Họ là lính phòng, chống ma túy
Trong các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là lực lượng “sinh sau đẻ muộn”. Nhưng, trên mặt trận trực tiếp chiến đấu chống tội phạm, đây là lực lượng chịu nhiều tổn thất, hi sinh Để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Giữa thời bình, máu của những người lĩnh đã đổ. 25 năm qua, đã có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, hơn 700 cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị phơi nhiễm HIV do sự chống trả của tội phạm ma túy.
Bài 1: Nước mắt người ở lại
1. Chúng tôi có mặt tại huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) trong một ngày hè tháng 6 nắng như đổ lửa. Ngôi nhà nhỏ của gia đình liệt sĩ - Đại úy Sầm Quốc Nghĩa nằm bên cạnh quốc lộ 48, thuộc địa phận bản Liên Bận (xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu). Đây cũng là địa chỉ các đồng đội, nhà hảo tâm, chính quyền địa phương thường xuyên lui tới nhằm động viên, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình từ khi anh Nghĩa ngã xuống.
Tâm sự với chúng tôi, chị Phan Thị Quỳnh rơm rớm nước mắt: "Sự động viên về tinh thần lẫn vật chất của đồng chí đồng đội, chính quyền địa phương... trong suốt thời gian qua, dẫu không thể bù đắp được những mất mát to lớn mà bản thân chị và gia đình đang gánh chịu, nhưng cũng đã phần nào kịp thời an ủi và là động lực để chị và người thân trong gia đình mạnh mẽ, vững tin để tiếp tục cuộc sống".
Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng chị Quỳnh vẫn không thể quên buổi trưa Chủ nhật, ngày 22-3-2020. Hôm ấy, gia đình vừa sắp mâm cơm thì nhận tin anh hi sinh. Chị nằng nặc đòi theo xe khách lên bệnh viện tỉnh để mong được gặp anh lần cuối...
Sau này, nghe đồng đội kể lại, chị mới nắm được câu chuyện cũng như tấm gương anh dũng hi sinh của chồng mình. Buổi sáng hôm đó, Công an huyện Quế Phong nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc có một số đối tượng người Lào tổ chức vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới vào tổ chức mua bán tại khu vực rừng núi xã Nậm Giải, huyện Quế Phong nên đã cử tổ công tác gồm 8 đồng chí, trong đó có trinh sát Sầm Quốc Nghĩa nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tổ chức xác minh nguồn tin và lên phương án bắt giữ.
Vượt hơn 40km đường rừng hiểm trở, tổ công tác đã tiếp cận vị trí nghi các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch ma túy. Với vai trò trinh sát, lại là người dân tộc thiểu số, thông thạo ngôn ngữ và am hiểu địa hình, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa xung phong nhận nhiệm vụ tiếp cận gần hơn các đối tượng. Ít phút sau, Đại úy Nghĩa phát hiện một đối tượng mặc quần áo người Mông, mang theo túi nilon chứa ma túy nên đã mưu trí đánh lạc hướng khiến đối tượng sơ hở, sau đó dũng cảm nhanh chóng áp sát quật ngã đối tượng.
Trong lúc đang khống chế đối tượng thì bất ngờ từ phía sau có 2 đối tượng từ trong rừng lao ra cầm dao chém, đâm nhiều nhát vào vùng đầu, vùng lưng đồng chí Nghĩa. Dù bị trọng thương nhưng đồng chí vẫn tiếp tục gắng sức đánh trả đồng thời tri hô để các đồng đội trợ giúp. Nghe thấy tiếng gọi của đồng chí Nghĩa, ngay lập tức, mũi công tác còn lại đã nhanh chóng có mặt để truy bắt nhóm đối tượng gây án và đưa đồng chí Nghĩa đi cấp cứu. Mặc dù đã được đồng đội nhanh chóng đưa về Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng và bị mất nhiều máu nên đồng chí Sầm Quốc Nghĩa đã hi sinh lúc 10 giờ 25 phút cùng ngày.
2. Hơn 2 năm kể từ ngày anh Nghĩa hi sinh, chị Quỳnh vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Mỗi buổi sáng thức dậy, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, cô con gái nhỏ Bảo Trâm (5 tuổi) hồn nhiên bi bô: “Bố đi công tác sắp về chưa mẹ?”, “răng bố đi lâu rứa”, là thêm một lần trái tim quả phụ nhói đau. Nỗi nhớ chồng quay quắt, dồn dập ùa về, chị chỉ còn biết gạt nước mắt, nghẹn ngào quay mặt đi để che giấu cảm xúc chực trào.
“Tháng 3-2017, tôi và anh Nghĩa tổ chức lễ thành hôn. Không ngờ, vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 3 năm ngày cưới thì anh ấy bỏ hai mẹ con đi mãi. Mấy năm sống đời vợ chồng với anh ấy là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời này. Giờ em vẫn xem như anh vẫn còn hiện hữu. Trang Facebook của anh ấy, em vẫn giữ, có niềm vui nào của Bảo Trâm, em đều tag vào Facebook của chồng để lưu giữ kỷ niệm”, cô giáo Quỳnh tâm sự.
