Đến Cao Thượng đi chợ âm dương

Thứ Hai, 17/02/2025, 20:30

“Chợ được họp từ nửa đêm ngày mùng 1 Tết cho đến mờ sáng ngày mùng 2 Tết. Mỗi năm chỉ họp đúng một lần. Người dân chúng tôi gọi là “chợ âm dương”. Ông Nguyễn Ngọc Toản, tổ trưởng tổ dân phố Đình, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chỉ tay vào khu đất trống phía sau đình Cao Thượng giới thiệu với chúng tôi.

Tôi nghe lạ bèn hỏi: “Vậy chợ có liên quan đến tâm linh? Không?”. Ông Toản lắc đầu. Tôi hỏi thêm: “Thế có liên quan đến phồn thực không?”. Vẫn là cái lắc đầu của ông Toản: “Chợ chỉ bán gạo, muối, rau dưa thôi”. Tôi chau mày suy nghĩ: “Thì cũng phải liên quan đến gì chứ?”. Ông Toản nói: “Huyện Tân Yên xưa là Yên Thế Hạ. Đình Cao Thượng xưa từng là “chỉ huy sở” của Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Ngay bên trái đằng sau đình là núi Yên Ngựa, trên đó khi xưa Nghĩa quân Yên Thế đóng quân trấn giữ chống lại quân Pháp”. Hiện đình Cao Thượng được ghi nhận là một trong những địa điểm của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Đến Cao Thượng đi chợ âm dương -0
Ảnh chụp một phiên chợ âm dương tại Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang.

Đã thấy vấn đề bắt đầu “sáng ra”, chúng tôi quay lại vào trong đình ngồi uống nước và nói chuyện tiếp. Tôi hỏi: “Các anh có biết chợ âm dương này có từ bao giờ không?”. Ông Toản, tổ trưởng dân phố; ông Nguyễn Thành Nhâm, trưởng đình; ông Mỹ, phó trưởng đình và cả ông Dũng, phó giám đốc Trung tâm VHTT và TT huyện Tân Yên, người đưa chúng tôi về thăm đình Cao Thượng, cũng chỉ biết nhìn nhau và nói: “Không nhớ chợ có từ bao giờ, nhưng cũng lâu lâu rồi. Hiện người dân nơi đây vẫn duy trì họp chợ như thuở ban đầu. Có khác là khác ở chỗ ngoài lương thực, thực phẩm ra, chợ còn mua bán đồ gia dụng khác nữa”.

Cũng xin nhắc lại lời khẳng định của các ông Nhâm, Toản và Mỹ, thì tuy gọi là “chợ âm dương” nhưng phiên chợ mở ra và chỉ bán chủ yếu là gạo và muối, một số ít nhu yếu phẩm vốn được người dân trong vùng sản xuất ra như rau xanh, bánh đa đỏ truyền thống... tức là một phiên chợ dân sinh thông thường. Trong phiên chợ thì giao dịch dùng tiền lưu hành chính thức chứ không dùng tiền âm phủ hay hình thức trao đổi nào khác. Ở chợ này không có gian dối, không có chuyện mặc cả.

Chợ âm dương được họp bãi đất ở phía sau đình và trước cửa chùa (chùa đã bị giặc Pháp đốt). Bãi đất này ở trước cửa Nhà văn hóa tổ dân phố Cao Thượng bây giờ, cây dại rồi cỏ mọc lúp xúp, mấy ngày cuối năm dân làng Cao Thượng mới bảo nhau ra dọn dẹp.

Đến Cao Thượng đi chợ âm dương -0
Ông Nhâm - người ngồi giữa - trao đổi với các nhà báo.

Ông Nhâm bổ sung: “Chợ họp nửa đêm về sáng nhưng từ chiều mùng Một Tết, người làng Cao Thượng đã mở hội làng ở đây cùng với các trò chơi dân gian, kiểu như “đánh thức” bãi đất cả năm trời “im lìm” trong cỏ dại thức dậy đón tết ấy. Ông Mỹ cho hay: “Người đến chợ mang đèn đuốc thắp sáng cả một khu vực”.

