Hãy tỉnh táo trước bẫy fake news

Thứ Sáu, 13/08/2021, 08:04

Fake news (tin giả) đang là từ khóa rất hot vào ngày 8-8, sau khi thông tin về “bác sĩ Trần Khoa”, người đã tạo nên câu chuyện đầy tính drama trên mạng xã hội được xác định là tin giả.

Đã có nhiều người đọc rơi nước mắt, nhiều facebooker chia sẻ, nhiều KOLs (người có ảnh hưởng)... lan tỏa câu chuyện và trong đó có cả người làm báo chuyên nghiệp cũng bị cảm xúc dẫn dắt. Bẫy fake news không mới nhưng người đọc vẫn “dính đòn”. Đặc biệt giữa lúc cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19 như hiện nay, tin giả chẳng khác gì thứ virus độc hại, tác động xấu đến đời sống xã hội nói chung cũng như hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng.

Tin giả ngày càng tinh vi

Trở lại câu chuyện tin giả “bác sĩ Trần Khoa” để thấy, fake news đã gây nhiễu loạn thế nào đối với đời sống xã hội. TP Hồ Chí Minh đã qua hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa hết nóng. Số ca mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn ở số hàng nghìn, người bệnh tử vong vẫn tăng hằng ngày, đội ngũ nhân viên y tế làm việc căng như dây đàn... Trong bối cảnh đó, ngày 7-8, trên mạng xã hội xuất hiện status của nick name Trần Khoa. Facebook này chia sẻ câu chuyện vô cùng cảm động, quyết định hy sinh tình thân khi rút máy thở của mẹ mình để cứu sản phụ...

Hãy tỉnh táo trước bẫy fake news -0
 Tài khoản bác sĩ “Trần Khoa” chia sẻ câu chuyện bịa đặt nhưng gây xúc động mạnh trong cộng đồng và câu chuyện của “bác sĩ Khoa” đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Status của “bác sĩ Trần Khoa”, hình ảnh 2 bé sơ sinh vừa chào đời ngoài “thông điệp” về sự hy sinh cao cả của vị bác sĩ, còn khiến người ta bàng hoàng, hoang mang về sự quá tải nghiêm trọng của hệ thống y tế.

Nhưng, chỉ sau vài giờ, nhiều tài khoản mạng xã hội (MXH) đã chỉ ra sự bất thường trong bài viết của “bác sĩ Khoa”, nhất là khi họ chỉ ra 2 bức ảnh trẻ sơ sinh đó được đăng tải trên tài khoản của bác sĩ Cao Hữu Thịnh vào thời điểm trước ngày 7-8. Khi khởi tạo tin giả này, hẳn kẻ chủ mưu đã nghĩ đến việc đăng tải thêm 2 bức ảnh để tạo nên sự tin cậy. Nhưng, chính sự “tin cậy” này đã bị cộng đồng mạng bóc phốt. Và, sự thật được phơi bày khi bác sĩ Cao Hữu Thịnh (bác sĩ từng công tác ở Bệnh viện Từ Dũ), người bế trên tay 2 bé sơ sinh đã lên tiếng, chính ông chứ không phải ai khác đã đón 2 bé chào đời vào 2 thời điểm khác nhau chứ không phải song sinh.

Ngày 8-8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lên tiếng xác nhận, câu chuyện của “bác sĩ Khoa” được đăng tải trên mạng xã hội (MXH) là hư cấu. Hiện, Công an Tp Hồ Chí Minh đang xác minh, làm rõ nguồn gốc “bác sĩ Khoa”.

Sau khi thông tin rút máy thở của “bác sĩ Khoa” được xác định là tin giả, nhiều cư dân mạng “than thở” đã phí hoài nước mắt, nhiều chủ tài khoản lặng lẽ gỡ bài, người dũng cảm thì viết lời xin lỗi. Qua sự việc này để thấy, ai trong chúng ta cũng rất dễ rơi vào bẫy fake news. Nhẹ thì để cảm xúc của mình bị dẫn dắt bởi những điều không có thực, nặng hơn có thể sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì chia sẻ, lan tỏa tin giả. Có một thực tế chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, trong cuộc chiến chống “giặc COVID”, đã có rất nhiều đối tượng tung ra “virus tin giả”.

Thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, từ năm 2020 đến nay, đơn vị này và công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật. Những con số nêu trên cho thấy, Cơ quan công an đã nỗ lực thế nào để dẹp nạn tin giả ăn theo dịch COVID-19. 1.800 đối tượng bị xử lý đã tung ra bao nhiêu con “virus tin giả” độc hại? Những con “virus” này đã cản trở, phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch trong làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất, thứ hai, thứ ba và làn sóng thứ tư như thế nào? Rõ ràng, tính chất phức tạp, độ tinh vi của kẻ khởi tạo tin giả ngày càng cao tay hơn.

