Đìu hiu chợ truyền thống

Thứ Sáu, 15/04/2022, 11:43

Chợ ế, sức mua kém, hàng hóa tồn đọng, tiểu thương tại các khu chợ nổi tiếng như Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu của TP. Hồ Chí Minh phải đóng quầy, nhượng sạp. Tương lai nào cho chợ truyền thống tồn tại và tiếp tục phát triển trước làn sóng kinh doanh online đang trên đà lên ngôi?

Khách thưa, chợ ế...

Chúng tôi ghé chợ An Đông, Q.5, TP. Hồ Chí Minh vào khung giờ “vàng” mua bán nhưng theo ghi nhận, lượng khách chỉ lác đác vài người ở khu dịch vụ ăn uống, còn lại đều trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Trên tầng 3 của khu chợ, xuất hiện hàng loạt sạp đóng cửa, dán thông báo cần sang nhượng. Khu vực này chủ yếu là kho hàng của các tiểu thương buôn bán sỉ vào thời điểm trước đại dịch COVID-19, các sạp này đều kín khách thuê, thậm chí với giá cao gấp 2 lần hiện tại vẫn không đủ mặt bằng cho thuê.

Bà Oanh (66 tuổi) có 7 sạp buôn bán nằm rải rác từ tầng 1 đến tầng 3.Hiện bà đã cho thuê được các sạp ở tầng dưới, riêng tầng 3 thì chưa.Bà Oanh cho biết, giá thuê mỗi sạp dao động từ 10-15 triệu đồng, trong khi mấy năm về trước là 25-30 triệu đồng. Tuổi cao, buôn bán chậm nên bà Oanh tính cho thuê hết các sạp, rồi nghỉ ngơi. Bà Oanh còn một sạp rộng chừng 9m2, giá cho thuê 15 triệu nhưng dán biển quảng cáo đến mờ cả chữ vẫn chưa tìm được người có nhu cầu. Trong quá trình chờ đợi, bà vẫn ngồi bán quần áo để giết thời gian. Mặc dù còn đầy ứ hàng trong sạp nhưng bà Oanh bảo, nếu có người thuê, bà sẵn sàng dọn đi ngay lập tức.

Đìu hiu chợ truyền thống -0
Cảnh buôn bán ế ẩm, vắng vẻ tại chợ Bến Thành.

Sở hữu số lượng sạp “khổng lồ” trong chợ An Đông phải kể đến bà Nga với trên 50 sạp. Bà Nga chuyên buôn bán thời trang áo dài từ truyền thống đến hiện đại.Ngoài ra, bà còn kinh doanh cho thuê sạp. Từ khi chợ mở cửa sau thời gian tạm thời đóng do dịch bệnh, việc kinh doanh buôn bán của bà Nga rơi vào tình cảnh chung là ế ẩm. Số lượng sạp nhiều nhưng lượng người thuê lưa thưa, dẫn đến tình trạng ế sạp. Dù mức giá thuê chỉ 4 triệu/tháng vẫn không tìm ra người thuê.

Chợ An Đông được coi là một trong những chợ sỉ, lẻ hàng hóa lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Sau đợt bùng dịch và giãn cách xã hội, nhiều tiểu thương kỳ vọng hoạt động buôn bán sẽ trở lại sầm uất như xưa. Nhưng, đến nay, hoạt động mua bán tại chợ vẫn hết sức ảm đạm, người mua còn ít hơn người bán, số sạp đóng cửa hoặc chờ sang nhượng chiếm tỉ lệ lớn.

Chợ “đói” khách, tiểu thương chỉ biết than ngắn thở dài.Nhiều chủ sạp đã phải cắt giảm người làm để cầm cự buôn bán, hy vọng vào thời gian tới sức mua bật lên để bù đắp khoản lỗ hiện tại. Ông Nguyễn Văn T., tiểu thương bán giày dép tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông cho biết, mỗi ngày chỉ bán được vài đôi, có ngày chỉ bán được 1 đôi dép với giá chưa tới 100 ngàn đồng.

Đìu hiu chợ truyền thống -0
Hàng loạt thông báo sang nhượng sạp tại chợ Bến Thành.

