Đếm từng giờ đến ngày được đặc xá
Những ngày này, các phạm nhân đang thi hành án tại các cơ sở giam giữ trong cả nước háo hức chờ ngày đặc xá, bởi chỉ thời gian ngắn nữa thôi họ sẽ được trở về bên gia đình, bên những người thân yêu của mình để thực hiện những việc còn dang dở, để viết tiếp ước mơ sau những ngày trả giá cho lỗi lầm.
Là một trong những đơn vị có số lượng phạm nhân được đề nghị đặc xá đông nhất cả nước với gần 200 hồ sơ đã được Hội đồng Tư vấn đặc xá duyệt, lập báo cáo trình Chủ tịch nước quyết định, Trại giam Ngọc Lý (đóng ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đang tất bật chuẩn bị cho ngày công bố đặc xá. Hội trường công bố đặc xá cũng chính là nơi diễn ra các hoạt động hội họp, sinh hoạt chính trị, văn hóa của các cán bộ và phạm nhân. Từ mấy ngày trước, Ban Giám thị đã cho chỉnh trang lại, trang trí cờ hoa đẹp đẽ để lễ công bố Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước được trang trọng, chu đáo nhất.
Đại tá Lã Văn Mỹ, Giám thị Trại giam Ngọc Lý cho biết, sau khi có Quyết định Đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá, đơn vị đã niêm yết công khai, phổ biến Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024, hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá cho tất cả cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân biết để các phạm nhân tự liên hệ bản thân xem mình có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá hay không.
“Sau đó, chúng tôi tổ chức cho phạm nhân có đủ điều kiện viết đơn đề nghị đặc xá và bản cam kết; cán bộ quản giáo tổ chức họp tổ đội phạm nhân để bình xét, bỏ phiếu giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện; Hội đồng trại, lập danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện đề nghị đặc xá gửi tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng Tư vấn kiểm tra, thẩm định. Kết quả thẩm định, các hồ sơ đều đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng” - Đại tá Lã Văn Mỹ cho biết.
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho phạm nhân được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng, Trại giam Ngọc Lý đang tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, truyền đạt cho các phạm nhân kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và phổ biến tình hình thời sự, kinh tế - xã hội của đất nước, để khi trở về họ không bị bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, đơn vị tuyên truyền, giáo dục giúp họ nhận thức đúng đắn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước để trở về địa phương sống lương thiện, không tái phạm tội; trang bị cho các phạm nhân những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, không tái phạm tội, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, Trại giam Ngọc Lý cũng tuyên truyền, giáo dục giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm được trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội.
Trại giam Thanh Lâm - đóng trên địa bàn huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa - vừa trải qua trận lụt sau cơn bão số 4, trời nắng mưa thất thường, có lúc mưa như trút, nước ngập, đập tràn, lúc lại nắng gắt nhưng cũng không thể làm giảm không khí háo hức bên trong. Phạm nhân có tên trong danh sách đề nghị đặc xá từ các phân trại đã được về khu trung tâm để học tái hòa nhập. Đặc biệt, ngày 25/9, Công an huyện Như Xuân đã phối hợp với đơn vị, đến làm thủ tục cấp căn cước cho những người được đề nghị đặc xá đợt này.
Đại tá Nguyễn Đình Giang, Giám thị Trại giam Thanh Lâm cho biết, đến thời điểm hiện tại, Trại giam Thanh Lâm đã hoàn thiện tất cả các hồ sơ phạm nhân đủ điều kiện đặc xá, đảm bảo chất lượng theo quy định, gửi cơ quan cấp trên trình Hội đồng Tư vấn đặc xá xem xét, lập danh sách trình Chủ tịch nước quyết định. Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Công an huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền pháp luật về Luật Đặc xá, Luật Căn cước, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ... và các điều kiện vay vốn tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ để sau khi trở về, các phạm nhân có kiến thức, hiểu biết xã hội và tái hòa nhập cộng đồng.
Được làm thủ tục cấp căn cước, phạm nhân Lê Văn Luận (sinh năm 1990, quê Thanh Hóa) rất vui vì nếu được đặc xá lần này, ngoài Quyết định của Chủ tịch nước, anh ta còn có cả căn cước để bắt tay ngay vào làm việc, ổn định cuộc sống.
