Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Hoa xương rồng trong nắng Nam Sudan

Chủ Nhật, 14/04/2024, 08:37

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã cử 6 sĩ quan thuộc hai tổ công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, trong đó có hai đồng chí nữ. Đặt chân đến mảnh đất châu Phi nghèo nàn và bất ổn, chứng kiến nhịp làm việc khẩn trương, mang tính đặc thù trong môi trường quốc tế, chúng tôi mới thấy hết những nỗ lực vượt khó của hai nữ sĩ quan Công an Việt Nam. Trong nắng lửa Nam Sudan, họ được ví như những bông hoa xương rồng vươn lên từ vùng đất cằn khô, khắc nghiệt.

Trải nghiệm quý giá

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh và Trung tá Nguyễn Thu Hà là những nữ sĩ quan đầu tiên có mặt trong đội hình huấn luyện tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Bộ Công an. Từ năm 2016, cùng các đồng nghiệp nam, họ đã có quá trình tìm hiểu và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn hoạt động gìn giữ hòa bình. Không chỉ trang bị vốn ngoại ngữ tốt, họ còn đáp ứng được các yêu cầu về rèn luyện thể lực, kỹ thuật lái xe, bắn súng. Những kỹ năng mềm cũng phải thành thạo, từ xử lý tình huống, sinh tồn trong môi trường khó khăn và xung đột đến sử dụng bản đồ, sơ cứu thương và nhận biết về bom mìn. Họ đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Liên hợp quốc để được tuyển chọn tham gia gìn giữ hòa bình.

Hoa xương rồng trong nắng Nam Sudan -0
Thượng tá Lương Thị Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.

“Chuyến công tác ở một địa bàn rất xa Tổ quốc không phải diễn ra vài ngày mà kéo dài cả năm. Bởi vậy, việc sắp xếp chuyện gia đình, con cái để lên đường là điều khó nhất với những người mẹ, người vợ như chúng tôi”, Thượng tá Vinh chia sẻ. Hai con của chị đang tuổi lớn rất cần mẹ quan tâm, uốn nắn. Còn với Trung tá Hà, việc khó nhất là thuyết phục cô con gái nhỏ mới 8 tuổi cắt đi mái tóc dài để con có thể tự gội đầu khi mẹ đi xa. Trước khi đi cả năm trời, các chị đã làm công tác tư tưởng để các con quen dần với việc mẹ vắng nhà. Thật may mắn, các chị luôn được gia đình ủng hộ, động viên.

Tháng 8/2022, Thượng tá Trà Vinh lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Gần một năm sau, Trung tá Nguyễn Thu Hà cũng đặt chân tới mảnh đất châu Phi đầy nắng gió. Dù đã hình dung trước khó khăn gặp phải, nhưng chỉ khi đặt chân tới nơi, họ mới hiểu hết ý nghĩa nhiệm kỳ công tác của mình. Họ học cách thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, ban ngày nắng nóng đến hoa mắt chóng mặt, nền nhiệt gần 50oC, nhưng ban đêm nhiệt độ giảm xuống còn 16oC. Với tâm thế háo hức khám phá miền đất mới, hai nữ sĩ quan đã vững vàng đón nhận mọi nhiệm vụ dù lĩnh vực gìn giữ hòa bình rất mới mẻ. Với các nam sĩ quan đã vô cùng vất vả, nhưng với nữ sĩ quan thì cần sự quyết tâm và bản lĩnh gấp nhiều lần.

Ở môi trường làm việc Liên hợp quốc không hề có sự phân biệt nhân viên nam hay nữ, tất cả đều phải trải qua đợt tập huấn đầu vào khắt khe. Sau đó, họ nhận nhiệm vụ tuần tra - bước đầu tiên để nắm bắt địa bàn tiếp xúc với người dân để xây dựng lòng tin vào lực lượng cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật. Trên những cung đường đất bụi mù vào mùa khô và lầy lội vào mùa mưa, lồi lõm ổ trâu, ổ voi, các nữ sĩ quan lái chiếc xe trắng của Liên hợp quốc có dòng chữ UN nổi bật để xuống địa bàn tuần tra. Giờ đây họ đã là những tay lái vững vàng với các loại xe ô tô trong căn cứ, bất chấp mọi loại địa hình ở Nam Sudan.

Trung tá Hà cùng 2 đồng nghiệp nam được triển khai xuống Văn phòng Cảnh sát Malakal thuộc bang Upper Nile cách thủ đô Juba 650km. Malakal nằm bên bờ lưu vực sông Nile trắng, là nơi đầy bất ổn khi xung đột sắc tộc kéo dài. Đây là nơi duy nhất trên thế giới có trại bảo vệ dân thường do Liên hợp quốc thành lập và chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho gần 40.000 người tị nạn. Trung tá Hà nhận nhiệm vụ tuần tra và trực gác tại đây.

