Đau lòng trẻ mất tích, tử vong tại điểm trông giữ tự phát
Do nhu cầu của người dân, phần lớn là công nhân, người lao động có thu nhập thấp cần người trông giữ con để đi làm nên một số cô giáo hoặc những người lớn tuổi, những người không có công việc ổn định đã nhận chăm sóc trẻ nhỏ tại nhà hoặc các cơ sở thuê.
Việc nhận giữ trẻ tự phát thời gian gần đây đã xảy ra các vụ trẻ tử vong, mất tích, nhẹ hơn thì bị thương tích và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh.
Những câu chuyện buồn
Những ngày giữa tháng 5/2024, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh của một người mẹ quỳ gối, dập đầu trước biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) gào thét trong đau đớn và vô vọng gọi tên con trai 6 tuổi vừa bị mất tích khi đang được gia đình gửi tại điểm trông giữ trẻ ở trên địa bàn. Người mẹ đó là chị Nguyễn Thị Th. và con trai bị mất tích là cháu Lê Phước N. (sinh năm 2018, trú tại tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô). Nhìn hình ảnh người mẹ xác xơ khiến nhiều người thương xót. Và càng thương người mẹ ấy bao nhiêu thì nhiều người càng phẫn nộ với sự tắc trách của cô giáo trẻ trông giữ cháu bé hôm đó bấy nhiêu.
Cụ thể, ngày 12/5, do là ngày nghỉ học ở trường, trong khi đó, chị Nguyễn Thị Th. phải đi giúp việc tại một quán cà phê nên đành gửi con là Lê Phước N. ở nhà giữ trẻ của cô Nguyễn Thị Kim Chi (sinh năm 1990) - là giáo viên đang công tác tại Trường Mầm non Mai Khôi ở thị trấn Lăng Cô. Hôm đó, do cô Chi bị bệnh nên đi khám và nhờ cô Dương Thị Phương Truyền (sinh năm 1986, là nhân viên đang công tác tại Trường mầm non Mai Khôi) giữ giúp.
Đến khoảng 14h ngày 12/5, trong giờ nghỉ trưa, cháu N. bỏ đi chơi một mình ra hướng bãi biển. Đến khoảng 15h35 cùng ngày, khi không nhìn thấy cháu N. nên cô Truyền báo tin cho gia đình và lực lượng chức năng, người dân địa phương cùng tổ chức tìm kiếm xung quanh khu vực biển, nhưng chỉ phát hiện dép của cháu. Được biết, cháu N. có biểu hiện tăng động, từ thứ 2 đến thứ 6, cháu N. được gia đình gửi tại Trường mầm non Mai Khôi. Tuy nhiên, thứ bảy và chủ nhật nhà trường không tổ chức dạy nên gia đình đã nhờ cô Chi trông giữ cháu tại nhà.
Ngay sau khi cháu N. mất tích, lực lượng chức năng, chính quyền, người dân địa phương cùng gia đình đã nhiều đêm nỗ lực tìm kiếm nhưng không có kết quả. Cho đến ngày 19/5 (sau 8 ngày cháu N. mất tích), người dân phát hiện một thi thể trẻ em tại khu vực bãi biển Làng Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - nằm cách tổ dân phố Hải Vân (thị trấn Lăng Cô) nơi cháu N. mất tích khoảng 15 km đường biển. Sau khi phát hiện thi thể trẻ em nêu trên, Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với Công an, UBND thị trấn Lăng Cô thông tin đến người nhà cháu N. đến hiện trường nhận dạng.
Sau khi nhận dạng, gia đình cháu N. và các cơ quan chức năng thống nhất làm các thủ tục đưa thi thể về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bảo quản, chờ kết quả giám định ADN. Tuy nhiên đến ngày 22/5, dù chưa có kết quả xét nghiệm ADN nhưng gia đình cháu N. khẳng định, qua các đặc điểm nhận dạng đây đúng là thi thể của cháu N. Vì vậy, gia đình đã phối hợp làm việc với Công an quận Liên Chiểu làm các thủ tục, xin đưa thi thể về quê để lo hậu sự. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Lộc cho biết, điểm trông giữ trẻ của cô Chi là điểm tự phát.
