Động vật hoang dã đang kêu cứu
Các tỉnh Tây Nguyên với diện tích rừng lớn, địa bàn tập trung động vật hoang dã phong phú và giàu có nhất cả nước, trong đó có những loài quý hiếm được xếp vào danh sách bảo vệ của thế giới. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt trái phép có nguy cơ đẩy nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm vào con đường tuyệt chủng...
Thực trạng nhức nhối
Trong chuyến công tác về Tây Nguyên vào mùa mưa năm 2023, chúng tôi đã trở lại thăm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), Vườn quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) và nhận thấy một điều, độ che phủ rừng và chất lượng của rừng đã giảm rõ rệt. Hầu hết các khu rừng đều biến đổi và tính đa dạng sinh học bị thay đổi phần nào. Các loại chim quý như công, trĩ sao, gà lôi hông tía, gà tiền, cao cát... không còn nhiều nữa, loài tê tê, rắn chúa đang trên bờ vực tuyệt chủng. Nhiều năm nay, nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh Tây Nguyên và tại TP Hồ Chí Minh kinh doanh nhiều món ăn đặc sản từ rừng. Hám lợi trước mắt, nhiều tay súng vẫn thường xuyên vào rừng săn trộm các loại động vật hoang dã để cung cấp thực phẩm rừng tươi sống cho các nhà hàng, quán ăn... Đây là thực trạng nhức nhối và đau xót, là hệ quả cho một ngày không xa, động vật hoang dã có thể sẽ biến mất khỏi các cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên.
Trong chuyến đi này, chúng tôi gặp anh P.V.T (45 tuổi, ngụ huyện Cư Jut, Đắk Nông), một thợ săn có “số má” của rừng Tây Nguyên 10 năm về trước. Hiện nay, anh T. đã “rửa tay gác kiếm”, trở thành người nông dân trồng cà phê và hồ tiêu ngay sát cánh rừng Yok Đôn, nơi mà những năm tháng tuổi trẻ, anh T. vác súng săn đi mòn các ngả rừng. Nghề săn bắn cứ cuốn người thợ săn đi mải miết, say máu với dấu chân thú rừng và thật sự rất khó để quay đầu, nếu không có một lý do thỏa đáng. Và, lý do khiến anh T. bỏ nghề chính là hơn 4 năm thụ án tù vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.
Sau khi trở về gia đình, anh T. gặp lại bạn bè và “đồng môn” khi xưa, những lúc rỗi rãi, họ lại tỉ tê rủ anh T. làm chuyến đi rừng cho đỡ “nhớ nghề”. Anh T. cương quyết từ chối, vì bản thân hiểu được cái giá quá đắt đã phải trả. Thấy anh em còn “ham hố” chuyện săn bắt, anh T. khuyên can nhưng có mấy ai nghe. Để dẫn chứng cho cái kết đắng của nghề săn bắt, anh T. kể, năm ngoái một người em của mình ở Tuy Đức (Đắk Nông) phải nhận bản án 5 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”, một đứa khác bỏ trốn, sau đó về đầu thú, cũng đang chờ ngày ra tòa.
Cái giá phải trả cho hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã là quá đắt, nhưng dường như nhiều người không biết sợ. Suốt thời gian dài, tệ nạn săn bắn động vật hoang dã vẫn xảy ra liên tục ở tất cả các địa phương. Nhiều động vật quý hiếm bị tàn sát, hủy diệt không thương tiếc. Vào ngày 21/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Gia Lai đã điều tra, phát hiện và bắt quả tang một vụ tàng trữ động vật hoang dã khối lượng lớn. Cụ thể, phát hiện 32 cá thể động vật hoang dã quý hiếm như: Tê tê, rùa hộp trán vàng, rùa đầu to, rắn hổ chúa tại nhà bà Phạm Thị Tám (43 tuổi, P. Thắng Lợi, TP Pleiku). Số động vật hoang dã này đều thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Làm việc với Cơ quan công an, bà Tám khai nhận đã mua số động vật hoang dã này từ nhiều nguồn khác nhau, đưa về bán kiếm lời. Đây là một trong những vụ buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã trái phép lớn trong thời gian gần đây mà Công an tỉnh Gia Lai phát hiện, bắt giữ.
Cùng thời gian trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Thị Cúc (44 tuổi, ngụ huyện M’Đrắk) về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Trước đó, Công an TP Buôn Ma Thuột nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc có một số người đang tổ chức hoạt động buôn bán sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn phường Tân Lợi.
Tiếp nhận tin báo, Công an TP Buôn Ma Thuột đã kiểm tra, phát hiện phía sau thùng xe ô tô của bà Cúc có để 2 bình thủy tinh, bên trong mỗi bình thủy tinh có chứa một cá thể rắn nghi là loài rắn hổ chúa. Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột đã trưng cầu Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) để giám định hai cá thể rắn trên. Kết luận giám định là loài rắn hổ chúa, có tên khoa học là Ophiophagus hannah, thuộc lớp bò sát, có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra một xe khách và phát hiện trên xe có thùng giấy, bên trong có 2 cá thể rắn hổ chúa còn sống, một con dài 2,5m và con dài 2,8m, tổng trọng lượng 4,5kg.
