Dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Tạo cơ hội làm lại cuộc đời

Thứ Tư, 01/06/2022, 14:35

Ngày 3-6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam nhằm giúp các phạm nhân có cơ hội học nghề phù hợp, chuẩn bị điều kiện để khi ra trại có việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về vấn đề này.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, vì sao Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam?

Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Hiện nay, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng, tạo áp lực lớn đối với công tác cải tạo, giam giữ. Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.Vì vậy, yêu cầu phải tìm việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp cho phạm nhân là yêu cầu bức thiết đối với công tác giáo dục, cải tạo.

Việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân; giúp phạm nhân được hướng nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề, được thụ hưởng các thành quả lao động, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Tạo cơ hội làm lại cuộc đời -0
Thiếu tướng Trần Văn Thiện.

Phóng viên: Theo Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Quốc hội đã cho phép các trại giam được liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân học nghề, lao động, vậy tại sao phải ban hành nghị quyết này, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm việc làm, phối hợp với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho các phạm nhân nhưng công tác hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực phía Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, các doanh nghiệp không muốn đầu tư sản xuất vào các trại giam vì lợi nhuận thu lại không cao.

Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì phạm nhân có quyền được lao động, học tập, học nghề. Tuy nhiên, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn vì các trại giam ở xa trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển. Mặc dù pháp luật cho phép trại giam được sử dụng đất, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà xưởng lao động, dạy nghề trên đất trại giam quản lý, nhưng việc sử dụng đất phải chặt chẽ, bảo đảm nhiệm vụ an ninh là chính. Các doanh nghiệp, cá nhân hợp tác chỉ được phép khai thác tài sản đầu tư trên đất, quyền trực tiếp quản lý đất đai là các trại giam. Vì trại giam là đất an ninh - quốc phòng nên khi Bộ Công an có quyết định thu hồi, xóa bỏ phương án sử dụng đất thì rủi ro, thiệt hại về tài chính, thanh lý hợp đồng, tài sản trên đất cơ bản sẽ do tổ chức, cá nhân hợp tác phối hợp với các trại giam chịu trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều thiệt hại về kinh tế, dẫn đến các tổ chức, cá nhân e ngại đầu tư hoặc khó thực hiện mong muốn hợp tác lao động, tạo việc làm ngành nghề có tính chất lâu dài với trại giam.

Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng trước khi mời gọi tổ chức, cá nhân hợp tác cũng tăng chi phí đầu tư của Nhà nước. Trong khi nguồn lực tài chính để tổ chức, đầu tư cho hoạt động tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề hiện rất ít so với yêu cầu đầu tư tổng thể. Bên cạnh đó, các lao động hiện nay của phạm nhân cơ bản là lao động chân tay như sơ chế rau xanh, thủ công, nông nghiệp, chăn nuôi... nên yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp, thời gian hợp tác thường ngắn, theo từng năm. Một số ít trại giam tìm kiếm, bố trí, tổ chức loại hình lao động về may mặc, bao bì nhưng quy mô nhỏ. Các nghề lao động kỹ thuật cao không có điều kiện để đào tạo, nâng cao trình độ nên lao động của phạm nhân trong trại giam không phản ánh sát với yêu cầu trình độ lao động của thị trường, làm giảm hiệu quả của tái hòa nhập cộng đồng.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Tạo cơ hội làm lại cuộc đời -0
Niềm vui của các phạm nhân cải tạo tốt được đặc xá.

