Đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Thứ Hai, 21/11/2022, 13:33

Chưa cần nói những điều to tát, nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có những điều kỳ diệu đến đẹp như câu chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện của bà Phạm Thị Minh (sinh năm 1956, quốc tịch Mỹ) và ông Phạm Văn Dung (sinh năm 1961, HKTT ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) thất lạc nhau hơn 47 năm đã được đoàn tụ với sự giúp đỡ của Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Khát khao tìm người thân sau 47 năm

Đại úy Lê Trung Quân, Phó đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Lộc Ninh cho biết, chiều 14/11/2022, khi Công an huyện Lộc Ninh vừa ra quân phát động đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các đội nghiệp vụ đang tất bật thực hiện các nhiệm vụ của đợt cao điểm thì một gia đình quốc tịch Mỹ đến nhờ giúp đỡ tìm người thân thất lạc nhau gần nửa thế kỷ.

Đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư -0
Hai chị em bà Minh và ông Dung.

Được biết, bà Phạm Thị Minh cùng với gia đình từ Mỹ về Việt Nam và đến huyện Lộc Ninh để tìm người em trai thất lạc đã lâu. Bà Minh kể lại rằng: “Năm 1975 khi bà 19 tuổi, do điều kiện hoàn cảnh cha mẹ qua đời, bà xuất cảnh sang Mỹ, còn người em trai sống cùng với một người quen ở TP Hồ Chí Minh. Thời điểm sang Mỹ, bà đã mất liên lạc với em trai mình. Sau đó nhiều lần bà đã cố gắng liên lạc, tìm hiểu thông tin về em nhưng không có kết quả. Có lần bà nghe người ta nói em trai đã mất nhưng bà và gia đình vẫn không tin, nên muốn một lần về Việt Nam để trực tiếp đi tìm thông tin về người em trai của mình. Một số lần có người từ Mỹ về Việt Nam, bà nhờ đến tìm em trai giúp, nhưng họ đòi chi phí dịch vụ, bà nghĩ không biết họ có đi tìm hay không, sợ bị lừa nên đành thôi.

Đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư -0
Gia đình bà Minh và ông Dung ngày đoàn tụ.

Ở Mỹ, bà có chồng và 5 người con, trong đó 4 người con gái và một người con trai. Đợt này gia đình từ Mỹ về Việt Nam tìm em trai thất lạc gồm vợ chồng bà, một con gái, một cháu ngoại và hai cháu nội, tổng cộng sáu người. Về đến TP Hồ Chí Minh, bà Minh đến căn nhà năm xưa từng ở tại quận Phú Nhuận, nhưng hiện căn nhà đã được bán và xây dựng lại. Không tìm thấy em trai, bà Minh cùng gia đình bắt xe lên thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Ban đầu, bà Minh cũng không nghĩ rằng việc tìm người thân nên đến cơ quan Công an mà bà tìm đến những người lớn tuổi mong tìm kiếm được thông tin về em trai, nhưng những người bà gặp đều không biết tin về ông Dung. Rất may, trong quá trình di chuyển trên xe taxi, bà Minh có nói với tài xế về việc đi tìm em trai thất lạc đã lâu, người lái xe đã nhớ ngay đến việc đưa bà đến cơ quan Công an nhờ giúp đỡ. 

Và những giọt nước mắt hạnh phúc

Sau khi nhận được thông tin báo cáo lên, lãnh đạo Công an huyện Lộc Ninh đã chỉ đạo Đội An ninh phối hợp với Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) tìm kiếm những thông tin ít ỏi về tên tuổi, địa chỉ của người em của bà Minh là Phạm Văn Dung, sinh sống tại Lộc Ninh.

4_Gia_dinh_ba_Minh_chup_anh_chun-1669004973803.jpg
Gia đình bà Minh chụp ảnh chung với cán bộ Công an huyện Lộc Ninh.

Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Lộc Ninh, mà trực tiếp là Trung tá Nguyễn Thị Lan - Đội trưởng và Đại úy Nguyễn Thị Hà Xuyên – cán bộ cùng Đại úy Lê Trung Quân tích cực khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư huyện đang quản lý. Sau khi đối chiếu thông tin từ cơ sở dữ liệu và thông tin bà Minh cung cấp, Công an huyện Lộc Ninh thực sự vui mừng khi đã tìm được cái tên Phạm Văn Dung có các thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin bà Minh cung cấp. Ông Dung có vợ và 3 người con, hai trai, một gái.

Công an huyện Lộc Ninh đã nhanh chóng liên lạc với ông Dung đến Công an huyện để gặp lại người thân. Niềm vui vỡ òa khi bà Minh và ông Dung gặp lại nhau sau 47 năm xa cách, những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm thật chặt của hai chị em cùng người thân dành cho nhau mà tưởng chừng trong mơ mới thực hiện được.

Đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư -0
Chị em bà Minh cùng con gái của bà và hai người con trai ông Dung.

Ông Dung nghẹn ngào cho biết, ông đã cùng với gia đình rất nhiều lần đi nhiều nơi tìm và đã nhờ đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam hỗ trợ tìm chị gái nhưng chưa có kết quả. Khi nhận được thông tin của Công an huyện Lộc Ninh nói đến gặp chị gái, ông thực sự bất ngờ và không tin vào tai mình khi được thông báo tìm được người thân đã xa cách rất nhiều năm. Qua đây, bà Minh và ông Dung cùng với gia đình cũng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo Công an huyện Lộc Ninh, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Đội An ninh đã giúp thực hiện được ước nguyện lớn nhất của đời mình.