Phụ xe khai nhận vận chuyển thùng hàng trên cho một người lạ gửi từ huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) lên TP Buôn Ma Thuột và giao cho người có số điện thoại ghi trên thùng hàng. Cước phí vận chuyển là 50.000 đồng. Khi nhận hàng, phụ xe không kiểm tra nên không biết ở trong có rắn hổ chúa. Loài rắn này thuộc nhóm IB, nhóm nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ.
Theo các chuyên gia, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt, không gian mạng đang trở thành môi trường thuận lợi để các đối tượng thực hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm soát, bắt giữ của lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã, tuy nhiên để ngăn chặn hoạt động buôn bán hoặc ít nhất là giảm thiểu hoạt động này, cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các tổ chức, người dân trong việc tăng cường kiểm soát những hành vi này, đồng thời triển khai các hoạt động giáo dục, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Khi không còn nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, nguy cấp, hoạt động buôn bán trái phép này chắc chắn sẽ chấm dứt.
Rước bệnh vào người vì sử dụng động vật hoang dã
Săn bắt động vật hoang dã, đặc biệt là loài rắn hổ chúa là vi phạm pháp luật và cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng con người. Đã có không ít người bỏ mạng vì bị rắn hổ chúa cắn, số may mắn được cấp cứu kịp thời cũng rơi vào tình cảnh sống khổ sở, lay lắt vì di chứng của nọc độc. Rước bệnh vào người vì ăn thịt động vật hoang dã không phải là cảnh báo mới, từng có nhiều vụ ngộ độc hoặc nhiễm bệnh lạ khi sử dụng động vật hoang dã trong ăn uống và chữa bệnh. Nhưng, con người vẫn ăn, vẫn tiêu thụ động vật hoang dã để thể hiện “đẳng cấp” dân chơi, hay đơn giản chỉ vì muốn trải nghiệm “cái mới, cái lạ”. Điển hình cho sở thích “mới lạ” này là trường hợp anh H.V.M (40 tuổi, ngụ Cư Jut, Đắk Nông). Anh M. làm nghề buôn củi, thường đi vào các làng người dân tộc thiểu số mua bán. Dịp lễ cúng cầu mưa năm nay (tháng 4 âm lịch) anh M. được chủ nhà thết đãi rượu huyết rắn. Khi bữa tiệc tàn cũng là lúc anh M. cảm thấy một bên mặt co giật và méo. Tiếp theo là một bên chân tê rồi yếu không thể bước đi bình thường.
Người nhà tưởng anh bị trúng gió nên mang dầu ra đánh gió, cho uống nước gừng. Tuy nhiên, sức khỏe anh yếu dần, hơi thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng. Một lúc sau thì da, môi, móng tay tím tái, miệng nôn trôn tháo, anh M. lịm đi. Anh được đưa đi bệnh viện cấp cứu, rồi chuyển xuống TP Hồ Chí Minh điều trị dài ngày. Xuất viện trở về nhà, sức khỏe anh M. không còn được như xưa nữa. Mỗi khi nhớ lại những ly rượu huyết rắn mình từng uống, anh M. lại nôn thốc nôn tháo, toàn thân run rẩy, mồ hôi đầm đìa. Nó ám ảnh người đàn ông này trong từng giấc ngủ.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lương, một chuyên gia về rắn, công tác tại Bệnh viện Quân y 120 (Quân khu 9) khẳng định quan niệm uống tiết rắn để bổ dưỡng, tăng cường sinh lực nam giới là nhận định chưa chính xác. Theo bác sĩ Lương, máu động vật chứa nhiều loại ký sinh trùng, vi khuẩn, virus... cũng giống như thú nuôi, mỗi loài thú hoang dã có hệ vi sinh vật ký sinh khác nhau và khác với người, do đó khi lây lan sang người, chúng sẽ gây bệnh rất nguy hiểm, gọi là bệnh động vật (zoonoses). Trong chuyên ngành truyền nhiễm, đây là nhóm bệnh lớn, phức tạp và khó chẩn đoán, khó điều trị vì tác nhân gây bệnh mới lạ, chưa có thuốc đặc trị.
Trong cuộc họp báo ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức tại Việt Nam, bà Jan Vertefeuille - cố vấn cấp cao về vận động chính sách của WWF (Mỹ) cho rằng: "Mặc dù chúng ta có thể không xác định được chính xác nơi mà đại dịch mới sẽ bùng phát, nhưng chúng ta xác định được các hành vi như ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi của họ trong chiến dịch này là rất cần thiết để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo". Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng. Hiện nay, các đợt bùng phát dịch bệnh, thậm chí đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã.