Họ là lính đặc nhiệm!

Thứ Tư, 20/07/2022, 09:41

Họ là thế hệ đầu tiên của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Những người lính tuổi đời còn trẻ nhưng đã dày dạn kinh nghiệm, lập nên nhiều thành tích đáng nể. Những chuyên án lớn nhỏ luôn có mặt đầy đủ những gương mặt thiện chiến. Gọi họ là thế hệ vàng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng không sai.

1. Sinh năm 1987, Đại úy Nguyễn Phi Diện, Đại đội phó Đại đội 4 Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 cao to, khỏe khoắn trong trang phục của lính đặc nhiệm. Học Trường Sĩ quan Lục quân 1 nhưng trót đam mê làm cảnh sát cơ động nên sau khi ra trường, anh về đầu quân cho Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 từ năm 2010 cho đến nay. Hơn 10 năm về tiểu đoàn, Đại úy Nguyễn Phi Diện tham gia nhiều chuyên án lớn cùng các đồng đội nhưng có lẽ đáng nhớ nhất với anh vẫn là lần tham gia chống buôn lậu ở Lạng Sơn.

Đó là vào năm 2018, Đại úy Nguyễn Phi Diện vẫn nhớ như in những ngày ém quân trong rừng theo dõi mọi biến động của các đối tượng dưới trời mưa rét thấu xương. Các đối tượng rất tinh vi, mỗi lần vận chuyển hàng là mang máy xúc ra đào đường để chuyển hàng qua. Xong việc lại lấp lại, xóa bỏ dấu vết. Mất cả tháng cùng đồng đội theo dõi trong thời tiết khắc nghiệt lúc nào cũng dưới 5 độ C, chưa kể rừng núi, đường dốc trơn trượt, cuối cùng anh và các đồng đội cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả đã bắt được 24 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng người Trung Quốc, 1 máy xúc, 8 xe ô tô chở hàng cùng nhiều tang vật kèm theo. Ngay trong đêm, Đại úy Nguyễn Phi Diện lại nhận lệnh phối hợp với bộ đội biên phòng dẫn giải, bàn giao máy xúc và lái xe cho lực lượng biên phòng.

Họ là lính đặc nhiệm! -0
Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 là lực lượng thiện chiến.

Trong điều kiện trời mưa, nhiệt độ thấp, máy xúc bị hỏng, mất 4 giờ đồng hồ mò mẫm trong đêm, băng qua rừng núi, anh mới hoàn thành nhiệm vụ và về tập kết tại Công an tỉnh Lạng Sơn trong bộ dạng lấm lem, người đầy bùn đất. “Vui nhất là khi về đến công an tỉnh, thấy bộ dạng lôi thôi lếch thếch đầy bùn đất, có người còn thốt lên bảo, sao lại để đối tượng phạm tội đi lang thang vào trụ sở công an tỉnh thế này”, Đại úy Diện cười hiền nhớ lại.

Xắn tay áo cho tôi xem vết sẹo, anh bảo đây là dấu tích của lần đi chống bạo loạn ở Kon Tum năm 2019. Khi ấy các đối tượng quá khích chống đối, ném lao vào tay và để lại vết sẹo đến giờ. Đấy cũng là chuyến hành quân gian khổ vì khí hậu Tây Nguyên khắc nghiệt. Đi làm việc trong thời tiết giá lạnh, các anh chỉ biết lấy đồ bảo hộ để đắp cho đỡ lạnh. Nửa đêm đóng quân trong rừng, bạt bịt kín nhưng ngồi trong lều vẫn run lên vì lạnh.

Công việc ở Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm 1 bận rộn, dù nhà ngay huyện Hoài Đức nhưng ít khi Diện được về. Vợ anh là một cô giáo, chị hiểu công việc của chồng nên luôn thông cảm với những chuyến công tác đột xuất của anh. Trước đây, khi mới cưới, vợ chồng bao lần giận dỗi vì thỉnh thoảng chị lại thấy anh “mất tích”, không liên lạc được. Chỉ đến khi xong nhiệm vụ, trở về, anh mới gọi điện "báo cáo" vợ, bởi bí mật là yêu cầu số một, không cho ai biết, kể cả người thân. Mãi rồi cũng thành quen, những lúc không gọi được anh là chị biết anh đang tham gia đánh án.

2. Vừa kết thúc xong giờ luyện tập, Đại úy Nguyễn Thị Lê Giang ướt sũng mồ hôi trong bộ quân phục đặc nhiệm. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, Giang say sưa kể về cuộc sống học tập và chiến đấu trong môi trường đặc nhiệm.

Với các chiến sĩ nam, công việc, quá trình luyện tập vốn đã vất vả khắc nghiệt thì với nữ đặc nhiệm còn vất vả, khó khăn hơn bội phần. Nhưng, với lính đặc nhiệm, không phân biệt nam - nữ, mọi người đều luyện tập, làm việc với cường độ như nhau.

