Hà Nội căng mình sau siêu bão
Cơn bão số 3 được xem là một trong những cơn bão mạnh và gây thiệt hại nặng nề nhất đối với Hà Nội trong nhiều năm qua. Nhưng, với những nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng trong việc khắc phục hậu quả cơn bão đã giúp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Sau khi bão số 3 đổ bộ, nhiều khu vực của Hà Nội rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, đặc biệt là ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa và Hà Đông. Các tuyến đường lớn bị ngập sâu trong nước, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân. Hàng nghìn ngôi nhà bị nước lũ tràn vào, khiến nhiều hộ gia đình phải sơ tán khẩn cấp.
Cơn bão mạnh đã làm hàng loạt cây xanh lớn tại các tuyến phố bị đổ gãy, cản trở giao thông và gây hư hỏng nhiều phương tiện giao thông. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3, số cây xanh bị gãy đổ, hư hại trên toàn địa bàn Hà Nội đã lên đến con số kỷ lục. Tính đến chiều 8/9, Hà Nội đã ghi nhận hơn 25 nghìn cây đổ, gãy, hư hại, tập trung nhiều ở khu vực các quận, huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm...
Trước hiện trạng trên, từ đêm 7/9, phía Công ty Cây xanh Hà Nội đã huy động gần 600 cán bộ, nhân viên với 80 phương tiện, 200 cưa máy để dọn dẹp cây bị ngã đổ. Ngoài ra, các quận, huyện của Hà Nội cũng huy động hàng nghìn người, phương tiện tại chỗ để xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế cây mới theo quy định.
Có thâm niên hàng chục năm làm việc tại Công ty Cây xanh Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hùng (Ý Yên, Nam Định) chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến cây xanh gãy đổ, hư hại nhiều như những ngày qua. Do cây xanh gãy đổ nhiều, Công ty Cây xanh Hà Nội phải huy động tối đa quân số, phương tiện để cắt tỉa, đánh chuyển cây bị gãy đổ, tuy nhiên vẫn không xuể. Đến nay đã gần 1 tuần trôi qua nhưng các thành viên trong đội chúng tôi vẫn chạy khắp thành phố để cứu hộ, dọn dẹp cây. Công suất làm việc của chúng tôi gấp 5, gấp 10 những ngày thường. Mọi người đùa nhau bảo, chắc chỉ ngoài thời gian ăn và ngủ là không liên quan đến cây thôi”.
Nằm trong số những lực lượng trọng điểm trong việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã chủ động lên kế hoạch ứng phó từ sớm, tăng cường nhân lực và vật tư để kịp thời xử lý sự cố. Bão số 3 đi qua, nhiều khu vực tại Hà Nội cây cối đổ gãy, nhà xưởng tốc mái bay vào đường dây điện, trạm biến áp khiến hệ thống lưới điện bị mất. Với tinh thần giữ cho Thủ đô luôn sáng đèn, hàng nghìn cán bộ, công nhân viên của các đơn vị trực thuộc EVNHANOI đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, tập trung vào công tác sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Trước tình hình Hà Nội chịu hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, tối 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã gửi các cơ quan, đơn vị của thành phố Công điện số 12/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Chiều 11/9, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh tiếp tục ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. TP Hà Nội chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, đảm bảo nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Sở Y tế kịp thời cung cấp cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai...; Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông phục vụ công tác vận chuyển hàng hóa cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời phân luồng, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; phối hợp các lực lượng ứng trực 24/24h; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập...
Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân
Trong ngày 9 và 10/9, các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND TP Hà Nội đã trực tiếp đi kiểm tra tại nhiều địa bàn và có những chỉ đạo kịp thời trên thực địa. Trưa 10/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã dự cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đang diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, công tác di dời người, tài sản vẫn đang được khẩn trương tổ chức. Theo đó, ngay trong đêm 10/9, sở chỉ huy tiền phương và các lực lượng đã hoàn thành việc sơ tán 1.059 nhân khẩu của 276 hộ, thuộc 6 địa bàn dân cư đến nơi an toàn.
Đặc biệt, với tinh thần tương thân tương ái, nhằm đảm bảo các trường hợp người dân, chủ yếu là người cao tuổi phải di dời tránh lũ yên tâm khi đến nơi ở tạm thời, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch đã ủng hộ chăn gối, các hội đoàn thể, tổ dân phố tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm, đặc biệt lực lượng cán bộ UBND, công an, y tế, dân quân thường trực sẽ ứng trực 24/24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt, khách sạn 5 sao Pan Pacific sẽ đảm bảo các suất ăn trong ngày đầy đủ dinh dưỡng...
Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có 4 phường nằm ngoài đê sông Hồng và 5 phường ngoài đê sông Nhuệ. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn khu vực thượng nguồn, dẫn đến nước lũ trên sông Hồng dâng cao rất nhanh, gây nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, Công an quận Bắc Từ Liêm đã chủ động thành lập 14 chốt cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối ko để nhân dân và các phương tiện đi ra ngoài khu vực đê nguy hiểm.