“Từ chiều tối ngày 30 Tết thì ở làng người dân cũng thực hiện “nghi thức” gọi là “Gọi gạo” các anh ạ”. Ông Toản cho biết thêm. Theo đó người dân mang gạo muối đi rắc khắp đường làng ngõ xóm. Giống như cách người dân sau khi cúng cô hồn rằm tháng Bảy xong thì rắc muối gạo trước cửa nhà ấy. Vừa rải gạo muối vừa hát: "Gạo ơi gạo ởi gạo ời/ Nắm hương, dúm muối nấu xôi gạo à”. Giờ đây, câu nói ấy được tinh giản gọn hơn thành: “Gạo ởi gạo ơi/ Chấm xôi với muối”. Tôi hỏi: “Sao lại làm nghi thức đó?”. Câu trả lời là: “Người dân nơi đây vốn nhân nghĩa, nhân hậu nên ngày cuối cùng mang gạo muối đi rắc những mong các vong linh cô hồn có được chút “ấm lòng” trước khi sang năm mới”.

Chúng tôi được hay, có nhiều giả thiết về thời gian hình thành chợ âm dương này và vì sao chợ chỉ họp như lệ đã có.

Mốc thời gian hình thành chợ

Theo suy luận của tôi thì thời gian hình thành có lẽ vào quãng sau năm 1891, thời điểm đó căn cứ Yên Ngựa đã bị quân Pháp đánh chiếm. Làng xóm dưới chân núi cũng bị đốt phá. Rất nhiều nghĩa binh Yên Thế và người dân trong vùng đã thiệt mạng. Đây là một “chiến địa” đẫm máu và tang thương. Việc tổ chức họp chợ và lại là chợ dân sinh đã nói lên tính nhân nghĩa của người dân trong vùng.

Nhưng giả thiết chợ hình thành vào quãng thời gian 1898 đến 1908 có vẻ hợp lý hơn, đây là quãng thời gian dài 11 năm “đình chiến” giữa Nghĩa quân Yên Thế với quân Pháp. Thêm nữa, từ năm 1894, Hoàng Hoa Thám mới chính thức đảm nhiệm là thủ lĩnh cao nhất của cuộc khởi nghĩa. Thời gian này là chỉnh đốn binh sĩ, sắm sửa vũ khí và tăng cường tự lực sản xuất lương thực thực phẩm trong nghĩa quân.

Tuy nhiên, để che mắt quân Pháp nên nhân dân đã chọn thời khắc chuyển sang ngày mùng 2 Tết để họp. Thời điểm này quân Pháp không nghi ngờ gì cả, vừa là dịp Tết cổ truyền lại vừa là ngày đầu năm mới như câu nói “Mùng một sớm mai. Mùng hai đầu tháng”. Thêm nữa, sau khi chiếm được vùng Cao Thượng và lân cận thì khu vực này trở thành điểm tiếp giáp giữa “căn cứ khởi nghĩa” ở Yên Thế với các khu vực do quân Pháp đồn trú. Điểm tiếp giáp này nghĩa quân có thể giả dạng dân thường để đến chợ mà không bị tra xét hay bắt bớ. Đến chợ thì nghĩa quân có thể nắm được thông tin tình hình quân Pháp và quan trọng là mua sắm gạo, muối một cách hợp pháp rồi mang lên căn cứ Phồn Xương (Yên Thế).

Người khởi xướng phiên chợ âm dương

Trong câu chuyện với chúng tôi, các ông Nhâm, Toản và Mỹ đều có nói đến chính Đề Thám cũng có lần cải trang để tới dự phiên họp chợ. Từ tình tiết này và đối chiếu với bản chất của con người Hoàng Hoa Thám đã cho thấy: Có lẽ người khởi xướng phiên chợ âm dương chính là cụ Đề Thám?

Theo đó những chiến binh Yên Thế đã tử trận ở núi Yên Ngựa đều là nghĩa binh dưới trướng trực tiếp của Đề Thám. Người dân trong vùng bị thiệt mạng cũng vậy, họ là những con dân đã ủng hộ nghĩa quân kháng Pháp và qua cuộc chiến đấu mà thiệt mạng. Sau khi rút binh an toàn về “căn cứ” trên Phồn Xương, Yên Thế,  trong lòng cụ Đề Thám luôn áy náy với những người đã chết. Cụ Đề Thám rất muốn có cách gì để tri ân những người đã khuất, đồng thời tiếp tục khơi dậy truyền thống đấu tranh và truyền thống văn hóa ở địa phương.

Được biết, vào năm 1892 thì Hoàng Hoa Thám mới thực sự là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, do vậy Chủ soái Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân mới có điều kiện để thực hiện việc tri ân những nghĩa sĩ tử trận. Họp chợ cũng là một cách để những anh linh và vong linh người tử nạn trong chiến đấu có được niềm an ủi.