Được chứng kiến những giọt nước mắt xúc động, vui sướng của bà Minh, ông Dung cùng người thân trong cuộc hội ngộ kỳ diệu này cũng là niềm vui của Công an huyện Lộc Ninh nói chung và Đội Cảnh sát QLHC về TTXH cùng Đội An ninh nói riêng. “Tôi thấy rất vui khi đã thực hiện được nhiệm vụ của mình và giúp người ta qua bao nhiêu năm thất lạc tìm lại người thân. Đồng thời thấy được trách nhiệm của mình đối với công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Đại úy Lê Trung Quân chia sẻ.

Việc bà Minh tìm được em trai, công lao không nhỏ phải kể đến anh Đào Duy Tân (sinh năm 1978) là lái xe taxi ở thị xã Bình Long. Trong lúc chở gia đình bà Minh đi tìm kiếm em trai, nghe được câu chuyện của gia đình và qua hiểu biết của mình, anh đã giúp bà đến Công an huyện Lộc Ninh trình bày sự việc.

Anh Tân chia sẻ, gia đình bà Minh ở một khách sạn tại thị xã Bình Long và thuê anh chở. Khi trên xe, bà Minh nói về đây đi tìm người em trai cùng mẹ khác cha đã thất lạc chừng ấy năm, nay mới về Việt Nam để tìm và xác định xem em còn hay mất? Thông tin cuối cùng bà Minh có được là người em đang ở huyện Lộc Ninh. Bà Minh nhờ anh Tân đưa gia đình đến gặp người lớn tuổi sống từ nhỏ đến lớn ở xã Lộc Khánh và xã Lộc Điền để hỏi thông tin về em trai, nhưng không có kết quả. Lúc này anh Tân nghĩ rằng nên đưa gia đình bà đến Công an thị trấn Lộc Ninh để nhờ hỗ trợ xác minh giúp.

Khoảng 14 giờ ngày 14/11, anh Tân đưa gia đình bà Minh đến thì Công an thị trấn nói việc này phải lên Công an huyện, nên anh Tân đưa gia đình bà Minh lên Công an huyện Lộc Ninh và nhờ Đội An ninh xác minh. Lúc này là 16 giờ, chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ sau thì có kết quả tìm thấy thông tin ông Dung. Công an huyện lập tức liên hệ với Công an xã nơi cư trú của ông Dung đến tận nhà báo tin cho ông biết. Sau đó đưa ông đến Công an huyện khoảng 18 giờ để gặp chị gái.

“Mình vô tình biết được thông tin nên giúp họ chứ có biết gì đâu. Cách đây 2 năm đi làm căn cước công dân, tôi thấy thông tin của ông bà cố hồi xưa, cơ quan Công an còn tìm ra được, mình nghĩ người này chắc sẽ tìm được. Nhưng lúc đấy không chắc lắm, có thể ông ấy đi làm ăn ở đâu hoặc là đã mất thì sao? Vì bà Minh cho biết, có thông tin em trai bà đã chết. Khi cán bộ Công an huyện lấy tên của người cha và người mẹ mà bà Minh cung cấp đi xác minh thì ra em trai của bà đang ở Lộc Ninh thật. Lúc chị em bà Minh gặp nhau họ khóc vì vui mừng làm tôi không cầm lòng nổi tôi cũng khóc theo người ta. Gần 50 năm mà người ta tìm lại được nhau thì thật rất mừng và xúc động”.  

Đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư -0
Công an huyện Lộc Ninh đến tận nhà cấp Căn cước công dân cho người dân.

Sau khi chị em bà Minh gặp nhau tại Công an huyện Lộc Ninh, anh Tân nói với bà Minh là nên cùng nhau về nhà ông Dung để xem còn thông tin gì để chứng minh là em của bà hay không. Gần 19 giờ 30 phút cùng ngày thì đến nhà, ông Dung đưa ra nhiều hình ảnh của cha mẹ và hai chị em. Có cả tờ giấy hồi xưa bà Minh đi học tại TP Hồ Chí Minh, trong này có ngày tháng năm sinh của bà Minh và bà đã nhận ra tờ giấy này.

“Phải nói rằng, cán bộ Công an huyện Lộc Ninh rất nhiệt tình giúp đỡ người dân khi đến liên hệ nhờ tìm người thân, ngoài giờ hành chính nhưng tôi thấy cán bộ ở đây vẫn miệt mài giúp đỡ mọi người. Chỉ trong thời gian ngắn, từ cơ sở dữ liệu trong máy tính, cán bộ Công an đã tìm ra chị em thất lạc gần 50 năm là điều rất mừng. Tôi cũng thấy lợi ích của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lợi ích của việc làm căn cước công dân gắn chip. Từ đây không chỉ giúp nhân dân được nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính mà còn tìm được người thân thất lạc nhau nhiều năm”, anh Tân chia sẻ.

Việc giúp hai chị em mất liên lạc gần nửa thế kỷ gặp lại nhau, một lần nữa cho thấy ý nghĩa rất lớn từ số hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Công an và sự kỳ diệu của Đề án 06 mang lại.

Theo Công an tỉnh Bình Phước, tính đến ngày 27/10, toàn tỉnh đã thu nhận 862.020 hồ sơ cấp CCCD, đã tiếp nhận 792.097 thẻ do  Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an chuyển về; cấp định danh, xác thực điện tử đã thu nhận 110.190 hồ sơ; 1.126.557 dữ liệu được thu thập, làm sạch, đồng bộ lên hệ thống. Công an đã tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương khẩn trương thu thập, kiểm tra, phúc tra, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD trên địa bàn tỉnh, giúp công dân khai thác các tiện ích của thẻ CCCD gắn chip.

Nguyễn Cảnh
.
.