Hãy tỉnh táo trước bẫy fake news -0
 Cơ quan Công an đấu tranh với đối tượng tung tin giả.

Tránh bị dẫn dắt

Tháng 3-2020 là thời điểm tin giả liên quan đến dịch COVID-19 đang bùng nổ. Dịch bệnh đã khiến đời sống xã hội bị xáo trộn, cộng thêm những thông tin sai lệch khiến người ta càng trở nên hoang mang. Làm thế nào để hạn chế tin giả? Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông LeBoss lúc đó đã lập fanpage “chung tay phòng, chống fake news dịch cúm Corona 2019 - NcoV”. Đây là việc làm vô cùng thiết thực, đã kết nối cộng đồng mạng và cùng nhau lật tẩy tin giả.

Trả lời câu hỏi của tôi, ông Vinh nhận định rằng: “Phát tán fake news có 2 loại. Một là do không có kiến thức, nhẹ dạ, mà chia sẻ. Loại thứ hai là cố tình tạo ra fake news. Cần có những khung hình phạt tương xứng. Tôi ủng hộ những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với tội phát tán fake news, đặc biệt trong tình huống nghiêm trọng “chống giặc” COVID-19 như hiện nay”.

Ngày 8-8, sau sự việc “bác sĩ Khoa”, ông Vinh chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Ai cũng có thể là nạn nhân của tin giả. Chúng ta dễ tin vào tin giả, bởi nó sinh ra để thao túng tâm lý, suy nghĩ và hành vi của công chúng. Chỉ cần nó phù hợp phần nào với định kiến của chúng ta, thì lập tức chúng ta tin nó, thậm chí chẳng buồn kiểm chứng có đúng hay không, bấm like, share, thậm chí là thêm bớt ít nhiều để khẳng định thêm chính kiến của mình, vô tình hoặc hữu ý gia tăng mức độ ảnh hưởng của tin giả”. Quả thực, để tránh không rơi vào cái bẫy của tin giả, không bị dẫn dắt bởi tin giả không dễ.

Thiếu tá Lê Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, tin giả ăn theo COVID -19 có thể xếp thành 7 loại:

Tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; xuyên tạc chính sách phân bổ vaccine của Bộ Y tế, bịa đặt thông tin về công dụng, hiệu quả vaccine COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Hãy tỉnh táo trước bẫy fake news -0
 Công an tỉnh Đắk Lắk xử lý đối tượng đăng tin giả trên mạng xã hội.

Bài xích quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số nước

Công kích, bôi nhọ hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch; xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh, người mắc bệnh, người có nguy cơ lây nhiễm.

Kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”.

Kêu gọi tích trữ lương thực thực phẩm, gây tâm lý hoảng loạn trong quần chúng nhân dân.

Trục lợi thông qua bán, làm giả vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, đầu cơ, kinh doanh qua mạng.

Lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước, như một số tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt”... triển khai thời gian qua.

Như vậy, có thể thấy rằng, kẻ khởi tạo tin giả không phải tạo ra tin giả cho... vui mà đều có đích đến cụ thể. Thủ đoạn của chúng là dàn dựng nội dung, phát tán, đối phó với cơ quan chức năng. Có những nội dung được dàn dựng hoàn toàn bịa đặt nhưng có khi chúng cao tay hơn khi sử dụng một phần sự thật, tạo nên thật giả lẫn lộn, khiến người tiếp nhận dễ bị dẫn dụ. Dựa trên nền tảng internet hiện nay, tin giả dễ dàng được phát tán lan tỏa và người dùng mạng thì dễ dàng tiếp cận.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông hiện nay khiến mỗi ngày, chúng ta dễ dàng tiếp cận với rất nhiều thông tin cả chính thống lẫn phi chính thống. Đọc chậm lại, suy nghĩ thấu đáo, tìm đến nguồn tin chính danh, kiểm chứng là cách tốt nhất để tránh bẫy fake news.

Làm thế nào để không bị sập bẫy, bị dẫn dắt bởi tin giả? Ông Lê Quốc Vinh cho rằng: “Công chúng cần phải tìm cách tự miễn dịch với tin giả, bằng cách chậm lại, cẩn trọng, tỉnh táo kiểm chứng các thông tin mình đọc được từ các nguồn tin không chính thống, kiểm tra tính chính danh và thẩm quyền của nguồn tin”. Còn Thiếu tá Lê Tiến Cường khuyến cáo: “Người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận thông tin cần xem xét kỹ nội dung, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế, xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Chúng ta cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy”.

Cao Hồng
.
.