Hoàn thiện pháp lý, ngăn ngừa tội phạm từ “trứng nước” (bài cuối)
Sau gần 9 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu 2013 được đánh giá đã có rất nhiều bước tiến. Tuy nhiên, qua những vụ “đại án” về tham nhũng mà vi phạm đều xuất phát từ hoạt động đấu thầu cho thấy cần phải có sự sửa đổi toàn diện để phù hợp với thực tế.
Thông đồng móc ngoặc thẩm định giá nhằm nâng khống giá trị gói thầu.
Đây là thủ đoạn được sử dụng trong tất cả các vụ án để các đối tượng có thể trục lợi từ các gói thầu. Theo đó, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong hoạt động đấu thầu, việc này sẽ quyết định mức chi phí mà ngân sách nhà nước phải chi trả cho các gói thầu mua sắm hàng hóa, thiết bị, dịch vụ...
Tuy nhiên, để giá các gói thầu cao hơn giá trị thực tế vốn có của nó và từ đó trục lợi từ ngân sách sau đó chia chác nhau, các cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và nhiều doanh nghiệp khác nhau, trong đó đặc biệt là các đơn vị thẩm định giá đã câu kết, thông đồng với nhau “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực, bằng các chứng thư thẩm định.
Điều này chúng ta có thể nhìn thấy rõ nét nhất trong hàng loạt những vụ án liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thủ Đức… các đối tượng đã thông đồng, móc ngoặc với nhau để đưa ra các chứng thư thẩm định giá của các thiết bị, vật tư y tế cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Đặc biệt là vụ án Công ty Việt Á "bắt tay" với giám đốc CDC một loạt địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45% để trục lợi hàng nghìn tỷ đồng. Sai phạm này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực y tế, mà trong hầu hết tất cả các lĩnh vực khác. Điển hình như liên tiếp thời gian gần đây, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố hàng chục bị can ở Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên do có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Hay mới đây là vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Một loạt vụ án vi phạm quy định về đấu thầu tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình; tại Trung tâm Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang; Vụ án trong quản lý tài sản tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Các vi phạm tại những địa phương này đều liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non và tiểu học. Đặc biệt, điểm chung về các sai phạm ở các tỉnh là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá.
Điều đáng tiếc trong những vụ án tham nhũng liên quan đến hoạt động đấu thầu, có sự tự “diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nhiều đối tượng phạm tội vốn là những giáo sư, bác sĩ đầu ngành của ngành Y tế như ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) được mệnh danh là “bàn tay vàng trong làng mổ tim”, hay ông Nguyễn Quốc Anh (cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), ông Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức… hay những lãnh đạo đứng đầu các tỉnh thành.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an cũng đã từng đánh giá về thực trạng này. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, thực tiễn, quá trình phát hiện và đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các vụ án, vụ việc có liên quan đến số cán bộ giữ chức vụ, đứng đầu cơ quan, tổ chức (Chủ tịch Hội đồng đấu thầu). Thứ nhất, những cá nhân này bản thân rất am hiểu về chính sách quản lý kinh tế - xã hội, có kinh nghiệm đối phó, né tránh, tẩu tán tài sản trục lợi được. Thứ hai, họ có điều kiện dùng cơ chế hành chính, mệnh lệnh cấp trên để chỉ đạo, ràng buộc cán bộ, công chức, người lao động phụ thuộc thực hiện các hành vi giúp sức, che giấu sai phạm, chỉnh sửa, hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tiêu hủy chứng cứ. Thứ ba, họ có mối quan hệ xã hội rộng với nhiều cấp, nhiều ngành, ngay từ giai đoạn tiếp cận, thu thập hồ sơ, tài liệu, cơ quan điều tra đã gặp sự can thiệp, tác động từ nhiều phía.
Bịt lỗ hổng pháp lý
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội: Đấu thầu là quá trình lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp để ký kết và thực hiện hợp đồng. Ở Việt Nam đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực này như Luật Đấu thầu, Luật Giá… nhằm lựa chọn nhà thầu tốt nhất, lựa chọn được loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ chất lượng nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí tối đa cho Nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản công ngày càng phức tạp. Qua việc phân tích các vụ án vi phạm pháp luật về đấu thầu, có thể thấy rõ được hành vi của các đối tượng đã lợi dụng triệt để những kẽ hở pháp luật về đấu thầu để “luồn lách” để trục lợi cho chính bản thân mình.