Đối với phạm nhân Vũ Ngọc Minh (ở phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) - người nhiều tuổi nhất có tên trong danh sách phạm nhân được đề nghị đặc xá lần này của Trại giam Thanh Lâm mong đếm từng ngày để được tự do. Ông Minh năm nay 63 tuổi, có trình độ tiến sĩ, giỏi ngoại ngữ, từng làm cán bộ trong cơ quan nhà nước, bị kết án 2 năm 6 tháng tù vì tội nhận hối lộ, hiện đã thi hành án được 1 năm, 9 tháng, 16 ngày, được giảm án 1 lần 5 tháng. Nếu được đặc xá lần này, ông Minh sẽ về trước 3 tháng 14 ngày. Trong thời gian thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm, phạm nhân này được các cán bộ chọn đứng lớp dạy xóa mù chữ cho các phạm nhân, đồng thời cũng là một trong những “hạt nhân” giúp cán bộ động viên, giúp đỡ các phạm nhân khác.
Chỉ vào tên mình trong danh sách được đề nghị đặc xá, phạm nhân Nguyễn Thị Xoa (sinh năm 1984, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh, hiện đang thi hành án tại Trại giam Ngọc Lý) hồ hởi cho biết, nếu được Chủ tịch nước đặc xá lần này, tôi được về sớm 2 năm, 7 ngày. “Đây là thời gian vô cùng quý báu với tôi bởi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn ngóng chờ tôi từng ngày. Tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã trao cho tôi cơ hội để sửa sai, để đường đường chính chính làm lại cuộc đời. Tôi mong mọi người đừng ai kỳ thị, xa lánh những người lầm lỗi như chúng tôi, bởi sau khi phạm tội, chúng tôi đã được các cán bộ giáo dục để có nhận thức đúng đắn về pháp luật nên chúng tôi luôn quyết tâm làm ăn lương thiện để không phạm bất cứ sai lầm đáng tiếc nào nữa” - chị Nguyễn Thị Xoa cho biết.
Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đặc xá Bộ Công an cho biết, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước... Từ 2009 đến nay, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã 9 lần ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình lao động, cải tạo, rèn luyện tốt. Kết quả các đợt đặc xá đã được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao, điều đó tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù một cách công bằng, bình đẳng. Kết quả trong công tác đặc xá những năm qua mang lại ý nghĩa tích cực trên nhiều phương diện của đời sống xã hội.
Về mặt xã hội, có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù đang chấp hành bản án tích cực học tập, lao động, chấp hành tốt các quy định, nội quy trại giam, lập công chuộc tội để mong được hưởng khoan hồng.
Về mặt kinh tế, việc đặc xá tha tù trước thời hạn góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, giảm áp lực cho các trại giam, tạo điều kiện cho các trại giam nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Về chính trị, việc công khai, dân chủ trong thực hiện các trình tự thủ tục xét đặc xá, việc thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí trong nước, quốc tế và tổ chức các chuyến thăm, khảo sát tại cơ sở giam giữ cho các tổ chức nhân quyền quốc tế đã thể hiện rõ tính minh bạch trong thông tin, đồng thời giúp các tổ chức nhân quyền quốc tế hiểu rõ và thừa nhận chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. “Công tác đặc xá đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta” - Thiếu tướng Trần Văn Thiện nhấn mạnh.
Do có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và sự chuẩn bị chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp nên tuyệt đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp. Hầu hết người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định và làm ăn lương thiện, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội là rất thấp.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các phạm nhân được đặc xá, tha tù có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTD về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là một chính sách nhân văn, nhằm tạo điều kiện giúp những người lầm lỗi có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho những người chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện quyết định, đến nay đã có hơn 6.000 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá nhận được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 500 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Ngày đặc xá năm 2024 đang tới gần, dự kiến sẽ có hàng nghìn phạm nhân được hưởng niềm vui sớm trở về đoàn với gia đình, cộng đồng xã hội, sẵn sàng cho cơ hội làm lại cuộc đời. Những con người từng một thời lầm đường, lạc lối một lần nữa được trao cho cơ hội để sửa sai, tiếp tục được tận hưởng đầy đủ các quyền và thực hiện nghĩa vụ đó với tư cách của một công dân. Đó chính là giá trị nhân văn, nhân đạo lớn nhất mà đặc xá mang lại cho những người phạm tội khi họ thực sự ăn năn, hối cải, tích cực lao động, cải tạo tiến bộ và quyết tâm hướng thiện, hoàn lương làm lại cuộc đời.