Hiểm họa thầy lang đường phố

Thứ Bảy, 27/01/2024, 08:55

Chỉ cần vài món hàng đơn giản, cùng tài “khua môi múa mép”, các thầy lang tự xưng rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm rao bán thuốc “tiên”, thuốc “thánh” có khả năng trị bách bệnh. Những ngày cuối năm, thầy lang du mục lại xuống phố hành nghề...

Thầy lang vỉa hè

Khoảng 4h chiều, tại khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), một thầy lang xuất hiện với chiếc xe máy, phía sau xe có một chiếc thùng sắt đựng các loại “thần dược” trị bệnh. Khi công nhân tan ca, thầy lang gắn micro vào miệng rồi bắt đầu quảng cáo: “Thuốc Nam gia truyền núi Cấm trị khỏi triệt để các loại bệnh xương khớp, mãn tính, bệnh nam khoa, phụ khoa... Vừa bán vừa cho, vừa cứu giúp bá tánh...”.

Hiểm họa thầy lang đường phố -0
“Sơn Đông mãi võ” để bán thuốc cho công nhân trong khu công nghiệp.

Thấy lạ, nhiều công nhân tới xem, thầy lang được thể trổ tài đoán bệnh, bắt mạch. Chị Nguyễn Thị Thủy (quê Hậu Giang, công nhân may khu chế xuất Linh Trung 2) bị bệnh phụ khoa mấy năm nay chưa khỏi, đã hỏi thầy lang về bài thuốc đặc trị. Thầy rất vui mừng, cầm tay chị bắt mạch, ấn huyệt, phán: “Bệnh của chị do âm khí quá nhiều”. Sau đó, thầy lang bốc cho chị Thủy một thang thuốc, quảng cáo là loại thảo dược do sư phụ trên núi Cấm truyền lại, dặn chị uống trong vòng 3 tuần sẽ khỏi sạch bệnh phụ khoa, thông khí huyết, âm dương điều hòa. Thuốc này thầy không bán, chỉ đi cứu giúp bá tánh thôi, nhưng khi chị Thủy đưa 100 ngàn thì thầy vẫn vui vẻ nhận lấy.

Bạn cùng công ty với chị Thủy là chị Lê Thị Hải Minh (quê Bình Thuận) bị đau cổ vai gáy mấy tháng nay nhưng chưa có thời gian đi khám bệnh. Sau khi trình bày bệnh tình, thầy lang dùng hai ngón tay ấn huyệt vai gáy cho chị Minh, rồi phán: “Bệnh của con đang còn nhẹ, chỉ đau mỏi vùng vai gáy, vùng cổ gáy nhưng nó cũng làm con không quay đầu thoải mái được, chỉ nghiêng sang trái hoặc phải được thôi. Có những sáng thức dậy, con thấy cổ cứng đơ, nhức mỏi, phải lúc sau mới cử động được. Bệnh này là do viêm cơ xương, tắc nghẽn khí huyết, uống thuốc của thầy một liều là khỏi hẳn”.

Lời thầy phán như thần, mọi triệu chứng thầy nói, chị Minh đều thấy đúng quá và không có lý do gì từ chối bài thuốc của thầy. Cảm kích vì bài thuốc hay, chị gửi thầy 100 ngàn tiền lễ. Tuy nhiên, nhận bịch thuốc thấy giống với loại của chị Thủy, chị Minh hỏi thầy thì được giải thích: “Thuốc Nam làm từ các loại cây rừng băm nhỏ trộn vào, nhìn giống vậy nhưng công dụng hoàn toàn khác”. Nghe cũng có lý, chị Minh không thắc mắc gì nữa.

Trở về nhà, chị Thủy lấy thuốc ra sắc uống. Mùi thuốc ngai ngái, hăng hắc và đắng ngắt. Nghĩ “thuốc đắng thì giã tật” nên chị Thủy ráng uống. Chị uống được 3 ngày, không thấy bệnh đỡ, uống thêm một tuần nữa thì có tác dụng thật. Nhưng, là tác dụng phụ, nó khiến mặt chị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, bệnh phụ khoa thì không đỡ được phần nào. Còn chị Minh thì tai hại hơn, sau khi uống thuốc được một tuần. Chị bị nôn mửa và đau đầu dữ dội, đêm không ngủ được, thần kinh căng như dây đàn. Bệnh tình xấu đi, chị phải xin nghỉ làm, đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ kết luận, chị bị nhiễm độc từ một loài thảo dược có trong các bài thuốc Nam dùng chữa bệnh gan hoặc tiểu đường. Chị Minh không mắc các loại bệnh đó nên khi uống vào thì bị ngộ độc. Chị Thủy và chị Minh định bụng sẽ gặp thầy lang để hỏi cho ra nhẽ nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy thầy quay trở lại.

Hiểm họa thầy lang đường phố -0
“Thuốc gia truyền chữa bách bệnh” được gói thành từng bịch mang rao bán ở chợ trời.

Cũng giờ tan tầm của công nhân khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), xuất hiện một thầy lang ngồi bán thuốc ở vỉa hè ngoài cổng. Thầy lang này chưa vội rao bán thuốc mà thực hiện các bài múa, làm phép, làm ảo thuật thu hút được nhiều công nhân trẻ vây quanh chăm chú lắng nghe. Sau khi thu phục được sự hiếu kỳ, thầy lang bắt đầu mang thuốc ra quảng cáo. Thầy giới thiệu bản thân là “thầy Năm” từng học nghề từ Thái Lan, Campuchia về, đã tu hành khổ luyện trên đỉnh Bồ Hoong ở núi Cấm (An Giang) nhiều năm trời. Nay cơ duyên đến, thầy Năm xuống núi một lần duy nhất trong năm để giúp bà con mình giải trừ bệnh tật, sức khỏe hanh thông đón cái Tết vui vẻ.

Các mặt hàng của thầy Năm mang xuống phố gồm: Thuốc Nam đóng gói, dầu xoa bóp và túi thơm. Với thuốc Nam thì chữa được bá bệnh; thuốc xoa bóp giúp chữa lành các vết thương, thông kinh mạch, thoáng khí huyết, làm mềm cơ xương khớp; loại túi thơm có tác dụng trừ tà ma, quỷ thần, điều hòa âm dương ngũ hành, mang lại sự sảng khoái, tươi vui, may mắn khi đeo bên mình. Khác với thầy lang lần trước, các mặt hàng của thầy Năm đều có giá rõ ràng. Mỗi bịch thuốc Nam có giá 120 ngàn, dầu xoa bóp 60 ngàn, túi thơm 30 ngàn.

Giá tiền phù hợp với công nhân, lại được thầy Năm bắt mạch phán bệnh nên nhiều chị em rất tin tưởng. Chị Dương Thị Nga (quê Đắk Lắk, công nhân giày da) bị bệnh viêm xoang và rối loạn tiền đình nhiều năm nay đã xuống tay mua của thầy Năm một thang thuốc Nam và một chai dầu xoa bóp Đáng nói, tất cả loại thuốc của thầy bán đều không có nhãn mác, chỉ có vỏ trống trơn. Sau khi được thầy Năm hướng dẫn cách sử dụng, chị Nga về nhà nấu thuốc uống kèm xoa bóp trên vùng đầu, thái dương để trị viêm xoang, đau đầu.

Thuốc uống vào có mùi đắng nhẹ, vị thơm hậu nhưng khiến chị Nga bị đầy bụng, khó chịu. Ngày thứ hai thì chị bị tiêu hóa liên tục, uống thuốc cầm vẫn không đỡ nên chị phải nghỉ làm. Thuốc xoa trên trán và thái dương thì nóng rát, vì quá nóng nên nó át những cơn đau đầu của chị Nga. Cứ uống thuốc vào là đầy bụng nên chị bỏ dở thang thuốc, không dám uống nữa. Riêng dầu xoa bóp, chị cũng bỏ luôn vì nó rất nóng, không thể chịu nổi.

Cùng cảnh ngộ như chị Nga khi mua thuốc của thầy lang dạo, chị Lê Thị Nguyệt (ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) gặp phải tình cảnh nguy hiểm hơn. Hôm ấy, gặp thầy lang ở con hẻm gần phòng trọ, nghe thầy “múa miệng” rất hay với một nhóm người nên chị Nguyệt ghé lại xem. Do không đủ tiền nên chị chỉ mua một lọ dầu xoa bóp, được thầy lang quảng cáo là tinh chất của 9 loài thảo dược rừng già cùng 7 giọt huyết của loài trăn thiêng núi Cấm. Loại thuốc này không ở đâu có, nó là duy nhất, chỗ nào đau nhức hoặc sưng tấy, các vết thương lâu ngày chưa lành đều khỏi chỉ sau vài lần xoa bóp. Chị Nguyệt bị vết thương sẹo lồi ở đầu gối do ngã xe năm ngoái, nghe thầy lang nói thuốc chữa được cả sẹo to sẹo nhỏ, vết mổ hở, vết dao chém... đều lành hết, chị Nguyệt đã rất tin tưởng.

Ngay tối hôm đó, chị lấy “thần dược” ra xoa cả đêm. Sức nóng của loại dầu khiến cho mảng gối của chị phồng rộp lên, nhưng nghĩ đó là tác dụng của thuốc, khi nó xẹp xuống thì sẹo sẽ hết. Chị ráng chịu đau để tiếp tục xoa bóp. Cuối cùng, sau 3 ngày trị liệu, đầu gối của chị Nguyệt sưng tấy, rỉ máu mủ, không thể đi lại được. Chị Nguyệt được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ khuyến cáo, chân của chị để vài ngày nữa sẽ bị hoại tử vào xương, rất nguy hiểm.

Bán thuốc kiểu “Sơn đông mãi võ”

Không chỉ thầy lang xuống phố, đi lang thang gạ gẫm, mồi chài người mua thuốc, dạo gần đây còn có một nhóm thầy lang bán thuốc theo kiểu “Sơn Đông mãi võ”. Nhóm này chọn địa điểm đông người ở chợ, khu dân cư, công viên rồi bày biện đồ nghề ra múa võ, làm ảo thuật phun lửa, phi dao. Khi đã thu hút được một lượng người xem đông đảo, thầy lang mang thuốc ra quảng cáo. Ở bên ngoài, người trong nhóm của thầy cầm các gói thuốc đi mời chào, liên tục khen về công dụng của thuốc.

