Đỏ lửa làng rèn cả trăm năm
Cái nghề cha truyền con nối ấy cứ thế tồn tại, qua lúc thịnh lúc suy nhưng dường như người làng rèn này chưa một ngày dừng tay búa, chưa một ngày dừng thổi lửa. Sắt và thép cứ thế được tôi luyện để ra thành phẩm phục vụ mọi người.
Tiếng vọng bến sông
Ánh bình minh mùa hè chiếu xiên qua những tàn cây còn đọng lại hơi sương, cũng là lúc những lò lửa đã rực hồng để chuẩn bị cho ngày làm việc mới ở làng Minh Khánh (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Hơn 300 năm qua, làng rèn đều bắt đầu ngày mới bằng những lò lửa rực hồng như thế cho đến tận bây giờ. Cái nghề cha truyền con nối ấy cứ thế tồn tại, qua lúc thịnh lúc suy, nhưng dường như người làng rèn này chưa một ngày dừng tay búa, chưa một ngày dừng thổi lửa và sắt và thép cứ thế được tôi luyện để ra thành phẩm phục vụ mọi người.
Tiếng búa chắc nịch, chan chát, giáng xuống đều đặn. Qua vài chục lần búa, thanh sắt lại được đưa vào lửa để tiếp tục nung đỏ, rồi lại tiếp tục dùng búa đập. Công đoạn này lặp đi lặp lại nhiều lần để thanh sắt trở nên mỏng, sắc. Vợ chồng ông Nguyễn Đô (66 tuổi) gần 50 năm quay cuồng những thanh âm như thế đã quen tai, quen mắt và quen cả hơi thở của lửa, quen sự chuyển biến của sắt thép. Chỉ vắng tiếng búa gõ vào thân đe một ngày là hai vợ chồng lại ngơ ngẩn như thiếu thốn một điều gì đó quan trọng lắm.
“Để làm ra được một con dao thì chúng tôi đã phải mất nhiều công sức và thời gian nên chỉ cần nhìn vào là có thể biết ngay đó là sản phẩm do lò nào làm ra. Nó phải trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu là cắt sắt, rồi nung miếng sắt thành hình chữ nhật. Khi khối sắt được rèn đập cho ra khối chữ nhật thì người thợ bắt đầu xẻ rãnh trên thanh sắt để “kẹp” vào rãnh đó một miếng thép nhỏ, dài mà sau này nó hình thành là phần lưỡi dao bén ngọt. Tiếp sau đó, người thợ phải nung cho thanh sắt kẹp thép này tới mềm ra và đập nhanh cho chúng khuếch tán vào nhau thành một khối. Tiếp theo là giai đoạn nung chín và dát mỏng, đồng thời uốn, nén sao cho khối thép dần hình thành phôi dao và cuối cùng là hình dạng con dao bán thành phẩm”, ông Đô chia sẻ.
Khi người thợ chính quăng thanh sắt bán thành phẩm ra thì bên ngoài có người thợ phụ thực hiện giai đoạn làm nguội để hoàn chỉnh sản phẩm bằng cách đập, dát, gọt, giũa rồi lại trả cho người thợ chính thực hiện công đoạn tôi. Đây là công đoạn bí quyết của nghề, con dao sau này có sắc bén, tốt, bền hay không phụ thuộc vào trình độ tôi thép của người thợ rèn. Và, cuối cùng, con dao được đưa ra cho người thợ phụ mài để xuất lò. Trong cả quá trình thực hiện các thao tác như thế đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng và kinh nghiệm cũng như trình độ tay nghề của người thợ.
“Nếu tôi non quá dễ bị quăn lưỡi, già quá sẽ bị mẻ hoặc rạn nứt, đập sắt phải khỏe mạnh, mài cũng giữ một vai trò quan trọng, đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong làng nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng thép kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa. Đó chính là lí do vì sao những người vùng khác đến học nghề không thể lấy được bí kíp của thợ làng này”, ông Nguyễn Tòng (68 tuổi), trưởng ban quản lý làng nghề rèn Minh Khánh, cũng là một thợ rèn lâu năm cho biết.
Như nhiều người thợ lớn tuổi khác của làng, ông Tòng cũng theo cha học nghề rèn từ lúc 10 tuổi, đến nay, ông có hơn 55 năm gắn bó với nghề. Mỗi sản phẩm rèn ở làng Minh Khánh khi làm ra đều được người thợ rèn dành vào đó rất nhiều tâm huyết. Bởi vậy, chất lượng sản phẩm cao, được khách hàng ưa chuộng. Theo ông Tòng, nghề rèn không chỉ có sức khỏe là làm được mà cần phải học. Để học được tinh thông nghề này, người nhanh nhẹn cũng phải mất 3 năm chuyên cần. Không có sách vở nào ghi chép bí quyết cả, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau. Cho nên, thợ học việc phải có lòng nhẫn nại học hỏi, rồi cảm nhận bằng sự tinh tế của tai, mắt, của bàn tay chính mình. Đến khi có thể làm được sản phẩm sắc bén, rắn chắc mà không giòn, dẻo mà không mềm, thì coi như thành nghề. Hơn nữa, các bậc tiền bối luôn nhiệt tình truyền dạy cho lớp thợ trẻ tiếp nối, không có chuyện giấu nghề, giữ bí quyết đâu và chỉ có người có tâm mới có thể theo nghề này lâu dài.
