'Đoạn trường' xe 'nhồi nhét, chặt chém' khách dịp Tết
Gặp nhau sau kỳ nghỉ tết dài, Mạnh Tuấn - một đồng nghiệp của tôi, hiện trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) không giấu được vẻ ưu tư, mệt mỏi. Cứ ngỡ đó là hậu quả của những lần "quá chén" trong dịp tết, nhưng té ra không phải.
Tuấn vốn quê ở Nghệ An, theo gia đình đi làm kinh tế mới tại huyện Ea Hleo (Đắk Lắk). Sau đó ra Hà Nội học đại học và lập nghiệp tại đây. Hầu như tết năm nào Tuấn cũng mua vé tàu, xe vào ăn tết cùng gia đình.
Hôm trước tết, Tuấn may mắn mua được vé tàu Bắc - Nam sớm, nên hành trình về tuy dài nhưng cũng không đến nỗi. Sáng mùng 5 tết, Tuấn ra quốc lộ bắt xe khách trở ra Bắc. Và đây thực sự là một hành trình hãi hùng mà "đoạn trường ai có qua cầu mới hay".
Xe nào xe nấy đều đã chật kín. Tuấn chờ từ sáng tới gần trưa thì đành tặc lưỡi lên một "xe chợ" còn khá thưa vắng. Ban đầu, xe cũng chỉ có chừng 20 khách, ghế còn rộng rãi, thoải mái.
Nhưng rồi đi chừng 50km thì hành khách lên đông dần, đông dần. Tuấn bị đẩy xuống hàng ghế cuối cùng. Bình thường 5 người mỗi dãy là vừa, nhưng bị nhét đến 7, 8 người. Chân lúc nào cũng ở vị trí… co quắp, không tài nào duỗi ra được.
Chẳng mấy khi được dịp đông khách, nhà xe nhồi nhét đến mức tối đa có thể. Xe chỉ có 45 ghế, song lượng hành khách đã lên tới hơn 70 người.
Đã chật chội thì chớ, vì từ quê ra nên khách nào cũng tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Nhét cốp xe chẳng vừa, đồ đạc hành khách đành phải nhét vào gầm ghế. Ôi thôi là bánh trái, mắm muối… trăm thứ bà rằn. Vì chở quá tải nên xe chạy cứ giật cục, rồi thỉnh thoảng lại tấp vào lề đón thêm khách.
Nhiều người vì say xe, mà không thể cựa quậy nổi nên đã nôn thẳng ra sàn xe. Mùi xú uế bốc lên khiến cho hành khách ai cũng phải bịt chặt mũi.
Khi xe chạy đến Hà Nam thì Tuấn không thể chịu đựng nổi, đành phải nhảy xuống bắt xe bus về Hà Nội.
Dịp tết năm ngoái, tôi lên Vĩnh Phúc thăm một người bạn và được thưởng thức cảnh "nhồi như nhồi vịt". Do chạy tuyến đường ngắn nên nhà xe ra sức bắt khách. Nguyên tắc của họ là "càng nhiều càng ít".
Xe đông đến nỗi, khi xe chạy qua nhà bạn tôi tại thị trấn Lập Thạch, tôi phải xuống bằng… cửa sổ. Vì không tài nào len qua cửa lên xuống của xe được nữa.
Chiều mùng 8 Tết vẫn còn rất nhiều hành khách vạ vật tại bến xe Giáp Bát chờ khởi hành vào các tỉnh phía Nam. |
Nhưng như vậy vẫn chưa là gì so với "chuyến xe bão táp" của gia đình chị Lan (Thanh Miện, Hải Dương) vào trong Đồng Nai. Sau kỳ nghỉ tết, chị Lan cùng chồng và con trai lên một chiếc xe khách 36 chỗ.
Xe đón gần ngay đầu ngõ nên mọi người đều rất hào hứng vì không phải mất công lên huyện, lên tỉnh để bắt xe. Có ai ngờ được rằng chuyến đi đã trở thành một kỷ niệm hãi hùng của chị Lan và gia đình.