Hoa xương rồng trong nắng Nam Sudan -0
Tà áo dài Việt Nam tại căn cứ Tomping.

Trong trại là những dãy lều bạt san sát nhau. Người dân đầu trần, chân đất đi lại, sinh hoạt trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Trẻ con cả ngày chỉ biết chạy nhảy, chơi đùa ven kênh rạch, ruồi muỗi bay rào rào. Tổ công tác thực hiện trực gác hằng ngày, mỗi ca trực 4 tiếng để kiểm soát tình hình người dân ra vào trại. 6 giờ sáng là giờ mở cổng cho người dân ra ngoài chăn thả dê bò, hái rau, nhặt củi, lấy nước, tắm rửa ở bờ sông. 7 giờ tối đóng cổng trại để người dân trở về lều ngủ nghỉ. 4 tiếng trực gác căng thẳng ngoài trời bụi bặm và nắng rát, Trung tá Hà chỉ có chai nước mang theo. Chính nhờ có sự giám sát, bảo vệ sát sao của nhân viên Liên hợp quốc mà tình hình an ninh trong trại ổn định hơn, hạn chế những xung đột, nạn hiếp dâm, trộm cắp.

Malakal có địa hình trũng, hoang sơ, có những đàn gia súc lớn, nhiều bụi rậm nên “đặc sản” là ruồi vàng, muỗi, châu chấu và... rắn. Côn trùng ở Nam Sudan là nỗi ám ảnh với tất cả những ai đến đây. Cứ ra khỏi phòng ở là phải sẵn sàng trang phục “kín cổng cao tường”. Tuy thế, côn trùng vẫn lao đến “tấn công”, những vết đốt mấy tháng vẫn chưa lành. Rắn ở khắp mọi nơi, thậm chí rắn “ghé thăm” trụ sở làm việc của cảnh sát Liên hợp quốc, bò vào nằm ngủ trong... máy photocopy.

“Những ngày ở Malakal thực sự là kí ức không thể nào quên. Khó khăn nhất là những bữa cơm thiếu rau xanh. Người dân Nam Sudan không có truyền thống canh tác, trồng trọt nên không trồng được rau mang bán như ở Việt Nam. Bù lại, ở đây chúng tôi được ăn cá đánh bắt từ sông Nile. Đây là nguồn thực phẩm duy nhất dồi dào, sẵn có ở địa phương. Bữa ăn với thực đơn là cơm và cá đã trở nên đều đặn và không thể... ổn định hơn”, chị Hà dí dỏm kể.

Không được phép yếu mềm

Đi địa bàn, Thượng tá Vinh chứng kiến cảnh những người đàn ông bản địa lăn từng tảng đá từ trên núi về, dùng búa từ to đến nhỏ đập dần ra. Những người phụ nữ cũng cần mẫn đập đá cho đến khi nhỏ vụn để bán làm vật liệu xây nhà cửa. Cuộc sống của người dân nghèo nàn, tạm bợ trong những ngôi nhà vách đất lợp mái tôn, không có cửa kiên cố, thay vào đó là những tấm vải buông rủ. Vì thế, đời sống người dân luôn bất ổn, rối nhiễu vì những vụ trộm cắp, hiếp dâm.

Kết thúc đợt tuần tra, kiểm soát tại địa bàn, Thượng tá Vinh và Trung tá Hà nỗ lực thi tuyển thành công vào các vị trí làm việc của Phái bộ UNMISS. Hiện tại Thượng tá Vinh là sĩ quan quản lý đào tạo, Trung tá Hà là sĩ quan hậu cần thuộc Sở chỉ huy Phái bộ. Họ đều tác chiến độc lập, thường xuyên phối hợp với đồng nghiệp quốc tế.

Trong môi trường làm việc đa quốc gia, với các tiêu chuẩn, yêu cầu tác nghiệp khắt khe. Ở nhà, tổ công tác luyện nghe và phát âm tiếng Anh theo chuẩn từ điển. Nhưng, sang đây thì các đồng nghiệp đến từ nhiều nước phát âm với tốc độ, ngữ điệu, âm điệu nghe khác nhau một trời một vực. Không còn cách nào khác là phải tập nghe, tập nắm bắt nhanh. Cũng như các nhân viên ở khắp nơi trên thế giới tới làm việc tại Phái bộ UNMISS, hai nữ sĩ quan ở trong những căn phòng container cùng đồng nghiệp nước ngoài.

