Học ké!...

Thứ Ba, 29/10/2024, 15:12

Kết thúc sứ mệnh của thời bao cấp, kho lương thực của xã được trưng dụng cho sự nghiệp giáo dục. Đó là một khu đất bằng phẳng, rộng mênh mông trong mắt đứa trẻ lên 5. Hai dãy nhà cấp 4, tường vôi, mái ngói rêu phong, xây dựng quay mặt vào nhau.

Ranh giới của nhà trường được xác lập bằng một bờ rào tre, rào theo hình dấu X. So với nhiều căn nhà tranh của người dân xung quanh, trong mắt bọn trẻ, trường học rõ ràng là nơi sang trọng hơn nhà mình.

1. Sang tuổi thứ 5, bản vùng cao thường không có trường mẫu giáo. Để tôi ở nhà một mình không an lòng, bố quyết định gửi tôi vào lớp 1, tức là sớm hơn 1 tuổi so với bình thường. Mục đích để chị gái kế tôi vừa học, vừa trông coi tôi. Thời bấy giờ, người miền thượng gọi những đứa trẻ như tôi là đi “học ké”. Tức không thuộc biên chế chính thức của lớp. Học được thì tốt, không học cũng chẳng sao.

Những đứa trẻ đi “học ké” không nhằm mục đích học chữ. Nó đơn giản chỉ là có người trông coi để người lớn trong gia đình hằng ngày yên tâm với chuyện đồng áng. Vừa có nơi trông giữ con trong môi trường an toàn, không biết chừng thằng nhỏ còn “học lỏm” được ít chữ, lợi chồng lợi. Bố mẹ tôi lấy làm vui mừng vì điều đó. Điều kiện tiên quyết và duy nhất để cô giáo nhận trẻ “học ké” vào lớp là không được khóc nhè hoặc gây mất trật tự.

Cũng có đứa khôn trước tuổi, đi “học ké” nhưng cuối năm vẫn biết đọc, biết viết thành thạo. Những trẻ này được nhà trường “đặc cách”, bổ sung ngay vào danh sách chính thức để cho lên lớp 2. Vì thế, thời ấy trên miền rẻo cao quê tôi, có rất nhiều trẻ đi học trễ nhưng cũng không ít trẻ vào lớp 1 sớm hơn độ tuổi thông thường. 

Học ké!... -1
Trẻ em vùng cao bước vào lớp 1.

Trường học cách nhà tôi khoảng 4 km, được chia thành 3 cấp. Tiền thân vốn là khu nhà kho của xã, chuyên dùng để tích trữ lương thực của thời bao cấp, làm ăn tập thể. Khi sứ mệnh chấm dứt, kho lương thực được trưng dụng làm trường học. Cấp 3, vào lớp lúc 7 giờ sáng, gần 11 giờ trưa thì tan. Cấp 1, vào lớp khoảng 11 giờ trưa và kết thúc lúc 14 giờ. Cấp 2, bắt đầu từ 14 giờ hơn tới 17 giờ 30. Từ khi khai giảng năm học mới, cả ngày trường lớp lúc nào cũng đầy ắp học sinh các cấp.

Mỗi tuần, trường rảnh được 2 ngày nghỉ, đó là thứ Năm và Chủ nhật. Những ngày đó, bọn trẻ vẫn thường chui qua bờ rào tre xiêu vẹo, vào sân trường đánh khăng, chơi u, bịt mắt bắt dê, quậy phá đủ trò. Bác bảo vệ vẫn thường xuyên tới nhà từng đứa tố với phụ huynh. Chuyện phải chịu những trận đòn roi của cha mẹ không phải là hiếm. 

Cấp 1 được nhà trường bố trí học vào giờ chính Ngọ, tức lúc giữa trưa. Đó là một sự cản trở không hề nhỏ đối với giấc ngủ ngày của đứa trẻ lên 5. Là người “học ké”, nhiệm vụ chính trong những buổi học của tôi là không được tạo ra tiếng ồn, cấm được khóc khi không nhìn thấy chị, chuyện học hành là phụ. Thành thử, suốt năm lớp 1, thời gian tôi được cô giáo dạy đọc bảng chữ cái và tập ghép chữ, đánh vần rất ít. Phần lớn buổi trưa tôi dành cho việc ngủ gục ngay trên bàn học. Lúc tỉnh giấc, thường là lớp đã sắp tới giờ tan. Khi tôi tỉnh hẳn cũng là lúc một hồi trống dài hối hả vang lên, thúc giục bọn trẻ đổ ra sân xếp hàng để ra về trong cái nắng hanh hao, đùng đục mùa thu. Suốt cả năm lớp 1, tôi kiên trì dành cho việc ngủ trưa như thế...

Chị gái hơn tôi 3 tuổi, có thú vui rất lạ: Thích ngửi mùi khói xe ô tô!

Học ké!... -0
Trẻ em trong trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước khi rẽ vào con đường nhỏ dẫn tới trường học nằm sâu trong dãy núi đá vôi, thuộc làng Ngù (xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), chị em tôi đi trên con đường lớn, kéo dài khoảng 2 km. Mỗi tháng đôi lần, trên con đường to ấy có vài chiếc ô tô tải được sản xuất ở Liên Xô, chạy qua khuấy động cả không gian làng quê. Điểm chung của loại xe này là nhả khói đen ngòm, khét lẹt. Sự hiện diện của ô tô tải trở thành thú vui xa xỉ của đám trẻ con vùng cao.