Dù chỉ làm nghề nông, song là một người đàn ông từng trải, từ khi sự việc xảy ra cho đến nay, ông Sầm Quốc Vinh (bố đẻ Đại úy Sầm Quốc Nghĩa) vẫn giữ được bản lĩnh vững vàng, mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho vợ, con, cháu trong gia đình. Dù rằng khi chỉ còn lại một mình với đêm, đối diện với sự thật, lòng ông se thắt lại, nước mắt chảy ngược từng đêm.
Nghĩa là con trai duy nhất trong gia đình có hai chị em. Mẹ làm ở trạm y tế xã, nhà không có ai theo ngành Công an, nhưng từ nhỏ Nghĩa đã mơ ước trở thành công an. Năm 2009, Nghĩa tham gia nghĩa vụ CAND, đến tháng 2-2010 thì được tuyển vào biên chế ở Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An, sau đó được chiêu sinh vào học tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp, Nghĩa được điều động về công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Quế Phong với vai trò là trinh sát.
Đấu tranh với tội phạm ma túy ở khu vực biên giới Việt - Lào đoạn qua địa phận Nghệ An nói chung và qua huyện Quế Phong, luôn là cuộc chiến sinh tử khi tội phạm xuyên biên giới thường sử dụng vũ khí "nóng", sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện để chạy trốn hoặc cướp hàng. Biết tính chất phức tạp như vậy, mỗi lần con trai lên đường trở lại đơn vị là một lần người cha già thực sự lo lắng. Chỉ đến khi thấy Nghĩa bình an trở về, dù là lúc nửa đêm hay mờ sáng, ông Vinh mới yên tâm chợp mắt.
“Sáng hôm xảy ra sự việc, tự dưng tôi thấy trong lòng như lửa đốt nên đã mở máy gọi cho con trai. Đáp lại, chỉ là câu nói ngắn gọn quen thuộc “con đang làm nhiệm vụ”, rồi Nghĩa cúp máy. Không ngờ, đó là những lời nói cuối cùng của con trai mà tôi nghe được, bởi sau đó mấy tiếng đồng hồ, Nghĩa đã hi sinh khi đang trấn áp tội phạm”, ông Vinh lặng lẽ gạt nước mắt kể lại.
Thượng tá Cao Thanh Hải, Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết: Đại úy Sầm Quốc Nghĩa là người con ưu tú của đồng bào dân tộc Thái. Mới về nhận công tác được 5 năm, thì 4 năm liên tiếp Đại úy Nghĩa là Chiến sĩ Thi đua cơ sở. Anh cũng đã nhiều lần được Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An và Giám đốc Công an tỉnh tặng bằng khen, giấy khen về những thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Trong suốt 5 năm trong vai trò là trinh sát ma túy, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa đã luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, kiên quyết đấu tranh với tội phạm đến cùng. Chiến công đầu ghi dấu ấn của Đại úy Nghĩa là góp phần trong việc đấu tranh, phá thành công chuyên án vào ngày 28-5-2016, triệt xóa thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào vào Việt Nam. Bắt quả tang 2 đối tượng Thò Pó Thò (SN 1966) và Vừ Chồng Chớ (SN 1995), cùng trú tại Pà Pục, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào), tang vật thu giữ gồm 3kg thuốc phiện và 400 viên ma túy tổng hợp. 2 năm sau, với thành tích xuất sắc trong việc phá thành công chuyên án khác, bắt gọn trùm ma túy khét tiếng Xồng Xái Hờ (SN 1957), trú tại xã Châu Thôn, huyện Quế Phong với tang vật là 3 kg ma túy đá và 1.867 viên ma túy tổng hợp, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen.
Dù nhà cách đơn vị chỉ khoảng 20 cây số nhưng đặc thù của trinh sát ma túy nên ít khi Đại úy Nghĩa có thời gian cho gia đình. Trong khi đó, mẹ anh có tiền sử bị tai biến, đau ốm thường xuyên, vợ bận chăm con thơ, lại làm công việc của một giáo viên mầm non nên cũng ít khi có thời gian chăm sóc bố mẹ chồng. Ngày đó, chỉ huy công an huyện từng dự kiến bố trí Nghĩa công tác tại bộ phận khác để có nhiều thời gian cho gia đình hơn, nhưng Nghĩa đã tự nguyện xin được làm trinh sát vì theo như lời của anh lúc sinh thời, thì: “Em thực sự đam mê với nghiệp truy bắt tội phạm ma túy”. Anh hi sinh khi tuổi đời còn trẻ, để lại tiếc thương cho đơn vị và khoảng trống không gì bù đắp được cho gia đình, vợ con.
Trước tấm gương anh dũng, chiến đấu quên mình của đồng chí Sầm Quốc Nghĩa, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã ký quyết định truy thăng quân hàm vượt cấp từ thượng úy lên đại úy cho đồng chí Sầm Quốc Nghĩa. Tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa, truy tặng Huân chương Dũng cảm và Huân chương Chiến công Hạng Nhì”; Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho liệt sĩ, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa.