Đừng bắt những đứa trẻ phải tự chống đỡ
Nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra, mà kẻ bạo hành là những người cha dượng, mẹ kế khiến dư luận bàng hoàng. Kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng thậm chí có những cháu bé đã phải ra đi mãi mãi trong sự căm phẫn tột cùng. Nhưng vì đâu nạn bạo hành trẻ em vẫn tái diễn ngay trong chính ngôi nhà tưởng chừng là mái ấm hạnh phúc của các bé?
Lá đơn kêu cứu
Mới đây chúng tôi nhận được lá đơn kêu cứu của vợ chồng ông bà Đoàn Trọng Sáng và Nguyễn Thị Hồng cùng trú tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội về việc hai cháu nội mình bị anh N.T.T. (trú tại quận Hai Bà Trưng) bạo hành.
Theo bà Hồng, năm 2011, con trai vợ chồng bà là anh Đ.M.N (sinh năm 1987) kết hôn với chị N.H.N.A cùng tuổi, sau đó sinh được 2 người con là cháu H.A hiện nay 10 tuổi và cháu T.N hiện 8 tuổi. Năm 2018, anh N. qua đời do bệnh nặng. Sau khi anh N. qua đời được khoảng mấy tháng thì chị N.A công khai mối quan hệ với anh N.T.T. Tiến tới chị N.A đưa 2 con nhỏ về chung sống cùng anh T.
Thế nhưng kể từ khi theo mẹ và cha dượng về nơi ở mới, hai cháu bé thường xuyên bị bạo hành. Trong khoảng thời gian từ tháng 8-2020 đến tháng 4-2021, các cháu đã bị bạo hành tổng cộng 4 lần. Trong đó, lần bạo hành thứ 4 là nặng nhất, khiến cháu T.N bị chấn thương sọ não phải nhập viện. Dù chứng kiến con mình bị anh T. đánh đập nhưng chị N.A không hề can thiệp hay ngăn cản.
Sau khi gia đình bà Hồng trình báo sự việc lên Công an phường Minh Khai, anh T. đã bị tạm giữ tại đó 24h để điều tra. Tại cơ quan Công an, cháu T.N còn khai sau khi bị bóp cổ, bị nhốt trong phòng tối, vì khóc to quá, cháu lại tiếp tục bị anh T. bóp cổ, đánh đập một lần nữa. Vụ việc được Công an phường Minh Khai bàn giao cho Công an quận Hai Bà Trưng thụ lý làm rõ. Tuy nhiên, sau đó do anh T. và chị N.A hứa hẹn sẽ không tái diễn sai phạm, không bạo hành hai cháu nên bà Hồng, ông Sáng đồng ý rút đơn bãi nại với anh T.
Cũng từ đó, chị N.A đồng ý giao hai cháu bé về cho ông bà nội nuôi dưỡng trước sự chứng kiến của chính quyền UBND xã Hữu Hòa. Thời gian chăm sóc thay thế từ ngày 15-6-2021 cho đến khi 2 cháu trưởng thành. Cuối tháng 1-2022, do tình hình dịch COVID-19 nên chị N.A đã đón cả 2 cháu sang nhà ông bà ngoại ở tạm, khi vợ chồng bà Hồng sang đón các cháu thì chị N.A. không đồng ý. Từ đây, anh T. chị N.A liên tục tìm cách cấm cản ông bà gặp và gọi điện cho các cháu, đồng thời quay clip các cháu nói không đồng ý về sống với ông bà, ông bà làm điều ác để gửi đi khắp nơi.
Trao đổi qua điện thoại, Thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, cho biết: “Trước đây cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận cũng đã thụ lý vụ việc này, sau đó tạm đình chỉ vụ án vì gia đình bà Hồng xin rút đơn bãi nại. Hiện chúng tôi đã phục hồi điều tra vụ án, cử lực lượng đi xác minh và vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Chúng tôi cũng đã gọi điện thoại nhiều lần cho chị N.A nhưng đều không nhấc máy. Điều mong mỏi lớn nhất của ông Sáng, bà Hồng là trong thời gian điều tra, hai đứa bé được tách khỏi mẹ đẻ và bố dượng đề phòng những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Những vụ việc đau lòng
Theo các nhà quản lý và chuyên gia, bạo hành trẻ em đang trở lên đáng báo động, với mức độ ngày một nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em.