Dù ở bất cứ nơi đâu, đang làm gì, khi nghe tiếng ô tô đang rú ga ầm ĩ, ì ạch leo lên đỉnh dốc đầu làng, mọi thứ đều bị bọn trẻ xem nhẹ. Việc quan trọng cần làm hơn cả là chạy ngay ra đường, căng mắt lên nhìn ô tô ì ạch qua làng. Trên đường tới trường, mỗi lần trông thấy ô tô từ xa đang lừ đừ tiến lại, chị tôi hí hửng như sắp được ăn bánh đúc theo mẹ đi chợ về. Ô tô vụt qua, bụi bay mịt mù. Chị tôi cố chạy theo, ra sức hít lấy hít để đám khói đen ngòm, cười sằng sặc, khoái chí nói: Thơm lắm!...

2. Sướng nhất là những ngày trời rầu rĩ đổ mưa, ô tô bị sa lầy, không tài nào lên được. Bọn trẻ làng tôi xem đó là một bữa tiệc, thích thú chạy quanh, tha hồ ngắm nhìn, la hét sung sướng trước sự bực bội, bất lực của bác tài xế. Có lần sa lầy, loay hoay cả buổi, tài xế, phụ xe người bê bết bùn đất nhưng vẫn không có cách nào đưa xe lên được. Xe tải rú ga ầm ĩ, cách cả cây số vẫn còn nghe, khói đen bốc lên như cháy nhà. Bánh xe quay tít giống chong chóng gặp bão, mùi cao su bị đốt cháy khét lẹt. Tiến không được, lùi cũng không xong. Hết cách, chiếc xe già nua đành phải đầu hàng, nằm chình ình giữa vũng sình lầy, bê bết đất đen của làng tôi. Điều này làm bọn trẻ vô cùng thích thú, xem đó là một sự kiện trọng đại hiếm gặp. Chúng hả hê, lấy làm tự hào vì làng có được những vũng sình lầy “giá trị” như thế!... 

Học ké!... -0
Học sinh lớp 1 tập đọc.

Cuối làng, bên kia con suối cạn, ông Bảy gù sống với con trâu mộng. Ông Bảy không vợ, cũng chẳng có con. Người ta bảo ông bị “khờ” nhưng thật ra chỉ vì ông quá thật thà. Tính ông vốn thảo, ai xin gì cũng cho. Có lần trời đã chập choạng, trên đường dắt trâu đi cày thuê về, thấy ô tô mắc kẹt giữa vũng sình lầy, ông chủ động gợi ý cho bác tài: Để con trâu của tôi kéo cho! Một đề xuất mạnh bạo khiến dân làng ai cũng ái ngại. Vậy mà, con trâu làm được mới tài.

Ông Bảy gù dắt trâu vào trước đầu xe, mắc ách vào cổ. Tài xế nhanh nhảu cố định hai sợi dây dù to bằng cổ tay người lớn, nối từ ách trâu vào một cái móc hình lưỡi câu trước đầu xe tải. Ô tô nổ máy, rú ga, nhả khói đen kịt. Con trâu phía trước hốt hoảng, trợn tròn mắt, ra sức giật nhằm chạy thoát thân. Được trâu tiếp sức, bánh xe ô tô quanh tít, bùn bắn tứ tung. Loay hoay mấy phút, bánh xe bám được vào vùng đất cứng rồi thoát khỏi “cửa tử” một cách ngoạn mục. Dân làng khâm phục: Đúng là khỏe như trâu! Nghe bảo lần ấy, bác tài hậu tạ ông Bảy gù năm nghìn đồng nhưng ông không nhận. 

3. Chiếc túi cói to lùng thùng, không biết mẹ tôi “sưu tầm” ở đâu đem về, được trưng dụng làm cặp, đựng sách vở cho hai chị em tới trường. Nhiều lần bị nhóm bạn bêu riếu, chiếc túi dệt bằng sợi cói thô kệch trở thành nỗi xấu hổ của hai chị em. Chị tôi chẳng muốn đeo, đương nhiên tôi lại càng không muốn. Có lần, trên đường tới trường, lúc sắp đối diện với nhóm bạn tinh nghịch đã nhiều lần khiến hai chị em tôi khiếp sợ, chị vội ấn chiếc túi cói vào tay tôi.

Bực mình, nhất là sợ lại bị nhóm kia nhìn thấy, trêu chọc, tôi quăng thẳng túi cói xuống ruộng lúa kề đó. Điều này không qua được mấy chục con mắt của nhóm kia, chúng khoái chí, cười ngặt nghẽo. Chị tôi xấu hổ, bật khóc nức nở, lọ mọ lội bùn, xuống ruộng nhặt chiếc túi cói ướt mem, bê bết bùn đen lên, đem ra mương rửa. Sách vở ngấm nước, nhòe hết những nét chữ của hai chị em đang ở tuổi tập viết. 

Học ké!... -0
Trẻ em người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng tan trường.

Kết thúc năm học 1992-1993, với bề dày thành tích về việc ngủ gục trên bàn, dĩ nhiên tôi không đủ điều kiện để được lên lớp. Bị đúp lại lớp 1, cha mẹ tôi chẳng nửa lời than phiền. Mục đích của việc cho tôi đi “học dự bị” đã đạt được. Không phải tới trường học con chữ, cốt là có người trông coi tôi mà lại không mất tiền. Đơn giản thế thôi...

Khắc Lịch
.
.