Thời hoàng kim, ông T. thuê 2 nhân viên, một bán hàng, một đóng gói nhưng từ Tết đến nay, ông buộc phải cắt giảm hết, một mình vừa làm chủ, vừa làm nhân viên bán hàng, vừa đóng gói, bốc xếp. Gọi là nhiều đầu việc nhưng thực tế cũng không có gì làm, vì không có khách mua. Ông T. may mắn vẫn còn vài đơn hàng sỉ cung cấp cho các shop thời trang và một số người bán hàng online nên kéo được phần chi phí về thuế.

Không thể ngồi “ngáp ruồi” chờ dài cổ khách hàng tới mua từng đôi dép, ông bắt đầu chuyển hướng sang chào hàng online. Ông mở vài tài khoản trên mạng xã hội, liên kết với vài shop online có lượng truy cập lớn, quảng cáo trên đó để bán hàng. Lợi thế của ông T. là có shop trưng bày sản phẩm, có địa chỉ rõ ràng nên chiếm được lòng tin của khách mua online. Những đơn hàng đổ về, tuy chưa dồi dào nhưng phần nào vực dậy sức sống kinh doanh của gia đình ông T.

Thay đổi phương thức bán hàng đang là hướng đi của đa số tiểu thương chợ An Đông để thích ứng với điều kiện kinh doanh trong thời đại công nghệ online lên ngôi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông cho biết, so với các chợ truyền thống khác thì chợ An Đông ảnh hưởng không lớn, vì các tiểu thương đã biết chuyển hướng kinh doanh kết hợp online. Số lượng sạp đóng cửa chiếm 2-3% trong tổng số hơn 2.000 sạp tại chợ. Tiểu thương đóng cửa sạp và làm đơn tạm ngưng kinh doanh để giảm chi phí về thuế, sau đó họ vẫn kinh doanh tại nhà hoặc bán hàng online.

Đìu hiu chợ truyền thống -0
Nhiều sạp kho trên tầng 3 chợ An Đông mỏi mòn chờ khách thuê.

Tìm kiếm phương thức bán hàng mới

Không ai nghĩ có ngày tiểu thương trong các chợ có tiếng lại rơi vào cảnh buôn bán chán chường như vậy. Một thời, kiếm được chân buôn bán tại chợ truyền thống được gọi là “doanh nhân” có kinh tế khấm khá, có thu nhập thuộc hàng no đủ và chưa bao giờ phải nghĩ đến việc đóng sạp vì ế ẩm, đìu hiu. Tại chợ Bến Thành, trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất và là địa chỉ tham quan du lịch nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh, số lượng hàng đóng cửa dán thông báo nhượng sạp mọc ra nhan nhản. Tiểu thương mở bán chỉ là bám trụ, theo quan sát thực tế của chúng tôi, người bán nhiều hơn khách mua. Cảnh đìu hiu chưa bao giờ xảy ra như thế tại khu chợ này từ trước đến nay. Bà Huỳnh Thị L., tiểu thương bán quần áo tại chợ đã đóng cửa sạp từ hơn một tháng nay. Tờ giấy dán thông báo sang nhượng sạp của bà đã cũ mà chưa có khách, bà tiếp tục dán thêm 2 tờ mới ở 2 góc khác nhau.

Sau khi nghỉ bán ở chợ, bà L. gom hàng về nhà bán online và những ngày cuối tuần thì mang ra chợ tự phát bán tháo với giá rẻ, kiếm lời ít còn hơn không có thu nhập. Quyết định đóng sạp, bà L. cũng cay đắng và buồn bã, bởi cái danh tiểu thương chợ Bến Thành bấy lâu nay người ngoài nhìn vào đều ngưỡng mộ.Bà L. không dám thông báo rộng rãi là mình đóng sạp, vì ngại với bạn hàng và những người thân quen.Bà vẫn hy vọng một ngày không xa sẽ quay trở lại vị trí thân quen đã gắn bó nhiều năm của bà, gắn cho bà cái danh phận tiểu thương khu chợ lớn nhất thành phố.