Thứ nhất, về hồ sơ mời thầu quy định còn sơ sài thiếu cụ thể, vì thế nhiều đối tượng đã “cài cắm” tiêu chí đánh giá. Đồng thời pháp luật cũng chưa có quy định chặt chẽ, rõ ràng về năng lực tài chính (các bên dự thầu cần sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan thuế), năng lực kinh nghiệm của các đơn vị tham gia dự thầu. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia dự thầu không có đủ kinh nghiệm vẫn tham gia dự thầu, sắp đặt “quân xanh, quân đỏ”. Do đó, cần sửa một số quy định, tiêu chí để đảm bảo cạnh tranh trong hồ sơ mời thầu và nhằm hạn chế đấu thầu hình thức, gian lận trong đấu thầu.
Thứ hai, về chỉ định thầu theo hình thức rút gọn chưa chặt chẽ đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để thông đồng với các doanh nghiệp bên ngoài trục lợi. Pháp luật cho phép bên mời thầu trực tiếp chọn nhà thầu mà không cần trải qua giai đoạn đấu thầu trong một số trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách… Đây chính là lỗ hổng lớn nhất trong quy trình chỉ định thầu, các cán bộ, công chức có thẩm quyền trong tổ chức đấu thầu lợi dụng triệt để. Mặc dù, việc chỉ định thầu thực sự cần thiết trong trường hợp cấp bách, tuy nhiên điều này đồng nghĩa với gói thầu mua vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh không phải chịu sự ràng buộc đối với bất cứ điều kiện nào cũng như sự kiểm soát nào, nếu pháp luật không quy định một cách chặt chẽ về phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu sẽ rất dễ bị các đối tượng xấu “lách luật”.
Thứ ba, Luật Giá hiện hành đã trao cho thẩm định viên quyền hạn rất lớn, nhưng lại không có chế tài nào ràng buộc trách nhiệm của người độc lập thẩm định giá với kết quả thẩm định. Đồng thời, cũng không có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; hay cũng không có cơ quan nào thực hiện việc giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định. Do đó, cần có sự hoàn thiện, đổi mới về pháp luật để hạn chế những vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu như hiện nay.
Để khắc phục những lỗ hổng về pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu nhằm hạn chế tội phạm, khắc phục những hạn chế, vướng mắc tiêu cực trong thực tế theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu là thực sự cần thiết và cấp bách. Việc sửa đổi này phải đảm bảo tính đồng bộ thống nhất với các luật có liên quan.
Cần phải có những quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn trong phương thức, quy trình lựa chọn nhà thầu, cũng như các hình thức lựa chọn nhà thầu và quy định rõ, cụ thể các hành vi bị cấm trong đấu thầu như gian lận, thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận,... Đồng thời bỏ các quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư, vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được; đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án,… (Dự thảo luật mới). Đảm bảo việc áp dụng chỉ định thầu được rõ ràng, minh bạch, tránh các trường hợp hợp thức hóa các thủ tục chỉ định thầu.
Việc có quy định cụ thể sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu chặt chẽ, công khai và minh bạch hơn, hạn chế các tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu. Bên cạnh đó, cần bổ sung những quy định trong cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu; cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ, đặc biệt kiểm soát cho được quyền lực của những quan chức có quyền quyết định đấu thầu… hạn chế sự lạm quyền của cán bộ, quan chức bảo kê doanh nghiệp thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu. Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi phạm trong hoạt động đấu thầu, thông đồng, nâng khống, trục lợi,…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã phát hiện 456 vụ phạm tội về tham nhũng chức vụ (tăng 97,4% so với cùng kỳ) và 2.502 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế. Tội phạm tham nhũng, kinh tế liên quan hoạt động đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công phát hiện, xử lý ở nhiều địa phương (khởi tố mới 17 vụ, giảm 48% so với 2022), nổi lên là các hành vi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định nâng giá hàng hóa nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản.