Hành trình “Trở về để tái sinh” của chàng trai xứ Mường

Thứ Hai, 26/05/2025, 19:45

Sau một tai nạn xe máy, bác sĩ đã nói gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng rồi, bằng một phép màu nào đó, Quách Văn Sơn đã sống. Khi bước qua cửa tử cũng là lúc anh biết mình đã mất mẹ, rồi sau đó mất cả bố, còn bản thân thì liệt tứ chi. Tuyệt vọng, Sơn nhiều lần tự sát nhưng bất thành.

Khi không thể chết, anh đã chọn cách sống thật ý nghĩa. Vừa qua, anh đã xuất bản cuốn tự truyện “Trở về để tái sinh” như một cách truyền cảm hứng tới cộng đồng những người khuyết tật.

Sóng gió cuộc đời

Ngồi lặng lẽ ở một góc phòng quan sát những đứa trẻ say sưa đọc sách, đôi mắt Quách Văn Sơn (sinh năm 1988, trú tại xóm Sỳ, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) ánh lên niềm vui. “Không gian đọc” do chính anh gầy dựng giờ đã trở thành điểm đến của không chỉ trẻ em mà còn nhiều người dân yêu sách nơi đây.

Trò chuyện với chúng tôi, Quách Văn Sơn đã thốt lên: “Mình không nghĩ lại có mình của ngày hôm nay”. Sở dĩ, anh nói ra câu đó là bởi cuộc đời anh đã phải trải qua rất nhiều biến cố. Đã có những giây phút “thập tử nhất sinh”, gia đình chỉ chờ mang anh về lo hậu sự. Nhưng rồi, bằng cách nào đó, Quách Văn Sơn đã sống, và quan trọng hơn, anh đã sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa.

Hành trình “Trở về để tái sinh” của chàng trai xứ Mường -0
Sơn và cô Quách Thị Nưng chụp ảnh kỷ niệm trong một lần quay chương trình “Trạm yêu thương” của VTV.

14 năm về trước, trong một lần đến nhà bạn bè vay tiền lo trang trải viện phí cho mẹ mổ u ác (mẹ của anh Sơn mắc ung thư giai đoạn cuối - PV), chiếc xe của anh gặp nạn. Khi được mọi người đưa xuống Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, toàn thân của anh đã bất động. “Lúc đó dù toàn thân không thể cử động được nhưng đầu óc mình vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Mấy ngày sau đó mình liên tục mơ về mẹ nhưng khi mình đòi gọi điện thoại nói chuyện với mẹ thì mọi người cứ lấy cớ lảng tránh. Linh tính có điều không lành, mình ép mọi người phải nói thật thì nhận được câu trả lời mẹ đã mất rồi. Lúc đó mình đã bị sốc và bệnh tình chuyển biến nặng. Trong lúc mơ màng mình nghe bác sĩ khuyên mọi người trong gia đình nên đưa mình về sớm lo hậu sự”.

Gần 10 ngày ở Bệnh viện Việt Đức, vì chấn thương quá nặng nên không thể tiến hành mổ tủy sống cổ, Sơn được chuyển qua Bệnh viện Bạch Mai để phục hồi. Tuy nhiên, Sơn cũng chỉ ở lại đây chưa đầy 20 ngày thì gia đình xin về vì hết tiền chạy chữa. Theo lời anh chia sẻ thì khi ấy có bao nhiêu tiền bạc, gia đình đã lo thuốc thang cho mẹ hết rồi.

Trở về nhà với sức khỏe gần như bằng không, chân tay không thể cử động khiến anh chỉ nghĩ đến cái chết. “Trong đầu mình lúc nào cũng nung nấu ý nghĩ sẽ kết liễu đời mình để không trở thành gánh nặng cho người thân. Nhưng, với cơ thể bất động ấy, mình không thể nghĩ ra được cách tự sát nào khả thi mà chỉ biết tuyệt thực chờ kiệt sức”.

Vợ mất, con trai bị tai nạn liệt tứ chi khiến bố của anh Sơn dù đang khỏe mạnh cũng gục ngã. Ông chán nản và dùng rượu để quên đi nỗi đau, không lâu sau đó, ông cũng đi theo bà.

Thời điểm bị tai nạn, anh Sơn đã có vợ và đứa con trai nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Khi gia đình khánh kiệt tiền bạc, vợ anh đã gửi chồng nhờ anh trai chăm sóc để đi làm công nhân. Nhưng, chỉ vài tháng đi làm xa nhà, khi trở về, thái độ của vợ anh đã khác. Từ lời ăn tiếng nói đến những cử chỉ dành cho chồng đã không còn như xưa. “Lúc đó thì mình hiểu cần phải giải thoát cho cô ấy, để cô ấy có cơ hội làm lại cuộc đời”, anh kể lại.