Xe chạy từ xã, lên huyện để bắt khách. Suốt từ sáng đến trưa vẫn chỉ lòng vòng trong tỉnh Hải Dương. Nhiều hành khách sốt ruột giục nhà xe lên đường thì đều được an ủi rằng… "quý khách thông cảm, khi nào đầy hết các ghế lập tức sẽ lên đường ngay".
Cho đến chiều thì xe cũng chuyển bánh từ Hải Dương sang Hưng Yên rồi Hà Nam, Ninh Bình. Đến một bãi đất trống ven thành phố Ninh Bình, xe đột ngột dừng lại rồi tài xế, phụ xe xuống… lùa hết hành khách sang một chiếc xe Bắc - Nam khác.
Nhiều hành khách la oai oái, phản đối rầm rầm. Nhưng mà tiền đã đưa hết cho nhà xe rồi, nhanh chân lên chiếc xe 45 chỗ thì còn ghế ngồi. Còn nếu cứ ngồi lỳ trên xe mà nó quay lại Hải Dương thì… cũng chết.
Và quả thật, khi trèo được lên xe thì đã hết ghế. Chị Lan vì bế con nhỏ nên được một hành khách thương tình nhường cho chiếc ghế nhựa, còn anh Lâm chồng chị và đa số khách đi từ Hải Dương thì phải…đứng.
Một hành khách, vốn là thợ xây người cùng làng với chị Lan uất ức vì bị lừa liền lên tiếng: "Tôi đã nộp đủ tiền để đi từ Hải Dương vào Đồng Nai mà sao lại phải đứng? Nếu không có ghế ngồi thì xin trả lại tiền để tôi đi xe khác".
Tay phụ xe lúc đầu xuê xoa: "Các anh chịu khó đứng một lúc, đến Thanh Hóa có mấy khách xuống thì sẽ nhường ghế lại cho ạ". Cậu thợ xây găng: "Không được, phải có ghế cho mọi người ngồi, không thì phải trả lại tiền".
Chẳng ngờ lúc ấy, tay phụ xe liền hùng hổ xé áo đánh… soạt một cái. Trên ngực, tay, lưng hắn lộ ra cả một… "bức tranh" xăm trổ vằn vện. Dưới thắt lưng giắt một cặp dao găm như anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử. Thấy thế, cậu thợ xây xanh mắt mèo, từ đó trở đi... im như thóc!
Xe khách Quảng Ninh bị phát hiện nhồi quá 80 khách. |
Xe chạy gần đến địa phận Thanh Hóa thì số người trên xe ước tính lên đến gần 120 khách. Lúc này tự dưng thấy lái xe phanh đánh…kít. Vì xe dừng lại nhận khách nhận đồ nhiều quá nên nhiều khách bị say, nôn oẹ khắp nơi.
Lần này dừng lại tưởng thả bớt khách cho xe rộng, hóa ra không phải. Tay phụ xe xăm trổ vằn vện lại giở giọng ngọt như mía lùi: "Sắp đến địa phận Thanh Hóa rồi, cảnh sát làm việc dữ lắm. Phiền mấy bác đang đứng thì… ngồi xuống cho nhà xe nhờ".
Vì đã biết màn "lột áo khoe tranh" từ ban nãy, nên nhiều hành khách cố gắng ngồi xuống. Song vì chật chội quá có người không ngồi nổi. Tay phụ xe thấy thế liền nghĩ ra một kế. Hắn lùa bớt chục hành khách xuống rồi tống vào ngăn đựng đồ bên hông xe.
Anh Lâm chồng chị Lan là một trong những hành khách buộc phải ngồi dưới gầm xe. "Chịu trận" suốt mấy tiếng cho đến tỉnh Nghệ An anh Lâm mới được quay trở lên xe, vì lúc này số hành khách đã xuống bớt.
Nhưng cũng chỉ được một lúc. Xe lại tiếp tục đón khách dọc đường. Màn "nhồi nhét" lại tiếp tục được sử dụng. Không khí ngột ngạt khiến cho nhiều cháu bé khóc ré lên. Nhiều cụ già tỏ ra mệt mỏi, co quắp thiêm thiếp ngủ. Bất ngờ xe đột ngột dừng lại.
Lần này áng chừng nếu đuổi khách xuống gầm đựng đồ sẽ bị phản đối, tay phụ xe lùa hết những người đang đứng xuống mấy chiếc taxi, để chuồn qua chốt của Cảnh sát giao thông rồi mới lại "mời các bác tiếp tục hành trình!"
