Dấu ấn công an xã ở một làng nghề nổi tiếng

Thứ Hai, 19/09/2022, 07:15

Hiếm có vùng đất nào đẹp như Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Cũng hiếm có nơi nào vừa là làng nghề, vừa đón nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước như Bát Tràng...

Khi chúng tôi trò chuyện, hỏi có áp lực không khi làm công an xã ở một vùng đất đặc biệt như này, các anh công an xã chỉ cười, chia sẻ, nhận nhiệm vụ ở làng nghề nổi tiếng không chỉ trong nước, thách thức và khó khăn rất nhiều nhưng các anh lại có cơ hội thể hiện niềm tự hào, lòng mến khách với bạn bè quốc tế. Sự mến khách được thể hiện bằng những việc làm nhỏ bé hằng ngày, rất gần gũi, thân thuộc nhưng mang ý nghĩa đối với người dân, góp phần giúp họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tạo môi trường an toàn, thân thiện và ấn tượng tốt đối với du khách đến tham quan.

Dấu ấn công an xã ở một làng nghề nổi tiếng -0
Công an cùng chính quyền xã thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Nắm bắt tâm tư người dân từ "hòm thư góp ý"

Hôm nay, cụ ông Nguyễn Đức Tuấn, trú ở thôn 2 Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, đến trụ sở công an xã từ sớm. Thấy cụ loay hoay bên "hòm thư góp ý" treo ngay ngắn trước trụ sở, vừa tầm mắt của người dân, chúng tôi ngỏ ý muốn giúp cụ bỏ thư góp ý vào hòm.

Hỏi cụ nhận xét gì về các anh "công an xã mới", tức là những anh công an chính quy về xã, cụ chỉ ngay vào Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng Công an xã Bát Tràng, vui vẻ nói: "Cái anh này rất là nhiệt tình, những người già như chúng tôi mắt mờ chân chậm, được anh ấy giúp đỡ rất tận tình về thủ tục cấp căn cước công dân. Không hiểu cái gì là anh ấy chỉ cho, thiếu giấy tờ gì là anh ấy hướng dẫn, cho người chở về nhà lấy...".

Còn chị Nguyễn Phương Thảo, trú tại thôn 3 Giang Cao cho biết, vì mới sinh con nên không có thời gian đi lại nhiều, khi cần làm căn cước công dân, để tránh mất thời gian, chị Thảo đã gọi điện đến đường dây nóng công an xã để tìm hiểu về các thủ tục hành chính, khi đi làm căn cước cần phải mang theo những giấy tờ gì. "Tôi được các anh công an giải đáp hết sức ân cần, vì thế, việc hoàn thành các thủ tục diễn ra nhanh chóng".

Chị Thảo cho biết, rất hài lòng về thái độ phục vụ nhân dân cũng như những cải cách hành chính trong việc cấp căn cước cho người dân của Công an xã Bát Tràng.

Dấu ấn công an xã ở một làng nghề nổi tiếng -0
Ông Phạm Huy Khôi – chủ tịch UBND xã Bát Tràng trao đổi cùng Công an xã, Mặt trận tổ quốc về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự.

Xã Bát Tràng có tới hơn 900 hộ kinh doanh sản xuất, 1 cụm sản xuất làng nghề tập trung, 2 khu tập trung trưng bày, buôn bán sản phẩm gốm sứ... Thuận lợi cả về giao thông đường thủy và đường bộ, mỗi ngày, Bát Tràng đón từ 3.000 đến 5.000 lao động các xã lân cận hoặc từ những địa phương khác đến làm việc, vấn đề này đòi hỏi Công an xã Bát Tràng phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý ngay từ đầu những tình huống phức tạp, vì thế, tình hình an ninh, trật tự nơi đây luôn được đảm bảo.

Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm trước đó đã hào hứng giới thiệu cho chúng tôi tới Bát Tràng để tìm hiểu về những kết quả sau 2 năm thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã.