Lại có những cánh tay giơ lên đặt câu hỏi, rồi gật gù khen tíu tít, rút tiền ra mua mấy loại. Bà con đứng xem thấy cảnh này cũng ào vào mua, thậm chí giành giật nhau để được mua vì sợ hết. Họ đâu biết rằng, đây là kịch bản của nhóm thầy lang nhằm đánh lừa bà con. Chúng phân chia nhiệm vụ cho nhau, người đóng giả thầy lang, người đóng giả quần chúng mua hàng, tung hô món hàng lên, rồi tranh cướp mua hàng để kích thích sự tò mò, hiếu kỳ của người xem.

Hiểm họa thầy lang đường phố -0
Mới đây, một bệnh nhân phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi dùng thuốc gia truyền của lang y bán dạo.

Họ không bao giờ hành nghề một chỗ vì như thế rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện. Sau một thời gian chữa bệnh, bán thuốc ở TP Hồ Chí Minh, nhóm “Sơn Đông mãi võ” di chuyển về Biên Hòa, Cẩm Mỹ (Đồng Nai) tiếp tục dùng chiêu trò lừa bịp bán hàng không rõ nguồn gốc, không tem phiếu, địa chỉ.

Là nạn nhân của thầy lang “bịp”, ông Nguyễn Văn Hùng (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ biết mếu máo, khóc không thành tiếng. Ngày cuối năm 2023, ông Hùng đi chợ mua đồ ăn thì gặp nhóm người đang múa kiếm, làm xiếc, xung quanh rất đông bà con đứng xem. Xem xong ảo thuật, đến màn bán thuốc, ông không có ý định mua nhưng có một người đàn ông đứng bên cạnh tự nhiên giơ tay lên mua một lúc hơn triệu tiền thuốc. Ông này nói đây là thuốc tốt của người dân tộc Tây Bắc, hiếm khi mới về đây bán nên tranh thủ mua dùng dần hoặc tặng người thân. Xen giữa tiếng thao thao quảng cáo của thầy lang đứng ở giữa, những người phụ trợ trong nhóm cầm thuốc đi giới thiệu xung quanh, trong đám đông nhiều cánh tay đưa ra “tui 1 gói”, “tui 2 gói”.

Lập tức, người bán đi về phía những người giơ tay hô: “Bán cho dì Hai bên kia 2 gói”, “cô Ba bên này 2 gói”, “thím Bảy phía trước lấy 1 gói”. Thấy ai cũng mua, ông Hùng không kìm lòng được, xuống tiền mua một chai thuốc bồi bổ sức khỏe có giá 600 ngàn. Chai thuốc này được thầy lang giới thiệu là tinh chất của nhân sâm, mỗi ngày uống nửa chén thì “một người khỏe, hai người vui”.

Tin tưởng vào công dụng của thuốc, ông Hùng uống đều đặn được hơn chục ngày nhưng không thấy khỏe gì cả, mà mỗi ngày một yếu hơn. Bụng ông trướng lên, ăn không tiêu, hơi thở khó nhọc. Con trai thấy bố sức khỏe lao dốc liền đưa đi bệnh viện, ông Hùng bị chẩn đoán nhiễm độc gan, phải nằm viện điều trị dài ngày.

Ông Hùng chỉ là một trong nhiều nạn nhân của thầy lang đường phố. Trước đó, vào trung tuần tháng 12/2023, Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tiếp nhận bệnh nhân L.T.C.T (sinh năm 1995, ngụ TP Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị. Bệnh nhân mới sinh con được 2 tháng. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết có nhờ người quen mua thuốc Nam của một thầy lang ở Đồng Nai. Sau khi uống được 2 ngày thì chị T. bị đau bụng nhiều hơn, được đưa vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu. Các bác sĩ tại Bệnh viện Vũng Tàu xác định bệnh nhân bị viêm gan cấp sau khi sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Theo Lương y Phan Cao Bình, Trung tâm Tư vấn sức khỏe cộng đồng TP Hồ Chí Minh, nếu đã là lương y, thầy thuốc thì họ đều có phòng khám riêng được cấp phép hoạt động đàng hoàng chứ không cần phải đi bán dạo như thế. Đáng nói là những loại thuốc họ bán đều không có địa chỉ, không nguồn gốc, không có hướng dẫn sử dụng và ai mua họ cũng bán một loại giống nhau, bất kể bệnh gì.

Một điều dễ nhận thấy nhất là thuốc Nam bốc sẵn, một gói bán cho nhiều người mắc bệnh khác nhau đương nhiên không có hiệu quả, uống vào sẽ rất nguy hại cho sức khỏe. Người bệnh phải hết sức tỉnh táo, không nên tin lời của thầy lang đường phố, hãy tìm đến bệnh viện hoặc các thầy thuốc có danh có phận để cứu lấy mình.

Ngọc Hoa
.
.