Hai vợ chồng Giang đều là lính đặc nhiệm của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, xa nhà thường xuyên, bởi vậy vợ chồng chị ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Giang tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát vũ trang năm 2011 (nay là Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1) và về Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 tháng 10-2011. Đây cũng là trung đội nữ cảnh sát đặc nhiệm đầu tiên. 32 bạn nữ cùng lớp với Giang cũng là khóa nữ đặc nhiệm đầu tiên của Trường Trung cấp cảnh sát vũ trang khi ấy và cùng về nhận công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1. Vinh dự và tự hào, Giang và các đồng đội được coi là thế hệ vàng đầu tiên của nữ cảnh sát đặc nhiệm.

Có chứng kiến Giang và đồng đội luyện tập mới thấy khâm phục tinh thần thép của các cô gái nơi đây. Chị có thể nằm trên hàng nghìn mảnh thủy tinh với khối bê tông gần 80kg đè lên ống chân để đồng đội giơ búa tạ đập vỡ tan. Để có được thể lực dẻo dai như vậy, đều đặn ngày 3 lần, sáng, chiều, tối, chị phải chăm chỉ luyện tập khí công mà không phải người nào cũng đủ kiên trì và lòng dũng cảm để vượt qua.

Một trong những bài tập mà người bình thường nghe đã muốn... xỉu, ấy là Giang và đồng đội phải thường xuyên đặt các tấm bê tông nặng từ 20-30 kg lên tay, chân, tĩnh tâm tập trung vào cánh tay, đôi chân cho cứng lại và gồng bụng. Đối với màn xuống dây ở tòa nhà cao tầng có độ cao 30m, không chỉ cần lòng dũng cảm mà cần sự chính xác đến từng centimét.

Giang cùng đồng đội thường xuyên phải rèn luyện ở mọi điều kiện thời tiết, kể cả lúc nhiệt độ ngoài trời nóng hầm hập tới 40-41 độ C hoặc lạnh thấu xương dưới 8 độ. Giống như các chiến sĩ nam, trong các đợt hành quân dã ngoại, nữ chiến sĩ đặc nhiệm cũng đặt chân tới nhiều miền rừng núi hiểm trở suốt thời gian dài. Việc ngủ lều, mắc võng nằm rừng, có khi cả tuần không tắm giặt để theo dõi đối tượng là chuyện thường ngày.

Nhớ lại lần đầu đi làm nhiệm vụ, Giang và đồng đội bất ngờ được “bốc” lên xe thùng đi triệt phá sới bạc “khủng” tại chùa Dận (Từ Sơn, Bắc Ninh) đúng dịp mẹ chị từ trong TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để chúc mừng sinh nhật con gái. Lê Giang đã khiến gia đình vô cùng lo lắng khi không thể liên lạc được trong mấy ngày liền. Với gia đình có mẹ là nghệ sĩ ưu tú, bố làm giảng viên thanh nhạc, cô gái Lê Giang lẽ ra phải mang gene nghệ thuật nhưng thực tế thì cô đã chọn một con đường không như những gì bố mẹ cô kỳ vọng. Dù phải ăn ngủ ở rừng, thức liền mấy đêm để quản lý số đối tượng đánh bạc là nữ nhưng Giang không thấy mệt mỏi. Được tổ chức sinh nhật giữa rừng, trong tình đồng đội, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của nữ chiến sĩ đặc nhiệm này.

Lúc tham gia vụ bắt đối tượng buôn lậu lớn tại của khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), đối tượng có súng nên các nữ chiến sĩ phải mặc áo giáp, mang theo súng, thức cả đêm giữa rừng mưa rét để trông coi đối tượng buôn lậu... đều là những kỉ niệm đáng nhớ không bao giờ quên trong cuộc đời làm cảnh sát đặc nhiệm của Giang. Thế nhưng, hỏi có ý định bỏ nghề hay không vì công việc quá vất vả, không có thời gian dành cho gia đình, con cái, Giang cười: “Không bao giờ, chị ạ. Đó là đam mê của cả hai vợ chồng em rồi”.

3. Khuôn mặt hiền lành, thư sinh nhưng ít ai biết Thiếu tá Ninh Công Trình, Đại đội trưởng Đại đội 2 Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 lại là một trong những gương mặt vàng của Tiểu đoàn, từng tham gia phá rất nhiều chuyên án ma túy “khủng”.

Họ là lính đặc nhiệm! -0
Thiếu tá Ninh Công Trình.

Trong cuộc đời mình, có lẽ đáng nhớ nhất với anh là được tham gia tổ công tác đặc biệt trong chuyên án bắt giữ tên trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân, nhân vật cộm cán trong đường dây mua bán gần 1.200 bánh heroin, ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La. Tuân sinh năm 1983, khi đó mới 35 tuổi, quê ở Thạch Thất, Hà Nội, là đối tượng có 4 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Đồng bọn của Tuân là Nguyễn Văn Thuận (tức Thuận "chuột"), quê ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam là đối tượng có 2 lệnh truy nã của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La. Tại bản Tà Dê, chúng dựng lô cốt, chiêu mộ nhiều đối tượng trốn truy nã ở nơi khác đến và nuôi quân, vừa buôn bán ma túy, vừa là sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện. Quanh nhà, chúng dựng tường rào kiên cố, xây cả hầm để dễ bề tẩu thoát khi có động. Chúng lắp camera, tích trữ xăng, gas và rất nhiều vũ khí, đạn dược. Chưa hết, Tuân còn bỏ tiền ra mua chuộc người dân sống xung quanh đó trở thành "chim lợn" báo cho chúng khi có động.

