Hồi sinh màu xanh trên đất “chết”

Chủ Nhật, 26/05/2024, 16:10

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Ám ảnh dioxin

Chiến tranh đã đi qua lâu, những tiếng nổ của bom mìn, những tiếng rít của đạn pháo, những tiếng súng cũng đã ngưng lâu rồi. Tưởng chừng như thế là an yên, nhưng nỗi ám ảnh chất độc da cam dioxin vẫn còn đó, dai dẳng và khốc liệt như chưa từng chấm dứt. Rẻo đất chon von trên dãy Trường Sơn ngàn năm mây trắng, lọt thỏm trong thung lũng A Sầu (A Lưới, Thừa Thiên Huế) là sân bay A So. Đây từng là tọa độ lửa khốc liệt thời chiến được gọi những cái tên nghe rất hãi hùng như "cái rốn da cam", "vùng đất chết" bởi còn vương vãi chất độc da cam dioxin.

Trong các tài liệu để lại, A So không chỉ có sân bay quân sự mà còn có kho chất độc hóa học dùng cho cả chiến trường Thừa Thiên, Quảng Trị trong chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ. Các khảo sát sau này cho thấy, đến năm 1997, dư  lượng chất độc da cam dioxin ở khu vực sân bay A So và lân cận là 597,3 Pg/m2 đất. Theo các tài liệu khoa học thì thấp hơn con số đó 5 lần thì dư lượng cũng đã ảnh hưởng lớn đến di truyền và các mặt đời sống người dân. Tất cả mọi thứ từ đất, nước, cây cối... đều có nồng độ dioxin cao hơn 26 lần mức cho phép.

Hồi sinh màu xanh trên đất “chết” -0
Binh chủng hóa học làm sạch dioxin tại sân bay A So. Ảnh: Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước năm 1991, nơi đây không có một bóng người khi chiến tranh qua, người ta dường như cũng lãng quên nó. Thế nhưng, trong kế hoạch định canh định cư ở A Lưới, vùng đất quanh khu vực A So này lại được nhắc tới. Năm 1991, có 95 hộ dân của đồng bào Pa Kô lập nên xã mới mang tên Đông Sơn, bao gồm một vùng đất rộng lớn bao quanh căn cứ quân sự và sân bay A So. Vùng rốn da cam thuộc xã Đông Sơn này với đông đảo người dân ở các thôn bản như Loa, Ta Vai, Tru, Ân Sam sống quanh khu vực sân bay A So có lẽ là những người thấu hiểu hơn hết bi kịch chất độc dioxin còn sót lại. Chất độc đã thấm sâu vào đất, làm nhiễm độc nguồn nước, biến nơi đây thành một “vùng đất chết”.

Không chỉ làm chết người, nó còn để lại hậu quả cho nhiều đời sau, khiến những đứa trẻ ra đời bị dị dạng, dị tật, bại não, chậm phát triển trí tuệ, liệt toàn thân. Những ai từng đặt chân đến đây, đều không khỏi bùi ngùi, xót xa khi chứng kiến những đứa trẻ sinh ra với hình hài không trọn vẹn, những con người hằng ngày quằn quại, đau đớn do chất độc này mang lại. Toàn xã có 3 thôn, 404 hộ, với 1.614 nhân khẩu; trong đó, có 384 hộ, 1.561 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số. Xã có 301 hộ nghèo, 60 hộ cận nghèo đều là dân tộc thiểu số. Toàn xã có đến hơn 400 người nghi nhiễm, 40 người đang hưởng chế độ chất độc da cam dioxin, đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống vô cùng khó khăn. Chất độc ấy còn giết chết cây rừng, biến những cánh rừng bạt ngàn thành đất trống đồi trọc, khiến nhiều loài động vật quý hiếm, có giá trị kinh tế chết dần. Việc trồng trọt, chăn nuôi không thể phát triển được, có thời điểm sản phẩm làm ra chỉ có thể để dùng, không thể đem bán, vì có bán cũng không ai dám mua.