Theo Thượng tá Phạm Văn Hậu, Công an xã Bát Tràng đã làm tốt công tác tham mưu với ban chỉ huy công an huyện, đảng ủy, chính quyền xã giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống các loại tội phạm; đảm bảo công tác giữ gìn trật tự công cộng, trật tự đô thị, góp phần làm giảm tình hình ùn tắc giao thông, lan tỏa hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an thân thiện, vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, việc ghi dấu ấn của lực lượng công an chính quy về xã qua những công trình phần việc, cách làm sáng tạo, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả tại cơ sở, trong đó có cấp CCCD gắn chip đạt hơn 97% và cấp tài khoản định danh cho người dân đạt 100%, góp phần bảo đảm an ninh du lịch cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa làng cổ Bát Tràng.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó trưởng Công an xã Bát Tràng cho biết, nhờ có "hòm thư góp ý", các anh đã kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trong năm 2021, tỉ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm đạt 100%. Trước đây, với mô hình cũ, công an viên thường có mối quan hệ với người dân trong xã, không hàng xóm láng giềng thì cũng bà con thân thích, vì thế, nhiều tình huống được giải quyết chưa triệt để nhưng sau khi công an chính quy về xã, tình hình an ninh, trật tự ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển rộng khắp.

Từ chương trình “camera an ninh”, công an xã đã vận động xã hội hóa, lắp hơn 100 mắt camera trên địa bàn. Những điểm nút quan trọng đều được cập nhật 24/24h và truyền về trụ sở công an xã. Do đặc thù thường xuyên có khách du lịch, khách nước ngoài tới tham quan, Công an xã Bát Tràng phối hợp với các đơn vị du lịch, trao đổi số lượng khách để quản lý tốt hơn, đồng thời phân luồng giao thông, tránh tình trạng ùn tắc.

Dấu ấn công an xã ở một làng nghề nổi tiếng -0
Mọi hoạt động ở các chốt quan trọng đều được camera ghi lại.

Thật dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm du khách trong và ngoài nước thong thả dạo chơi khắp các cửa hàng bày bán gốm ở Bát Tràng. Đến đây, họ được trải nghiệm chương trình sản xuất gốm từ giai đoạn đầu đến khi được cầm trên tay sản phẩm do chính mình tạo ra, ai cũng reo lên thích thú. Điều đặc biệt nhất mà du khách đến đâycảm nhận đó là sự an toàn giữa không khí nhộn nhịp thương mại sầm uất, từ đó tạo nên sự khác biệt mà bất cứ ai cũng thấy ấn tượng ở một làng nghề nổi tiếng.

“Tổ liên gia an toàn về an ninh trật tự” phát huy hiệu quả

"Chúng tôi đánh giá rất cao công tác tham mưu của lực lượng công an xã, đã làm tốt vai trò nòng cốt, tham mưu có hiệu quả với đảng ủy, chính quyền các kế hoạch đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, đặc biệt là trong các kì đón các đoàn nguyên thủ quốc gia về thăm hoặc trong những ngày lễ, tết. Qua 2 năm triển khai mô hình “camera an ninh” theo dõi 24/24, vận động nhân dân xã hội hóa thì đây được coi là một điểm sáng. Tất cả các tình huống phức tạp, đơn giản nhất là tắc đường, được công an xã giải quyết kịp thời. Từ khi có công an chính quy về xã, người dân cảm nhận được rõ nét những đổi thay về an ninh, trật tự, bình yên từng ngõ, xóm, trong mỗi ngôi nhà" - ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết.

Thời gian qua, Bát Tràngđã đảm bảo an toàn 100% cho các đoàn quốc tế tới tham quan, kết quả này có sự đóng góp rất lớn của công an xã. Từ 2019, Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô, năm 2020 được Nhà nước công nhận giá trị phi vật thể đối với nghề gốm. Đây là những cơ hội cho Bát Tràng phát triển. Trên tinh thần xây dựng Bát Tràng trở thành điểm du lịch của Thủ đô, chính quyền xã luôn đồng hành cùng Sở Văn hóa tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác du lịch cũng như giao tiếp, ứng xử với khách du lịch, đặc biệt đối với người dân trực tiếp giới thiệu quảng bá về Bát Tràng.