Tra cứu tài liệu cho thấy: Hoàng Hoa Thám còn là một “nhà văn hóa”. Trong đó, quan niệm chống ngoại xâm của Hoàng Hoa Thám là để giữ gìn "phong tục của đất nước chúng tôi” là yếu tố văn hóa nổi bật của Hoàng Hoa Thám. Ông Nguyễn Đình Bưu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Bắc cũ, đã trích dẫn lời nói của Hoàng Hoa Thám: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng", với vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, Hoàng Hoa Thám và  nghĩa quân luôn giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước và những phong tục tốt đẹp của người Việt.

Cũng theo ông Bưu thì: “Ngày đầu làm lễ tế cờ, tuyên bố khởi nghĩa chống thực dân Pháp, nghĩa quân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm) đã tiến hành làm lễ ở đình Hả (xã Tân Trung, huyện Tân Yên). Ông Nguyễn Đình Bưu phân tích: "Ngôi đình là biểu tượng văn hóa làng đặc sắc của người Việt nên việc làm lễ tế cờ ở đây cho thấy nghĩa quân Yên Thế rất coi trọng truyền thống văn hóa của cha ông”.

Đến Cao Thượng đi chợ âm dương -0
Đình Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang.

 Sau khi Đề Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám đứng lên làm thủ lĩnh nghĩa quân và tổ chức lễ tế cờ tại đình Đông ở huyện Việt Yên vào ngày mùng 1 tháng Một (11) năm Nhâm Thìn (tức ngày 19/12/1892). Trước đó, vào năm 1890 chính Đề Thám đã dựng cột làm lễ tế cờ trên núi Yên Ngựa.

Cũng là tế cờ ở đình làng nhưng khác với thủ lĩnh Lương Văn Nắm là sau một trận đánh lập tức làm lễ tế cờ ngay thì Hoàng Hoa Thám lại chọn ngày mồng 1 âm lịch. Bởi vì, đó là  ngày mà các cụ cao niên ở làng ra đình thắp hương dâng cúng các vị anh hùng có công chống giặc ngoại xâm. Vậy nên, cách chọn ngày mồng 1 âm lịch làm lễ tế cờ cho thấy Hoàng Hoa Thám coi trọng văn hóa tâm linh của người Việt.

Từ những quan điểm rất rõ ràng về văn hóa của Hoàng Hoa Thám đã hé mở rằng: Chính Hoàng Hoa Thám là người đề xuất mở “phiên chợ âm dương” ở Đình thôn Cao Thượng. Nhưng thay vì chọn ngày mùng 1 Tết như trước đó làm thì lần này Hoàng Hoa Thám chọn nửa đêm về sáng ngày mùng 2 Tết. Thay vì tổ chức một lễ tri ân nghĩa binh tử trận ở trong đình dễ khiến quân Pháp phát hiện thì phiên chợ kiểu họp thời gian này đã che được ánh mắt rình mò rồi phá hoại.

Một giả thiết khác

Trong thời gian nổ ra phong trào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế, thực dân Pháp cho rằng Cao Thượng - Luộc Hạ là nơi cung cấp nhân tài, vật lực và là “Trạm liên lạc” với các cánh nghĩa quân chống Pháp khác như: Cao Biều Tổng Bưởi; Lưu Kỳ; Hoàng Thái Nhân và nghĩa quân Bãi Sậy. Cao Thượng là cửa ngõ lên Yên Thế, lại cách thành Bắc Giang chừng chục cây số theo đường chim bay, vì vậy vùng này là chiến trường thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh. Do có nhiều người mất trong chiến trận, vong linh vất vưởng nên có thể chuyện mở chợ bắt đầu từ đây?

Với tính chất nhân văn, nhân nghĩa, nhân hậu và đầy chất văn hóa mà “chợ âm dương” đình Cao Thượng đã tồn tại và duy trì đến ngày nay. Tuy nhiên do thông tin về tính chất của phiên chợ và ý nghĩa của việc họp chợ ở đình làng chưa được đủ đầy và được chính thức, nên hiện nay ý nghĩa của phiên chợ âm dương vẫn còn chưa đầy đủ. Rất cần cơ quan chức năng về văn hóa có chủ trương trùng tu đình Cao Thượng và tiến hành phiên chợ âm dương thành một thể thức lịch sử - văn hóa của địa phương.

Nguyễn Trọng Văn
.
.