Gió qua miền gốm Phước Tích
Những đôi bàn tay đã vơi màu bùn đất. Lò nung cũng mất dần đi. Danh tiếng một thuở của tiền nhân với nghiệp gây dựng gần 500 năm cứ thế nhạt dần. Người làng gốm chênh chao nhớ mỗi khi gió thổi ngang qua miền Cố Đô.
Chênh chao gốm cổ
Giữa bến nước cùng những dòng sông, thấp thoáng những ngôi nhà vườn cổ kính, ở đó có một nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi… nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một khiến lòng người nghẹn lại. Thi thoảng trong không gian vắng lặng vọng lên một cung đàn xưa khiến những người khách lạ chênh chao nỗi nhớ. Một nỗi nhớ về làng nghề từng vang danh khắp xứ, ấy là nghề làm gốm ở làng Phước Tích.
Vẫy sấp nhỏ lại xem làm gốm khi chúng đang đi cùng gia đình tham quan làng, bà Tám, bà Bê đã ngoại thất thập cười bỏm bẻm bên bàn xoay cùng sản phẩm gốm đang dần hình thành dưới bàn tay điệu nghệ. Giọng xứ Huế của bà Nguyễn Thị Bê (73 tuổi, làng Phước Tích, (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dặt dìu kể, chốn này vốn có lịch sử đã ngoài 500 năm. Làng Phước Tích còn được gọi là xứ Cồn Dương, thuở trước là đất của người Chăm và đến khi Vua Chế Mân dâng tặng châu Ô và châu Lý cho Đại Việt làm quà cưới Huyền Trân công chúa thì đất này thuộc về người Việt. Và cứ thế, trong quá trình mở cõi, nhiều người đã đến và định cư ở đất này.
Hoàng Minh Hùng là vị khai canh của làng, từng dừng chân nơi đây sau hành trình theo Vua Lê Thánh Tông chinh phục Chiêm Thành vào năm 1470. Hơn 500 năm sau, con dân trong làng vẫn giữ mảnh đất cha ông dựng nghiệp và sinh sống trong những ngôi nhà rường trên 100 năm tuổi. Thế kỷ XVII-XVIII là giai đoạn phát triển thịnh đạt nhất của làng nghề gốm Phước Tích khi có hơn chục lò gốm và 12 bến nước quanh làng. “Xứ ni thuở trước có những lò gốm không bao giờ tắt lửa, trên bến dưới thuyền người bán người mua nườm nượp. Cứ coi đi, có những nhà lớn được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ, niên đại hơn 300 năm ở Xóm Giữa là thấy rõ hết, đó là thời kỳ hưng thịnh của Phước Tích”, bà Bê kể.
Sự tự hào về làng ánh lên trong đôi mắt của bà Bê, người một đời gắn với làng, gắn với nghề cổ truyền thống của làng. Đôi bàn tay bà sần chai nhuộm màu bùn non cả một đời người. Câu chuyện về làng bà kể vanh vách như từ trong trí nhớ, như từ trong sâu thẳm tâm thức và nỗi nhớ thương của mình. Cạnh bà Bê, bà Tám cũng thủng thẳng với chiếc bàn xoay mà rằng, ngày trước làm gốm được xem là nghề chính của làng. Cứ 5 đến 7 nhà họp lại với nhau mở một lò nung. Cả làng có khoảng mười mấy lò nung đặt dọc quanh nhánh sông Ô Lâu bao quanh làng. Sản phẩm làm ra bao gồm lu, chậu, om ngự… được tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Ánh mắt của bà Tám mơ hồ nhìn về phía xa, bảo rằng những vật dụng đất nung từ các lò gốm Phước Tích đã trở thành mặt hàng được các lái buôn theo đường sông đưa đến khắp cả nước. Một điều đăc biệt, gốm Phước Tích xưa kia đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất trong hoàng cung. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được trạm tinh tế và rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào. Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.
Bên bến sông Ô Lâu, trong không gian thanh bình của ngôi nhà rường đã hơn trăm năm tuổi, ông Lê Trọng Diễn (76 tuổi) mơ màng nhìn lên những bình gốm của mình. Bộ sưu tập gốm cổ có tuổi đời hơn 100 năm. Tất cả đều là gốm Phước Tích và ông Diễn dùng chính ngôi nhà rường của mình để làm thành một bảo tàng gốm nho nhỏ. Trầm mặc với bảo tàng cá nhân của mình, ông Diễn đầy trăn trở. Chiến tranh đã khiến nhiều người làng gốm ly tán. Sau năm 1975, người làng họp nhau để mở lại nghề gốm. Cả làng đã xây dựng 1 lò cốc, lò thanh sản xuất các đồ dùng trong gia đình và nghề gốm đã có giai đoạn “lên hương” khi sản phẩm có thêm nhiều mẫu mới, có cả gốm thô sơ và gốm tráng men…. Đây là giai đoạn thịnh hành nhất của nghề gốm Phước Tích mà đặc biệt khi được thành lập hợp tác xã để sản xuất. Nhưng rồi trước cơn lốc của thị trường với nhiều sản phẩm gốm giá rẻ tràn ngập, người làng gốm chênh chao khi sản phẩm không thể cạnh tranh được với các mặt hàng mới. Làng gốm cứ thế lụi dần, đến bây giờ số người làm gốm trong làng đếm không quá một bàn tay.
