng 2 sẽ dùng số thứ tự này để bốc thăm phiếu tuyển sinh. Phiếu đỗ được ghi “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường”. Ngược lại, nếu phiếu ghi “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”, phụ huynh phải tìm trường khác cho con. Có hơn 200 phụ huynh đăng ký trong lần bốc thăm này. Mình bốc số thứ tự gần cuối cùng, cũng chẳng mong hy vọng gặp được may mắn. Thế nhưng khi chỉ còn 3 số cuối trong đó có số của mình, thì vẫn còn hai suất được vào học tại mầm non. Một phụ huynh bốc trượt, nhường lại may mắn cho mình và một phụ huynh nữa. Biết rằng nỗi buồn của người này là hạnh phúc của người kia nhưng thực sự là cũng quá xót xa khi lẽ ra các bé có hộ khẩu ở đây nghiễm nhiên được tuyển vào trường thì lại phụ thuộc vào lá thăm may mắn do chính tay bố mẹ bốc được”, chị Quỳnh cho hay.

Nhà có bé lớn năm nay vào lớp mẫu giáo 4 tuổi, nên dù trời nắng chang chang nhưng anh N.V.T vẫn đưa con gái đến dự lễ bốc thăm chiều ngày 28-8. Mẹ đi làm công nhân, bà nội ở nhà trông hai em bé sinh đôi nên bắt buộc bé phải theo bố đến bốc thăm. Trước khi bốc thăm, anh T xác định sẵn tâm lý, được thì tốt, không được thì cho con đi học tư thục cũng không sao. Anh bảo sẽ cho bé lên bốc thăm cùng và tự tay bốc thay bố, biết đâu lại may mắn. Và quả thật may mắn đã mỉm cười với bố con anh trong buổi chiều nóng nực khi bé đã bốc đúng phiếu trúng tuyển bởi tỉ lệ 1 chọi 4 không khác gì thi đại học. Trong số 81 phụ huynh tham gia bốc thăm chỉ được chọn 20 chỉ tiêu vào lớp 4 tuổi tại cơ sở mầm non Linh Đàm.

Có lẽ may mắn nhất là chị Văn Thị Hiền (Tổ 7A, Hoàng Liệt, Hoàng Mai) - khi bốc được 2 lá phiếu trúng tuyển cho hai bé sinh đôi vào lớp 3 tuổi tại cơ sở Tứ Kỳ. Hai bé đang theo gửi trường tư nhưng vì chi phí lớn nên chị đăng ký vào Trường Mầm non Hoàng Liệt với mong muốn giảm bớt gánh nặng gia đình.

Không may mắn như nhiều phụ huynh khác, chị H.M.L bốc phải tấm vé không trúng tuyển cũng phải ra về với gương mặt buồn bã. Chị có hai bé sinh đôi. Trước khi đi, chị lo sợ nhất là sẽ chỉ bốc được cho một bé, còn một bé lại trúng tuyển. Thế nhưng cuối cùng, chị đều không bốc được cho bé nào đi học. Đành phải tiếp tục cho con đi học trường tư, chị lại lo lắng những ngày sắp tới sẽ phải “còng lưng” gánh chi phí học cho con.

Lỗi này do ai?

Bốc thăm cho con đi học là việc chưa từng có tiền lệ ở Hoàng Liệt. Trong số các phụ huynh đến dự buổi bốc thăm, có người ủng hộ đây là phương án công khai minh bạch, nhưng có người phản đối, không đồng tình vì đặt các con vào trò chơi may rủi, mà lẽ ra ở tuổi này, có hộ khẩu đúng tuyến, các con nghiễm nhiên phải được tuyển chọn vào trường.

Đằng sau cuộc bốc thăm cho trẻ mầm non ở Hoàng Liệt: Nỗi buồn đầu năm học mới! -0
Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt trộn các lá phiếu trước khi phụ huynh bốc thăm.

