Đời mưu sinh nghề rong biển bên ghềnh đá

Thứ Sáu, 07/04/2023, 12:14

Dưới cái giá lạnh của biển cả ngày đông, họ treo mình trên khắp ghềnh đá lầm lũi cào, nhặt từng cọng rong mứt bé xíu, trơn tuột. Từ bao năm nay, thứ hương vị đặc trưng này đã trở thành một nghề mưu sinh hiểm nguy vất vả của người dân miền biển, gắn liền với mùa biển động sóng trào…

1. Làng chài xóm Rớ ở biển Đông Tác thuộc KP 6, P. Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từ lâu đã nổi tiếng với nghề đánh bắt xa bờ, chủ yếu là đánh bắt cá ngừ đại dương.

Đời mưu sinh nghề rong biển bên ghềnh đá -0
Người hái rong phải tỉ mẩn nhặt từng cọng rong bám chặt vào tảng đá.

Đến mùa biển động, khi thuyền bè nằm bãi ngủ đông, đó cũng là thời điểm mùa rong mứt (rong biển) xuất hiện và sinh sôi nhiều nhất. Dân làng chài tranh thủ đi nhặt rong, họ xem công việc này như niềm vui, sự gắn bó với biển, cũng như cách họ sống với những “ân tình” của biển cả.

Mứt biển là một loại rau không trồng mà tự mọc trên các bãi đá, ghềnh đá quanh bờ biển. Trong giai đoạn thời tiết khắc nghiệt nhất, sóng to gió lớn thì mứt biển mọc càng tươi tốt, vì thế mà ngư dân thường gọi là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho người dân xứ này.

Khoảng 5h sáng, khi mặt trời còn chưa rạng, những người dân vùng biển Đông Tác đã lọ mọ dậy thật sớm. Họ hối hả chuẩn bị hành trang, dụng cụ, rồi khẩn trương tiến về phía bờ kè, đa phần là những người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi, dạn dày sương gió, họ bước đi thật nhanh trên con đường đầy sỏi đá. Dường như không hẹn mà gặp, họ cười nói vui vẻ, hỏi han nhau rộn rã giữa bầu không khí còn mờ hơi sương.

Một vài người vội vã theo sau, trên tay cầm thêm chiếc áo mưa, để đề phòng những cơn mưa bất chợt của buổi sớm mai, ngoài ra còn là vật bảo hộ chống rét khi ngồi hái mứt ngày đông. Nghề hái rong nhìn thì thấy thật đơn giản, nhưng mấy ai biết rằng phải là những con người kiên trì, chịu khó và cẩn thận thì mới gắn bó bền lâu, mới mang lại hiệu quả tốt và có thu nhập cao.

Khi đã đến vị trí mọc nhiều mứt biển, mọi người ai nấy đều tự tản ra mỗi phía tìm cho mình địa hình thích hợp để bắt tay vào công việc. Rong mứt mọc dày trên các tảng đá to, dài và mướt như một tấm thảm nhung, khi dùng tay sờ vào vừa mềm, vừa trơn tuột. Bởi vậy, để hái được số lượng hàng ký rong mứt là điều không hề dễ dàng.

Bà Năm Cộng, 55 tuổi, một trong những người đi tìm rong sớm nhất ở xóm Rớ. Những mùa rong qua đi, đôi tay bà lại hằn rõ những vết chai sần, mái tóc bà bàng bạc với gió sương. Đối với công việc hái mứt, có lẽ chưa ai hái nhanh và có kinh nghiệm bằng bà.

Cứ tới điểm hẹn, bà Năm Cộng đảo mắt nhìn một lượt không gian bao la xanh rờn của bãi rong nằm bên chân con sóng của biển, rồi bà chọn cho mình một góc nhỏ để hái. Trước khi hái, bà phải đeo găng tay để không bị đá cứa và cũng để những sợi rong không vuột khỏi những ngón tay của bà. Bà lặng lẽ, cặm cụi, tỉ mẩn nhặt từng cọng rong bé xíu, nhơn nhớt, còn vương bám đầy vị mặn của biển. Như một thói quen, đôi bàn tay bứt rong nhanh thoăn thoắt, mắt thỉnh thoảng liếc nhìn canh con sóng trắng xóa đang từng hồi táp vào chân đá. Những con sóng ấy, nếu dâng cao bất chợt, có thể “ngoạm” cả con người đang lầm lũi hái rong.

Bà Năm vừa nói, nhưng đầu vẫn cúi gằm xuống mặt đá hái rong: “Hái mấy thứ này phải thật cẩn thận, phải chọn đôi dép có độ bám cao, để ko bị trượt té. Hồi trước ở đây đã có vài người bị té, đầu va xuống đá phải chở đi bệnh viện, có người bị thương tật hoặc tử vong’’.

Kinh nghiệm từ bà Năm Cộng cho thấy, khi hái mứt biển, người hái phải đứng thật vững, bám chặt từng bước khi di chuyển, dùng một cánh tay để mang dụng cụ đựng mứt, một tay vịn chặt vào thành đá, tay kia dùng đểhái. Đặc biệt với nghề này thì không nên ham hái nhiều mà ra xa mép biển hoặc chọn vị trí hiểm trở, nếu sơ sẩy rất có thể bị trượt chân té xuống biển, gặp đang lúc sóng to gió lớn, rất có thể bị cuốn trôi.

