Hiệu quả từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở

Thứ Ba, 17/01/2023, 14:38

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), yếu tố quan trọng hàng đầu là mỗi người dân phải có ý thức, kiến thức, kỹ năng để tự phòng, tự bảo vệ chính mình trước mọi tình huống có thể xảy ra. Do đó, việc thành lập các mô hình PCCC dưới cơ sở là rất cần thiết, cấp bách. Với phương châm “4 tại chỗ”, những mô hình PCCC tại các địa phương đang phát huy hiệu quả, đồng thời phát huy tích cực vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.

1. Xác định phường Vĩnh Tuy (Hà Nội) là địa bàn dân cư đông đúc, khả năng cháy nổ vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là khi người dân chưa ý thức được vai trò quan trọng của việc PCCC, địa bàn phường còn nhiều hộ gia đình xây dựng chuồng cọp kiên cố, với suy nghĩ “phòng trộm cắp” và “chắc cháy không tìm đến nhà mình đâu” nên kể từ tháng 10/2021, Công an phường Vĩnh Tuy đã thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch của Công an thành phố Hà Nội trong việc tuyên truyền, vận động người dân, yêu cầu các hộ gia đình ký cam kết về việc chấp hành các quy định PCCC, trong đó đặc biệt là việc mở lối thoát nạn thứ hai.

Trang 12: Hiệu quả từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở -0
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thăm mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Phường Vĩnh Tuy đã thành lập 45 tổ PCCC tại chỗ, được trang bị các thiết bị PCCC cơ bản, phòng khi có chập cháy xảy ra thì lực lượng này sẽ làm nhiệm vụ chữa cháy ban đầu. Tuy nhiên, nếu như xảy cháy lớn, cháy lan thì cũng rất khó lường, nhất là an toàn về tính mạng con người. Bởi thế, việc tuyên truyền vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 được chú trọng.

Anh Trần Đình Tuyến, một trong những công dân gương mẫu đi đầu trong việc mở lối thoát hiểm thứ 2 cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của công an phường và còn tuyên truyền cho bạn bè, người thân thực hiện. Bởi, đây là chủ trương đúng đắn khi hiện nay trên địa bàn cả nước xảy ra khá nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại cả người và tài sản. Mình mở lối thoát nạn thứ 2 cũng là mở thêm đường sống cho chính mình và gia đình, vì tai nạn có thể xảy ra bất ngờ mà mình không hề lường trước được”.

“Nhờ sự tuyên truyền tích cực và kiên quyết, đến nay phường Vĩnh Tuy chỉ còn số ít hộ dân chưa cắt “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm thứ 2. Trong thời gian tới, tổ PCCC ở khu dân cư phối hợp với công an phường sẽ yêu cầu các hộ gia đình buộc phải cắt dỡ “chuồng cọp”. Thậm chí, chúng tôi còn đưa thành khẩu hiệu “hãy mở lối thoát nạn thứ 2 vì mạng sống của bản thân và gia đình” để tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Không chỉ tuyên tuyền, vận động, mà quan trọng nhất là tập huấn kĩ năng PCCC thường xuyên cho chính người dân và cán bộ, chiến sĩ công an phường, để có thể xử lý tốt mọi tình huống cấp bách nếu xảy ra. Không tập huấn, sử dụng thường xuyên thì chắc chắn sẽ không thể nhớ những thao tác, kỹ năng PCCC đơn giản nhất, không thể sử dụng phương tiện chữa cháy hiệu quả. Bản thân cán bộ, chiến sĩ công an phường luôn phải đi đầu, gương mẫu trong học tập và luyện rèn, thậm chí còn là người hướng dẫn, tập huấn cho người dân địa phương mọi kỹ năng thoát hiểm và PCCC. Nhờ đó mà nhiều năm nay, trên địa bàn phường Vĩnh Tuy chỉ xảy ra 1 vụ cháy nhỏ, không gây thiệt hại cho nhân dân”, Trung tá Khánh Tùng, Trưởng Công an phường Vĩnh Tuy chia sẻ.

2. Thị trấn Quốc Oai (Hà Nội) là một trong những địa bàn phức tạp, có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao, với nhiều hộ kinh doanh các sản phẩm dễ cháy, nổ. Bởi vậy, tổ liên gia PCCC được thành lập thí điểm ở tổ dân phố phố Huyện, trở thành điểm sáng trong PCCC ở Quốc Oai.

Trang 12: Hiệu quả từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở -0
Nơi đặt tủ trung tâm trong mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” ở thị trấn Quốc Oai.

Theo Trung tá Tạ Quang Vinh - Trưởng Công an thị trấn Quốc Oai, mô hình tổ liên gia PCCC gồm 10 hộ gia đình đều có chứng chỉ PCCC, lắp chung hệ thống chuông báo cháy. Tủ trung tâm sẽ đặt ở một hộ chính, các hộ còn lại mỗi nhà đều có chuông trong, chuông ngoài, đều được trang bị 2 bình chữa cháy, 1 dụng cụ thô sơ.

