Hãy yên nghỉ nhé, đồng đội tôi!

Thứ Bảy, 06/08/2022, 17:26

Vụ cháy thương tâm đã đi qua, nhưng những hình ảnh đẹp về 3 chiến sĩ Công an nhân dân: Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc cùng thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an quận Cầu Giấy hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ khiến nhiều người day dứt không nguôi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều ngày nay, người dân mang hoa đến đặt dưới chân tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” giữa lòng Thủ đô Hà Nội nhiều thế.

Khi bài báo này lên khuôn, các anh đã trở về yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của đất mẹ. Rất nhiều người, cả những người không quen biết cũng đến đưa tiễn các anh trong dòng nước mắt tiếc thương. Đến hôm nay, những người đồng đội của các anh vẫn bàng hoàng, hụt hẫng, không tin vào sự thật rằng các anh đã mãi mãi ra đi.

Trở về sau cuộc chiến khốc liệt với giặc lửa, gắng gượng nỗi đau mất mát, Thượng úy Đỗ Hữu Giang cẩn thận cùng anh em sắp xếp lại di vật của những đồng đội đã hy sinh. Đồ đạc của Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã được gia đình đến nhận về. Còn di vật của Thượng tá Đặng Anh Quân và Thượng úy Đỗ Đức Việt vẫn đang nguyên vẹn tại đơn vị.

Hãy yên nghỉ nhé, đồng đội tôi! -0
Các liệt sĩ: Thượng úy Đỗ Đức Việt, Thượng tá Đặng Anh Quân, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Căn phòng làm việc của Thượng tá Đặng Anh Quân luôn được các anh mở rộng cửa để dọn dẹp ngăn nắp, thông thoáng như ngày anh vẫn còn làm việc tại đây. Biết anh Quân yêu chim, chăm sóc nhiều loại chim ở đơn vị, anh em lại đưa mấy lồng chim ra hiên sau phòng để hằng ngày có tiếng hót thánh thót, làm bạn với anh cho đỡ buồn tủi ở bên kia thế giới. Còn những lồng chim yêu thích của anh, đồng đội vẫn thay nhau chăm sóc dưới sân đơn vị giống như ngày anh còn sống.  

Trung tá Trương Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ vì lo công việc của cơ quan cũng như lo hậu sự cho đồng đội. Trong câu chuyện với tôi, thi thoảng anh lại phải dừng câu chuyện, đôi tay đan chặt vào nhau, rồi run lên theo từng hồi như cố để ngăn nước mắt trào ra khi nhắc đến người anh, người đồng đội thân thiết mà anh yêu quý. Anh bảo, anh không dám nhắc nhiều kỉ niệm về những người đồng đội thân yêu bởi một lần nữa khơi lại nỗi đau trong lòng mình và các đồng đội cũng như những người thân yêu trong gia đình.

Gắn bó với nhau từ khi ra trường về nhận công tác tại Đội PCCC và CNCH, Công an quận Cầu Giấy, tình cảm giữa anh và anh Quân không đơn giản chỉ là tình đồng nghiệp mà còn là tình anh em ruột thịt thân thiết. Với những người lính cứu hỏa, thời gian trực chiến ở đơn vị còn nhiều hơn ở nhà. Họ cùng chung chiến hào, cùng chung nhiệm vụ, cùng ăn uống, ngủ nghỉ, luyện tập bên nhau, nên tình cảm nhiều lúc còn hơn những người thân trong gia đình.

Hãy yên nghỉ nhé, đồng đội tôi! -0
Người dân dâng hoa tại Tượng đài: “Công an Nhân dân vì dân phục vụ” để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh. Ảnh: Đặng Giang

Các vụ cháy lớn nhỏ trên địa bàn hiếm khi thiếu vắng anh và anh Quân tham gia. Trong hồi ức của Trung tá Trương Tuấn Anh, Thượng tá Đặng Anh Quân là một chỉ huy nhiệt tình, hòa đồng, tình cảm với anh em nhưng cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Với kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, Đội trưởng Đặng Anh Quân luôn là chỗ dựa tin cậy, là “kho” kiến thức truyền thụ cho CBCS để anh em trong đơn vị nâng cao hơn kỹ năng PCCC và CNCH.

