Hiến tặng và mua bán tạng người - ranh giới mong manh

Chủ Nhật, 29/10/2023, 08:20

Việc hiến tặng các mô, tạng, bộ phận cơ thể người là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái giữa người với người, một người mất đi nhưng để lại sự sống cho nhiều người. Tuy nhiên, gần đây nhiều đối tượng đã biến hóa việc này thành chuyện mua bán núp bóng hiến tặng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Hệ lụy đằng sau việc này với rất nhiều rủi ro, thậm chí cả dấu hiệu lừa đảo với những người chấp nhận bán đi một phần cơ thể mình...

Từ một ông trùm đường dây mua bán thận

Bắt đầu từ thông tin một thanh niên tên H.M.V (sinh năm 1993, quê tỉnh Bắc Ninh) do hoàn cảnh khó khăn nên đã lên mạng xã hội rao bán một quả thận của mình. Sau đó, một người tự xưng là Bùi Tiến Lực đã liên hệ mua với giá 300 triệu đồng và yêu cầu V. vào TP Hồ Chí Minh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

Vào đến TP Hồ Chí Minh, V. được một người không rõ lai lịch, tự giới thiệu là đàn em của Lực ra đón. Người này hướng dẫn và đưa V. tới một phòng khám ở quận 5 để khám sàng lọc và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

Hiến tặng và mua bán tạng người - ranh giới mong manh -0
Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị có số lượng người đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời cao nhất cả nước, với khoảng 50% số đơn đăng ký.

Sau đó, người này đưa V. về chung cư 584 (huyện Bình Chánh) ở cùng một số người khác đang chờ tới lượt “bán thận”... Hơn một tháng sau, V. và mọi người trong căn hộ chung cư được Lực chuyển chỗ ở sang một khu trọ tại hẻm 358 đường Phú Định, phường 16, quận 8. Trong thời gian V. ở đây, Lực đã phù phép, làm giả toàn bộ giấy tờ để hợp thức hóa hồ sơ có cùng huyết thống giữa V. và Q... Lực đã “biến” V. thành cậu của bệnh nhân bằng cách làm giả hồ sơ mẹ của bệnh nhân để mẹ của Q. thành chị ruột của V...

Sau ca ghép thận thành công, V. biết thông tin Lực đã lấy của gia đình bệnh nhân Q. 1,2 tỷ đồng nhưng chỉ trả cho V. 300 triệu đồng nên đã đòi thêm tiền. Do bị Lực từ chối với lý do “chi phí nhiều khoản khác ở nhiều nơi, nhiều khâu” nên V. bực tức, từ đó mới lên tiếng nhờ báo chí phanh phui, vạch trần đường dây này.

Từ manh mối của V. và một số người từng bán thận cùng nguồn tin của báo chí phản ánh, Công an TP Hồ Chí Minh đã điều tra và phát hiện được đường dây mua, bán thận với quy mô rất lớn này.

Rạng sáng 9/10, các tổ công tác của Công an TP Hồ Chí Minh, Công an huyện Bình Chánh đồng loạt kiểm tra hai căn hộ tại tầng 18 và tầng 22 lô HQ4 chung cư HQC Plaza, nơi nhóm mua, bán thận đang nuôi hàng chục người chờ tới lượt.

Tại đây, Cơ quan công an phát hiện có 6 người đang nằm ngủ, nhưng những người này không thừa nhận việc bán thận. Tuy nhiên, qua xác minh, Cơ quan công an có cơ sở xác định đây là những người chờ bán thận nên mời tất cả về trụ sở để phối hợp điều tra. Những người này đã thừa nhận do hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn nên đã liên hệ bán thận cho đường dây của Bùi Tiến Lực và Phan Thanh Hải.

Từ thông tin và các chứng cứ thu thập được, nhiều tổ trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh và Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bình Chánh đã tỏa đi các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và khu vực miền Trung để lần theo dấu vết nhiều đối tượng trong đường dây này.

Sau đó, Cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Thanh Phong tại tỉnh Kiên Giang. Cùng thời điểm này, tổ công tác khác cũng phát hiện Phan Thanh Hải đang lẩn trốn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nên tiến hành bắt giữ. Cơ quan công an tiếp tục lần theo các manh mối và bắt giữ Trần Thanh Hòa tại tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, các tổ công tác khác đã đến các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định để truy xét Bùi Tiến Lực và Lực cũng nhanh chóng bị bắt khi đang lẩn trốn tại tỉnh Ninh Bình.

