Đề tài thương binh, liệt sĩ trên sân khấu kịch CAND: Trách nhiệm và lòng biết ơn

Thứ Bảy, 27/07/2024, 08:33

So với nhiều đơn vị nghệ thuật khác, có lẽ những tác phẩm khai thác về người lính, đặc biệt là các thương binh, liệt sĩ chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số các tác phẩm được đầu tư dàn dựng trên sân khấu kịch CAND. Cùng với sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những người con đã hy sinh máu xương để giành độc lập tự do cho tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, các tác phẩm góp phần làm nên những nét riêng cho một đơn vị sân khấu trong lực lượng CAND trong suốt nhiều chục năm qua.

Nhiều điểm sáng trên sân khấu kịch

Được đầu tư dàn dựng không dưới 2 lần trên sân khấu kịch CAND, đến nay, vở “Người tù trao áo” vẫn là một trong những niềm tự hào của Nhà hát Kịch CAND. Khai thác câu chuyện về  đồng chí Vũ Văn Hiếu - Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên ở Quảng Ninh, trước khi mất, đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí Lê Duẩn, vở kịch như một khúc tráng ca về những người cộng sản kiên trung trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho tổ quốc.

Đề tài thương binh, liệt sĩ trên sân khấu kịch CAND: Trách nhiệm và lòng biết ơn -0
Nghệ sĩ Nhà hát Kịch CAND biểu diễn vở “Con đò của mẹ”.

Lấy bối cảnh là nhà tù Côn Đảo - “địa ngục trần gian” khét tiếng, vở kịch đã dựng lại hình tượng anh dũng, kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ bị địch giam cầm trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, cách “kể” của câu chuyện khá lạ so với các vở diễn thông thường của một đơn vị kịch nói trong lực lượng vũ trang như kịch CAND: Các nhân vật là những linh hồn. Ê kíp sáng tạo vở kịch cũng cho biết, ban đầu, “Người tù trao áo” có tên là “Khát vọng của những linh hồn”.

Tuy nhiên, sau quá trình trao đổi, tất cả thống nhất chọn tên vở diễn thẳng trọng tâm của câu chuyện trao tấm áo cuối cùng cho đồng chí, đồng đội của người tù Vũ Văn Hiếu - hình ảnh đã trở thành biểu tượng ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Thông qua vở diễn, người xem hiểu hơn về thế hệ những người cộng sản tiền bối như Vũ Văn Hiếu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu…, cảm nhận bài học sâu sắc về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh, để từ đó sống xứng đáng với những sự hy sinh đó, tự hào tiếp bước, nỗ lực hơn để xây dựng, bảo vệ cuộc sống hòa bình hôm nay.

Đề tài thương binh, liệt sĩ trên sân khấu kịch CAND: Trách nhiệm và lòng biết ơn -0
“Đường về miền nhớ” - vở kịch về công tác đền ơn đáp nghĩa trên sân khấu kịch CAND.

Cũng là một điểm sáng trên sân khấu kịch CAND, tác phẩm “Gặp lại người đã chết” khai thác những câu chuyện về những chiến sĩ điệp báo trong kháng chiến chống Mỹ. Được nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương khai thác từ bút ký của “Trở về” của Đại tá Phạm Văn Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND, “Gặp lại người đã chết” như một trang sử sống động về lực lượng làm công tác tình báo trong CAND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở đó, sau mỗi chiến công đều thấm đẫm máu và nước mắt của những chiến sĩ điệp báo hoạt động trong lòng địch. Nhiều người trong số họ không trở về và chỉ sống trong ký ức của những người đồng chí, đồng đội một thời với hình ảnh đầy ám ảnh về những ngôi mộ gió được dựng lên để tưởng nhớ người đã khuất.

Được dàn dựng và biểu diễn trong năm 2023, vở “Đường về miền nhớ” (tên gọi khác là “Người không cô đơn”) không khai thác hình ảnh người chiến sĩ Công an nhưng là một trong những tác phẩm rất đậm về công tác đền ơn đáp nghĩa, nhất là người lính thời hậu chiến. Vở diễn lấy bối cảnh vào những năm 80 của thế kỷ XX, tại một chợ nhỏ ở Cầu Giấy, Hà Nội.

Một người thanh niên bị bệnh thần kinh, mất trí nhớ nhưng rất hiền lành, phụ giúp người trong chợ quét dọn, ai cho gì thì ăn nấy. Qua cách sinh hoạt hàng ngày của người thanh niên này, một gia đình ở địa phương đoán có thể anh từng là bộ đội, nên đưa về nuôi và giúp tổ chức đi tìm người thân cho anh.

Sau nhiều nỗ lực, danh tính người thanh niên được xác thực. Sau nhiều năm lang thang, anh đã trở về quê hương, trong vòng tay yêu thương của người thân. Câu chuyện xúc động này sau đó được đưa lên báo chí, có tác động sâu rộng trong xã hội và được cho là một trong những tiền đề để ra đời Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".

Đề tài thương binh, liệt sĩ trên sân khấu kịch CAND: Trách nhiệm và lòng biết ơn -0
Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Kịch CAND.

Hướng đến sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia

Thực tế, mảng đề tài về những người lính hy sinh về độc lập, tự do cho tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân được khai thác khá đa dạng trên sân khấu kịch CAND. Từ những tác phẩm “kinh điển” của kịch CAND như “Bản danh sách điệp viên” đến các vở diễn được đầu tư dàn dựng trong những năm gần đây như “Con đò của mẹ”, “Vẫn sống” hay “Duyên định”… đều có những nén tâm hương tri ân các thương binh, liệt sĩ, mặc dù, có thể đó không hẳn là nhân vật chính trong tác phẩm.