“Dịch bệnh ở Nam Sudan vẫn là mối hiểm họa chực chờ. Trước khi đi, chúng tôi đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Trong căn cứ, công tác phun thuốc muỗi được thực hiện đều đặn, các sĩ quan Liên hợp quốc đến đây đều phải uống thuốc phòng, chống bệnh hằng ngày. Tuy thế, nhiều người vẫn mắc sốt rét. Những cơn sốt rét ớn lạnh và mệt mỏi đã “hỏi thăm” tôi, giờ nhớ lại vẫn thấy sợ”, Trung tá Vinh kể lại trận sốt rét không thể nào quên mình đã trải qua.

Hoa xương rồng trong nắng Nam Sudan -0
Trung tá Nguyễn Thu Hà với trẻ em Nam Sudan.

Hai nữ sĩ quan luôn tự nhủ rằng, đã đặt chân đến Nam Sudan thì không được phép yếu mềm. Phải mạnh mẽ để thích nghi và thiết lập cuộc sống khoa học trong hoàn cảnh thiếu thốn. Họ vẫn giữ nhịp luyện tập thể thao để có thể lực tốt đảm đương công việc. Với lỉnh kỉnh xô, thùng, túi nước, hằng ngày họ đi hứng nước ở bể chung và gùi nước về khu ở. Dù những giọt nước chưa thật trong, nhưng nghĩ đến những người dân ngoài kia đang thiếu ăn và khát nước sạch, các chị luôn chắt chiu, tiết kiệm.

Các chị chia sẻ rằng, thời gian đầu đi làm nhiệm vụ thấy nhớ nhà đến cồn cào. Nhưng, công việc bận bịu cuốn đi khiến họ phải nén lòng để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ đã quen với việc mạng Internet chập chờn, những cuộc gọi về Việt Nam cho gia đình, đồng đội thường bị ngắt quãng. Nam Sudan và Việt Nam lệch múi giờ, khi các con tan trường thì họ đang làm việc, khi họ tan làm thì các con đã ngủ. Bởi thế, các chị thường chỉ gọi về cho gia đình vào dịp cuối tuần.

Sứ giả hòa bình

Có một nguồn năng lượng tích cực, ấm áp toát ra từ vóc dáng nhỏ bé mà rắn rỏi, dẻo dai của hai nữ sĩ quan Công an Việt Nam tại Phái bộ UNMISS. Bạn bè quốc tế ấn tượng với tinh thần làm việc hết mình và nụ cười thân thiện của họ. Ở nơi đất đai cằn cỗi, việc trồng trọt chẳng phải dễ dàng. Tuy thế, họ vẫn tranh thủ kiếm đất trồng rau để cải thiện bữa ăn. Những gói hạt giống rau muống, rau cải, mồng tơi mang từ Việt Nam sang được gieo trồng, tưới tắm cũng nảy mầm, xanh lá ở vùng đất sỏi đá châu Phi. Nhiều bạn bè quốc tế kháo nhau rằng nữ Công an Việt Nam biết làm vườn như những người nông dân. Có lúc lại thấy các chị mặc áo dài, đội nón rất nữ tính. Qua đó mà bạn bè các nước biết đến trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Mỗi khi mặc áo dài và cầm lá cờ Tổ quốc trên tay, các chị như thấy có cả Việt Nam bên mình.

Hai tổ công tác chỉ có 6 thành viên, nhưng họ luôn tranh thủ mọi sự kiện để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc tại căn cứ. Nhiều bạn bè được dạy cách cầm đũa, làm nem rán, trải nghiệm nấu phở, đồ xôi gấc trong dịp đón tết Việt ở Nam Sudan. Hình ảnh chiến sĩ Công an Việt Nam, những giá trị văn hóa Việt cứ dần được lan tỏa và tạo dấu ấn trong lòng đồng nghiệp khắp năm châu.

Các chị luôn tranh thủ thời gian quý giá để làm được nhiều điều ý nghĩa cho người dân nơi đây. Nhiều chương trình thăm và tặng quà cho phụ nữ, trẻ em thiệt thòi đã được triển khai. Không những thế, các chị còn tích cực tham gia hoạt động của Mạng lưới nữ cảnh sát Phái bộ. Trên mảnh đất Nam Sudan xa xôi, trong hành trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, những nữ sĩ quan Công an Việt Nam đã và đang viết nên câu chuyện đầy xúc động. Món quà ấm áp mà họ nhận lại là những ánh mắt thân thương, nụ cười trìu mến của người dân Sudan khi nhắc đến hai chữ Việt Nam.

Huyền Châm
.
.