Chỉ trong một thời gian ngắn, sóng gió cứ dồn dập đổ lên cuộc đời. Anh bảo, lúc đó mình còn gì nữa đâu mà thiết sống. Đúng lúc bi quan, tuyệt vọng nhất, anh Sơn được biết đến những người tuyệt vời như cô Kim Sao Nhua và cô Ruby Nguyễn. Nhờ các cô, anh được học về cân bằng thân - tâm - trí và biết cách thiết kế cuộc đời cho chính mình. Cũng tại thời điểm đó, anh tình cờ biết đến Nick Vujicic - người đàn ông không chân, không tay nhưng có thể làm mọi việc như người bình thường và đi khắp nơi trên thế giới truyền cảm hứng cho mọi người.

Khi ấy, thay vì việc giam mình đau khổ trong bốn bức tường, Quách Văn Sơn bắt đầu tìm đến sách. Trong nhà có cuốn sách gì, anh mang ra đọc hết, thậm chí là đọc đi đọc lại. Sau đó, khi những người quen biết anh thích đọc sách đã mang sách đến tặng anh. Sau vài tháng, anh Sơn có được tủ sách nhỏ của riêng mình. 

Rồi, như một nhân duyên, qua mạng xã hội, anh Sơn biết đến anh Đỗ Hà Cừ (quê Thái Bình) cũng là một người khuyết tật nặng. Anh Cừ đã sáng lập Không gian đọc Hy Vọng (năm 2015) và thu hút hàng trăm lượt bạn đọc mỗi tháng. Cùng tình yêu với sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, anh Cừ đã động viên anh Sơn mở một không gian đọc. Anh Sơn nhớ lại: “Ban đầu, mình nghĩ việc đó khó khả thi lắm. Vì quê mình dân cư thưa thớt, lại đa số bà con là người dân tộc thiểu số, văn hóa đọc gần như không có. Thế nên, mình còn sợ kể cả có mở được không gian đọc thì cũng làm gì có ai đến đâu. Nhưng rồi, mình lại tự động viên, nếu không thử thì làm sao biết được kết quả thế nào”. 

Hành trình “Trở về để tái sinh” của chàng trai xứ Mường -0
Những đứa trẻ hào hứng tới “Không gian đọc” của chú Sơn.

Quyết là làm, những ngày đầu anh Sơn lên mạng đăng bài trên trang cá nhân, inbox cho từng người mà anh cho là khả thi. Các ngón tay co quắp, anh phải gõ bàn phím bằng đốt tay nhưng không vì thế mà nản. “Lúc đầu, mình chỉ dám xin một tủ sách cho trẻ em trong xóm đọc nhưng trong vòng một tháng có tới hàng trăm cuốn sách được gửi về, kể cả tiền tài trợ. Đã có lúc nhận sách mà mình bật khóc vì hạnh phúc, bởi vì mình biết việc làm của mình là đúng đắn nên mới được mọi người ủng hộ nhiều thế. Sau này, lúc cao điểm nhất, số lượng sách trong “Không gian đọc” của mình lên tới hơn 1.000 cuốn”, anh tâm sự.

Cô giáo Bùi Thị Lợi (xã Mỹ Thành) không giấu được niềm vui khi thấy các học trò của mình rủ nhau đến “Không gian đọc” của chú Sơn ngày một đông. Cô chia sẻ: “Đây là huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua sách, truyện cho con cái đọc. Từ khi chú Sơn mở ra “Không gian đọc” này đã giúp nhiều em nhỏ có cơ hội tiếp xúc với văn hóa đọc. Ngoài ra, cũng giúp được các em rời xa điện thoại, tivi và tránh xa những chỗ nguy hiểm như sông, suối”.

“Trở về để tái sinh”

Năm 2024, Quách Văn Sơn xuất bản cuốn tự truyện “Trở về để tái sinh”. Cuốn sách đã lan tỏa những năng lượng tích cực tới cộng đồng những người khuyết tật. Nhiều người, sau khi đọc “Trở về để tái sinh”, đã gửi tới anh những lời tri ân sâu sắc. Đọc sách của anh, họ không chỉ được tiếp thêm nghị lực sống mà thậm chí còn muốn sống một cuộc đời thật sự ý nghĩa.

Khi hỏi cơ duyên nào khiến anh ấp ủ và cho ra đời cuốn tự truyện “Trở về để tái sinh” thì Sơn cười, đáp rằng: “Trước đó, mình tham gia cộng đồng người khuyết tật thì thấy ở đó có rất nhiều người mang năng lượng tiêu cực. Trong đầu họ lúc nào cũng chỉ nghĩ mình là người vô dụng, là gánh nặng cho người thân và xã hội và họ gần như mất hết động lực để sống. Chứng kiến những lời than thở như thế, mỗi ngày mình cảm thấy bất ổn quá. Và, mình nghĩ, cần phải làm được điều gì đó ý nghĩa để giúp những người đồng cảnh ngộ của mình vượt qua mặc cảm”.

Nghĩ là vậy nhưng anh Sơn cũng chưa biết mình phải làm gì và bắt đầu từ đâu. Chỉ đến khi nghe tin một người anh quen biết vừa kết thúc cuộc đời vì không vượt qua được cảm giác tự ti, Sơn mới nung nấu viết tự truyện. Anh bảo: “Mình viết không phải để kể về nỗi đau của mình mà để đánh thức niềm tin trong mỗi con người”.

