Đề án 06 - những chuyện bây giờ mới kể
Là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về việc hoàn thành cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho số công dân đủ điều kiện, được Bộ Công an có công điện biểu dương; đứng thứ hai toàn quốc về đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; xếp thứ ba toàn quốc về tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến;... Đó là những dấu ấn nổi bật của Công an tỉnh Nam Định sau 2 năm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Dòng chảy không thể đảo ngược
Một chiều tháng 12/2023, chúng tôi có mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công tại trụ sở Công an TP Nam Định, rất nhiều người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Chị Đinh Thị Huyền (sinh năm 1989, nhà ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định) sôi nổi chia sẻ: “Trước đây, muốn đăng kí thủ tục hành chính, chúng tôi phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước, nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Giờ thì gọn nhẹ hơn nhiều, chỉ cần có điện thoại thông minh với những cú chạm là ở nhà cũng có thể nộp các thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia”.
Không chỉ chị Huyền mà nhiều công dân có mặt hôm đó đều hào hứng với những tiện lợi của dịch vụ hành chính công với thao tác dễ dàng, không mất nhiều thời gian. Có thể thấy, ở Nam Định, Đề án 06 đã tạo sự chuyển biến cao cho người dân về nhận thức, đặc biệt trong tiếp cận công nghệ thông tin khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phan Thị Loan - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định khẳng định: “Chuyển đổi số là dòng chảy không thể đảo ngược. Nếu chuyển đổi số sớm thì người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi, thuận lợi cho việc hoạch định chính sách, tỉnh sẽ phát triển. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng, mang tính đột phá. Do đó, suốt 2 năm qua, là cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06, Công an tỉnh Nam Định đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh nhiều kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trên toàn địa bàn. Sau 2 năm dồn tâm lực thần tốc thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp bước đầu đã được thụ hưởng những thành quả nhất định. Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào thực hiện những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong nhiều dịch vụ công thiết yếu.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng Công an TP Nam Định, từ tháng 7/2023, Công an thành phố thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ 2 nhóm dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí.
Từ đó góp phần vào thành công chung đưa Nam Định là một trong 5 đơn vị dẫn đầu toàn quốc về thực hiện 2 nhóm dịch vụ công. Nam Định cũng là một trong 8 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để có thể “về đích” sớm trong thực hiện Đề án 06, các giải pháp thi đua nước rút hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn đã được đề ra. Bản kế hoạch phối hợp vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt đã được ký kết giữa Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Tranh thủ tất cả các buổi tối trong tuần, nhiều tổ chuyển đổi số cộng đồng đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để trực tiếp hướng dẫn, cài đặt, giải đáp thắc mắc trong việc kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử.
Niềm tin vào công cuộc chuyển đổi số, tinh thần vượt mọi khó khăn, sáng tạo trong triển khai Đề án 06 được khơi lên từ Ban Giám đốc Công an tỉnh, lan tỏa đến công an các xã, phường. Trong suốt 2 năm qua, khó có thể đếm được hết những chuyến “vi hành” không quản đêm ngày của Ban Giám đốc xuống cơ sở. Số điện thoại đường dây nóng của đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, các đồng chí trưởng công an huyện được công khai để có thể hỗ trợ người dân kịp thời, xử lý rốt ráo từng trường hợp cụ thể.
Mọi nỗ lực đã mang lại những kết quả xứng đáng. Tính đến ngày 18/5/2023, Nam Định có 1.647.784/1.647.784 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử, về đích trước thời hạn quy định của Bộ Công an 71 ngày. Đã có 1.183.443 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt, vượt 846.053 tài khoản so với chỉ tiêu Bộ Công an giao, đạt tỉ lệ 139,87%, đứng thứ hai toàn quốc.
Làm sạch dữ liệu dân cư như cơm ăn nước uống...
Chia sẻ “bí quyết” thành công trong triển khai Đề án 06, Thượng tá Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nam Định đúc kết: “Để triển khai hiệu quả thì không thể “bê” kinh nghiệm của các địa phương khác về áp dụng được. Phải có những hướng đi sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Nam Định có dân số đông, nhiều đơn vị hành chính cấp xã, trong khi cán bộ mỏng. Bởi thế, phải linh hoạt điều động cán bộ. Cán bộ xã này tăng cường cho xã kia đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện, ở xã những ngày cao điểm. Tất cả các đơn vị phải cùng nhau về đích thì mới tạo nên thành công chung”.
Trong nhiều “đầu việc” để thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh Nam Định đã tham mưu chọn đầu việc nền tảng, chính là công tác làm sạch dữ liệu, cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử làm tiền đề triển khai các nhiệm vụ khác, được xem như cơm ăn nước uống hằng ngày. “Nếu có sai sót thì tiến hành sửa ngay từ dữ liệu gốc. Cũng giống như cái cây, gốc có khỏe thì cây mới phát triển”, Thượng tá Sơn nhấn mạnh.