Ông Diễn bảo, ở làng bây giờ chỉ còn vài người thạo nghề gốm, như bà Tám hay bà Bê, ông Diễn, và chủ lò gốm còn lại duy nhất trong làng là anh Lương Thanh Hiền chuyên sản xuất và giới thiệu nghề làm gốm. Ông Diễn, vẫn với niềm nuối tiếc của mình cứ nói mãi về gốm Phước Tích với hết người này đến người khác khi đến tham quan ở làng cổ này. Gốm Phước Tích được nung rất kỹ, lò đắp kiên cố nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế mà sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt. Chính vì thế, gốm Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền và tinh xảo, bởi được làm bằng tay và đun bằng củi. Từng đoàn khách đến và khách đi, ông Diễn lại gửi vào đó nỗi niềm của mình với gốm, chênh chao và day dứt.
Niềm mong mỏi bên dòng Ô Lâu
Trong thanh mát đầu hè, làng Phước Tích là một trong bốn ngôi làng cổ của Việt Nam được công nhận là di tích quốc gia. Sau khi được công nhận, đến nay làng cổ Phước Tích đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhưng vẫn trăn trở một nỗi niềm. Ông Hồ Văn Tư (82 tuổi), lão làng trong nghề gốm cũng không khỏi tiếc nuối khi nghề gốm với tuổi đời gần 500 năm của làng có nguy cơ thất truyền. Người làng không còn mặn mà với gốm, những người trẻ cũng đi học hay đi làm ăn xa, làng chỉ còn lại một số người cặm cụi với gốm và làm du lịch. Ông Tư âu lo, rằng nếu không nhanh có lẽ nghề gốm của làng có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Nỗi lo ấy của ông, cũng là nỗi lo của người làng, nhất là những người nặng lòng với gốm cổ như bà Tám hay bà Bê, ông Diễn, hay anh Hiền.
Nghề gốm cổ từng vang danh như thế, từng được chọn để dùng trong hoàng cung ngày trước lẽ nào lại bị mai một? Câu hỏi ấy khiến nhiều người phải đau đớn. Nhưng mới đây vào ngày 18/3/2023, tại làng cổ Phước Tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế và UBND huyện Phong Điền tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững”. Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng, định hướng phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích, cùng với đó gắn nghề gốm với phát triển du lịch bền vững. Đó là, làm thế nào để việc phục hồi nghề gốm truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa làng nghề phải đem đến giá trị thiết thực cho cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương cũng như ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, hay xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa làng và nghề gốm truyền thống Phước Tích…
Làng cổ Phước Tích với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chămpa, làng gốm cổ... đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Và nhiều người đến tham quan làng cổ, ngoài những di tích văn hóa một thời, thì tự tay làm gốm cũng đã trở thành một trải nghiệm thú vị với từng người. Một hướng phát triển mới gắn với du lịch cũng được mở ra cho làng khi khách du lịch khi đến thăm có thể thực hành làm gốm, tham gia vào các công đoạn cho đến khi hoàn chỉnh một sản phẩm gốm đất nung dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Những sản phẩm do du khách tự tay làm sẽ được cho vào lò nung chín và du khách mang về.
Người làng gốm đã được thắp lên hy vọng cho trăm năm nghề cổ của mình. Dẫu còn cả một chặng đường dài và nhiều truân chuyên cho nghề gốm của làng cổ, nhưng chí ít có được sự quan tâm của các bộ ban ngành và chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, gốm Phước Tích im vắng lò nung bao năm qua chắc chắn sẽ lại đỏ lửa. Người làm gốm trong làng sẽ hy vọng được sống lại với nghề, và gốm Phước Tích không chỉ đơn thuần là vật dụng thường nhật, mà có thêm nhiều vai trò khác như một vật lưu niệm để trưng bày cho mỗi chuyến đến và đi của du khách ở đất này. Cơ hội để khôi phục lại nghề cổ, có lẽ mỗi hộ dân ở Phước Tích hôm nay chắc chắn đều góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của một ngôi làng bên dòng Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng ấy.
Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Ban quản lý làng cổ Phước Tích cho biết: Thời gian qua, người Phước Tích luôn trăn trở với việc định hình sản phẩm mới, cải tiến kỹ thuật nhằm níu giữ sự tồn tại cho làng nghề. Thợ gốm Phước Tích đã tiếp thu kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ, đồ gốm trang trí nội thất. Hiện nay, du lịch Phước Tích có 9 loại hình dịch vụ du lịch như tham quan nhà rường, lưu trú, ẩm thực, xe đạp, quảng diễn nghề gốm, làm bánh, giao lưu văn nghệ,…Các dịch vụ hầu hết được phục vụ chu đáo, nhiệt tình, mến khách góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóađịa phương của du khách. Với dự án phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững, người Phước Tích hy vọng sẽ khôi phục và phát triển được nghề truyền thống của mình.