Thậm chí có người còn cho rằng, việc quá tải trường học dẫn đến việc con họ phải bốc thăm là hậu quả tất yếu của việc đô thị diễn ra chóng mặt. Các chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà mà không xây trường học, cơ sở hạ tầng... trong khi càng ngày càng có nhiều chung cư được xây dựng mới. Điều này xuất phát từ chính các chủ đầu tư không có tâm và cả sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.

Phát biểu tại buổi bốc thăm, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Hoàng Liệt và cả hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt đều mong muốn các bậc phụ huynh chia sẻ khó khăn với nhà trường, phường và quận. Theo các vị lãnh đạo, đây là phương án cuối cùng không ai mong muốn. Bà Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt vừa động viên các bậc phụ huynh không may mắn bốc được suất học cho con vừa đề nghị họ để lại thông tin, hồ sơ của các con để năm học sau, nhà trường sẽ nhận toàn bộ.

Đằng sau cuộc bốc thăm cho trẻ mầm non ở Hoàng Liệt: Nỗi buồn đầu năm học mới! -0
Nhiều phụ huynh ủng hộ nhưng cũng rất nhiều người không ủng hộ phương án bốc thăm.

Thế nhưng với tốc độ tăng dân số chóng mặt như hiện nay, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra nghi ngại, liệu sang năm, còn tái diễn tình trạng bốc thăm nữa hay không? Hơn 20 năm trước, những người dân sống ở khu đô thị Linh Đàm tự hào khi được ở một khu đô thị kiểu mẫu với thiết kế, quy hoạch đồng bộ, rất đẹp, rất đáng sống. Nhưng sau 20 năm, tất cả đã bị băm nát bằng những tòa nhà chung cư cao tầng với mật độ dày đặc, đưa Hoàng Liệt trở thành “siêu phường”, có số dân thuộc hàng đông nhất, nhì cả nước, với trên 83.000 người. Cũng vì thế, nơi đây hằng năm sẽ có thêm khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non. Nhiều khu đất được bố trí làm trường học công lập bằng cách nào đó chuyển sang xây trường tư, thậm chí là nhà ở thương mại. Không chỉ vậy, hạ tầng y tế, nơi đỗ xe, chợ… ở đây cũng luôn trong tình trạng quá tải.

Việc buông lỏng quản lý khiến Linh Đàm và nhiều khu đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Hiện vẫn còn nhiều khu đất bỏ hoang tại Hoàng Mai dù đã được quy hoạch thành trường học từ 20 năm nay. Nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm lo xây nhà mà bỏ quên trường học khiến tình trạng thiếu trường, lớp, quá tải học sinh tái diễn từ năm nay qua năm khác mà không được giải quyết triệt để. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền địa phương, các nhà làm quy hoạch và các chủ đầu tư tại các khu đô thị.

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục thì việc bốc thăm để giành suất học cho con rất phản cảm. Hiện nay, tình trạng đô thị hóa ở Hà Nội quá nhanh, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập. Do đó, các ban, ngành cần khảo sát chính xác dân số tại khu vực, xác định chính xác độ tuổi của dân số trong khu vực để có các dự báo, giải pháp cụ thể để có định hướng xây trường học bổ sung, hay tăng số trường lớp… Với các khu dân cư không đủ trường thì cần có phương án trợ giá của Nhà nước cho những trường tư thục để có thể hỗ trợ những gia đình không đủ điều kiện cho con theo học.

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục thì việc bốc thăm để giành suất học cho con rất phản cảm. Hiện nay, tình trạng đô thị hóa ở Hà Nội quá nhanh, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập. Do đó, các ban, ngành cần khảo sát chính xác dân số tại khu vực, xác định chính xác độ tuổi của dân số trong khu vực để có các dự báo, giải pháp cụ thể để có định hướng xây trường học bổ sung, hay tăng số trường lớp… Với các khu dân cư không đủ trường thì cần có phương án trợ giá của Nhà nước cho những trường tư thục để có thể hỗ trợ những gia đình không đủ điều kiện cho con theo học.

Ngọc Trâm
.
.