"Qua các hội nghị đại biểu nhân dân, hội nghị toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chúng tôi cũng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về văn hóa giao tiếp, ứng xử và đẩy mạnh du lịch cộng đồng, từ đó giúp người dân nhận thức được trách nhiệm của một công dân ở điểm du lịch của Thủ đô" - ông Phạm Huy Khôi chia sẻ.

Để có một Bát Tràng được bạn bè khắp năm châu biết tới và quan trọng là bình yên như hôm nay, là cả một quá trình chung tay góp sức giữa lực lượng công an với các cấp chính quyền và nhân dân. Ngoài công tác tuần tra kiểm soát ban đêm thường xuyên khép kín địa bàn thì công an xã và các ban, ngành, đoàn thể, cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc trong xã thường xuyên trao đổi, xây dựng các mô hình hợp tác, một trong số đó là mô hình "Tổ liên gia an toàn về an ninh trật tự".

Dấu ấn công an xã ở một làng nghề nổi tiếng -0
Cụ Nguyễn Đức Tuấn và chị Nguyễn Phương Thảo bên hòm thư góp ý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết, từ ngày công an chính quy về địa bàn, việc phối hợp có nhiều hoạt động khởi sắc, đổi mới. Ngay từ đầu năm, Mặt trận Tổ quốc đã kí các chương trình với công an xã và tổ chức phối hợp, thực hiện, triển khai các hoạt động tới các ban công tác tại thôn và các hoạt động về bảo vệ kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư. Về "tổ liên gia an toàn về an ninh trật tự", hiện nay Mặt trận Tổ quốc phối hợp với công an xã lập các tổ tự quản tại các thôn.

Các tổ đều xây dựng group trong Zalo, kịp phổ biến những vấn đề nóng, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung trong thôn. Do vậy, nhân dân nắm bắt kịp thời các hoạt động, chủ trương của công an và chính quyền, đặc biệt là việc thực hiện Đề án 06, tất cả đều hợp tác thông suốt.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, việc gửi giấy mời cho người dân đến làm CCCD được Mặt trận Tổ quốc và công an xã phối hợp rất nhịp nhàng, khoa học. Số lượng người đến được bố trí vào một khung giờ nhất định, giúp người dân không phải chờ lâu, không xảy ra cảnh lộn xộn khi làm căn cước. Với những người đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương, công an xã sau khi rà soát sẽ gửi giấy mời một hoặc nhiều lần nữa, đồng thời vận động gia đình động viên người thân trở về thực hiện quyền lợi của mình.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tổ liên gia đã làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch của Nhà nước... Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các thành viên của tổ liên gia đã vận động người thân trong gia đình và nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, phối hợp với lực lượng công an xã trong công tác tuyên truyền nhân dân phòng ngừa các loại tội phạm, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại địa bàn dân cư, tổ chức tuần tra nhân dân... được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Trần Đức Thuận, trưởng ban quản lý di tích làng Bát Tràng dẫn chúng tôi tham quan ngôi đình làng cổ, nằm bình yên bên con song Hồng bao đời nay. Ông nói: "Việc to, việc nhỏ trong làng đều được tổ chức tại đình. Truyền thống này bao đời nay được giữ vững, có ý nghĩa gắn kết các thôn xóm, các dòng họ. Các cháu thanh, thiếu niên lớp này đến lớp khác của 23 dòng họ cứ lớn lên thừa hưởng tinh thần, truyền thống cha ông, chăm chỉ làm nghề, chấp hành tốt pháp luật. Cũng nhờ có các anh công an chính quy về làng, việc nào khó, chúng tôi mời các anh ra đình làng cùng thảo luận, tình cảm như người trong gia đình, việc khó mấy cũng có cách giải quyết. Bên cạnh đó, các dịp lễ hội, lễ tết, du khách thập phương đến vãn cảnh rất đông, các anh công an làm công tác bảo vệ vòng trong, vòng ngoài rất tốt, nhờ vậy mà an ninh, trật tự được ổn định, chúng tôi cũng thấy yên tâm".

Anh Hiếu – Đinh Hiền
.
.