Một yếu tố quan trọng không kém là chọn thời điểm phù hợp để tăng tốc. Xác định thời điểm tháng 4, tháng 5/2023 là thời gian hợp lý để bứt phá “về đích”, Công an tỉnh Nam Định đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tăng giờ làm không kể ngày đêm với tinh thần “dân còn chờ, còn giờ làm việc”. Trong giai đoạn nước rút đó, Thiếu tá Lê Duy Hoàng - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Nam Định Thiếu tá Hoàng vẫn nhớ những câu chuyện xúc động như tiếp thêm động lực cho anh và đồng đội. Anh kể về chuyện người dân “nhường” nhau làm CCCD. Các cụ già nhường các cháu học sinh làm trước để về ngủ, mai đi học. Nhưng, các cháu lại muốn làm sau để các ông bà cao tuổi về nghỉ sớm. Những bát canh, bữa cơm ấm áp của người dân mang đến động viên tổ làm CCCD chan chứa tình cảm thấu hiểu, sẻ chia...
Trong số các mô hình thúc đẩy việc triển khai Đề án 06, Công an tỉnh đã tham mưu chọn 12 mô hình phù hợp để triển khai. Nổi bật là mô hình khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID đã mang lại được nhiều tiện ích cho người dân khi thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Tính đến ngày 6/11/2023, ở Nam Định, số CCCD được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế là: 1.650.741/1.674.222 (tỷ lệ 98,6%). Tổng cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện tiếp nhận, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ CCCD gắn chip là 288/288 cơ sở (tỷ lệ 100%).
Những hy sinh thầm lặng
“Từ tháng 3/2021, Công an tỉnh Nam Định bước vào chiến dịch 100 ngày đêm cấp CCCD gắn chip điện tử. Để hoàn thành chỉ tiêu cấp hơn 1,1 triệu CCCD xong trước ngày 15/6/2021, công an toàn tỉnh đã thành lập các tổ lưu động đến tận thôn xóm, tổ dân phố, cơ quan, trường học để cấp CCCD cho người dân. Những vất vả, hy sinh của CBCS để hoàn thành nhiệm vụ không thể đong đếm được. Trong số đó, tinh thần lạc quan vượt lên nghịch cảnh của Đại úy Trần Ngọc Yến - cán bộ công an TP Nam Định khiến chúng tôi vừa thương cảm, vừa nể phục”, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng Công an TP Nam Định nói với chúng tôi những lời xúc động.
Tháng 6/2019, Đại úy Yến phát hiện bị ung thư vú giai đoạn 3. Tin dữ khiến chị gần như suy sụp khi tai họa một lần nữa lại giáng xuống đầu mẹ con chị. Trước đó, năm 2016, chồng chị là đồng chí Trần Thanh Hoàng, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Nam Định đã qua đời vì bạo bệnh, khi con trai của anh chị mới được 10 tháng tuổi. Quyết tâm chữa bệnh, Đại úy Yến gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc để vào Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh điều trị. Nữ cán bộ sinh năm 1989 này đã phải gồng mình chống chọi với bệnh tật, vượt qua 18 lần xạ trị và được phẫu thuật. Tháng 10/2020, tình trạng bệnh ổn định, Yến được ra viện và trở về cơ quan công tác tại Tổ Chuyên đề theo dõi, hướng dẫn cảnh sát khu vực - Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
“Sức khỏe yếu và còn phải nuôi con nhỏ, nhưng Đại úy Yến vẫn xung phong vào tổ công tác làm CCCD trong chiến dịch 100 ngày thần tốc. Mặc dù, lãnh đạo Công an TP Nam Định đã khước từ do lo lắng cho sức khỏe của chị nhưng Yến vẫn tha thiết được đóng góp phần sức lực của mình, không muốn đứng ngoài cuộc khi đồng đội đang vất vả ngày đêm”, Thiếu tá Lê Duy Hoàng nhớ lại.
Trước nguyện vọng tha thiết của Đại úy Yến, lãnh đạo Công an TP Nam Định phân công chị vào tổ cấp CCCD cố định tại trụ sở cơ quan. Được giao nhiệm vụ rà soát, đối chiếu thông tin CCCD để trả cho người dân; tham gia tra cứu, rà soát hồ sơ của các tổ lưu động cấp CCCD chuyển về, chị luôn cẩn thận, tận tụy trong công việc, bảo đảm không có bất cứ sai lệch nào. Biết sức khỏe của Yến hạn chế nên chỉ huy và đồng đội chỉ để chị làm việc giờ hành chính, nhưng nhiều lúc Yến “năn nỉ” được làm thêm giờ, trực thay đồng đội. Trước sự nỗ lực của Yến, không chỉ anh em trong đơn vị mà nhiều người dân biết chuyện cũng rơi nước mắt vì xúc động.
Trong những tháng ngày thần tốc ấy, Yến đã nhận được sự động viên, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất của người thân, đồng chí, đồng đội và nhiều tấm lòng hảo tâm trong cả nước. Chỉ tiếc rằng, căn bệnh quá hiểm nghèo, tháng 6/2023, sau thời gian dài kiên cường chiến đấu với bệnh tật, Đại úy Trần Ngọc Yến đã rời xa cõi tạm, để lại bao tiếc thương cho người thân, đồng đội. Chính năng lượng sống tích cực, tinh thần hết lòng hết sức vì công việc của Đại úy Yến đã tiếp thêm động lực cho CBCS vượt khó để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.