Từ các chứng cứ và lời khai của các đối tượng, Cơ quan công an đã xác định và làm rõ phương thức, thủ đoạn của đường dây này. Năm 2017, do cần tiền tiêu xài nên Bùi Tiến Lực (sinh năm 1986; thường trú huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đăng thông tin bán thận trên các trang mạng xã hội và được một người đàn ông (chưa rõ lai lịch) liên lạc hỏi mua thận với giá 250 triệu đồng.

Sau đó, Lực vào TP Hồ Chí Minh để bán thận. Thời gian này, Lực quen biết lần lượt với các đối tượng: Trần Thanh Hòa (sinh năm 1991, thường trú TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1990, thường trú huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), Phan Thanh Hải (sinh năm 1996, thường trú TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Hiến tặng và mua bán tạng người - ranh giới mong manh -0
Thời gian qua, nhiều ca hiến và ghép tạng được thực hiện thành công - một người mất đi nhưng để lại sự sống cho nhiều người (ảnh minh họa).

Lợi dụng nhu cầu cần cấy ghép tạng thận rất lớn, từ khoảng đầu năm 2022, 4 đối tượng trên hình thành đường dây mua, bán thận. Các đối tượng tìm người bán thận theo yêu cầu (nhóm máu, độ tuổi, quê quán). Đáng nói, “chân rết” của đường dây này rải khắp từ Nam ra Bắc để tìm người có nhu cầu bán và mua thận. Sau khi tìm được, các đối tượng sẽ báo lại cho người có nhu cầu ghép thận để thỏa thuận giá cả, tiến hành làm các xét nghiệm và lo ăn ở trong thời gian chờ ghép thận.

Trong đường dây này, Lực và Phong là hai người điều hành đường dây mua, bán thận; Hải cùng một số “cò” khác là người tìm kiếm, dụ dỗ người mua, bán thận, giúp sức, trực tiếp đưa người có nhu cầu bán thận đi xét nghiệm, bố trí chỗ ăn ở để chờ ngày cắt thận. Ngoài việc được các “cò” giới thiệu trực tiếp, các đối tượng trong đường dây mua, bán thận này còn lên mạng xã hội để tìm kiếm người mua và người bán.

Đặc biệt, nhằm đối phó và qua mặt sự kiểm tra của bệnh viện, các đối tượng tiến hành làm giả toàn bộ các giấy tờ cần thiết như giấy đăng ký kết hôn, giấy đăng ký khai sinh, xác nhận của chính quyền địa phương để bệnh nhân nộp làm thủ tục hiến thận và nhận thận...

Bước đầu, Cơ quan công an xác định các đối tượng đã thực hiện 28 giao dịch mua bán tạng thận, trong đó có 13 trường hợp đã cấy ghép thành công. Mỗi trường hợp cần mua thận, các đối tượng “kêu giá” từ 400 triệu đến hơn 1,1 tỷ đồng, nhưng chỉ trả cho người bán thận từ 260 triệu đến 400 triệu đồng, thu lợi bất chính tổng cộng hơn 12 tỷ đồng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Bùi Tiến Lực, Nguyễn Thanh Phong, Trần Thanh Hòa và Phan Thanh Hải về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”.

Tiềm ẩn những kẽ hở

Có thể thấy, quy mô tổ chức và các hành vi làm giả hồ sơ, giấy tờ, móc nối với những người thực hiện việc mua, bán thận của các đối tượng trong đường dây này một lần nữa cho thấy tính phức tạp cũng như sự tinh vi, táo tợn của chúng.

Một chuyên gia về ghép tạng tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay việc hiến và ghép tạng dù là một nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, một người mất đi nhưng để lại sự sống cho nhiều người, nhưng nó vẫn ẩn chứa những kẽ hở không nhỏ mà những người có ý đồ khác lợi dụng hoặc thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật. Tất cả là vì việc này liên quan trực tiếp đến sự sống và cái chết nên nhiều người đã bất chấp để cố tình làm sai, cốt sao chỉ nhằm được ghép tạng, níu kéo sự sống...