Công việc nguy hiểm là thế, nhưng họ vẫn cố gắng mưu sinh vì cuộc sống, và vì trăm ngàn nỗi lo khác. Đôi khi, một bữa cơm có món canh rong giữa tiết trời đông về cũng là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của gia đình.

Đời mưu sinh nghề rong biển bên ghềnh đá -0
Ông Ba Khánh là đàn ông hiếm hoi tham gia đội hái rong biển.

2.  Lẩn trong những người phụ nữ đi hái rong, có một người đàn ông duy nhất, ông Ba Khanh. Ông Khanh năm nay 65 tuổi, từng là một ngư dân dạn dày sóng gió đại dương. Những ngày nghỉ biển, ông cũng mang xô ra biển hái rong. Đôi tay đàn ông khẳng khiu, thô kệch, đôi khi chẳng thể nắm được một nhúm rong, nhưng ông Ba bền bỉ không bỏ cuộc. “Năng nhặt chặt bị”, ông ngồi đó cả buổi sáng cũng được mớ rong mứt xanh rờn.

Ông Ba Khanh có bề dày kinh nghiệm ứng phó với biển, nên sự có mặt của ông cũng khiến bà con yên tâm phần nào. Ông hay nhắc nhở mấy đứa nhỏ phải cẩn thận đi đứng trên ghềnh đá, không được ra mép sóng, phải xử lý thế nào khi chẳng may bị sóng đánh trúng.

Thời trẻ, ông Ba Khanh là một ngư dân chuyên ra khơi đánh bắt cá xa bờ, cuộc đời của ông quanh năm lênh đênh trên sóng nước. Bây giờ lớn tuổi rồi, ông ít đi tàu hơn, nhường sự nghiệp lại cho con trai. Trong câu chuyện gia đình miền biển này, thăng trầm vẫn còn đeo bám, ông Khanh tâm sự: “Vợ chồng con trai của tôi mỗi đứa một nơi, cũng vì nghèo mà con dâu bỏ đi để lại hai đứa cháu nội cho ông bà nuôi. Cha tụi nhỏ đi biển hai tháng mới cập bến một lần, mình phải thay cha mẹ nuôi cháu chứ biết sao bây giờ”.

Quanh quẩn với mái nhà và đàn cháu, ông Ba Khanh lắm khi cảm thấy trống vắng, ông nhớ biển nên chỉ mong mùa rong mứt về để được xách xô ra bãi biển nhặt rong, đó cũng là cách để ông khuây khỏa phần nào sự tẻ nhạt lúc tuổi già. “Món rong nấu canh rất tuyệt vời, vừa giải nhiệt lại vừa đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu hôm nào thu hoạch kha khá thì cũng đem bán mua bao thuốc lá, mua thêm chút đồ ăn ngon về cho mấy đứa cháu ở nhà”, ông Ba Khanh bộc bạch.

Đứng bên bờ đá, tiếng sóng vỗ rì rầm lúc thấp lúc cao, hòa cùng tiếng sóng là những âm thanh rột rột vang lên liên hồi, đó là tiếng cạo rong của chị Nguyễn Thị Thu. Trên tay của chị Thu cầm một miếng nhôm nhỏ, vừa lòng bàn tay, miếng nhôm cạo liên tục trên đá làm lớp rong mứt bong ra từng mảng trộn lẫn với những hạt cát nhỏ xíu.

Người phụ nữ 39 tuổi, sinh ra và lớn lên ở xóm Rớ, chị có nước da mặn mòi, thân hình rắn chắc, chị kể: “Tôi theo mẹ ra biển từ khi còn rất nhỏ, khi ấy chưa biết rong mứt là gì đâu, nhưng rất thích được xem người lớn hái. Lớn hơn một chút thì không theo mẹ nữa mà có đám bạn rủ nhau đi hái rong. Mùa rong về, 3h sáng đã phải dậy rồi. Trời tối đen như mực, chúng tôi mỗi người phải mang theo chiếc đèn pin đội đầu, nhìn theo ánh sáng của đèn pin mà tìm rong. Có những đêm ngồi lênh đênh trên biển vắng, sóng xô ầm ầm mà sợ lạnh cả sống lưng”.

Thấm thoát những mùa rong đi qua, chị Thu giờ đã là bà mẹ hai con, chị cũng tự tìm cho mình công việc kiếm sống, đó là nhặt lông yến, với thu nhập 500.000 đồng/ngày.

Dù công việc bận rộn thế nào, thì đến mùa rong mứt, chị Thu và những người phụ nữ làng chài xóm Rớ vẫn tranh thủ ra biển hái mứt. Họ đi vì nhớ mùi rong, thèm được húp bát canh rong mát lành mùa biển động và đi vì muốn đắm mình trong không gian bao la của biển và sóng, muốn tận hưởng vị mặn của gió ngàn khơi thổi về từ sâu thẳm đại dương, nơi vốn dĩ đã thuộc về họ từ thuở cha sinh mẹ đẻ.