Ninh Công Trình cùng các đồng chí trong ban chuyên án được giao nhiệm vụ đi khảo sát địa hình để xây dựng phương án tác chiến. Đường sá đi lại khó khăn, lại là địa điểm trọng yếu các đối tượng thường đi qua, việc tìm hiểu thông tin về các đối tượng gặp nhiều cản trở vì người dân trong bản đều là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc có người nhà tham gia vào các đường dây ma túy. Việc người lạ xuất hiện ở những địa bàn nhạy cảm này rất dễ bị phát hiện, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế, mọi đường đi nước bước đều phải rất cẩn trọng.

Họ là lính đặc nhiệm! -0
Những pha biểu diễn mãn nhãn của Cảnh sát đặc nhiệm.

“Để triệt phá thành công chuyên án này có rất nhiều giai đoạn và kế hoạch được vạch ra. Trong đó có hai giai đoạn tôi nhớ nhất. Giai đoạn 2, anh em trong tổ trinh sát phải đào hào để giữ được bí mật. Trời mưa to như trút, đúng lúc ấy, tổ trinh sát báo về các đối tượng đã xâm nhập trái phép nước ta và hướng của bọn chúng sẽ đi qua nơi quân ta ém quân. Lúc này, trời rét căm căm, mưa miền núi lạnh thấu da thấu thịt, hào ngập nước. Anh em dầm mình trong dòng nước lạnh buốt nhưng vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng. Thành quả đạt được là hốt trọn ổ vận chuyển ma túy một cách an toàn tuyệt đối”, Thiếu tá Ninh Công Trình chia sẻ.

Kỉ niệm đáng nhớ là trong giai đoạn 4 của chuyên án, anh được lệnh cùng 10 đồng chí trong ban chuyên án làm nhiệm vụ vào bản Cò Hồng, leo lên tận đỉnh đồi Rồng để phục kích. “Trước khi lên đường, chúng tôi được đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Sơn La gặp gỡ động viên, rằng rất tin tưởng vào các đồng chí trong tổ công tác và linh cảm lần này các đối tượng tiếp tục vận chuyển ma túy vào địa bàn của chúng tôi". Nghe những lời ấy, anh em ai cũng xúc động, tự hào và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Thiếu tá Ninh Công Trình nhớ lại.

Xác định đây là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định thành công cuối cùng của chuyên án nên anh em di chuyển rất thận trọng. Để giữ bí mật đến giây phút cuối cùng, anh em phải vác ba lô, vũ khí, đồ dùng, đi bộ lặng lẽ trong rừng mất cả ngày trời. Khi đến chân núi, trời đã tối sập, đường dốc trơn, dựng đứng, nhưng không được dùng đèn pin để bảo đảm an toàn, các anh lại mò mẫm trong đêm tối đến khuya mới lên đến nơi. Ban ngày vì có người đi làm rẫy, làm nương, sợ rút dây động rừng, anh em lánh vào hang đá, đợi ban đêm cắt cử nhau đi trinh sát đường đi lối lại. Mất 3 ngày 3 đêm mai phục trong rừng, lương thực mang theo dần cạn, anh em phải đi chặt cây giang lấy nước uống, tìm chuối rừng để ăn nhưng cũng chỉ toàn quả xanh chát đắng. Có lúc chỉ còn gói lương khô, anh em cũng chia sẻ cùng nhau để cho qua cơn đói. Lúc này mới càng thấy thấm thía tình đồng chí, đồng đội. Sau vài ngày nằm gai nếm mật, cuối cùng cũng nhận tin các đối tượng đang di chuyển đến gần địa điểm phục kích. Biết rơi vào trận địa của ta, các đối tượng liều lĩnh chống trả quyết liệt. Một ngày sau, 3 tên xin hàng, trong đó có em vợ của Nguyễn Thanh Tuân. Riêng tên Tuân quyết tâm cố thủ trong nhà và bị tiêu diệt. Trận đánh đó anh em đều an toàn.

Từ năm 2014 đến năm 2018, Thiếu tá Ninh Công Trình còn tham gia nhiều chuyên án triệt phá các đường dây ma túy lớn. Cụ thể, tiêu diệt 3 đối tượng, bắt giữ 9 đối tượng, thu giữ 11 khẩu súng các loại, 1 quả lựu đạn, 308 bánh heroin, 20.000 viên hồng phiến cùng một số vật chứng khác. Những lần được tham gia các chuyên án lớn là những lần vinh dự tự hào nhất trong cuộc đời làm lính đặc nhiệm của anh, được góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc giữ vững an ninh, trật tự, ngăn chặn cái chết trắng, đem lại bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Hiền Trâm
.
.