Với tốc độ nước dâng nhanh, sự nguy hiểm rình rập người dân, thực hiện chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, từ chiều và tối và xuyên đêm 10/9, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an quận, công an các phường cùng lực lượng dân quân tự vệ, quân sự phường đã và tiếp tục đồng hành, hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, có phương án hỗ trợ khắc phục, gia cố các điểm đê xung yếu trong điều kiện mưa lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, đồng chí Bí thư Quận ủy Lưu Ngọc Hà cùng các đồng chí lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm và Ban chỉ huy Công an quận đã trực tiếp xuống địa bàn, có mặt tại các điểm xung yếu, ngập úng, có nguy cơ sạt lở để kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo các công tác cứu nạn, cứu hộ, di dời các hộ dân đến nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Bắc Từ Liêm, công an các phường phối hợp cấp ủy, chính quyền, cùng lực lượng dân quân tự vệ, quân sự các phường đã trực tiếp đến từng nhà đang sinh sống ở ngoài đê sông Pheo, Cầu Đá, sông Hồng, sông Nhuệ để vận động và hỗ trợ người dân sơ tán và di dời tài sản đến nơi tránh trú an toàn.
Đến nay, Công an quận Bắc Từ Liêm đã di dời 963 hộ với 4.621 nhân khẩu ra khỏi nơi có nguy cơ mất an toàn đến các nhà văn hóa, trường học... trên địa bàn quận đảm bảo an toàn, cung cấp đồ ăn, nơi ngủ nghỉ trong thời gian sơ tán cho toàn bộ người dân, đồng thời, đảm bảo nơi chứa tài sản, vật nuôi an toàn trong thời gian di dời để nhân dân yên tâm thực hiện phòng, chống bão lũ.
Sáng 10/9, nước sông Hồng dâng cao gây ngập úng nhiều nơi, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do nước sông Hồng dâng cao, gây ngập úng, tiềm ẩn nguy hiểm, nên ngay trong đêm 9/9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Phúc Xá (Ba Đình) đã họp khẩn, huy động các lực lượng chức năng di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ở bãi sông Hồng và khu vực xóm trọ sát mép bờ sông đến nơi lưu trú an toàn tại nhà văn hóa trong phường.
Nằm sâu trong phố Tân Ấp, chị gái của bà Phạm Thị Thu Hà đã bị liệt nhiều năm nay, gia đình neo đơn chỉ có hai mẹ con, nước lũ dâng cao tràn vào nhà khiến việc sơ tán ra khỏi vùng nước lũ gặp nhiều khó khăn. Bà Hà tìm cách liên hệ với cơ quan chức năng và rất nhanh, lực lượng chức năng đã đến và cõng bà Hà ra khỏi vùng ngập sâu. Bà Hà xúc động nói: “Nhà chị tôi chỉ có một mẹ một con, con trai thì đang lo chuyển đồ. May nhờ được các anh cứu hộ nên chị tôi đã được an toàn. Thực sự là các anh, các bác nhiệt tình lắm khiến người dân chúng tôi rất biết ơn”.
Thượng úy Nguyễn Đức Ánh, Ban chỉ huy quân sự quận Ba Đình cho biết: “Lực lượng của chúng tôi đã trực ở đây 24/24, đảm bảo di dời người dân tại những khu vực nước đang lên. Ngoài ra cũng bảo đảm những vị trí chốt chặn để không cho người dân quay lại nhà vì lo lụt bão.
Các lực lượng của quận Ba Đình đã hỗ trợ di chuyển các cơ sở khám chữa bệnh của 2 bệnh viện trên địa bàn để đảm bảo duy trì hoạt động khám, chữa bệnh; di dời 93 hộ với 258 nhân khẩu đến nơi an toàn (đây là những hộ nhà cấp 4), cũng như đã hỗ trợ chuyển 3 người dân trên địa bàn phường bị bệnh đi cấp cứu kịp thời, đồng thời đã chuyển bộ phận một cửa của UBND phường Phúc Xá đến địa chỉ 64 Yên Phụ đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tương tự, quận Tây Hồ cũng bố trí lực lượng chức năng ứng trực tại các khu vực Yên Phụ, Tứ Liên, Phú Thượng, Nhật Tân đồng thời tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân sinh sống, canh tác tại khu vực bị ngập di dời người, tài sản tới nơi an toàn. Quận đã di dời 245 nhân khẩu tại khu vực bãi sông Hồng và bãi giữa sông Hồng đến nơi an toàn. UBND phường Phú Thượng đã chuẩn bị phương án di dời khoảng 1.116 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu về trung tâm văn hóa của phường và nhà sinh hoạt các tổ dân phố trong trường hợp các tổ dân phố ngoài đê trên địa bàn bị ngập ở mức nguy hiểm.
Những nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng Hà Nội trong việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đã giúp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân. Dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao độ, TP Hà Nội đang dần vượt qua khó khăn và lấy lại sự bình yên vốn có.