Không biết hai người đã từng vào sinh ra tử bao nhiêu vụ cháy lớn nhỏ, đã từng thoát chết trong gang tấc, nhưng lần này, người anh, người chỉ huy, người bạn thân thiết đã vĩnh viễn bỏ anh và các đồng đội ra đi. Những lần bước vào cuộc chiến với giặc lửa, hai anh luôn xác định đó là công việc hằng ngày, là nhiệm vụ chung, là ý thức nghề nghiệp phải làm, phải cùng tham gia, nên chẳng ai nề hà hay cho rằng hiểm nguy cần phải tránh né. Thế nên, dù có những vụ cháy lớn, hiểm nguy luôn rình rập nhưng các anh luôn bước vào trận chiến với tâm thế của những người đi làm một việc hết sức bình thường như bao công việc bình thường khác.

Đa số CBCS trong đơn vị đều là lính trẻ, nhiều trong số đó còn chưa có người yêu, chưa có vợ. Với đặc thù đơn vị chiến đấu ăn ở tập trung, vì vậy, không chỉ là một người chỉ huy hướng dẫn về nghề nghiệp, Đội trưởng Đặng Anh Quân trong đời thường còn như một người anh, người chú đầy tin cậy, bảo ban, hướng dẫn, động viên CBCS trong cả nếp sinh hoạt. “Chưa bao giờ tôi thấy anh Quân nổi nóng, cáu giận đồng đội, dù có lúc đồng đội mắc lỗi. Với mọi người, anh là một chỉ huy gần gũi, chân thành”, Trung tá Trương Tuấn Anh chia sẻ. Gắn bó với nhau hơn chục năm công tác ở Đội PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy, thế nên mọi việc từ lớn đến nhỏ ở cơ quan, gia đình hay tính cách của nhau, các anh đều hiểu từng “chân tơ kẽ tóc”.

Hãy yên nghỉ nhé, đồng đội tôi! -0
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy trong một phương án diễn tập.

Hoàn cảnh gia đình của Thượng tá Đặng Anh Quân khá khó khăn nhưng chưa bao giờ mọi người thấy anh than vãn về gia đình, về công việc. Với anh, khi đã vào việc là chiến đấu, là hết mình. Bố mất từ sớm, khi anh mới tròn 3 tuổi, Thượng tá Đặng Anh Quân ở cùng với mẹ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh và mẹ sống trong căn nhà nhỏ ở phố Chùa Láng.

Cuộc sống không mấy dư giả, mẹ của anh ngoài thời gian chăm cháu, đưa đón cháu đi học, lại mở quán nước chè gần nhà để có đồng ra đồng vào phụ giúp con trai và con dâu.

Nhưng, ít ai biết rằng, người đội trưởng gương mẫu, hiền lành ấy cứ buổi trưa không phải trực lại tranh thủ về nhà giúp mẹ. Hằng ngày mẹ anh mở bán nước từ sáng sớm cho đến tận tối khuya. Nếu trưa không có người trông hàng, bà sẽ chẳng có thời gian nghỉ ngơi, cơm nước. Vậy là tranh thủ giờ nghỉ, anh lại về trông hàng giúp mẹ để mẹ về nghỉ trưa ăn uống. Hơn 1 tiếng sau lại trở về đơn vị tiếp tục công việc. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy một người con hiếu thảo, hết lòng vì gia đình, vợ con.

Thượng úy Đỗ Đức Việt công tác ở đơn vị từ năm 2019. Trong ký ức của Trung tá Trương Tuấn Anh, Việt là chàng trai trẻ rất yêu nghề. Có bố làm trong ngành và Việt luôn xác định và đam mê theo đuổi nghề lính cứu hỏa. “Dù còn trẻ nhưng Việt rất chịu khó học hỏi, sẵn sang nhận nhiệm vụ, phát huy tinh thần của người chiến sĩ công an trẻ tuổi, một đảng viên nhiệt huyết. Trong bất cứ vụ cháy nào, Việt đều đi đầu trong mũi tấn công giặc lửa của đơn vị”, Trung tá Trương Tuấn Anh tự hào chia sẻ về người lính trẻ.

Đặc biệt, Việt có năng khiếu về công tác tuyên truyền những kỹ năng PCCC. Ngoài thời gian đi làm nhiệm vụ PCCC và CNCH ở hiện trường, Việt được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao cho mảng tuyên truyền những kỹ năng PCCC tại khu dân cư, trường học.

Hãy yên nghỉ nhé, đồng đội tôi! -0
Đồng đội thực hiện nghi thức tiễn biệt các liệt sĩ.

