Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ: Không thể coi thường!

Thứ Ba, 22/02/2022, 12:57

Thấy con sốt cao, mệt mỏi, đau họng, chữa trị ở bệnh viện tuyến dưới 2 tuần không khỏi, khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, người mẹ mới ngỡ ngàng biết con bị mắc hội chứng viêm MISC (hội chứng viêm đa hệ thống - một loại bệnh đang được xác định là hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ) khiến trẻ lâm vào nguy kịch.

Trẻ em nhiễm COVID-19 thường biểu hiện nhẹ, có trẻ còn không có triệu chứng nên nhiều gia đình không biết con mắc bệnh. Được biết bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang cấp cứu cho nhiều trẻ mắc hội chứng viêm MISC sau khi mắc COVID-19 và các cháu đều trong tình trạng rất nặng, phải thở máy, lọc máu.

Ngỡ ngàng hội chứng viêm MISC

Ngày 16-2, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 5 bệnh nhi hậu COVID-19 trong tình trạng rất nặng. Trên giường bệnh, bé Trần Ngọc T (8 tuổi, trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang nằm thiêm thiếp. Sau nhiều ngày chiến đấu với thở máy, hôm nay bé đã đỡ hơn, khiến chị Nguyễn Thị Lý (mẹ bé T) mừng vui khôn xiết.

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ: Không thể coi thường! -0
Cháu Trần Ngọc T đã bỏ được thở máy, đang được bác sĩ kiểm tra sức khỏe
Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ: Không thể coi thường! -1
Người mẹ này không biết con đã từng mắc COVID-19, khi hay tin con bị hậu COVID-19 đã hết sức bàng hoàng

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lý cho biết: “Cả gia đình không ai mắc COVID-19 nên cả nhà chưa từng nghĩ con đã mắc và khỏi COVID-19. Chỉ khi con sốt cao, mệt nhiều, đau họng, gia đình mới đưa con đi viện tuyến huyện và chuyển lên tuyến tỉnh. Ở Bắc Giang, con được chẩn đoán viêm amidan, nhiễm trùng huyết nhưng điều trị không tiến triển nên chuyển lên đây. Khi hay tin con đã từng nhiễm COVID-19 và nay mắc hội chứng hậu COVID-19, tôi thật sự bàng hoàng!”.

Theo TS.BS Đậu Việt Hùng, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, cháu T được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốc, suy giảm chức năng tim mạch, huyết áp thấp, rối loạn đông máu… và được xác định mắc hội chứng viêm MISC. Trước đó bé T điều trị suốt 2 tuần ở các bệnh viện tuyến dưới, nhưng cũng không xác định được rõ bệnh.

“Với các dấu hiệu điển hình của hội chứng hậu COVID-19, sau khi xét nghiệm kháng thể xác định tình trạng đã từng mắc COVID-19, trẻ được chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. May mắn, trẻ đáp ứng tốt. Sau 1 tuần, bé T được cai thở máy, dừng thuốc vận mạch và thiết bị hỗ trợ, hiện sử dụng thuốc đường uống và theo dõi chức năng tim mạch. Nếu sau 1-2 ngày nữa tình trạng ổn, bé có thể ra viện và tiếp tục điều trị ngoại trú. Chúng tôi hẹn tái khám sau 1 tháng để đánh giá chức năng tim mạch, mạch vành của bé”, BS Hùng cho biết.

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ: Không thể coi thường! -0
Một bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Minh Tú)

Cùng nhập viện trong tình trạng nặng như như bé T là bé N.P.T (7 tuổi, trú tại Hải Phòng). Bé N.P.T có các biểu hiện của hội chứng MISC rất điển hình như: Mắt đỏ, ban trên da, sốt cao, rối loạn đông máu… Sau khi nhập viện, bé được bác sĩ chỉ định phải thở máy, dùng nhiều thuốc vận mạch, ngoài ra chức năng thận suy giảm nên phải lọc máu… “Sau 3 ngày điều trị tích cực, chức năng thận của cháu được cải thiện hơn, đã bỏ được lọc máu, tuy nhiên bé vẫn còn thở máy, dùng thuốc vận mạch và thuốc hỗ trợ chức năng tim mạch”, BS Hùng cho biết. BS cũng cho hay, trường hợp này trẻ nhập viện được cha mẹ thông tin đã từng nhiễm COVID-19 nên xác định ngay trẻ mắc hội chứng hậu COVID-19 và áp dựng phác đồ điều trị khá nhanh chóng.

