Hội An trước bài toán duy trì phố cổ

Thứ Hai, 10/04/2023, 16:07

Mang trong mình di sản văn hóa, Tp Hội An đã có nhiều công trình bảo dưỡng, tu bổ và khai thác giá trị để nâng tầm cho di sản. Nhưng, nguồn lực yếu đã dẫn tới việc đầu tư tu bổ, trùng tu nhỏ giọt. Việc bán vé vào phố cổ lại một lần nữa được chính quyền thành phố đưa ra.

Trăn trở giữa lòng di sản

Nhiều năm qua, phố cổ Hội An thực sự đã trở thành điểm đến, nơi tham quan các di tích văn hóa đặc biệt và thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế đến khu vực miền Trung. Việc kết hợp các điểm du lịch tại khu vực miền Trung nổi bật như các di tích tại Thừa Thiên-Huế, du lịch Đà Nẵng, di sản văn hóa Mỹ Sơn, du lịch đảo Cù Lao Chàm đã tạo thành một cụm du lịch rất phát triển ở miền Trung.

Hội An trước bài toán duy trì phố cổ -0
Du khách mua vé tham quan Khu phố cổ Hội An.

Thế nhưng, hằng năm Hội An thất thu với số lượng lớn khách du lịch tham quan “chui”. Tổng số vé bán ra chưa đầy 50% so với tổng lượng khách thực tế đến Hội An du lịch. Điều đó có nghĩa là nhiều du khách đã không mua vé tham quan, trong khi nhiều công ty lữ hành cũng giúp khách trốn không mua vé. Vì thế, khi đi du lịch tại đây nhiều du khách đã gặp những dịch vụ không thỏa đáng, ngay cả việc du khách không được tiếp đón, phục vụ chu đáo, thuyết minh tường tận, khám phá giá trị đích thực của không gian phố cổ Hội An mà lẽ ra quyền lợi đó du khách được tận hưởng. Hệ quả là rất nhiều vụ việc gây ảnh hưởng tới du lịch Hội An, khiến hình ảnh du lịch Hội An mất dần vẻ đẹp vốn có của đô thị cổ bên dòng sông Hoài này.

Chính quyền TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) ban hành phương án “Tăng cường công tác quản lý hoạt động, hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An”. Theo đó, từ ngày 15/5, du khách trong nước và quốc tế đều phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ Hội An. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Thời gian hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông.

Thông tin này vừa đưa ra ngay lập tức đã tràn ngập trên báo chí và các trang mạng xã hội, điều đó cho thấy sức hút không nhỏ của đô thị cổ Hội An với sự quan tâm của người dân. Giống như nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trong nước và trên thế giới, nhiều người mong muốn trong đời được đến Hội An du lịch, chụp ảnh, tham quan phố cổ và lưu lại những hình ảnh đẹp nhất của mình với di sản văn hóa độc đáo này. Vì thế, việc bán vé tham quan phố cổ Hội An cho khách du lịch đã khiến cộng đồng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người lo ngại việc bán vé này sẽ khiến Hội An “đánh mất mình”, giảm lượng khách đến phố cổ trong thời gian tới. Trong đó, nhiều người cảm thấy “hụt hẫng” khi biết sẽ không còn được miễn phí tham quan nữa, mà thay vào đó phải trả tiền mua vé để được vào phố cổ. Nhưng, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc mua vé vào phố cổ tham quan là việc nên làm, bởi chí ít cũng đóng góp cho ngân sách địa phương có nguồn thu để tiến hành công tác trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi, những con đường với vỉa hè lát đá xanh...

Theo tìm hiểu, việc bán vé tham quan phố cổ Hội An đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Do chỉ số giá tiêu dùng ngày một tăng, từ 1/11/2012, TP. Hội An điều chỉnh giá vé khách nước ngoài từ 90.000đ lên 120.000đ, khách Việt Nam từ 45.000đ lên 80.000đ/người. Với giá vé này, mỗi khách tham quan sẽ có một ô vé chung để tham quan cảnh quan không gian khu phố cổ, được tham quan và trải nghiệm lối sống của người Hội An với những sinh hoạt hằng ngày, những trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật cổ truyền trên mỗi góc phố từ 7h sáng đến 10h đêm... và tự chọn cho mình điểm đến thuộc nhiều loại hình di tích trong 22 điểm tham quan tiêu biểu. Đối với khách nước ngoài, ô vé tự chọn từ 5 điểm tham quan tăng lên 6 điểm, khách Việt Nam từ 2 điểm tăng lên 3 điểm. Một số ưu đãi “ngoại lệ” như với khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ngày, tấm vé tham quan sẽ không chỉ có giá trị trong 24 giờ như đúng quy định mà có giá trị trong suốt thời gian khách lưu trú. Về bản chất, chủ trương bán vé trọn gói và cơ cấu giá vé đã có từ lâu và đến nay vẫn không thay đổi. Vấn đề ở chỗ, vé tham quan Hội An thường có trong giá tour chào bán của các hãng lữ hành.

Hội An trước bài toán duy trì phố cổ -0
Hội An trước bài toán duy trì phố cổ -1
Đêm Hội An đẹp lung linh với thuyền hoa trên sông Hoài.