Nhiều lần đi cùng người cán bộ trẻ xuống địa bàn tuyên truyền, Trung tá Trương Tuấn Anh tự hào khi Thượng úy Đỗ Đức Việt được người dân quý mến. Những bài giảng đơn giản, ngắn gọn, mang tính thực tế cao được Việt tuyên truyền đã giúp người dân trên địa bàn hiểu thêm được sự nguy hiểm, tác hại và những nguy cơ, hiểm họa khi xảy ra cháy nổ để phòng ngừa.

Gắn bó với Thượng úy Đỗ Đức Việt từ những năm 2017, khi Việt còn thực tập tại Công an quận Hà Đông, Thượng uý Đỗ Hữu Giang coi Việt như người bạn thân thiết, khi về sau, anh em cùng công tác tại một đơn vị. Chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện gia đình, công việc, Việt đều tâm sự với Giang. Anh em coi nhau như người thân trong gia đình. Giang bảo, Việt có một niềm đam mê mãnh liệt với nghề chữa cháy. Công việc của Đội PCCC và CNCH có nhiều mảng khác nhau nhưng Việt tâm sự với Giang chỉ thích nghề chữa cháy và lúc nào cũng chỉ muốn ở tổ chữa cháy.

Trong cái ngày 3 người đồng đội vĩnh viễn nằm xuống, Giang đi cùng chuyến xe với anh Quân và Việt nhưng ở một tổ công tác khác. “Sau bao lần thoát nạn, vượt qua được mọi hiểm nguy, không ngờ lần này, Việt và anh Quân cùng em Phúc mãi mãi ra đi”, Giang rưng rưng nước mắt.

Hãy yên nghỉ nhé, đồng đội tôi! -0
Di ảnh Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc được đưa về nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Hoàng Phong.

Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc tuy về đơn vị chưa lâu (tháng 2-2022 Phúc đi nghĩa vụ, tháng 6 về nhận nhiệm vụ tại Đội PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy) nhưng trong mắt Thượng úy Đỗ Hữu Giang, Phúc là một người khá đặc biệt và cá tính. Ở đơn vị, Phúc cùng một phòng sinh hoạt, ăn ở với Thượng úy Đỗ Hữu Giang nên dù thời gian ở đơn vị ngắn ngủi, hai anh em đã trở nên thân thiết, gần gũi. Có lẽ, trời phú cho Phúc khả năng học ngoại ngữ nên 3 tuổi Phúc đã học tiếng Anh khá tốt. Lên lớp 6, Phúc theo học tiếng Nhật. Cả hai ngoại ngữ Anh, Nhật, Phúc đều đọc thông viết thạo, mà như Trung tá Trương Tuấn Anh, thì nghe Phúc nói cứ tưởng người nước ngoài đang nói chuyện. Đang học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Phúc bảo lưu kết quả, quyết định đi nghĩa vụ chỉ vì đam mê làm lính cứu hỏa. Tuổi trẻ nhiệt huyết, Phúc chẳng ngại xông pha. Trong trận chiến cuối cùng trước khi ngã xuống, Phúc xung phong ở mũi tấn công đầu tiên và cũng là nguy hiểm nhất.

Một ấn tượng về Phúc mà Thượng úy Đỗ Hữu Giang không thể nào quên là lý do Phúc bảo lưu kết quả đại học để theo đuổi giấc mơ làm lính cứu hỏa. Có lẽ vì rất giỏi tiếng Anh mà chỉ trong một giờ học ngoại ngữ, thấy thầy giáo bộ môn tiếng Anh dạy không chuẩn, Phúc quyết định nghỉ học, xin bảo lưu để đi nghĩa vụ.

Chuyện ấy Phúc cũng chỉ tâm sự với Giang và lúc ấy Giang thấy cậu lính trẻ là một người thật đặc biệt và cá tính.  Trước khi ra về, tôi nghe thấy mấy anh em trong đơn vị nhắc nhau chuẩn bị lễ phục cho buổi đưa tiễn đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng. Chẳng ai nói thêm câu nào, khuôn mặt các anh lại thất thần, đôi mắt đỏ hoe, nhưng tôi hiểu rằng, nỗi đau mà các anh và đồng đội cùng người thân của các liệt sĩ đang chịu đựng là quá lớn.

Lại nhớ có câu của ai đó nói: Chỉ mong cho các anh được thất nghiệp, nhà nhà bình yên!

Ngọc Trâm
.
.