Theo BS Hùng, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp bố mẹ không biết trước đó con đã mắc COVID-19, nhưng khi nhập viện trẻ có tình trạng sốt kéo dài, suy giảm chức năng tim mạch hoặc sốc, phát ban trên da… nên với kinh nghiệm của các BS bệnh viện tuyến Trung ương đã phát hiện ra ngay. Các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm khẳng định bé từng nhiễm COVID-19 và áp dụng phác đồ điều trị hội chứng này…

Tuy nhiên, với một số bệnh viện tuyến dưới chưa có kinh nghiệm, việc phát hiện trẻ mắc hội chứng hậu COVID-19 sẽ khó khăn hơn nếu trước đó gia đình không biết con có tiền sử COVID-19.

Hậu COVID-19 ở trẻ em nặng hơn người lớn?

Cả nước đang bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, việc mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội, học sinh từ tiểu học đến THPT trở lại trường đã khiến cho số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong tuần qua. Trẻ em 5-11 tuổi chưa tiêm vaccine, việc trở lại trường học đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Ngoài mắc COVID-19, có nhiều trẻ còn mắc hội chứng hậu COVID-19 nặng nề.

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ: Không thể coi thường! -0
Phụ huynh nên cho con tái khám sau 2 tháng khi khỏi COVID-19

Tính từ khi bắt đầu có dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam đã có gần nửa triệu trẻ em mắc COVID-19, trong đó nhiều em phải điều trị hậu COVID-19. Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 7-2, trong tổng số 516.163 ca mắc COVID-19 của TP Hồ Chí Minh có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%. Qua phân tích 2.478 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm. Điều đặc biệt, nhiều trẻ em ở TP Hồ Chí Minh phải điều trị hậu COVID-19, trong đó có nhiều em bị sang chấn, rối loạn tâm lý.

Tại Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận và điều trị hậu COVID-19 cho từ 6-10 trẻ, các cháu vào nhập viện đều trong tình trạng rất nặng. Theo TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, từ đầu năm 2022, đặc biệt tuần giáp trước Tết đến nay có hơn chục cháu có hội chứng MISC, có 4 cháu nặng, sốc, suy đa tạng, phải thở máy và có hai bệnh nhân phải lọc máu hỗ trợ... diễn tiến bệnh rất phức tạp. Đáng lưu ý, trong 1 tuần trở lại đây, ngày nào khoa cũng tiếp nhận các ca mắc hội chứng hậu COVID-19. Trong chiều 16-2, thêm 2 ca hậu COVID-19 trú tại Hà Nội vào nhập viện.

Cũng theo Trưởng khoa Điều trị tích cực, với các cháu  bị hậu COID-19 chưa có biểu hiện sốc, chưa tổn thương đa cơ quan chỉ điều trị 3-5 ngày có thể ra viện. Nhưng các cháu nặng thì phải điều trị dài ngày. Cho tới nay, COVID-19 ngoài gây bệnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, sau COVID-19 có nhiều nghiên cứu hậu COVID-19 ở người lớn và trẻ em. WHO cũng đã chú ý vấn đề này và thấy các triệu chứng hậu COVID-19 thường xảy ra sau 2 tháng nhiễm COVID-19.

Theo BS Tạ Anh Tuấn, trẻ em mắc hậu COVID-19 thường rất nặng. Theo các nghiên cứu của chuyên gia nước ngoài, có khoảng 2/100.000 trẻ mắc hậu COVID-19, nhưng hậu quả rất nặng nề, là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em sau mắc COVID-19.

Hội chứng MISC là hội chứng viêm đa cơ quan, đa hệ thống sau nhiễm COVID-19 do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi virus xâm nhập cơ thể trẻ và trẻ tạo ra kháng thể chống lại virus, gây ra rối loạn, tạo ra các cytokine, gây tổn thương các cơ quan, toàn bộ hệ thống cơ quan cơ thể. Trong đó cơ quan hay gặp nhất như da (sốt, phát ban), tổn thương về tiêu hóa (nôn, ỉa chảy, đau bụng), tổn thương các hệ thống tim mạch (giãn mạch vành) và tổn thương cơ quan khác như thận (thận cấp tới 20%). Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây tử vong và diễn biến khó lường.