Vụ việc mẹ kế đánh đập, bạo hành đến chết bé N.T.V.A (8 tuổi, ở TP. Hồ Chí Minh), con riêng của người tình cách đây không lâu khiến dư luận vô cùng bức xúc. Gần đây nhất là vụ việc Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) đã đóng 10 cái đinh vào đầu bé Đ.N.A (3 tuổi, ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất), là con gái người tình của Huyên, khiến cháu bé tử vong sau hai tháng hôn mê trong bệnh viện.
Tháng 2-2021, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thanh Tùng (31 tuổi, ở Vạn Phúc, Hà Đông) về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và khởi tố Hoàng Thị Thu Huyền (34 tuổi, ở Hà Cầu, Hà Đông) về tội “hành hạ con”.
Theo hồ sơ vụ việc, sau khi ly dị chồng, Huyền nhận nuôi bé N.H.B (12 tuổi). Trong quá trình sinh sống, Huyền thường xuyên dùng ống nước, dây điện, gậy tre đánh vào chân, tay, lưng khiến bé bị bầm tím khắp cơ thể. Chỉ đến khi người thân phát hiện, “giải cứu” thì bé mới thoát khỏi người mẹ đẻ vô tâm này.
Công an quận Hà Đông cũng xác định, khoảng 1 năm trở lại đây, Huyền có quan hệ tình cảm với Tùng và thường cho Tùng đến nhà chơi, ăn cơm và ngủ lại. Từ tháng 5-2020 đến tháng 1-2021, lợi dụng Huyền không có nhà, Tùng đã nhiều lần ép bé H.B quan hệ tình dục. Khi bé H.B không đồng ý, Tùng đe dọa sẽ đánh khiến bé sợ và phải nghe lời Tùng.
Những con số đáng báo động
Thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Theo số liệu của Bộ Công an, riêng năm 2020, cả nước có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, 97% trong số đó, kẻ gây hại đều là người thân, quen với nạn nhân. Con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều lần do nhiều vụ chưa được phát hiện hoặc còn bị che giấu. Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận trung bình 30 nghìn cuộc gọi mỗi tháng. Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, số cuộc gọi tổng đài 111 tăng tới từ 40 nghìn đến 50 nghìn cuộc mỗi tháng.
Bạo lực tinh thần là phổ biến nhất chiếm 60%, bạo lực thể chất chiếm 39%, xâm hại tình dục 10%. Các thống kê cũng cho biết phần lớn trẻ bị bạo hành, xâm hại sống trong các gia đình có cha mẹ mâu thuẫn, ly hôn, ly thân, mắc tệ nạn xã hội, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức lạc hậu, thiếu hiểu biết pháp luật…
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những câu chuyện ở trên báo chí, mạng xã hội chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực tế mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đồng thời nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của người lớn. Trước hết là trách nhiệm của cha mẹ, người thân trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, những người hàng xóm xung quanh trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì không có khả năng tố cáo, lên tiếng, không có khả năng phản kháng, thoát khỏi những sự chà đạp, những bạo lực, đặc biệt trong môi trường gia đình.
Theo chuyên gia tâm lý, TS. Bùi Phương Thảo, giảng viên trường Đại học Thủy lợi, do văn hóa của người phương Đông, nên quyền của cha mẹ rất lớn. Đứa trẻ được sinh ra rất được quan tâm, bao bọc, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào bố mẹ. Bố mẹ có quyền rất lớn với con cái. Trong khi về mặt pháp luật, ở thời hiện đại này thì đứa trẻ sinh ra đã có chủ quyền riêng, được xã hội và pháp luật bảo vệ.