Trong khi vụ cháu N. mất tích tại điểm trông giữ trẻ tự phát đang gây hoang mang dư luận thì cũng trong thời gian này lại xảy ra vụ cháu bé 7 tháng tuổi ở tỉnh Bình Định tử vong tại bệnh viện sau khi được gia đình đưa từ điểm giữ trẻ đến.
Cụ thể, sáng 17/5, chị Nguyễn Thị Trúc L. (trú tại xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) gửi con gái là V.A.N. (7 tháng tuổi) tại một cơ sở giữ trẻ ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn, Bình Định). Đến 10h cùng ngày, chị L. nhận được điện thoại từ một người ở cơ sở giữ trẻ báo là cháu N. liên tục nôn ói trong lúc uống sữa. Lúc này, gia đình đến đưa cháu N. vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Đến sáng 18/5, cháu N. mất ở bệnh viện và được gia đình đưa về lo hậu sự.
Quá trình tiếp nhận cấp cứu cho cháu N., qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhi này bị sưng ở vùng đầu. Sau đó, bác sĩ cho chụp CT, kết quả cho thấy cháu N. có dấu hiệu nứt sọ. Sau đó, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tuy nhiên cháu N. đã không qua khỏi. Thông tin với bệnh viện, gia đình cháu N. và người giữ trẻ đều cho rằng cháu N. không bị té ngã hay bị ai tác động. Trình báo với cơ quan chức năng, chị Lệ cho biết thời điểm đưa cháu N đến cơ sở giữ trẻ, cháu vẫn bình thường, cười đùa vui vẻ…
Được biết, cơ sở giữ trẻ này là tự phát trong khu dân cư và người giữ trẻ không có chứng chỉ chuyên môn, bằng cấp. Hiện, Công an thành phố Quy Nhơn đang điều tra nguyên nhân cháu N. tử vong.
Cách đây không lâu tại tỉnh Bình Dương, một cháu bé 8 tháng tuổi cũng đã tử vong tại điểm trông giữ trẻ tự phát. Theo đó, ngày 23/3, bà Trần Thị Thúy Hằng (sinh năm 1987, quê tỉnh Kiên Giang) thỏa thuận với chị Nguyễn Huỳnh Khánh Nh. (sinh năm 2003, quê tỉnh Hậu Giang) giữ thuê hai con chị Nh. (trong đó, có bé Nguyễn Hiếu Tr. 8 tháng tuổi). Địa điểm giữ trẻ là nhà trọ của bà Hằng ở đường NDJ4, khu phố 3B (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Tại đây, bà Hằng cũng sinh sống cùng chồng và con gái Lê Trần Thúy Vy (sinh năm 2008), làm nghề giữ trẻ thuê từ khoảng giữa năm 2023 đến nay.
Ngày 25/3, bà Hằng yêu cầu Vy giữ bé Tr. và khi bé khóc thì Vy đã dùng tay, cây gỗ đánh vào vùng bụng, lưng, tay bé. Đến khoảng 14h chiều 30/3, bà Hằng lại giao bé Tr. cho Vy giữ và cho cháu ăn, uống rồi đi ngủ. Khoảng 16h cùng ngày, cháu Tr. thức dậy và khóc. Lúc này, Vy tiếp tục đánh cháu bé. Thấy cháu Tr. nín, Vy quay qua dỗ bé khác.
Một lúc sau, thấy bé Tr. úp mặt vào gối, nằm im, không cử động, Vy chạy xuống tầng trệt báo cho ba mẹ biết. Lúc này, bà Hằng đưa cháu Tr. đi cấp cứu tại Trung tâm y tế thị xã Bến Cát và cơ quan này xác định, nạn nhân đã tử vong trước khi được đưa đến đây. Qua khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra xác định, bé Tr. có dấu hiệu bị tác động ngoại lực khiến bé bị tổn thương bên trong dẫn đến cái chết. Theo ba mẹ cháu Tr. do bận đi làm nên gia đình gửi 2 con nhờ bà Hằng chăm sóc…
Khó quản cơ sở giáo dục mầm non độc lập
Theo lãnh đạo một số chính quyền địa phương, cái khó của rất nhiều gia đình có con nhỏ, đó là khi con 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi phải tìm nơi gửi con để đi làm trong khi không phải gia đình nào cũng có ông bà, người thân có thể gửi con trông chừng giúp. Đau lòng nhất là nhiều gia đình công nhân, người lao động với đồng lương thấp, nên đành chấp nhận gửi con ở những nơi trông trẻ tự phát, không có giấy phép với chi phí thấp để có thể đi làm.