Chia sẻ với chúng tôi quanh câu chuyện này, Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thuý Hiền, Giám đốc Nhà hát Kịch CAND cho biết, trước đây, nhà hát đã có nhiều vở khai thác sâu đậm về những cống hiến hy sinh của các thương binh, liệt sĩ và công tác đền ơn, đáp nghĩa ở trong và ngoài lực lượng CAND. Nhiều vở diễn không tập trung khai thác riêng về đề tài này nhưng qua câu chuyện được chuyển tải trên sân khấu, người xem vẫn cảm nhận được những tình cảm, sự trân trọng, tri ân những cống hiến, hy sinh của người lính. Họ trở thành tấm gương cho những người con trong gia đình, sống trong tình yêu thương, ký ức của đồng chí, đồng đội.

Tinh thần đền ơn đáp nghĩa được thể hiện qua sự quan tâm của lãnh đạo trong việc bồi dưỡng, tạo điều kiện để người con tiếp bước cha như trong vở “Cận vệ”, “Gặp lại người đã chết”… Hiện tại, Nhà hát Kịch CAND đang triển khai dàn dựng vở kịch “Người thứ 3” - tác phẩm nói về chiến công của lực lượng an ninh, tình báo. Đáng chú ý, vở diễn không chỉ nói về những hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ mà còn nói về những mất mát to lớn khác nữa, nhưng cũng không gì đo đếm được của những người lính trong lĩnh vực này.

Cũng theo Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, trong nhiều vở diễn của Nhà hát Kịch CAND, dù nói về thời chiến hay thời bình đều có những cống hiến, hy sinh rất lặng thầm sau mỗi chiến công. Sự cống hiến, hy sinh của người lính đều là những dư âm đầy ám ảnh. Chính những nỗi đau, khoảng trống họ để lại trong lòng người thân, gia đình, đồng đội, cộng đồng tác động lớn đến cảm xúc của khán giả, trở thành những dư âm sau vở diễn. Đây chính là những nén tâm hương của các nghệ sĩ hướng về các thương binh, liệt sĩ trong CAND nói riêng, những người đã hy sinh xương máu cho tổ quốc, cho cuộc sống bình yên của nhân dân nói chung. Điều đó khiến người xem suy ngẫm, từ đó có những đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn với lực lượng CAND. Đây cũng chính là một trong những đích đến của Nhà hát Kịch CAND khi đầu tư dàn dựng tác phẩm.

Đề tài thương binh, liệt sĩ trên sân khấu kịch CAND: Trách nhiệm và lòng biết ơn -0
Cảnh trong vở “Người tù trao áo”.

Mặc dù mảng đề tài về thương binh, liệt sĩ được quan tâm khai thác khá thường xuyên trên sân khấu kịch CAND nhưng với các nghệ sĩ, việc chuyển tải thành công tác phẩm trên sân khấu, vừa đáp ứng yêu cầu về mặt nghệ thuật, vừa đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ chính trị thì không đơn giản. Nói như cách chia sẻ có phần hài hước của NSND Lê Hùng khi đảm nhận vai trò đạo diễn cho vở “Con đò của mẹ” là “lấy được tiền của nhà hát không dễ”. Bởi lẽ,  vở diễn nói về những người đã hy sinh như thế nào để người xem xúc động nhưng không bi lụy. Trên sân khấu, đôi khi, ranh giới giữa thiêng liêng và mê tín rất mỏng manh.

Thực tế, ngay cả một đạo diễn sân khấu lão luyện như NSND Lê Hùng, khi dựng cảnh người lính hy sinh trong chiến tranh, linh hồn trở về bên người mẹ già cũng đã từng bị một số thành viên trong hội đồng thẩm định phân tích khá gay gắt… Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền cũng cho rằng, bên cạnh cách chuyển tải câu chuyện trên sân khấu thì kịch bản sâu về công tác đền ơn đáp nghĩa hiện nay không dễ tìm.

Đồng quan điểm với Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh cũng cho rằng, các tác phẩm sân khấu về thương binh, liệt sĩ, về công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung hiện nay chưa hẳn dồi dào. Phần lớn nói về bộ đội. Kịch bản hay về mảng đề tài này nhưng nói riêng về lực lượng CAND chưa nhiều. Về nguyên nhân, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh cho rằng, dưới góc độ cảm nhận của cá nhân ông là do tình yêu, sự quý trọng đối với những tấm gương hy sinh của lực lượng CAND, nhất là công an trong thời bình của mỗi tác giả chưa đủ lớn. Vì thế, sự hiểu biết, tìm tòi của các tác giả với ngành Công an cũng ít.

Hiện nay, phần đông các tác giả thường tìm đến những đề tài ăn khách khác, hợp với nhu cầu thị hiếu của khán giả hơn. “Nếu so sánh trong lực lượng vũ trang, lực lượng CAND ít tổ chức các trại viết riêng cho Công an hơn bên Quân đội nhân dân nhưng lại tổ chức được nhiều cuộc liên hoan sân khấu hơn. Như thế chỉ như đi câu, ít có kịch bản hay, tác phẩm hay. Bên cạnh đó, khi tác giả định viết tác phẩm, kể cả tác phẩm viết về những hy sinh, mất mát của lực lượng CAND thì thường nghĩ đơn vị nào sẽ sử dụng?

Các kịch bản này, các nhà hát ngoài lực lượng CAND thường ngại chọn vì khó kéo khán giả mua vé. Trong khi đó, lực lượng CAND chỉ có một nhà hát kịch. Vì vậy, số lượng kịch bản hay ít hơn so với nhiều mảng đề tài khác” - nhà viết kịch Bùi Vũ Minh nói.

Minh Hà
.
.