“Trong chuyện này, ranh giới giữa việc làm nhân văn và đúng pháp luật với chuyện vi phạm pháp luật là rất mong manh. Nếu chỉ cần lơ là hoặc có ý vụ lợi thì rất dễ vi phạm pháp luật”, vị chuyên gia này chia sẻ xung quanh thông tin về đường dây mua bán thận kể trên.

Nói là ranh giới mong manh bởi đơn giản là một bệnh viện, một cơ sở y tế đảm bảo làm đúng công tác chuyên môn, đúng pháp luật và y đức trong việc đăng ký hiến, ghép tạng. Tuy nhiên, rất khó để chắc chắn rằng tất cả các bệnh viện hay cơ sở y tế khác cũng đều thực hiện như vậy khi mà mối lợi từ việc này có thể nói là rất lớn.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết công tác ghép thận nói riêng và các mô tạng người nói chung mang tính chất nhân đạo rất rõ ràng. Tuy nhiên, do nhu cầu ghép thận cao nên xảy ra hiện tượng mua, bán thận gây ra nhiều hệ lụy xấu như chỉ định không đúng, người bán bất chấp sức khỏe...

Ngoài ra, chuyện giả mạo giấy tờ, hồ sơ ghép thận đã xảy ra trong thực tế, nhưng trước đây không tinh vi như hiện nay bởi sự phát triển của công nghệ và tay nghề làm giả giấy tờ, từ giấy khai sinh tới hộ khẩu và nhiều giấy tờ khác với xác nhận của địa phương, sự đồng ý của gia đình đều được các đối tượng môi giới làm giả, rất khó để phát hiện.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua đã có một số bệnh viện tuyến cuối đủ điều kiện triển khai thực hiện các kỹ thuật liên quan đến lấy, ghép mô, tạng và đạt được nhiều thành công như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi Đồng 2... Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy được cho là đơn vị có số lượng người đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời cao nhất cả nước, với khoảng 50% số đơn đăng ký.

Hiến tặng và mua bán tạng người - ranh giới mong manh -0
Các đối tượng trong đường dây tại cơ quan điều tra.

Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống đang chiếm khoảng 94% tổng số ca ghép tạng. Bên cạnh các hoạt động hợp pháp, cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người.

Hơn nữa, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, thời gian qua đã có nhiều ý kiến đề xuất và cần sửa đổi luật này, trong đó, hình thành các cơ chế điều hành chuẩn mực, có quy định rõ ràng trong hoạt động của hệ thống hiến, ghép. Chẳng hạn như phải có danh sách chờ, có phần mềm tuyển chọn tự động hóa chuyên nghiệp để việc hiến và ghép minh mạch, công bằng, hạn chế sự can thiệp từ con người.

Ngoài ra, có thể bổ sung hình thức đăng ký online hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não. Bổ sung hình thức đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng, tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân...

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, để hạn chế tối đa việc gian lận trong ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy không phân công một bộ phận giám sát mà có nhiều bộ phận tham gia. Trước khi ghép tạng phải tập hợp nhiều chuyên khoa liên quan để hội chẩn, sau đó tất cả hồ sơ của bệnh nhân có chỉ định ghép thận sẽ được chuyển tới bộ phận pháp chế xem xét.

Nếu nghi ngờ mua, bán thận thì bộ phận pháp chế của bệnh viện sẽ có văn bản gửi địa phương xác minh. Hiện, bệnh viện còn phụ thuộc vào giấy tờ quá nhiều nên kéo dài thời gian xác minh hồ sơ nếu có nghi ngờ. Một khi hệ thống chính phủ điện tử hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì hồ sơ không cần xác minh, mở hệ thống này là có thể phát hiện hồ sơ giả mạo hay không...

Đồng thời, để tránh tiêu cực trong quy trình ghép thận, Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra nguyên tắc mọi thứ phải minh bạch, rõ ràng và chỉ ghép thận cho người thân hoặc từ người chết... Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong ghép tạng, vấn đề đáng lo ngại nhất là buôn bán tạng và không minh bạch trong ghép tạng.

Phú Lữ
.
.