Phóng viên: Một vấn đề mà nhiều người quan tâm, đó là bảo đảm an ninh, an toàn khi các phạm nhân ra ngoài lao động. Vậy, vấn đề này đã được Bộ Công an tính toán như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Phương án an ninh, an toàn cho khu lao động ngoài trại giam được tính toán chặt chẽ từ trình tự thủ tục, kế hoạch tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp cho phạm nhân. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng khu quản lý, giam giữ, công trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ, nhà xưởng nơi phạm nhân lao động, vị trí bố trí việc làm, dây chuyền tổ chức lao động, các điều kiện đảm bảo việc bố trí quản lý giam giữ, vệ sinh an toàn cháy nổ, vệ sinh lao động... theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi ký kết hợp tác, các doanh nghiệp phải bàn giao cho trại giam toàn bộ cơ sở hạ tầng để trại giam quản lý, sử dụng khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong thời gian hợp tác. Cán bộ, chiến sĩ trại giam trực tiếp giám sát và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp ngoài trại giam cũng hết sức cụ thể, rõ ràng. Phải đảm bảo có nơi cư trú rõ ràng, có tư tưởng ổn định, chấp hành nghiêm nội quy giam giữ, kết quả cải tạo khá, tốt từ 3 kỳ xếp loại trở lên.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Trước đây, Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng chủ trương cho phép các trại giam được thành lập khu sản xuất, sản xuất khép kín, được chính quyền sở tại đồng ý, có cơ sở vật chất khác tại các khu sản xuất, khu lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp thực hiện, từ đó giảm chi phí từ ngân sách nhà nước; quá trình thực hiện chưa xảy ra bất cứ phức tạp vào về an ninh, trật tự. Việc thành lập các khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam đã đảm bảo hai mục tiêu là quản lý giam giữ đảm bảo an ninh, an toàn và giáo dục, cải tạo phạm nhân và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân nên đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền địa phương.

Dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Tạo cơ hội làm lại cuộc đời -0
Phạm nhân tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ.

Phóng viên: Khi ra ngoài học tập, lao động thì phạm nhân được hưởng thành quả gì từ việc này, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trần Văn Thiện: Phạm nhân được hưởng gần như 100% thành quả của lao động, trong đó, chỉ có 2% nộp về Cục để làm quỹ khen thưởng của toàn lực lượng Cảnh sát trại giam là cán bộ được hưởng. Quỹ này dùng để khen thưởng cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc, còn lại 98% là các phạm nhân được hưởng. Trong đó, phạm nhân được hưởng trực tiếp 58% thành quả lao động. Cụ thể, theo Nghị định 133/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ, kết quả lao động, học nghề của phạm nhân sau khi trừ đi chi phí hợp lý được sử dụng như sau: 14% bổ sung vào mức ăn cho phạm nhân; 22% quỹ phúc lợi, khen thưởng để phục vụ cho phạm nhân; trích 10% để đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân có nghề nghiệp và cấp giấy chứng chỉ nghề cho họ để khi tái hòa nhập cộng đồng, họ dùng chứng chỉ đó xin việc làm.

Dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Tạo cơ hội làm lại cuộc đời -0
Cán bộ hướng dẫn phạm nhân lao động tại trại giam.

Có một điều rất mới trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và Nghị định 133/CP của Chính phủ đó là “trả công lao động cho phạm nhân 12%, trong đó, 10% trả trực tiếp công lao động, 2% để bồi dưỡng nếu không may phạm nhân bị ốm, tai nạn lao động”; 40% chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù như: Xây dựng nhà xưởng, mở mang sản xuất, mua sắm thiết bị dạy nghề cho phạm nhân; 2% còn lại bổ sung vào quỹ khen thưởng của Cục. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Thiếu tướng Trần Văn Thiện, dự thảo nghị quyết quy định đối tượng phạm nhân được ra ngoài trại giam học tập, lao động là những phạm nhân có mức án dưới 5 năm; không phạm các tội về ma túy; cầm đầu trong các vụ án... Các trường hợp không được đưa ra khu lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam gồm: Các đối tượng phạm các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; đối tượng có từ 2 tiền án trở lên; đối tượng tái phạm nguy hiểm; người tổ chức trong vụ án đồng phạm; người nước ngoài; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần; người dưới 18 tuổi và người đủ 60 tuổi trở lên; phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù trung bình hoặc kém; phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi nơi giam giữ.

Phương Thủy (Thực hiện)
.
.