Già làng Tây Nguyên kể chuyện Tết

Chủ Nhật, 11/02/2024, 07:05

Tôi không nhớ nổi mình đã bao lần chếnh choáng với men rượu cần ngày Tết. Đó hẳn là những cuộc tao phùng, khi ngày mùa đã cạn và mùa xuân xôn xao gõ cửa bên gian bếp sực nức mùi lúa mới…

Tết về theo con nước

Ché rượu cần hết vơi lại đầy, câu chuyện ngày xuân của chúng tôi với già Siu Gôk (63 tuổi, làng Puối Lốp, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cũng miên man chẳng có hồi kết. Già kể chuyện làng, về những mùa Tết sum vầy náo nhiệt và cả ký ức ăn Tết Nguyên đán cùng người Kinh dưới xuôi lên Tây Nguyên lập nghiệp những năm núi rừng còn bập bùng ánh lửa. Theo phong tục lâu đời thì người dân tộc Jrai của già không đón Tết Nguyên đán, ngày Tết lớn nhất trong năm của bà con là vào tháng 3 (âm lịch), khi cơn mưa đầu mùa bắt đầu, khi trên rừng cây lá được gột rửa và dưới đất, bụi đỏ bazan đã chịu nằm yên, thời tiết khô ráo, mát mẻ, trong lành.

Già làng Tây Nguyên kể chuyện Tết -0

Những cuộc vui ngày Tết của người Jrai bắt đầu từ “tháng ba mùa con ong đi lấy mật”. Theo già Siu Gôk, thời điểm này đất trời hội đủ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để con người ta thảnh thơi có thể quên đi nhiều thứ trong một năm, như: Quên rìu rựa, quên ruộng đồng, nương rẫy, quên lo toan đời thường để ăn chơi, để chăm lo những việc tinh thần, củng cố tình đoàn kết cộng đồng.

Trong không khí ngày Tết của đồng bào Jrai, không thể thiếu nghi thức lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả), đây được xem là phần lễ có sự chuẩn bị lâu dài, tổ chức trang trọng và hoành tráng nhất. Bởi lẽ, lễ hội bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, mang tính chất tổng hợp trong tất cả các loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Jrai. Bữa ăn bên nhà mồ là bức tranh đầy đủ về văn hoá ẩm thực của tộc người Jrai. “Đây là bữa ăn mang tính cộng đồng lớn nhất về quy mô những người tham dự, về sự phong phú của các món ăn và cả về nghi thức tín ngưỡng đời thường. Đó còn là biểu tượng, đề cao tính nhân văn của con người, lấy con người làm trung tâm vũ trụ”, già Siu Gôk nhớ lại.

Ngày Tết, người Kinh cúng cơm ông bà tổ tiên. Người Bahnar cúng cơm mới lên thần linh. Và người Jrai cũng thế, khởi đầu của “mùa Tết” chính là món cơm mới. Lúa được tuốt non về, luộc sơ rồi cho vào chảo rang. Các cô gái Jrai xinh đẹp và khéo tay được giao đảm nhận phần việc này. Những đôi tay trần đảo như múa trong cái chảo thơm nhưng nhức mùi đòng đòng. Những đôi mắt đen lúng liếng trong lửa, cặp má ửng hồng trong lửa, cặp đùi khép mở trong lửa, ẩn hiện trong những hoa văn cặp váy tinh xảo và công phu, những câu chuyện rủ rỉ trước lửa về mọi thứ trên cuộc đời.

Dẫn tôi vào gian bếp, già Siu Gôk chỉ lên kho lúa vừa thu hoạch, già cười vui như mùa xuân tỏa nắng: “Năm nay mưa thuận nên lúa được mùa, lúa mới hạt gạo thơm ngon lắm, bà con chúng tôi thường nấu cơm lam và làm các loại bánh từ hạt lúa mới này”. Một loại đặc sản không thể thiếu từ hạt gạo của người Jrai chính là rượu cần. Ngày Tết, người Jrai nhà nào nhà nấy nấu rất nhiều rượu. Người ta cho rằng, rượu của họ là do Giàng (thần linh) bày cho cách làm, vậy nên khi muốn cầu thần linh chứng giám một việc gì đó, bắt buộc phải có rượu cần, phải như thế thì lời cầu nguyện của họ mới linh nghiệm. Chính vì sự thiêng liêng đó, nên tục uống rượu cần ngày Tết của dân tộc Jrai từ lâu đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng được cả làng tham gia.

Già làng Tây Nguyên kể chuyện Tết -0
Đội cồng chiêng đã sẵn sàng cho lễ hội mùa xuân của bà con Ia Le.

Hòa nhập ngày xuân

Không chỉ là người uy tín của làng, già Siu Gôk còn là một người lính cách mạng, sau ngày đất nước hòa bình, ông giữ chức Xã đội trưởng đầu tiên ở Ia Le. Ông gắn bó và gần gũi với buôn làng, trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà con đồng bào Jrai từ những ngày đầu mới lập làng còn nhiều gian khó và khác biệt so với người Kinh.