Đe búa trăm năm chưa mòn
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ khiến nhiều ngành nghề truyền thống phải chấp nhận “bỏ cuộc chơi” vì sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng công nghiệp. Và, làng rèn Minh Khánh cũng không thoát khỏi sự khốc liệt đó. Một thời gian dài, làng rèn tưởng như đã phải tắt lửa. Nguyên nhân là do người tiêu dùng bị choáng ngợp trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Thái Lan... tràn vào thị trường Việt Nam với mẫu mã đẹp, màu sắc trắng sáng, giá rẻ hơn. Nhưng rồi, người làng rèn vẫn kiên nhẫn, cần cù, sáng tạo, thông minh tạo ra sản phẩm bằng chính bàn tay lao động của mình. Đơn đặt hàng cũng như sản phẩm bày bán ở các chợ vẫn ổn định vì chất lượng và độ bền của sản phẩm. Nhiều khu chợ trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện sản phẩm của làng nghề Minh Khánh. Người làng rèn cứ thế quay quắt rồi phục hồi dần lại.
Theo những người lớn tuổi trong làng, vào thời hưng thịnh, Minh Khánh có đến hơn 150 lò ngày đêm rực lửa. Có thời điểm, các sản phẩm như rựa, dao của làng xuất sang Lào hay Campuchia và được nhiều mối buôn tin tưởng chọn lựa. Đến nay, dẫu chỉ còn gần 60 lò với khoảng 100 lao động chuyên sản xuất hàng nông cụ. Thế nhưng, với nhiều người ở Tịnh Minh thì đó vẫn là một làng nghề với nhiều hoạt động mang lại thu nhập cho người dân. Sở dĩ, sản phẩm từ lò rèn truyền thống vẫn có người ưa dùng vì chất lượng về lâu dài hơn hẳn những sản phẩm công nghiệp rẻ tiền khác. Trong làng, vẫn còn rất nhiều hộ sử dụng phương pháp rèn thủ công như mấy trăm năm trước, họ giữ lại được tinh hoa của cha ông và mang lại những sản phẩm thủ công đầy chất lượng.
Bên cạnh đó, nhiều hộ khác cũng đã nhanh chóng áp dụng khoa học vào sản xuất và giảm nhọc nhằn cho người lao động. Các hộ đã trang bị cho mình máy cắt sắt chứ không cắt bằng búa như trước hoặc dùng máy mài chứ không mài tay, hay dùng mô tơ chạy thổi lửa nung sắt chứ không quay tay như trước đây để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là biện pháp sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề, dần dần tạo dựng thương hiệu của một làng rèn truyền thống. Trung bình, mỗi ngày người thợ có thể làm ra được 30-35 con dao, rựa, bán ra cũng thu được 500.000 đồng.
Nhiều lò rèn như của ông Nguyễn Đô, ông Nguyễn Tòng, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Nhan Quy, ông Lương Kim Hải, ông Nguyễn Hữu Lý... đều là những lò rèn có tên tuổi và cha truyền con nối. Sản phẩm của làng cũng rất đa dạng, mỗi hộ có một sở trường riêng: lò thì sản xuất cuốc, rựa; lò thì cho ra dao, rìu hay liềm, hái. Mỗi nhà có một bí quyết riêng để sản xuất nông cụ cầm tay, hay thuở trước là rèn dao bền, liềm sắc, sử dụng nổi tiếng một vùng. Người làng rèn không sử dụng bảng hiệu mà khắc tên lên sản phẩm mình làm ra. Đó là sự khác biệt với những nơi khác. Trước nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt, chất lượng vẫn được người làm nghề rèn ưu tiên chọn lựa để giữ chân khách hàng và tên tuổi của lò rèn.
Mỗi năm làng rèn Minh Khánh sản xuất khoảng 200.000 sản phẩm, chủ yếu là rựa, liềm, dao, xẻng, cuốc, búa... các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Làng rèn Minh Khánh bao năm qua vẫn nằm gọn trong dẻo đất bên dòng sông Trà Khúc êm đềm. Bên trong những lán trại nhỏ lụp xụp, bốn bề trống trơn là nơi những người thợ của làng rèn Minh Khánh từng nức tiếng vẫn cặm cụi với nghề. Dưới cái nắng mùa hè rát bỏng của miền Trung, tiếng búa chan chát, kèm theo tiếng mài, tiếng dập... vang lên liên hồi hòa với tiếng rì rào của sóng nước, những người thợ ở làng rèn Minh Khánh vẫn miệt mài mưu sinh bên bếp than rực lửa.
Ông Phan Văn Kết, Phó Chủ tịch xã Tịnh Minh cho biết: “Hơn 300 năm giữ nghề, làng rèn Minh Khánh đã được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi. Các sản phẩm cũng được công nhận OCOP 3 sao. Làng rèn Minh Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Những tín hiệu tích cực ấy đã phần nào giúp người dân làm nghề rèn nơi đây thêm hy vọng”.
Dẫu còn nhiều khó khăn để bảo tồn và phát triển, nhưng lửa nghề vẫn ở trong trái tim của người làng và họ cũng đã có những sự kế thừa nhất định. Đồng thời, người làng rèn biết tận dụng các lợi ích của mạng xã hội, thương mại điện tử cũng như các cách quảng bá khác từ hội chợ truyền thống, các chương trình giới thiệu sản phẩm... để tìm đầu ra cho sản phẩm và để người làng sống được với cái nghề gia truyền của cha ông.