Chồng chị Thu đi biển xa bờ, vài tháng mới về nhà một lần, lúc thuyền cập bờ cũng chỉ ở nhà được một tuần rồi lại ra khơi. Một mình chị ở nhà quán xuyến mọi việc, nhưng lòng chị biết chấp nhận, luôn nhẹ nhàng, thanh thản vì phía xa kia vẫn luôn có một bóng hình để chị nhớ thương và chờ đợi.

Chị Thu vừa dứt lời thì một con sóng dâng cao xô vào bờ đá, nước văng tung tóe làm chị ướt cả vạt áo phía sau lưng. Tạm gác lại những nghĩ suy hiện tại, người phụ nữ ba con hiền lành nhưng mạnh mẽ ấy lại tiếp tục công việc của mình, bàn tay chị lại thoăn thoắt cạo vào đá, mỗi lúc mạnh hơn và nhanh hơn.

Những tâm sự của chị Thu, có lẽ cũng là nỗi lòng của những người phụ nữ xóm chài này, họ chỉ biết trông chờ vào mỗi chuyến đi biển, hi vọng vào những mẻ cá lúc đầy lúc vơi và mong người thân trở về bình an sau những chuyến ra khơi dài ngày.

3. Tiếng sóng vẫn vỗ rì rào sau bờ đá, buổi sớm cuối đông lạnh lẽo và mịt mù, gương mặt của những người phụ nữ đi hái mứt biển tái đi vì lạnh, sạm đi vì gió táp. Họ không giấu nổi hết những nhọc nhằn vất vả hằn trên cơ thể, qua ánh mắt và những bước đi mệt lả mỗi chuyến rong về.

Trong những câu chuyện bị tiếng sóng át đi, chúng tôi vẫn nghe được lời thở than của người phụ nữ hái rong. Rằng, sinh ra làm phụ nữ đã khổ, nhưng phụ nữ ở vùng này càng khổ hơn. Chồng đi biển xa, vợ ở nhà không chỉ lo con cái cơm nước nhà cửa, họ còn tất bật buôn thúng bán bưng, vá lưới, đơm đò.

Mùa này thuyền bè nằm phơi trên bãi, người dân ngồi ở nhà chỉ biết nhìn con nước dâng cao mà lo lắng thở dài. Cũng may là còn có mùa mứt để mà hái, chứ cá tôm không có thì lấy gì lo cho bầy con đang chờ ở nhà. 

Bình minh đã ửng hồng phía chân trời xa, người đi hái rong nhìn rõ mọi thứ hơn, ông Ba Khanh cũng nghiêng nhẹ chiếc bịch ni lông nhựa đựng rong mứt cười nhẹ: “Nhiêu đây chắc được nửa ký, bán cũng được vài chục nghìn mua lạng thịt bò về nấu cháo cho mấy đứa cháu, mua thêm bao thuốc lá nữa là khỏe rồi”.

Hơn 9h sáng, mặt trời đã lên cao, bờ cát trắng in rõ bóng người đi, thủy triều dần lên, đó cũng là lúc mọi người bắt đầu tản mác về nhà. Trên bờ biển, lác đác vài bóng người còn nán lại, rong đã khô hơn, khó hái so với lúc sớm mai, lúc này người hái mứt thường là những cụ già cao tuổi, nhặt nhạnh trên những hòn đá sát bờ để về nấu bát canh ăn cho mát dạ.

Một buổi sáng, trung bình mỗi người hái được từ 1 đến 2 kg rong mứt, sau khi hái xong, họ phải rửa đi rửa lại rất nhiều lần, đãi cát thật sạch cũng như các tạp chất lẫn trong mứt và vắt cho ráo nước thì mới mong bán được giá. Mỗi ký rong tươi có giá dao động từ 100 đến 150 nghìn.

Mứt rong đầu mùa dinh dưỡng cao hơn, cũng ngon ngọt và giòn hơn so với thời điểm cuối mùa, nhiều người còn phơi khô để dành ăn quanh năm hoặc có thể làm quà để biếu tặng rất có giá trị. Hơn 10 ký mứt tươi phơi xong chỉ còn chừng 1ký khô. Bởi vậy, khi hết mùa, mứt khô có giá rất cao, 1ký rơi vào 1,5 triệu đến 2 triệu đồng.

Mùa mứt biển tuy chỉ kéo dài vỏn vẹn khoảng bốn tháng ngắn ngủi, từ tháng 11 đến cuối tháng Hai (Âm lịch) năm sau. Đến khi mùa gió nồm bắt đầu thổi, những cơn gió mạnh mang theo cát, lấp đi những bãi đá quanh bờ biển, rong mứt cũng bắt đầu khô dần và lụi tàn, thay thế vào đó là những bãi rêu xanh mướt một màu.

Biển sẽ lại vắng bóng người mưu sinh, ghềnh đá nhường chỗ cho những con sóng bạc đầu và phía chân trời xa kia, từng đoàn tàu sẽ lại vươn mình tìm cá.

Ngọc Hoa - Vỹ Linh
.
.