“Trước đây các hộ kinh doanh hầu như nhà nào biết nhà đấy, nhưng từ khi thành lập tổ liên gia PCCC, họ gần gũi, gắn kết hơn. Các thành viên sẽ thực hiện việc đảm bảo công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thành viên, gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện tốt các quy định về lĩnh vực PCCC; Tham gia các buổi tập huấn, diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ do cấp có thẩm quyền tổ chức. Đây sẽ là lực lượng PCCC tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, đảm bảo an toàn cho khu dân cư trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Toàn bộ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng, để kịp thời chữa cháy khi có cháy nổ xảy ra tại địa bàn, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra”, Trung tá Tạ Quang Vinh cho biết.

Điều may mắn là các hộ gia đình ở đây đều ủng hộ nhiệt tình mô hình tổ liên gia PCCC. Tất cả chi phí đều do người dân tự nguyện đóng góp. Theo quy định, mỗi nhà chỉ 1 bình chữa cháy, nhưng nhận thấy nguy cơ cháy nổ cao vì kinh doanh quần áo là sản phẩm dễ cháy nên tất cả các hộ đều nhất trí trang bị mỗi nhà 2 bình chữa cháy. Chị Nguyễn Thị Tú (sinh năm 1982), chủ một cửa hàng quần áo, cũng là hộ đồng ý đặt tủ trung tâm cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình PCCC hiệu quả này. Mọi người trong gia đình tôi, kể cả các cháu nhỏ lẫn người bán hàng thuê đều có kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC. Có lần dọn hàng lỡ va tay vào chuông báo cháy mà cả tổ chạy ra hỏi han. Chuông này không những có chức năng báo cháy mà cả chống trộm nữa, góp phần gắn kết tình cảm của các hộ gia đình, đúng nghĩa hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.

3. Xe chữa cháy lưu động tại làng nghề xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) được hoán cải từ xe chở hàng của người dân có trọng tải hơn 2 tấn, chở theo máy bơm cao áp, bình nước có sức chứa hơn 1.200 lít và nhiều vật liệu chuyên dụng chữa cháy khác, có khả năng chạy len lỏi trong các ngõ nhỏ làng nghề, bảo đảm tiếp cận đám cháy nhanh nhất theo phương châm PCCC 4 tại chỗ là điểm sáng trong công tác PCCC ở Thủ đô.

Trang 12: Hiệu quả từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở -0
Xe chữa cháy lưu động ở xã Hữu Bằng.

Hữu Bằng là làng nghề sản xuất đồ gỗ và cơ khí tập trung nhiều vật liệu dễ cháy, hằng năm trung bình xảy ra cả chục vụ cháy lớn, nhỏ gây thiệt hại về tài sản. Công tác tự đảm bảo PCCC của người dân chưa cao, chưa kể, đường làng ngõ xóm rất nhỏ, dân cư tập trung đông nên nên xe cứu hỏa rất khó tiếp cận khi có cháy.

Từ thực tế cơ sở trên, với tinh thần 4 tại chỗ trong công tác đấu tranh với “giặc lửa”, Công an huyện Thạch Thất đã thành lập 9 tổ PCCC lưu động của 9 thôn dân cư với hơn 120 thành viên đã được thành lập, được trang bị 3 xe cứu hỏa tự chế và các công cụ chữa cháy khác đáp ứng được nhu cầu chữa cháy tại chỗ. Tất cả trang thiết bị của các tổ PCCC đặc biệt trên đều đến từ sự quyên góp, ủng hộ của người dân địa phương. Đến nay, toàn xã Hữu Bằng đều đã được trang bị trụ nước cứu hỏa cùng với đó là 16 bể chứa nước ngầm với dung tích từ 25-50 m3 và 3 giếng nước tại 3 thôn.

Tất cả thành viên trong tổ PCCC lưu động đều thành thạo kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thường xuyên được tập huấn cũng như tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về chuyên môn cho người dân trong thôn. Kể từ khi tổ PCCC lưu động được thành lập càng gắn kết tình cảm của người dân trong thôn, được người dân các thôn ủng hộ nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần bảo đảm PCCC ngay từ cơ sở.

Tại buổi làm việc với Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, công tác phòng cháy rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, phải làm bài bản, căn cơ, mang tính chiến lược và lâu dài về công tác phòng cháy. Trong đó, công tác chỉ đạo phải xuyên suốt đến tận cấp huyện, thị trấn/xã; Chú trọng công tác xây dựng lực lượng; Trang thiết bị phương tiện; xây dựng và nhân rộng các mô hình PCCC hiệu quả, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ"; Huy động tiềm năng, tiềm lực của các tỉnh, ngành trong công tác PCCC.

Đồng chí Thứ trưởng cũng nhấn mạnh phải gắn từng công việc, nhiệm vụ cụ thể với trách nhiệm của người đứng đầu ngay từ cơ sở; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu để xảy ra sai phạm.

Trâm Anh
.
.