Bệnh tật, nghèo đói là thế, người ta cứ tưởng bà con nơi đây sẽ gục ngã, nhưng không, họ vẫn yêu quý, gắn bó vùng đất này với tinh thần lạc quan, quyết vượt lên tất cả. Bà con nơi đây chỉ mong một ngày vùng đất chết sẽ được tẩy độc và hồi sinh, để con cháu đời sau thoát khỏi bệnh tật, được hạnh phúc và có cuộc sống bình thường như mọi người. Dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So được thực hiện từ năm 2020 đến nay đã xử lý xong 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp cô lập và xử lý xong 1 luống bằng phương pháp phân hủy sinh học (tổng khối lượng 38.718 m3 đất nhiễm, trong đó xử lý sinh học 6.500 m3, xử lý chôn lấp cô lập 32.218 m3; tổng diện tích 9,35ha; hiện đã tiến hành hoàn thổ và trồng cây trên diện tích đất khu B (5,23 ha), san mặt bằng hố chôn dự án tại khu A của dự án và bàn giao đất sạch cho địa phương vào cuối năm 2023.

Hồi sinh màu xanh trên đất “chết” -0
Bò vàng A Lưới được người dân chăn nuôi, cải thiện kinh tế.

Dự án xử lý đất nhiễm dioxin hoàn thành là cơ hội mới cho cuộc sống bà con nhân dân nơi đây cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương sẽ được mở ra. Ngày diễn ra lễ bàn giao đất cho địa phương, những người lính của Binh chủng hóa học đã không giấu nổi những niềm xúc động khi đất ở sân bay A So đã được tẩy sạch chất độc. Thời gian làm nhiệm vụ giúp đất chết hồi sinh, những người lính hóa học ấy còn thực hiện nhiệm vụ bù đắp nỗi đau da cam cho đồng bào nơi đây, giúp dân dựng nhà cửa, tặng vật nuôi cho bà con có người thân bị di chứng chất độc da cam. Và, họ đã cùng người dân gầy dựng lại sự sống trên vùng đất chết.

Đất chết hồi sinh

Chiều tà, nắng đong từng vạt cuối ngày vàng ruộm lên mái nhà văn hóa thôn, già trẻ ríu rít nói cười loang vào đại ngàn đang dần sẫm lại. Hơn 30 năm sống cùng tử thần, niềm mong mỏi của người Pa Kô nơi thung lũng A Sầu này cuối cùng cũng thành hiện thực. Vùng đất chết trên chiến địa năm nào đã được hồi sinh. Đồng bào Pa Kô nơi này từ khổ đau khốn cùng, cho đến chờ đợi và hy vọng, rồi cuối cùng òa vỡ niềm hạnh phúc khi đất đã sạch. Những khốn khó bao năm đã được đền đáp bằng những mảnh đất cấy trồng, bằng những heo, bò, gà, dê, mang đến cuộc sống đủ đầy hơn.

Túng bấn và đớn đau vì dioxin, nhưng câu chuyện của những người Pa Kô không chất chứa sự bần cùng, u ám mà ngời lên nghị lực phi thường. Tự lực vươn lên, không quản khó khăn, người dân  Đông Sơn đã ra các vùng đất đồi quanh đó trồng trỉa, chăn nuôi. Hơn hết, đó là sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cùng chính quyền địa phương với rất nhiều dự án phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống cho người dân. Với đặc thù là xã biên giới có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cũng là địa phương được hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên đầu tư của tỉnh, huyện. Năm 2015, xã còn cấp gần 100 ha đất rừng cho các hộ dân để người dân trồng rừng kinh tế, qua đó góp phần phủ xanh các đồi núi trọc.

Cùng với đó, nhiều chương trình như hỗ trợ đồng bào vay vốn để sản xuất, hỗ trợ cây con, trồng rừng. Các chương trình 134, 135, 160, WB, dự án giảm nghèo, chương trình 12 xã biên giới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 1719... có hiệu quả và có tính đồng bộ đã mang lại nhiều thay đổi. Có những thời điểm người dân gieo trồng gần 3.400 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 9.400 tấn, còn phát triển hơn 1.300 ha cao su, 467 ha chuối hàng hóa. Nhà nào cũng có ruộng, kết hợp chăn nuôi gia cầm, gia súc, đào ao thả cá. Vùng đất Đông Sơn nay đã dần đổi khác với sức sống điện, đường, trường, trạm.

Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp cấp mầm non đạt 100%, cấp tiểu học đạt 100%; xã có 1 trường mầm non, 1 tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn xã là 58 km, trong đó, nhựa hóa 2 tuyến, dài 5,5 km; bê tông hóa dài 29 km. Nhà nước đã thực hiện chính sách xóa nhà tạm cho 217 hộ dân. 100% các hộ dân có nước sạch sử dụng.

Hồi sinh màu xanh trên đất “chết” -0
Người dân và chính quyền địa phương vui mừng với việc canh tác, chăn nuôi trên đất chết năm xưa.

Nhiều hộ gia đình ngoài tăng gia sản xuất, còn mở rộng kinh doanh, đầu tư phát triển nghề thủ công truyền thống, tăng thu nhập, tạo nên sự thay đổi bộ mặt miền núi Đông Sơn. Chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các loại cây phù hợp với đặc điểm vùng đất này, như cây keo, sắn, ngô; hỗ trợ bò, trâu, dê... để bà con chăn nuôi, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Như trường hợp vợ chồng chị Lê Thị Sáu trồng lúa nước đạt 50 tạ/ha, cùng mấy chục ha rừng trồng, chăn nuôi mấy chục con bò. Hay, gia đình anh Hồ Văn Tanh trồng được 3 ha rừng, nuôi 17 con trâu. Anh Hồ Văn Lợi với vốn vay 50 triệu đồng đầu tư mô hình kinh tế kết hợp trồng rừng, nuôi bò đàn và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa cho thu nhập mỗi năm 250-300 triệu đồng.

Ngoài gia đình anh Hồ Văn Lợi, có thể kể đến hàng chục hộ như Hồ Văn Tua, Hồ Văn Tình, Hồ Thị Lành, Hồ Văn Tanh..., mỗi gia đình trồng vài ha rừng, chăn nuôi gia súc hàng chục con, mở rộng kinh doanh và làm thêm nghề thủ công truyền thống, tạo nên sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở địa phương.

Hồi sinh màu xanh trên đất “chết” -0
Giấc mơ hồi sinh vùng đất chết của bà con nơi đây đang dần thành hiện thực.

Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp, luôn được ưu tiên đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí đất ở, đất sản xuất. Được tạo sinh kế, nhiều hộ gia đình đồng bào đã thoát nghèo bền vững. Ông Lê Thanh Tường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Sơn nhấn mạnh, nhiều người dân của xã Đông Sơn giờ không chỉ lo làm ăn thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Nhân dân xã Đông Sơn sống trên mảnh đất tưởng chừng như không dành cho sự sống. Họ cày cấy, chăn nuôi bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết. Những khoảng rừng xanh tốt, những cánh đồng lúa mượt mà là những minh chứng thuyết phục cho sức sống của họ trên mảnh đất A So, Đông Sơn một thời khói lửa, chết chóc. Thành công của nhân dân Đông Sơn cũng là thành công của Đảng và Nhà nước khi đưa người dân vượt lên tất cả để quá khứ dioxin dần lùi xa.

Tà dương gác non Tây, người về xuôi theo cung đường 49 treo bên vực sâu hun hút, thung lũng A Sầu lòa nhòa ánh điện, loáng thoáng sau những vạt rừng tím thẫm. Giấc mơ hồi sinh vùng đất chết của bà con nơi đây đang dần thành hiện thực. Trên vùng đất ấy rồi đây hoa sẽ nở, cuộc sống của người dân đang thay đổi từng ngày.

Ngày 7/2/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm chứng tích hóa học sân bay A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới). Đầu năm 2016, UBND huyện A Lưới cũng tổ chức khánh thành và mở cửa đón khách tham quan nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học tại sân bay A So.

Tiêu Dao - Bảo Anh
.
.