Ngày ấy, vì khác phong tục và lễ Tết nên làng người Kinh và người Jrai, Bana có sự xa cách. Hiểu được điều này, già Siu Gôk đã đi đầu trong việc hòa nhập văn hóa. Già nói, tuy khác phong tục tập quán nhưng chúng ta cùng nhau sống trên một dải đất, cùng uống chung dòng nước mẹ và cùng là con cháu Bác Hồ nên chúng ta là anh em một nhà. Khi Tết Nguyên đán về, già xách vò rượu cần hoặc túi gạo đi chúc Tết một số nhà người Kinh mà già quen biết. Già có bề dày kiến thức xã hội, nói chuyện vui vẻ hài hước nên câu chuyện cứ kéo dài mãi, tiếng cười không ngớt quanh mâm cơm ngày Tết. Học theo già, cánh thanh niên cũng rủ nhau tới nhà bạn bè người Kinh chúc Tết, nhưng lại toàn đi vào sáng mồng Một, khi gia chủ đang cần một người hợp tuổi tới xông đất, xông nhà. Sự vô tư này đôi khi khiến chủ nhà bối rối… Tuy nhiên, đó là những ngày đầu hòa nhập còn bỡ ngỡ, lạ lẫm. Những năm sau này, người Jrai không chỉ đi ăn Tết nhà người Kinh mà họ còn đón Tết Nguyên đán theo cách truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Ở bên làng Kênh Mek, cùng xã Ia Le, trưởng thôn Ksor Xương đã nuôi một đàn dê núi để chờ Tết Nguyên đán về. Số dê này anh mang bán và mổ thịt đãi khách tới chơi nhà chúc Tết. Chỉ mới 40 tuổi nhưng anh Ksor Xương đã được phong là người có uy tín của làng, thay mặt làng đi giao lưu văn hóa với các làng khác và đứng ra hòa giải việc trong nhà ngoài ngõ của làng.

Vẫn giữ phong tục của người Jrai nhưng từ lâu bà con làng Kênh Mek đã biết đón Tết Nguyên đán, biết giành những gì quý nhất cho ngày Tết và trong những cuộc vui, ai cũng gửi cho nhau lời chúc mừng năm mới chân thành nồng hậu nhất.

Già làng Tây Nguyên kể chuyện Tết -0
Công an xã Ia Le thăm hỏi, truyện trò cùng Trưởng thôn Ksor Xương.

Tháng Giêng về chạm lối nhỏ vào làng, mùi cà phê nồng nàn theo gió cuốn mãi lên áo người nông dân, vương đầy lên mái tóc lam lũ qua hai mùa mưa nắng. Ruộng rẫy gác lại, bà con trong các làng nô nức đi xát lúa để lấy gạo làm bánh và nấu rượu cần. Nhấp ngụm cà phê ngọt đắng, trưởng thôn Ksor Xương trải lòng: “Nhân có sẵn rượu, sẵn thịt, sẵn không gian thời gian tuyệt vời, sẵn lòng người đang phơi phới, lại cỏ cây mây trời như cũng bừng tỉnh sau những tháng mùa mưa dầm dề... Thế thì sau cái lễ cúng Giàng, cúng nghi lễ với các vị thần, với vạn vật cây cỏ, với tiền nhân... thì ta chiêng, ta xoang cho nó bõ bao ngày dồn nén, khát khao...”.

Anh Ksor Xương là thế hệ trẻ dân tộc Jrai, được về thành phố học cái chữ và sống bên ngoài bìa rừng nên tư tưởng đón Tết của thế hệ anh dễ dàng hòa nhập hơn bậc bô lão ngày xưa. Những năm sau này, cứ vào khoảng 29 Tết, đồng bào trong các làng đóng góp đụng heo, chuẩn bị rượu cần mang đến nhà cộng đồng cùng chung vui đón Tết. Dàn chiêng lại tấu lên những khúc nhạc tươi vui rộn rã, bà con chuyền tay nhau cần rượu, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống, ca hát và nhảy múa, trò chuyện, hóa giải những mâu thuẫn để mong đón một năm mới bình yên, ấm no. “Đó là sự hòa nhập với niềm vui của dân tộc, sau cuộc vui này mới đến ngày Tết của chúng tôi. Người Kinh chỉ có ba ngày Tết nhưng người Jrai, Bana thì có cả mùa Tết, kéo dài suốt cả mấy tháng đầu mùa khô. La đà lễ và kéo theo là hội”, anh Ksor Xương chia sẻ.

Những người sống lâu ở Tây Nguyên đều biết, nơi này mùa xuân thường đến muộn. Hãy lắng nghe mùa xuân, hay trong những “mùa ăn năm uống tháng”, tiếng chiêng trống rộn ràng trầm bổng vỡ òa bóng đêm của rừng, âm ỉ diệu vợi điệu pơ ngui (hát ru), điệu alư (hát giao duyên)… Đi giữa mùa xuân núi rừng, lạc trôi giữa các buôn làng, đắm chìm trong những sắc hoa, ta như say trong vũ điệu hoang dã, ché rượu cần đượm nồng rồi cảm tình đất tình người mà quên lối về. Để ta chợt nhận ra, bên cạnh biển trời tuyết trắng của hoa cà phê, có một mùa Tết độc đáo trên cao nguyên.

Ngọc Thiện
.
.