Tâm tư đè nặng tiểu thương khi phải đóng sạp nghỉ bán nhưng họ không còn cách nào khác khi hàng hóa không thể tiêu thụ, có ngồi bán chỉ mất thời gian mà thôi.Ông Trần Thanh Đ., buôn bán hương trầm tại chợ Bến Thành quyết định đóng cửa một thời gian để tìm kiếm phương thức làm ăn khác.Tuy nhiên, ông không dán bảng cho thuê sạp vì nghĩ một ngày không xa sẽ trở lại. Những ngày nghỉ, ông Đ. Lên mạng tập tành bán hàng online nhưng đặc thù mặt hàng hương trầm kén khách hàng, đối tượng lại không đa dạng nên rất khó. Ông Đ. đi về các tỉnh lẻ, tìm mối giao hàng sỉ và kết hợp làm ăn một số công ty xuất khẩu mặt hàng cùng loại. Tuy nhiên, việc buôn bán không hề dễ dàng, nếu vẫn trong tình trạng ế ẩm thế này, ông Đ. sẽ chuyển sang bán mặt hàng khác để duy trì nguồn sống.

Đìu hiu chợ truyền thống -0
Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông giảm lượng khách từ Tết đến nay.

Ông Ngô Văn Hà - Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, dù số lượng người bán đang tăng dần nhưng số sạp hoạt động chỉ đạt gần 1/3 quy mô chợ. Do hơn 80% khách đến chợ là khách du lịch, khi khách nước ngoài vắng thì tiểu thương gặp khó khăn. Bên cạnh đó, lô cốt dựng nhiều ở các con đường xung quanh chợ kéo dài do xây dựng tuyến metro cũng khiến khách ngại vào chợ.

Chợ Bà Chiểu, Q. Bình Thạnh là khu chợ nổi tiếng lâu đời, với đầy đủ, đa dạng các mặt hàng kinh doanh buôn bán cũng không sáng lạng hơn là bao, cảnh ế ẩm kéo dài từ nhiều tháng nay. Trong khi đó, cách chợ chỉ khoảng 100-200 m là rất nhiều chợ cóc, chợ tự phát ven đường. Người bán không phải trả phí kinh doanh, người mua ngồi trên xe chọn hàng, thanh toán nhanh gọn.

Chị Thanh Viên, chuyên cung cấp mặt hàng vải tại chợ Bà Chiểu đã không ngớt lời than thở vì ế lên ế xuống. Sáng chị dọn hàng ra rồi tối dọn về, hôm nào may mắn lắm cũng chỉ được vài ba khách ngó qua xem. Họ lựa lên lựa xuống rồi bỏ đi, họa hoằn mới được khách “chốt đơn”. Thời gian rảnh rỗi, các tiểu thương ngồi lướt điện thoại, có người xem phim, người học bán hàng online hoặc chán hơn thì nghe nhạc cho khuây khỏa.Chị Thanh Viên tâm sự, nếu tình trạng này tiếp diễn, chị khó có thể bám chợ.

Kinh doanh ế ẩm nhưng hằng tháng, tiểu thương vẫn phải gánh nhiều loại thuế và các chi phí khác như tiền thuê sạp, kho bãi, nhân công... Những người không cầm cự được buộc phải tạm nghỉ, cho thuê hoặc sang nhượng sạp để tránh thua lỗ.

Theo các tiểu thương, thời gian giãn cách, nghỉ dịch kéo dài, người tiêu dùng hình thành tâm lý sợ dịch và ngại ra ngoài, nhất là nhiều người đã quen dần với việc mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử do có nhiều ưu đãi, được giao hàng tận nhà, mà không phải chợ truyền thống nào cũng làm được.

Lý giải về nguyên nhân chợ truyền thống vắng vẻ, ế ẩm trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tiểu thương đã chuyển đổi từ mua bán trực tiếp sang trực tuyến và đang tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, có nhiều người về quê tránh dịch và vẫn chưa quay trở lại.Sắp tới, để vực dậy và phát triển chợ truyền thống, bà cho biết Sở Công thương định hướng các chợ xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới. Trong đó, đẩy mạnh lợi thế của các chợ như: Nguồn gốc hàng hóa, giá cả hợp lý...

Đối với chính sách hỗ trợ, sau quyết định hỗ trợ của thành phố từ năm ngoái thì đến nay chưa có thêm các chính sách hỗ trợ đối với tiểu thương.Sở Công thương đã ghi nhận những khó khăn của tiểu thương và sẽ xem xét có thêm kiến nghị tháo gỡ.

Ngọc Thiện
.
.