Nhưng, khi bắt tay vào viết, anh gặp không ít trở ngại. Các ngón tay không co duỗi được bình thường nên anh phải gõ bằng các đốt ngón tay. “Mình gõ được khoảng 5 trang thì cảm thấy đuối sức, hơn nữa, với tốc độ gõ như vậy thì chắc 10 năm cũng không ra nổi tự truyện. Lúc đó mình đành đánh liều gọi điện cho một chị biên tập quen, đề xuất mình sẽ ghi âm và nhờ chị gõ hộ. Không ngờ, chị đồng ý liền. Chị cũng nói giúp được gì chị sẽ cố gắng hết sức”.

Sau bao ngày tháng ấp ủ, cuối cùng đứa con tinh thần của Quách Văn Sơn đã “chào đời”. Việc đầu tiên Sơn làm khi nhận được sách là dành tặng hơn 200 cuốn cho những bạn cùng cảnh ngộ. Sơn muốn động viên, tiếp thêm sức mạnh để họ có được sự tin trong cuộc sống. Sau khi đọc cuốn sách của Sơn, Thùy Trang - một người khuyết tật đã nhắn nhủ: “Mấy tháng nay mình vừa trải qua nỗi đau lớn trong giai đoạn bệnh tật nên mình đang rất buồn. May nhờ có cuốn sách của bạn, mình đã vực dậy được tinh thần. Trước đây, mình cứ sống mãi trong quá khứ, không thoát ra được. Nhưng, giờ mình sẽ sống cho hiện tại”.

Một tài khoản “Quyền tinh tấn” cũng đã inbox cho Sơn với những dòng đầy biết ơn: “Sáng nay, trong câu lạc bộ đọc sách cùng các anh chị em thiện hữu trong ngôi nhà Dưỡng tâm nâng tầm, đến đoạn cô Ruby nói về bạn, tôi đã đọc và đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi biết ơn bạn đã hiện hữu trên cuộc đời này và truyền cảm hứng cũng như sự cho đi hào phóng của bạn. Xin tri ân và biết ơn bạn”. “Trở về để tái sinh” đã thực sự truyền cảm hứng tới cộng đồng người khuyết tật. 

Hành trình “Trở về để tái sinh” của chàng trai xứ Mường -0
Sau bao ngày ấp ủ, đứa con tinh thần “Trở về để tái sinh” đã chào đời.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Quách Văn Sơn luôn nói rằng: “Nếu không có cô thì sẽ không có Sơn của ngày hôm nay”. Người cô mà anh nhắc đến là Quách Thị Nưng (55 tuổi), người đã ở bên và chăm sóc anh suốt 14 năm qua.

Khi anh từ Bệnh viện Bạch Mai về nhà, cô Nưng đã lên thăm anh. Thấy anh nằm một chỗ lại thiếu người chăm sóc nên cô ngày ngày đạp xe qua nhà chăm sóc anh. Cô cho biết: “Hồi đó, tôi còn phải ở nhà chăm sóc mẹ già nên cứ đi đi lại lại chăm sóc hai nơi. Khoảng 2 năm sau, mẹ tôi qua đời thì tôi chuyển hẳn đến chăm sóc Sơn. Vợ nó đi rồi, anh trai chị dâu cũng phải đi làm xa để kiếm tiền trả nợ viện phí cho mẹ, cho em nên nhà chẳng còn ai. Tôi nghĩ, nếu mình không giúp thì Sơn cũng chết. Nghĩ vậy nên tôi quyết định dọn về cùng nhà chăm sóc cháu”.

Hằng ngày mọi sinh hoạt của Sơn đều phụ thuộc vào người cô họ. Mỗi ngày, bà Nưng dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, dùng hết sức lực của người phụ nữ ngoài 50 nhấc anh Sơn lên xe lăn để vệ sinh cá nhân, cho anh ăn sáng, tập vật lý trị liệu rồi lại tập tiếp vào buổi chiều, tối. Mãi sau này, anh nhờ người quen chế ra chiếc máy tời hỗ trợ. Khi muốn di chuyển Sơn, cô Nưng chỉ cần bấm nút điều khiển máy tời “gắp” cơ thể anh từ giường đặt vào xe lăn. 

Hơn 10 năm qua, hai cô cháu nương tựa vào nhau. Hiện, hai cô cháu Sơn đang có một quán tạp hóa nhỏ. Ngoài ra, Sơn cũng lên mạng bán những đặc sản của quê mình do các anh chị, cô chú tự làm. Anh bảo, những ngày tháng cơ cực nhất đã qua rồi. Giờ anh đã thực sự trở về và tái sinh một cuộc đời mới như lời anh nói: “Tôi là Sơn, tôi đã ngã, đã đau nhưng chưa từng bỏ cuộc. Và, tôi viết “Trở về để tái sinh” không phải để kể về nỗi đau của mình mà để đánh thức niềm tin trong mỗi con người. Thế giới này cần tôi và cũng cần bạn. Vì không ai khác có thể thay thế bạn tạo ra giá trị của chính mình. Tôi sống để mỗi ngày không là vô nghĩa. Tôi sống để không uổng một kiếp đến nhân gian này”.

Phong Anh
.
.