Tưởng rằng từ nay đã được yên thân, hóa ra không phải.
Xe chạy qua Huế, Đà Nẵng vẫn bắt khách nhưng không được nhiều như trước, tuy nhiên lại liên tục "ăn hàng". Hành khách bị dồn hết lên ghế trên, để nhường chỗ cho các loại bao bì, thùng các tông lớn bé.
Khách bị lùa xuống để xếp đồ, xong khách ngồi lên chính những thùng đồ đó. Về qua Phú Yên, Khánh Hòa thì hàng hóa xếp chật lên đến nóc. Cứ mỗi lần xe gặp ổ gà là chị Lan lo xanh mắt, chỉ sợ mấy thùng hàng bất ngờ đổ ập xuống thì…
Ban ngày xe chạy khá chậm để đón khách. Ban đêm mới là lúc tài xế chạy nhanh, chạy ẩu để cho kịp giờ. Những cú đạp ga, rồi đạp phanh vượt trái vượt phải như trong phim "Fast and Furious" khiến cho nhiều hành khách choáng váng.
Đoạn trường đi xe khách của chị Lan và gia đình chỉ chấm dứt khi xe gần về đến bến. Khi xuống xe, cả vợ chồng con cái đều "ngây ngất", rã rời vì vừa mệt, vừa đói lại bực mình…
Bên trong một chiếc xe giường nằm nhồi khách. |
Xe đường dài đã như thế, những xe chạy tuyến ngắn chừng dưới 200km còn nhồi khách dã man hơn. Một phụ xe giãi bày: Chả mấy khi có dịp đông khách, phải "cá kiếm" cho thật lực. Mà hành khách đi tuyến ngắn cũng "dễ tính". Vì dù sao cũng chỉ phải ngồi chật vài ba tiếng.
Còn một số hành khách đi xe giường nằm Vinh-Hà Nội bức xúc kể, mỗi giường nhà xe nhồi đến 3 người. Thành ra người thì ngồi khoanh chân, người thì thò chân xuống… "Về đến bến mới biết là mình còn sống"- một hành khách bày tỏ.
Được biết trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận được gần 1.200 cuộc gọi, chủ yếu phản ánh tình trạng tăng giá vé quá cao và xe chở quá số người quy định, nhồi nhét và chèn ép khách, nhiều nhất là các tuyến TP HCM - Bình Định; TP HCM - Đắk Lắk; Sơn La, Điện Biên - Nghệ An; Hà Nội - Thanh Hóa, Nghệ An. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, tình trạng trên còn diễn ra rất phổ biến, thậm chí, một số nhà xe tăng 100-150% so với giá vé ngày thường.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 16/12/2014 đến 15/2/2015, toàn quốc xảy ra 4.115 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.567 người, bị thương 3.771 người; giảm 713 vụ, giảm 251 người chết, giảm 970 người bị thương so với năm 2014.
Trong những ngày tết vừa qua, cả nước xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, làm chết 317 người, bị thương 509 người; giảm 40 vụ, tăng 35 người chết, giảm 82 người bị thương so với 9 ngày nghỉ tết Giáp Ngọ 2014.
Xử lý xe nhồi khách Ngày 26/2 vừa qua, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết đơn vị vừa tiến hành tạm giữ phương tiện, lập biên bản xử phạt xe khách BKS 14B - 004.39 số tiền 85 triệu đồng và xe 37B - 003.78 với số tiền 38 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe trong thời hạn 30 ngày đối với 2 tài xế trên do nhồi nhét hành khách, chở người gấp nhiều lần so với quy định. Xe khách mang BKS 37B - 007.78 (40 chỗ) do Nguyễn Văn Dân (trú tại Nghệ An) điều khiển chở 74 khách (quá 34 người). Còn trên xe khách mang BKS 14B - 004.39 do tài xế Trần Văn Phơn (trú tại Thái Bình) điều khiển, lực lượng chức năng phát hiện nhà xe nhồi nhét tới 117 hành khách, trong khi đó chiếc xe này có thiết kế 37 giường nằm (vượt quá 80 khách so với quy định). |