Nhận diện hội chứng viêm MISC

Qua thực tế tiếp nhận các ca hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, do không nhận diện được sớm bệnh, nên nhiều trẻ khi nhập viện đã ở trong tình trạng nặng. Đặc biệt nguy hiểm tới tính mạng khi nhiều gia đình không biết con có tiền sử nhiễm COVID-19.

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ: Không thể coi thường! -0
Bác sĩ đang siêu âm cho một bệnh nhi mắc hậu COVID-19 rất nặng

Bác sĩ Đậu Việt Hùng cho biết, COVID-19 là bệnh mới, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, hậu COVID-19 còn mới, nên hiểu biết về vấn đề này còn hạn chế, chưa phổ cập đến các hệ thống y tế. Bên cạnh đó, hội chứng hậu COVID-19 MISC ở trẻ dễ lẫn với nhiều bệnh khác như Kawasaki, sốc nhiễm trùng, thực bào máu… nên dễ chẩn đoán nhầm, hoặc bỏ sót khi thăm khám ở tuyến dưới. Do vậy, ngành y tế cần đẩy mạnh tập huấn để các bác sĩ tuyến dưới có thể nhanh chóng phát hiện, chấn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Vậy làm thế nào để biết trẻ bị hậu COVID-19? Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn, với tỷ lệ nhiễm tương đối lớn, các triệu chứng COVID-19 ở trẻ rất nhẹ nhàng, không biểu hiện rõ ràng, nặng nề như người lớn nhưng chính vì triệu chứng chỉ thoáng qua nên không biết trẻ đã mắc COVID-19 từ bao giờ. Thông thường, các cháu mắc COVID-19 sau 2-6 tuần có biểu hiện: Xuất hiện sốt cao trở lại (Theo WHO, CDC Hoa Kỳ sốt cao ít nhất trên 24 giờ) kèm theo tổn thương da, phù nề, sưng huyết mắt, niêm mạc, tay chân, các rối loạn về tiêu hóa, biểu hiện sốc mệt da tái, tim nhanh, tụt huyết áp, tổn thương tim mạch… Đây là dấu hiệu của hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ.

Đứng trước dấu hiệu này, nếu bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19 hoặc gia đình từng có người mắc hoặc tại vùng dịch có rất nhiều người mắc COVID-19, cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để khám. Khi vào viện, các bác sĩ sẽ cho trẻ làm các xét nghiệm vì ngoài biểu hiện lâm sàng có biểu hiện cận lâm sàng gợi ý hội chứng này: Đáp ứng viêm hệ thống tăng rất cao, các xét nghiệm viêm rất cao như máu lắng…; đánh giá chức năng của tim, xét nghiệm men tim; chẩn đoán rối loạn đông máu; xét nghiệm về cơn bão cytokine… Bên cạnh đó nếu nghi ngờ tổn thương tim cho làm điện tim, siêu âm tim, X-quang tim phổi, xét nghiệm chức năng gan thận.

Để phòng ngừa hậu COVID-19 ở trẻ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn khuyến cáo: Phải tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ để giảm mức độ nặng và biến chứng của bệnh. Khi trẻ đi học, tham gia các hoạt động khác phải cố gắng thực hiện 5K, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, có chế độ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý. Gia đình có con từng nhiễm hoặc ở vùng dịch nếu thấy trẻ có xuất hiện dấu hiệu trên cần đưa ngay tới cơ sở uy tín để khám. Trẻ nhiễm COVID-19 sau khi ra viện được tư vấn tái khám theo hướng dẫn sau 2 tháng, tùy tình trạng bệnh nhân có lịch tái khám. Sau khi khỏi COVID-19, gia đình cho trẻ nghỉ ngơi, tránh hoạt động nặng nề, có các chế độ dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc tinh thần cho trẻ thoải mái để giảm triệu chứng sau nhiễm COVID-19.

Trần Hằng
.
.