Để bảo tồn và phát huy

Có lẽ, ít người biết rằng người Hội An có chút tự tôn với di sản của mình. Hằng ngày họ sinh sống và tạo nên một bản sắc của đô thị cổ, là một nhân tố của “khu di tích sống”, nơi mà giá trị của di sản thể hiện ở cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể và cả con người trong một không gian rộng lớn, chứ không chỉ đơn thuần là bó hẹp trong những ngôi nhà cổ, những con đường cổ hay các di tích rời rạc.

Theo UBND TP Hội An, việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và tất cả du khách. Đặc biệt, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách. Trường hợp người dân và du khách ở lại Hội An lâu ngày thì sẽ có phương án để nhận diện riêng, có lối đi riêng. Bởi, quyết định công nhận phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới thì toàn thể cảnh quan khu phố cổ là di sản chứ không phải chỉ riêng một di tích nào. Bởi, chủ trương “lấy di tích nuôi di tích”, “khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di tích” trong mấy chục năm qua cũng là vấn đề nhất quán. Ngay chính UNESCO châu Á - Thái Bình Dương cũng đã đánh giá cao cách làm này và cho đây là “mô hình mang nhiều ưu điểm” vì quản lý được nguồn vé, tránh những tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, nhất là kiểm soát được số lượng khách tham quan. Cùng với đó, sẽ hạn chế tình trạng khách tham quan “chui” dẫn đến thất thu vé tham quan, vốn là nguồn ngân sách chủ yếu để phục vụ các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển du lịch Hội An.

Theo lãnh đạo TP Hội An, nguồn thu từ việc bán vé tham quan sẽ phục vụ cho việc trùng tu di sản, cải tạo hạ tầng khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu cải tạo nhà. Tất cả kinh phí triển khai đều lấy từ nguồn thu vé tham quan. Vì vậy, tất cả du khách khi đến tham quan Hội An phải có trách nhiệm mua vé. Nhiều người lo ngại việc bán vé thu tiền sẽ nảy sinh nhiều bất cập, như việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ việc bán vé này sẽ như thế nào. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, gần 85% tiền thu được từ vé tham quan dành cho việc đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan.

Một phép tính đơn giản với không gian đô thị cổ Hội An, khi có tới 1.107 di tích kiến trúc, trong đó sở hữu tư nhân và tập thể có 932 di tích (84,18%), sở hữu nhà nước có 175 (15,80%) trong vùng lõi di sản này. Trước sự khắc nghiệt của thiên tai và cả tác động của con người, những di tích ngày đã và đang ngày càng xuống cấp, có nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng cần bảo tồn, tu bổ ngay lập tức. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để bảo tồn, sửa chữa những di tích xuống cấp nghiêm trọng có hạn. Đơn cử như di tích chùa Cầu, mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hằng ngày vẫn phải “gồng gánh” hàng ngàn khách tham quan. Mới đây, vào cuối tháng 12/2022 di tích đặc biệt hiếm thấy này mới được tạm “nghỉ ngơi” để trùng tu các hạng mục với nguồn kinh phí đầu tư 20,2 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Hội An là chủ yếu. Chùa Cầu là biểu tượng của văn hóa Hội An, nhưng góp phần vào văn hóa Hội An và quần thể “di tích sống” hằng ngày đón hàng ngàn du khách là cả ngàn di tích khác, cùng với đó là những nét văn hóa, lối sống, con người Hội An đang ngày ngày cố gắng gìn giữ, bảo tồn để tạo nên một Hội An là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Hội An trước bài toán duy trì phố cổ -0
Du khách tham quan phố cổ Hội An.

Chấn chỉnh những hoạt động du lịch để ổn định lại nguồn thu từ vé tham quan, Hội An mới thực sự đủ năng lực tài chính để kiên trì thực hiện các dự án “Đêm phố cổ”, “Phố cổ không có tiếng động cơ”, “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, “Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm”, “Giờ tắt điện” cùng với đó là các sự kiện văn hóa - du lịch, chăm lo môi trường vệ sinh, cảnh quan, trật tự và hàng loạt vấn đề dân sinh của cư dân phố cổ. Nếu chỉ trích từ ngân sách nhà nước sẽ không đủ và di sản sẽ có nguy cơ chết dần như cơ thể thiếu dần sự sống. Việc triển khai các biện pháp chống thất thu, siết chặt việc bán và kiểm soát vé, quyết liệt xử lý đối với những trường hợp cố tình đưa khách đi chui được triển khai song hành với việc bồi dưỡng các nguồn thu từ vé tham quan với rất nhiều công việc để làm sao “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, không thể để hình ảnh Hội An xấu đi trong mắt du khách chỉ vì một tấm vé

Nếu di sản không nuôi được di sản, thì đó có lẽ mới là điều đáng tiếc nhất, bởi hòn ngọc quý trong tay đã suy giảm mất giá trị của mình, bởi chính bản thân mình vậy. Đây có lẽ là bài toán mà chính quyền thành phố Hội An cần giải quyết.

Tiêu Dao
.
.