Theo chị Thảo, xung đột gia đình và ứng xử của người lớn sau ly hôn là một nguyên nhân của tình trạng bạo hành trẻ em. Việc bạo hành trẻ thường xảy ra ở những gia đình không có mối quan hệ thực sự, không có sự gắn bó vợ chồng mà chỉ là gán ghép, tạm bợ. Người bố, người mẹ đẻ trong những gia đình như thế không có trách nhiệm, không can thiệp, không quan tâm đến con và không coi trọng con mình thì đương nhiên người bố dượng hoặc mẹ kế cũng như vậy.
Thậm chí thấy đứa trẻ như một cục nợ trong nhà, ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. Bản thân người mẹ kế, bố dượng không có mối quan hệ máu mủ gì với đứa trẻ, đôi khi đứa trẻ đó lại mang hình ảnh mối quan hệ đầu tiên nên đương nhiên là không ưa gì đứa trẻ. Tâm lý càng ngày càng tích tụ dẫn tới việc bạo hành. Thêm vào đó, nhiều người bố đẻ, mẹ đẻ khi đi bước nữa lại đặt ra yêu cầu với người mới của mình là có vai trò trách nhiệm phải dạy con ngoan, giỏi. Trong khi người bố dượng, mẹ kế chưa từng có con nên không có kinh nghiệm. Họ gặp phải áp lực và thực hiện như một gánh nặng mà không có tình cảm. Nên có trường hợp dạy con, con không học là đánh đập.
“Vì vậy trong giáo dục trẻ con bắt buộc phải có tình cảm, dù giáo dục nghiêm khắc mà có tình cảm vẫn có hiệu quả nhất định vì đứa trẻ nhận thấy được sự nghiêm khắc đó dựa trên tình yêu. Sự giáo dục mà không dựa trên tình yêu càng khiến mối quan hệ thêm căng thẳng. Đứa trẻ với bố dượng, mẹ kế ngày càng xung đột đến khi không thể chịu đựng được nữa thì sẽ có hành động tàn độc”, chị Thảo khẳng định.
Thêm lý do nữa là trẻ chưa được giáo dục trong nhà trường về việc bảo vệ bản thân và mình có những quyền gì như quyền chia sẻ với thầy cô, người thân khác về việc mình bạo hành… Nên khi bạo hành xảy ra các bé thường cam chịu. Lúc đầu có thể chỉ là bạo hành tinh thần, bạo hành thể xác ở ở mức độ nhẹ rồi càng ngày càng nặng lên dẫn đến những tổn thương nặng nề về mặt thể chất và tinh thần. Vì thế trẻ em rất cần sự quan tâm của tất cả mọi người xung quanh, từ gia đình, môi trường học đường và cả xã hội, cộng đồng để tránh những vụ việc bị bạo hành đáng tiếc xảy ra.
“Tôi đã từng tham gia Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nên được chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng. Trẻ em không chỉ bị bố dượng, mẹ kế bạo hành mà cả bố, mẹ đẻ cũng bạo hành. Nhiều ông bố bà mẹ còn gọi đến tổng đài, yêu cầu các cô tư vấn cho con bỏ thai, vì trót lỡ mang bầu ở lớp 11. Nhiều phụ huynh Việt Nam cho mình quyền áp đặt rất lớn, rằng họ sinh ra con nên có quyền như thế. Nhưng bố mẹ đẻ dù áp đặt vẫn có lòng thương xót con cái. Dù đánh con nhưng không gây tổn thương cho con vì là máu mủ, ruột già. Còn bố dượng mẹ kế khi tiếp nhận đứa trẻ đã ở một độ tuổi nhất định, nó là quan hệ gán ghép. Nếu bố đẻ hoặc mẹ đẻ tạo được sự gắn kết giữa con đẻ của mình với người cha dượng hoặc mẹ kế thì đứa trẻ sẽ nhận được tình cảm của người cha dượng, mẹ kế. Đó là quy luật. Yêu mẹ thì quý con. Người mẹ đẻ hoặc cha đẻ sẽ biết gánh gồng mối quan hệ giữa con riêng với người vợ hoặc người chồng mới để cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp. Họ biết cách hướng dẫn con họ và người bạn đời kế tiếp của họ duy trì, tạo dựng mối quan hệ với con mình”.