Trở lại vụ cháu Lê Phước N. mất tích ở điểm giữ trẻ ở thị trấn Lăng Cô; bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Lộc cho biết, trước khi xảy ra vụ án đau lòng này, đơn vị từng có công văn gửi chính quyền thị trấn Lăng Cô về việc có nhiều nhóm, lớp độc lập đang tổ chức giữ trẻ từ độ tuổi cả nhà trẻ và mẫu giáo chưa được UBND thị trấn Lăng Cô cấp phép hoạt động. Vì vậy, Phòng GD&ĐT đề nghị UBND thị trấn Lăng cô cần kiểm tra, rà soát các tổ chức, cá nhân đang tổ chức huy động trẻ. Nếu kiểm tra đảm bảo các điều kiện theo quy định thì yêu cầu các cơ sở làm hồ sơ đề nghị kiểm tra, thẩm định cấp phép hoạt động, nếu không đảm bảo điều kiện thì đề nghị các cơ sở đóng cửa.
Ngay sau khi cháu Lê Phước N. mất tích khi đang ở điểm giữ trẻ tự phát, ông Trần Văn Minh Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, qua rà soát, trên địa bàn có các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đang hoạt động tự phát, chưa được cấp giấy phép hoạt động. Các cơ sở này do một số cá nhân, tổ chức mở lớp, bên cạnh đó, một số giáo viên, nhân viên đang dạy ở các trường mầm non cũng tổ chức giữ trẻ trong ngày nghỉ theo nhu cầu của phụ huynh.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục đảm bảo theo quy định hiện hành, UBND huyện vừa yêu cầu phòng GD&ĐT phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra các điều kiện cấp phép hoạt động, đình chỉ hoạt động giáo dục nếu thấy có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập. UBND các xã, thị trấn: rà soát, nắm số lượng các nhóm, lớp độc lập tự phát đang hoạt động tại địa phương, kể cả các nhóm giữ trẻ trong ngày nghỉ. Tổ chức kiểm tra, lập biên bản và đề nghị ngưng hoạt động đối với các nhóm, lớp độc lập chưa được cấp phép đang hoạt động…
Không chỉ tại huyện Phú Lộc; tại một số huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và tại nhiều tỉnh, thành vẫn đang tồn tại nhiều cơ sở, điểm giữ trẻ không phép. Theo quy định, cấp xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ quản lý, cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ giáo dục mầm non độc lập. Những năm trước đây, tại các các phường: Thuận Lộc, An Đông, Tây Lộc, Phú Bình, Phú Hòa… (TP Huế); một số cơ sở giữ trẻ đã bị đóng cửa khi không đảm bảo các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Tính đến cuối năm 2023, tại TP Huế còn hơn 30 cơ sở giữ trẻ vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ hơn. Một số cơ sở được kiểm tra lần 2 nhưng vẫn chưa khắc phục được những tồn tại trước đó, nên ngành chức năng rất khó cấp giấy phép.
Theo Phòng GD&ĐT TP Huế, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập chưa được UBND phường, xã cấp phép hoạt động do chưa đủ điều kiện như: không có sân chơi cho trẻ, phòng học nhỏ, thiếu ánh sáng, nhà vệ sinh, nhà bếp không đảm bảo theo quy định, chưa đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy, thiếu thiết bị đồ dùng, đồ chơi nên ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động cho trẻ. Điều đáng nói, mặc dù tại các địa phương, có rất nhiều cơ sở mầm non quy mô và khang trang, nhưng một số người dân vẫn muốn gửi con tại nhóm trẻ gia đình, nhất là người dân lao động. Phụ huynh chuộng loại hình mầm non độc lập, bởi theo họ có thể linh động đón muộn hoặc gửi con vào những ngày nghỉ cuối tuần khi phải tăng ca hoặc làm những công việc không có giờ giấc cố định. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn mất an toàn cho trẻ.
“Việc các tổ chức, cá nhân nhận giữ trẻ khi chưa được UBND các xã/thị trấn cấp phép hoạt động là trái quy định, không đảm bảo các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; dễ gây ra nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, ảnh hưởng đến công tác huy động và quản lý trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn các xã, thị trấn nói riêng và địa bàn huyện nói chung”, ông Trần Văn Minh Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc nói.